kết quả từ 1 tới 14 trên 14

Ðề tài: Thương nòi giống Thần tiên giáng bút

Threaded View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định Thương nòi giống Thần tiên giáng bút

    Thương nòi giống Thần tiên giáng bút
    Thứ ba, 11/3/2008, 07:00 GMT+7

    Trong các nghi lễ của người Việt thời trước, có một không gian nghi lễ khá đặc biệt rất đáng để ý là thiện đàn. Ở đấy diễn ra một hình thức sinh hoạt văn hóa tâm linh độc đáo là giáng bút - một hiện tượng văn hoá tâm linh có thực trong xã hội Việt Nam, tức là cầu Thánh - Thần - Tiên - Phật cho mình những bài thơ, thông qua một người có năng lực đặc biệt.



    Song vì nhiều lý do mà giới nghiên cứu đã coi đó là một vùng cấm và không dành cho nó một sự quan tâm thích đáng, ngoại trừ hai học giả là Nguyễn Văn Huyên (Tục thờ cúng thần tiên ở Việt Nam, 1944) và Đào Duy Anh (Hồi ký Nhớ nghĩ chiều hôm, 1989).

    Giáng bút là hiện tượng “nhập thần” trong đó thực hiện nghi lễ cầu cúng để mong muốn có sự phán truyền dạy dỗ của thần linh thông qua văn tự (Hán Nôm) mà thư viện Viện Hán Nôm hiện đang lưu trữ 254 cuốn thơ văn giáng bút, với hàng vạn bài thơ, bài văn.



    Một cảnh cầu tiên ở giữa Đền Bích Câu.




    Tài liệu có niên đại sớm nhất là năm 1825 được in tại đền Hà Khẩu, huyện Thọ Xương, nay là di tích Việt Đông hội quán, số nhà 22 Hàng Buồm, Hà Nội. Về niên đại xuất hiện nhiều bản giáng bút nhất là các năm 1870 - 1898 và 1906 - 1911.






    Năm 1825 là niên đại của tài liệu sớm nhất hiện biết trong kho sách Hán Nôm. Thế nhưng, Phạm Đình Hổ (1768 - 1839) một danh sĩ, nhà khảo cứu nổi tiếng thời cuối Lê đầu Nguyễn, trong Đường An Đan Loan Phạm gia thế phả (A.909) có thuật chuyện ông ngoại của mình như sau: “Cụ có thuật bói tiên, thường lấy cành đào làm thành hình mỏ hạc treo lên một cần trúc, lấy một cái sọt tre đựng đầy ắp cát sạch, đặt cần trúc bên cạnh rồi đốt bùa đọc phép, cái mỏ hạc tự nhiên chuyển động, vạch thành chữ trên cát”. Lời thuật này rõ ràng cho biết ông ngoại của Phạm Đình Hổ là người thực hiện nghi lễ giáng bút cầu văn tự. Qua đây cho thấy, chúng ta có thể vẫn tìm thấy các văn bản giáng bút có niên đại sớm hơn năm 1825 là bản xưa nhất có trong thư viện Viện Hán Nôm.


    Học giả Việt Nam đầu tiên quan tâm đến giáng bút có lẽ là Lê Quý Đôn. Trong khi đi sứ nhà Thanh (Trung Quốc) ông đã quan tâm tìm hiểu, sưu tầm được sách Âm chất văn chú. Năm 1839 Âm chất văn chú được khắc in theo bản cũ do Lê Quý Đôn mang về từ Trung Quốc. Sách dày chừng 350 trang in. Nhưng bản Âm chất văn chú in năm 1839 không phải là bản in giáng bút sớm nhất mà ta thấy được trong kho sách Hán Nôm.

    Ngay từ năm 1825, tại đền Hà Khẩu, huyện Thọ Xương (Hà Nội) đã tổ chức khắc in bộ sách Quan Phu tử kinh huấn hợp khắc (AC. 408), 150 trang in. Sách này chép lời giáng bút của Quan Thánh đế quân (Quan Phu tử, Quan Vân Trường).


    Suốt nửa cuối thế kỷ XIX, đã có nhiều thiện đàn được mở ra ở hầu khắp các tỉnh ở Bắc bộ: Hà Nội, Nam Định, Hà Đông, Sơn Tây, Hải Dương, Bắc Ninh, Bắc Giang, Thái Bình, Thái Nguyên, Hải Phòng, Ninh Bình, Hưng Yên, Phúc Yên...

    Nội dung và hình thức thơ ca giáng bút càng về sau càng khác lúc ban đầu. Thời gian đầu là giáng bút của các vị thần của Đạo giáo Trung Quốc như Văn Xương Đế quân, Quan Thánh Đế quân... Các bài thơ văn giáng bút này được in trong một quyển sách và chúng không phải là văn bản có được sau một cuộc giáng bút cầu văn tại Việt Nam. Hay nói khác đi, nó chỉ như một cuốn danh ngôn mà những người tu đạo tâm niệm. Nội dung, do vậy mang tính chung chung. Văn giáng bút ở đây đều bằng chữ Hán, được diễn đạt bằng thơ luật. Về sau, do yêu cầu mới của đời sống xã hội, thơ giáng bút đã thay đổi. Các vị thần linh giáng bút không chỉ là có nguồn gốc Trung Quốc nữa, mà còn có các tiên nho liệt thánh Việt Nam, như Trần Hưng Đạo, Phạm Ngũ Lão, Trưng Vương, Liễu Hạnh... Thơ do yêu cầu phải đến với quảng đại quần chúng nên đã có nhiều thơ lục bát, song thất lục bát. Văn giáng bút cũng phần nhiều không dùng chữ Hán mà dùng chữ Nôm. Các bản sách văn giáng bút cũng được sưu tập ngay từ đàn giáng bút và đưa đi khắc in ngay.


    Có tình hình ấy là do bối cảnh chính trị, xã hội Việt Nam đã có nhiều thay đổi. Ví dụ như khi các sĩ phu Hà thành lập ra hội Hướng Thiện, do Tiến sĩ Vũ Tông Phan làm Hội trưởng thì mục tiêu đặt ra là: Hướng mọi người làm việc thiện, xây dựng một lối sống tốt đẹp, theo chuẩn mực của truyền thống. Về sau, hội Hướng Thiện mở mang thêm các hoạt động văn hoá như: tu sửa tôn tạo di tích đền Ngọc Sơn...


    Thực trạng kinh tế, xã hội Việt Nam từ khi Gia Long lên ngôi đến khi Tự Đức cắt ba tỉnh miền Đông Nam Kỳ cho Pháp tuy đang trong giai đoạn xây dựng kiến thiết nhưng đã dần được củng cố. Việt Nam là một nước độc lập, thống nhất và phát triển có đường hướng. Triều đình Tự Đức sau nhiều “khự nự” đã hoàn toàn bất lực trước sự lấn lướt của Thực dân Pháp và sự “đe dọa” của văn minh phương Tây. Trong triều đình ấy, nội bộ cũng đã có sự phân hóa, chia ra làm hai phái rõ rệt: chủ chiến và chủ hòa. Vua Tự Đức thì ở phái chủ hòa. Một quan chức trong triều là Dương Khuê dâng sớ đề nghị đánh Pháp. Vua đã phê vào sớ: “ Bất thức thời vụ”, và đày ông đi sơn phòng, trông nom việc khai khẩn ở miền sơn cước.


    Chỉ sau khi Tự Đức băng, thì phái chủ chiến trong đám quần thần mới dần chiếm ưu thế, bởi được vua Hàm Nghi và một trọng thần quyền thế là Trương Đăng Quế làm hậu thuẫn. Năm 1885 phong trào Cần Vương được phát động chính thức và phát triển sâu rộng khắp Trung kỳ, Bắc kỳ.






    Phong trào Cần Vương đi vào suy thoái bằng sự thất bại của cuộc khởi nghĩa Hương Sơn do nhà sĩ phu khoa bảng Phan Đình Phùng làm thủ lĩnh.


    Từ sau năm 1897 khởi nghĩa Hương Sơn thất bại, nhiều nơi trong nước đã từng có những cuộc khởi nghĩa hay nổi dậy lẻ tẻ. Đòi hỏi của lịch sử về cứu nước, giành lại giang sơn tổ quốc trở nên cấp bách hơn bao giờ hết.


    Thơ văn yêu nước thời kỳ này nhằm đến một quần chúng nhân dân đông đảo. Và để phù hợp với việc kêu gọi lòng yêu nước và tự hào dân tộc, các hình thức diễn đạt quen thuộc với đông đảo bình dân được lựa chọn. Thơ lục bát và song thất lục bát được ưa dùng. Những lối nói ẩn dụ về nòi giống, tổ quốc, giang sơn... giàu sức biểu cảm được dùng phổ biến trong các lời văn giáng bút. Các sinh hoạt văn hoá, văn nghệ trong dân gian có lồng ghép thêm những nội dung mới, nhằm thức tỉnh lòng yêu nước.


    Trong các sinh hoạt văn hoá, văn nghệ dân gian, thì kê đàn giáng bút là một hoạt động tín ngưỡng đặc biệt. Ở đó con người giao tiếp với thế giới của Thánh - Thần - Tiên - Phật qua một người có biệt năng. Người này sẽ chuyển các thông điệp bằng văn thơ có nội dung khuyên bảo, răn dạy, kêu gọi của Thánh, Thần cho con người trên cõi trần gian. Hơn nữa giáng bút lại là một hoạt động tín ngưỡng ngưng kết nhiều thành tố đặc sắc của văn hoá dân gian như: thơ ca dân gian, múa dân gian, nghi thức tín ngưỡng... Tham gia vào giáng bút là tham gia vào tín ngưỡng, tham gia vào sáng tạo văn hoá văn nghệ dân gian nhằm tiếp xúc với một tiên giới trong tâm tưởng.


    Cũng chính vì hoạt động giáng bút là một hoạt động mang tính tổng hợp như vậy nên đã thoả mãn được nhiều giai tầng công chúng cho dù là các nhà khoa bảng, học hành đỗ đạt cao, nhà nho ở nông thôn, cho đến tầng lớp tiểu thương nơi phố thị, nông dân chốn quê mùa. Sức sống của giáng bút cũng ở đấy. Và sức sống của việc tuyên truyền yêu nước cũng ở đấy. Nó nương vào tôn giáo, tín ngưỡng, nương vào công xã nông thôn để hoạt động và thúc giục quần chúng.


    “Thuật bói tiên lấy cành đào làm thành hình mỏ hạc treo lên một cần trúc, lấy một cái sọt tre đựng đầy ắp cát sạch, đặt cần trúc bên cạnh rồi đốt bùa đọc phép, cái mỏ hạc tự nhiên chuyển động, vạch thành chữ trên cát”(Đường An Đan Loan Phạm gia thế phả - Phạm Đình Hổ).


    Giáng bút là hiện tượng “nhập thần” trong đó thực hiện nghi lễ cầu cúng để mong muốn có sự phán truyền dạy dỗ của thần linh thông qua văn tự (Hán Nôm) mà thư viện Viện Hán Nôm hiện đang lưu trữ 254 cuốn sách, với hàng vạn bài văn thơ.

    Một giá trị rất đặc biệt của thơ văn giáng bút cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX, là dưới ảnh hưởng của các phong trào yêu nước, đã làm phát khởi những biểu tượng mới trong văn hóa Việt Nam mà trước đó ít khi được nhắc đến. Đó là những biểu tượng về Quốc hồn, Quốc túy, Quốc dân, Nòi giống, Giống Lạc Hồng, Con Rồng Cháu Tiên được nhắc đến rất nhiều, rất khẩn thiết và nhằm đến đối tượng là các tầng lớp nhân dân lao động.


    Viện Nghiên cứu Hán Nôm có 254 cuốn thơ văn Nôm giáng bút lời của Tiên - Phật –Thánh - Thần sưu tập từ 98 thiện đàn nằm ở hầu hết các tỉnh ở châu thổ Bắc bộ. Nội dung thơ văn giáng bút cũng chính là nội dung, mục đích hoạt động của các thiện đàn do các nhà Nho chủ trương. Đó là một chương trình tuyên truyền rộng khắp suốt thời gian cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX tập trung vào hai vấn đề: Kêu gọi lòng yêu nước thương nòi và Chấn hưng văn hóa dân tộc.




    (còn nữa)


    Tiến sĩ Nguyễn Xuân Diện (Viện Nghiên cứu Hán Nôm)
    Last edited by Bin571; 20-03-2008 at 08:50 PM.
    NAM QUỐC sơn hà NAM ĐẾ cư
    TIỆT NHIÊN định phận tại THIÊN THƯ

    Đây là link Fanpage của Diễn đàn TGVH anh em nha https://www.facebook.com/thegioivohinh.fanpage/
    Đ
    ây là Youtube của Diễn đàn hay đăng ký ủng hộ nhé : https://www.youtube.com/@thegioivohinh571
    Tiktok1 - @thegioivohinh.571 : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9Wjn42o3s&_r=1

    Tiktok2 - @thegioivohinh.com : https://www.tiktok.com/@thegioivohin...9WnFaFDRX&_r=1

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •