Hỏi:

Thưa cha, báo Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp số tháng 8/2004 vừa qua có đăng một bài về ‘Ðức Maria Vô Nhiễm Thai’. Trong bài ấy, có đề cập tới sự khác biệt giữa ‘tội truyền’ và ‘tội tổ tông’. Bài ấy cũng dùng những danh từ như ‘vô nhiễm thai’, ‘vô nhiễm tội truyền’ thay vì dùng chữ ‘vô nhiễm nguyên tội’. Con không rõ cách dùng chữ như vậy có ‘ổn’ không? Tư tưởng của bài viết ấy có gì trái lạ với giáo lý Công giáo về tín điều này không? Xin cha cho biết ý kiến.

(Ẩn Danh - California)

Ðáp:

a) Dựa theo mạc khải Kinh thánh, nhất là theo tư tưởng của Thánh Phaolô trong Thơ gửi tín hữu Rôma, tín lý Công giáo luôn nhìn nhận có ‘tội tổ tông’. Ðó là việc Adam nguyên tổ loài người đã phản nghịch cùng Thiên Chúa. Hành động phản nghịch này là một sự kiện lịch sử đã xảy ra lúc khởi đầu nhân loại.

Nhưng chi tiết hơn, tín lý Công giáo cũng ghi nhận rằng việc phản nghịch này đã dẫn đến hậu quả cụ thể như sau. Nó làm cho Adam mất đi sự thánh thiện, công chính nguyên thủy và hồng ân trường sinh mà Thiên Chúa tặng ban cho nhân loại từ đầu. Do đó, con người, với tính cách là dòng dõi Adam, khi sinh ra thì bị (mắc nhiễm) rơi vào tình trạng thương tích, yếu đuối, nghiêng chiều về tội lỗi. Chính tình trạng ấy là yếu tố nền tảng khiến mỗi con người có thể làm nên mọi tội lỗi. Và chính tình trạng ấy là ‘nguyên tội’ (tội nguyên thủy, hay nguyên do của mọi hành động tội).

Như vậy, theo Ðức Tin Công giáo, quả thật ta có thể phân biệt rằng có ‘tội nguyên tổ’ (sin of Adam) và có ‘tội nguyên thủy’ (original sin). Tội nguyên tổ (tội tổ tông) là hành động lịch sử của Adam. Trong sách Khởi nguyên, tội đó được diễn tả cách triết lý, bóng bảy, qua chuyện Adam và Eva ăn trái cấm trong vườn địa đàng. Tội nguyên thủy (tội nguyên tổ, tội truyền) là một tình trạng yếu nhược mà mỗi người đều mang trong mình, khiến ta có thể làm những việc tội lỗi cụ thể.

Ơn Cứu Chuộc của Chúa Kitô là nhằm vào việc giải thoát nhân loại khỏi tình trạng nguyên tội này, và hoàn lại cho con người những hồng ân nguyên thủy. Tác động của bí tích thánh tẩy là nhằm thực hiện việc giải phóng ấy cách cụ thể (xem thêm chi tiết trong Sách Giáo lý Công giáo, khoản 413-421)

b) Trước hết, chúng tôi xin trả lời về việc dùng các cụm từ ‘vô nhiễm thai’, ‘vô nhiễm tội truyền’ và ‘vô nhiễm nguyên tội’. Trong sắc chỉ Ineffabilis Deus (1854), Ðức Giáo Hoàng Piô IX công bố tín điều Ðức Mẹ Vô Nhiễm Nguyên Tội như sau: ".Vào giây phút đầu tiên khi được đầu thai, Ðức Trinh Nữ Maria rất diễm phúc đã được bảo vệ toàn vẹn khỏi mọi tỳ ố tội nguyên tổ, nhờ đặc ân của Thiên chúa toàn năng.". Khi hiện ra với thánh Bernadette ở Lộ-đức, Ðức Mẹ đã nói với chị thánh bằng thổ ngữ của chị rằng: "Que soy era Immaculada Councepciou - Ta là Ðấng tinh tuyền (khi được) tượng thai!"

Cả hai yếu tố ghi nhận trên đây cho phép chúng ta hiểu (và tin) rằng việc Ðức Mẹ không bị vương nhiễm tội nguyên tổ từ giây phút đầu thai trong lòng mẹ mình (thánh Anna) là một sự thật của niềm tin Công giáo. Ðó là một đặc ân "nhân danh công nghiệp của Ðức Giêsu Kitô, Ðấng Cứu Ðộ nhân loại" (Inffabilis Deus), Ðấng mà Maria sẽ cưu mang và hạsinh từ cung lòng mình.

Khi hiểu và công nhận ý tưởng tín lý căn bản trên, việc diễn tả sẽ ổn thỏa thôi. Vì nếu đồng ý rằng tín điều Mẹ Maria Vô Nhiễm Nguyên Tội nghĩa là Mẹ được thành thai và sinh ra trong tình trạng nguyên tuyền, miễn nhiễm tội tổ tông và hệ quả của tội đó, thì nói rằng đó là ơn ‘vô nhiễm thai’, ‘vô nhiễm tội truyền’, hay ‘vô nhiễm nguyên tội’, thật ra cũng là nhắm đến tín lý ấy. Vấn đề ở đây chỉ là vấn đề từ ngữ.

Lm Trần Quốc Bảo
báo Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp