Hội Thánh, với tư cách là kho tàng của ân sủng và người thừa hành lệnh truyền của Thiên Chúa phân phát ân sủng, luôn lên tiếng bảo vệ và bênh vực cho sự sống là quà tặng vô giá từ Thiên Chúa và chỉ có Thiên Chúa mới có thể ban tặng. Nguồn mạch đức tin của Hội Thánh chính là mầu nhiệm Phục Sinh, mầu nhiệm của sự sống. Do đó, Giáo Hội không thể và không bao giờ thoả hiệp với nền văn hoá sự chết dù chỉ trong vấn đề nhỏ nhặt nhất. Một trong những minh chứng cho sứ mạng bảo vệ sự sống của Hội Thánh chính là giáo huấn nghiêm khắc của Hội Thánh về vấn đề, được trình bày trong Học Thuyết Xã Hội Công Giáo.

Bài 3 PHÁ THAI LÀ TỘI ÁC
Thực trạng phá thai ở nhiều nước đã đến mức báo động, riêng ở Việt nam càng khủng khiếp hơn do nhiều nguyên nhân. Nền giáo dục thiếu nhân bản và hoàn toàn vắng bóng các giá trị siêu việt ngày càng làm cho giới trẻ nao núng, mất khả năng phân biệt cái tốt cái xấu, mất ý thức trách nhiệm và không còn ý thức về những giá trị tinh thần và tâm linh. Trong mục Bảo Vệ Sự Sống trên website www.huongvedaihoidanchua.net, người ta đọc thấy việc phá thai xảy ra dễ dàng mỗi ngày, trở thành nỗi đau âm ỉ cho con người và xã hội.

Nhìn thấy trước và muốn ngăn chặn tình trạng tội ác này, Hội Thánh nhiều lần lên tiếng cảnh báo bằng huấn quyền và bằng tấm lòng của người Mẹ. Ở đây chúng tôi xin lược qua vài nét chính yếu của Học Thuyết Xã Hội Công Giáo về vấn nạn này.

1. Thai nhi có quyền được sống.
Người ta đưa ra hai lý do chính để phá thai: dân số quá đông, hoàn cảnh ép buộc. Nói dân số quá đông là cách nói ích kỷ đầy mâu thuẫn. Ta được sống, được hưởng hạnh phúc của cuộc đời và ta không muốn có người khác chen vào chỗ đứng của ta ? Phi lý ! Nói hoàn cảnh ép buộc là cách nói vô trách nhiệm. Nhưng sâu xa hơn, người ta phá thai là vì người ta không nhận ra sự sống là cao quí; và con người, dù là thai nhi, có phẩm giá siêu việt vì chính Chúa đã tạo nên họ giống hình ảnh Ngài và họ được Đức Kytô dùng chính máu thánh Người mà cứu chuộc. (1)

Chính vì vậy mà con người có những quyền căn bản bất khả xâm phạm. Trong thông điệp Centesimus Annus, Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II đưa ra một danh sách các quyền thuộc nhân quyền, mà đứng đầu là « quyền được sống, một phần của quyền ấy là quyền của đứa trẻ được lớn lên trong bụng mẹ ngay từ khi thụ thai » (2)

Không ai có thể tự ý tước đoạt quyền được sống và quyền làm người của trẻ em. Nhiều người cho rằng lợi dụng sự yếu đuối không thể tự vệ của thai nhi để giết em còn là hành vi hèn hạ.

2. Phá thai là tội ác ghê tởm.
Không chỉ là hành vi hèn hạ, phá thai là một tội ác, Hội Thánh gọi là « tội ác ghê tởm ». Do đó, Hội Thánh nhấn mạnh rằng trong việc thực hành sinh sản có trách nhiệm, phải loại bỏ việc triệt sản và phá thai vì điều ấy bất hợp pháp về luân lý. (3)

Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, trong tông thư gửi các gia đình Gratissimam Sane và trong Thông điệp Evangelium Vitae, dạy rằng « phá thai là tội ác đáng ghê tởm và là một sự phá hoại luân lý một cách đặc biệt nghiêm trọng; thay vì là quyền lợi, phá thai chính là một hiện tượng đáng buồn góp phần đáng kể vào việc phổ biến não trạng chống lại sự sống, là một sự đe doạ nguy hiểm cho việc chung sống trong xã hội một cách công bằng và dân chủ ».

3. Chế tài của Luật Hội Thánh về tội phá thai.
Là vương quốc đặc biệt, vương quốc của Thiên Chúa, Hội Thánh là hình bóng của Nước Trời mai sau. Nhưng Giáo Hội cũng là tổ chức hữu hình của con người, nên Hội Thánh ngoài các giới răn Thiên Chúa, còn có bộ luật riêng là Giáo Luật. Giáo Luật qui định chế tài rất nghiêm ngặt về hành vi phá thai.

Phá thai là tội nặng nề trước mặt Chúa và còn bị vạ tuyệt thông. Giáo luật xếp tội phá thai vào những tội phạm đến sự sống và sự tự do của con người. Ðiều 1398 Bộ Giáo Luật 1983 qui định: « Ai thi hành việc phá thai, và việc phá thai có kết quả, sẽ mắc vạ tuyệt thông tiền kết », nghĩa là vạ có hiệu lực ngay khi người ta thi hành việc phá thai có kết quả.

4. Dân biểu Công giáo phải làm gì ?
Ở Việt nam hiện nay chưa có người Công giáo làm đại biểu Quốc Hội vì nhiều nguyên nhân (trừ các anh quốc doanh được đẩy vào cho… khí thế !!!). Ở nhiều nước, người Công giáo làm nghị sĩ, dân biều là chuyện bình thường, để đóng góp công sức, tài năng và ý kiến vào việc hình thành và thực thi luật pháp, duy trì trật tự xã hội. Hội Thánh với sự khôn ngoan và cẩn thận, đã tiên liệu những tình huống trong chính trường đi ngược lại với lương tâm Công giáo, để đưa ra những chỉ dẫn hành động thích hợp.

Hội Thánh đưa ra nguyên tắc chung: « Khi - xét tới các lĩnh vực hay thực tại có liên quan đến các bổn phận đạo đức căn bản - những lựa chọn pháp lý hay chính trị nào đi ngược lại với những nguyên tắc và giá trị Kitô giáo được đề nghị hoặc được thực hiện, Huấn Quyền dạy rằng “một lương tâm Kitô hữu được giáo dục tốt không cho phép người đó bỏ phiếu thuận cho một chương trình chính trị hoặc cho một luật lệ cá thể đi ngược lại với những nội dung căn bản của niềm tin và luân lý » (4)

Trong trường hợp dân biểu Công giáo không thể cản trở luật gây tội ác, thì họ phải phản kháng công khai, và « ủng hộ một cách hợp pháp những đề nghị có mục đích giới hạn thiệt hại phát sinh từ những chương trình và luật lệ đó và có mục đích giảm thiểu những hậu quả tiêu cực về mặt văn hoá và đạo đức quần chúng » (5)

5. Và chúng ta phải làm gì ?
Việc cầu nguyện là việc làm dễ dàng ở mọi nơi mọi lúc và đem lại hiệu quả nhanh chóng thiết thực nhất. Sự ác còn tràn lan một phần vì chúng ta, những người sống gấn Chúa, chưa cầu nguyện cho đủ.

Việc cầu nguyện đồng thời cũng phải đi đôi với hành động cụ thể để giảm bớt đau thương vì hành vi gây ra cái chết phi lý cho các trẻ thơ vô cùng dễ thương và vô tội. Nhiều người trong chúng ta đã nghe chuyện một người mẹ được bác sĩ khuyên phá thai vì mấy đứa con trước của bà đã bị dị tật và chết. Bà cương quyết không giết con vì đó là con bà và vì phá thai là xúc phạm đến Thiên Chúa. Bà đã sinh đứa con ấy năm 1770, bé rửa tội ngày 17 tháng 12 năm đó. Sau này cả thế giới biết đến người con này dưới tên gọi Beethoven, đại nhạc sĩ lừng danh.

Cho dù con người lớn lên không có tài năng nổi trội, họ vẫn xứng đáng được sống và hưởng gia sản mà Chúa dành cho từng phận người, không ai có quyền loại bỏ họ, vì chỉ có Chúa mới có quyền trên sinh mạng con người. Không phạm tội này, khuyên bảo người khác để họ bỏ ý định phạm tội và cầu nguyện cho các trẻ em là điều chúng ta đừng quên thực hiện hàng ngày.

Xin Mẹ là Đấng đã bảo vệ sự sống cho Giêsu bé thơ, giúp chúng con yêu mến và tôn trọng sự sống vì chính Chúa và chỉ có Chúa mới tạo thành sự sống diệu kỳ.

Ghi chú:
(1) Học Thuyết Xã Hội Công Giáo, chương 3, số 105 – 108.
(2) Ibid. 155; Gioan Phaolô II, Thông điệp Centesimus Annus, 47: AAS 83 (1991), 851-852; x.
Diễn văn gửi Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc, kỳ họp thứ 34 (02-10-1979), 13: AAS
71 (1979), 1152-1153.
(3) Ibid 233; x. Phaolô VI, Thông điệp Humanae Vitae, 14: AAS 60 (1968), 490-491.
(4), (5) Ibid 570; x. Gioan Phaolô II, Thông điệp Evangelium Vitae
Gioan Lê Quang Vinh