Hỏi: Thưa cha, con có một thắc mắc về lẽ đạo khiến con hoang mang đức tin quá, cầu xin cha giúp đỡ. Thằng con trai đầu lòng của con gái con đã lấy vợ cách đây 4 năm. Ðám cưới linh đình lắm. Thánh lễ có gần 10 cha đồng tế. Rước dâu có 3 chiếc xe hoa. Nhưng thật ra, chúng nó chỉ mới biết nhau được một mùa hè. Cha mẹ chúng nó là bạn thân với nhau nên móc nối tình duyên cho chúng.

Từ hơn hai năm nay, chúng nó cãi cọ rồi đưa nhau ra ly dị tòa đời. Giấy ly dị phần đời đã xong. Hiện nay, con biết rằng thằng cháu ngoại của con sắp được giáo hội cho giấy tháo gỡ bí tích hôn phối cũ để chuẩn bị lấy vợ lại. Tại sao giáo hội dạy rằng cấm ly dị mà trong thực tế lại cho cháu con giấy ly dị như thế khi mà vợ cũ nó còn sống nhăn? Con không hiểu giữa giáo lý thời đại này và thời xưa của con khác nhau thế nào!!?

Cụ Minh Trí - San Jose

Ðáp: Thưa cụ, trước nhất xin khẳng định rằng, từ xưa đến nay, không có sự khác biệt trong giáo huấn của giáo hội về vấn đề ly dị. Giáo huấn ấy đặt trên lề luật của Thiên Chúa được mạc khải rõ ràng trong Phúc Âm "Sự gì Thiên Chúa liên kết, con người không được tháo gỡ’ (Mt. 19:6).

Chúng tôi hiểu rằng việc mà người cháu ngoại của cụ đang thực hiện có lẽ là thủ tục "tiêu hôn" (annulment). Và nếu đúng như thế thì thắc mắc của cụ cho phép chúng tôi, một lần nữa, nhắc lại 2 trường hợp cần phải phân biệt rõ ràng: Tiêu hôn (annulment) và Ly dị (divorce).

‘Tiêu hôn’ khác biệt hoàn toàn với ‘ly dị’. Tiêu hôn là xác nhận rằng một cuộc hôn nhân đã không thành bí tích (sacramentally invalid). Ngược lại, ly dị là tự ý phân ly, phá đổ một khế ước hôn nhân đã thành bí tích (sacramentally valid).

Một giao ước hôn nhân có thể không thành bí tích khi bị vướng vào những yếu tố như: bị ép buộc cưới nhau, gian dối hay lừa gạt tình cảm, thiếu sự hiểu biết và ưng thuận rõ ràng về bản chất, mục đích, quyền lợi trong hôn nhân (xem Giáo luật từ số 1095 đến số 1107); bị rơi vào những điều đã được Giáo hội quy định (xem Giáo luật số 1083 đến số 1094).

Nghĩa là, một giao ước hôn nhân tuy đã được cử hành theo nghi thức công giáo bên ngoài (...và bất kể là có bao nhiêu cha đồng tế hay rước dâu bằng bao nhiêu xe hoa!) vẫn có thể được coi là không thành bí tích (bên trong) khi bị mắc vào những yếu tố nêu trên. Và, nếu cuộc hôn nhân quả thật không thành sự, thì hôn nhân ấy cũng không bị giây bí tích ràng buộc (sacramental bond). Do đó, tự nó, việc tái hôn trong trường hợp này sẽ không bị ngăn trở, hoặc bất hợp pháp, xét theo luật đạo Công giáo.

Vậy, khi nghe nói rằng có một cặp hôn phối công giáo nào đó đã ly dị mà được phép tái hôn trong nhà thờ qua bí tích, ta phải hiểu rằng không phải giáo hội cho phép hủy bỏ một bí tích hôn phối đã thành sự. Tính chất vĩnh viễn của bí tích hôn phối là luật mà chính Thiên Chúa thiết định (divine law), và không ai trong giáo hội có thể phá đổ. Giáo hội chỉ có quyền điều tra dữ kiện, suy tư và phán quyết rằng một cuộc hôn phối đã thật sự thành bí tích chưa. Nếu chưa, thì đương nhiên giáo hội có thể cho phép cử hành bí tích hôn phối, sau khi giấy ly dị phần đời đã xong.

Tuy nhiên, để việc cử hành hôn nhân mới được thật sự hợp pháp, giáo luật yêu cầu hai người phải làm thủ tục tiêu hôn, và phải nhận được phán quyết tiêu hôn chính thức (nullity decree) của giáo quyền trước khi tiến hành nghi thức hôn phối lại (xem Giáo luật số 1085: 2).

Lm Trần Quốc Bảo
báo Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp