Hỏi: Thưa cha, mới đây con có một người quen hình như bị quỷ ám và làm những điều kỳ lạ. Con nghe nói có một linh mục công giáo đến để làm nghi thức trừ quỷ. Khi bàn đến chuyện này, các con cái trong gia đình con sợ hãi và hoang mang lắm. Xin cha giải thích cho chúng con biết ngày nay có chuyện quỷ ám không? Khi nào thì biết là bị quỷ ám? Giáo hội trừ quỷ thế nào?

Xin Dấu Tên

Ðáp: Về vấn đề ma quỷ và hoạt động của chúng trong xã hội ngày nay, bạn có thể tìm đọc tác phẩm của Hal Lindsey và C.C. Carlson, đã được tác giả Linh Giao phóng tác ra Việt ngữ dưới tựa đề ‘Satan Vẫn Còn Sống Và Ðang Tung Hoành Trên Mặt Ðất’ (NXB Thế giới, 1992). Nội dung tác phẩm ấy làm cho ta phần nào nhớ lại tư tưởng của Ðức Giáo Hoàng Phaolô VI năm 1972 rằng: ma quỷ, những tạo vật vô hình, mưu mô, có thật và vẫn còn hoạt động rất mạnh. Nó hành động cách trực tiếp hoặc qua những sự cám dỗ con người.

Khi ma quỷ xuất đầu lộ diện cách trực tiếp, chúng thường phá phách và gây nên những hiện tượng kỳ lạ, khác thường (lay động đồ đạc, phá phách, v.v.). Chúng có thể xâm nhập vào một người nào và quấy quất đời sống đương sự. Phúc âm cũng có đề cập đến những trường hợp quỷ ám cụ thể.

Thật ra, nhận định để biết khi nào bị quỷ ám thật sự là một việc rất tế nhị và phức tạp. Phương diện tâm lý và tâm linh trong đời sống con người không luôn rõ ràng, cụ thể như phương diện thể lý. Có người tưởng là ‘bị ám’ nhưng sau cùng chỉ là những mặc cảm tội lỗi, sợ hãi ám ảnh, làm lo sợ đến độ mất tự chủ. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm lâu năm của các vị trừ quỷ thì có vài dấu chỉ của tình trạng quỷ ám thực sự. Người bị quỷ ám có thể nói tiếng lạ, thông thạo ngoại ngữ chưa bao giờ học qua, hay bỗng nhiên có một sức mạnh kỳ lạ hơn tuổi tác, sức khoẻ bình thường của mình. Họ hay có những thái độ quái gở, mờ ám, v.v.

Ðể nhận diện trường hợp bị quỷ ám, Giáo hội thường rất thận trọng. Nhiều khi, hiện tượng mà mọi người nghĩ là quỷ ám chỉ là những tác động do bệnh thần kinh. Trường hợp ấy cần một bác sĩ hoặc một cố vấn tâm lý hơn là một linh mục.

Nếu quả là trường hợp bị ma quỷ ám phá, thì linh mục sẽ làm nghi thức trừ quỷ hẳn hoi. Với nước thánh, lời kinh, câu truyền, vị đại diện Giáo hội sẽ nhân danh Thiên Chúa mà tống xuất ma quỷ ra khỏi nạn nhân.

Trong truyền thống Giáo hội công giáo, linh mục nào cũng lãnh nhận ‘chức trừ quỷ’ (mang tính cách biểu tượng) là một trong ‘bảy chức’ (hoặc bảy thừa tác vụ - ministries) của chức linh mục. Nhưng trách vụ trừ quỷ thật sự và đúng nghĩa là một năng quyền đặc biệt (Faculty of exorcisme) do Ðức giám mục ủy thác cách riêng, nhân danh Chúa. Chính các giám mục, với tư cách là những người kế vị các tông đồ, mới có đầy đủ thẩm quyền Chúa ban để khử trừ, xua đuổi ma quỷ, hầu thi hành sứ vụ chăn dắt, dạy dỗ và thánh hóa đoàn chiên.

Mỗi Giáo phận thường có một hai linh mục thánh thiện, sáng suốt, được chọn làm công việc trừ quỷ. Có khi các ngài phải khổ công chay tịnh, cầu nguyện, và kiên nhẫn cử hành nghi thức trừ nhiều lần nạn nhân mới được giải thoát. Chúa Giêsu cũng chỉ dạy các tông đồ rằng có "giống quỷ không chịu ra nếu (.) không ăn chay, cầu nguyện" (Mt. 17:21).
Lm Trần Quốc Bảo
báo Ðức Mẹ Hằng Cứu Giúp