Tả Quân Lê Văn Duyệt
Tác giả: Nguyễn Thanh Liêm
1. KHÂM SAI GIA ĐỊNH THÀNH TỔNG TRẤN CHƯỞNG TẢ QUÂN QUẬN CÔNG LÊ VĂN DUYỆT

Dưới thời Gia Long- Minh Mệnh, Gia Định bao gồm tất cả các tĩnh Miền Nam từ Phan Thiết đến Cà Mau, tức là là cả vùng Đồng Nai Cửu Long ngày nay. Làm Tổng Trấn Gia Định thời đó cũng chẳng khác nào làm Thống Đốc Nam Kỳ thời Pháp thuộc hay Thủ Hiến Nam Việt thời Quốc Trưởng Bảo Đại. Năm 1832 sau khi Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt từ trần, chế độ Tổng Trấn Gia Định mới bị bãi bỏ. Minh Mạng chia trấn Gia Định thành sáu tỉnh. Chữ Nam Kỳ Lục Tỉnh có từ lúc đó. Khâm sai ChưởngTả Quân Lê Văn Duyệt sinh năm Giáp Thân (1764) tại Cù Lao Hổ, cạnh Vàm Trà Lọt nay thuộc làng Hòa Khánh, tĩnh Định Tường. Nội tổ là Lê Văn Hiếu từ Quảng Nghĩa thiên cư vào Nam. Thân phụ là Lê Văn Toại và thân mẫu là Phúc Thị Hào, sau này rời Vàm Trà Lọt đến cư trú bên Rạch Ông Hổ (vùng Rạch Gầm) nay thuộc làng Long Hưng Tây tỉnh Định Tường.

Ngài sinh ra đã mang tật kín (ái nam) nên tính khí cũng khác người thường. Thuở nhỏ thường không chịu đi học mà chỉ thích làm bẩy, làm giỏ, bắt chim, đánh cá, nhất là đá gà và tụ tập các trẻ trong làng, chia phe tập trận đánh giặc. Rất khỏe mạnh, rất thông minh, giỏi võ thuật, tuy không có đi học nhiều, nhưng biết rất nhiều về truyện Tàu cùng các anh hùng hảo hán cũng như tư cách, tài năng và cách xử sự của họ ở trong đời. Ngài có chí lớn, mới 15 tuổi đã có câu nói “sinh ở đời loạn, không hay dựng cờ trống đại tướng, chép công danh vào sử sách không phải là trượng phu.”

Năm 17 tuổi Ngài đã có dịp cứu Chúa Nguyễn Ánh cùng vài người tùy tùng khỏi tử thần. Đêm hôm đó Nguyễn Ánh bị quân Nguyễn Lữ đuổi gấp. Nhờ mưa to gió lớn thuyền của quân Nguyễn Lữ không đuổi theo được thuyền Nguyễn Ánh. Nhưng khi đến Vàm Trà Lọt thì thuyền chở Nguyễn Ánh và đoàn tùy tùng bị sóng lớn làm cho suýt bị chìm. Ngài xuất hiện kịp lúc, đỡ thuyền Nguyễn Ánh đưa vào bờ, giúp Nguyễn Ánh thoát nạn. Biết Nguyễn Ánh là dòng dõi chúa Nguyễn, cụ Lê Văn Toại hết sức cung kính, lo lắng cho Nguyễn Ánh và đoàn tùy tùng cho họ tạm trú ở đây mấy hôm. Sau đó Nguyễn Ánh lại phải tiếp tục tìm đường lẩn trốn đoàn quân Nguyễn Lữ đang lục soát các nơi lùng bắt. Lúc chia tay Nguyễn Ánh cám ơn ông bà Lê Văn Toại với lời hứa là sau này sẽ trở lại đem Lê Văn Duyệt theo.

Giữ đúng lời hứa, năm 1786 sau khi lên ngôi Chúa ở Gia Định, Nguyễn Ánh trở lại Vàm Trà Lọt cám ơn vợ chồng ông Lê Văn Toại đã giúp ông trong cơn hoạn nạn, và tuyển dụng Lê Văn Duyệt làm thái giám. Từ đó Ngài xả thân phò Chúa Nguyễn Ánh, cùng với Nguyễn Văn Thành đánh Nam dẹp Bắc, lập nhiều công trận lớn lao, được phong đến tước Quận Công. Khi vua Gia Long thống nhất giang san, lên ngôi Hoàng Đế, Đức Tả Quân Lê Văn Duyệt được liệt vào hàng Đệ Nhất Khai Quốc Công Thần, với đặc ân được vào chầu vua không phải lạy và được đặc quyền “tiền trảm hậu tấu” nơi biên thùy. Gia Long thăng hà, Ngài tiếp tục phò vua Minh Mạng cho đến hết cuộc đời mặc dù Ngài không kính phục thương mến ông vua này chút nào cả. Minh Mạng cũng không ưa gì Ngài nhưng phải dùng đến Ngài cho đến hết cuộc đời. Tuy vậy năm 1823 Ngài cũng được Minh Mạng ân thưởng ngọc đái với lời dụ: “Từ xưa hoàng tử, chư công chưa ai được ân tứ ngọc đái nay khanh đã nhiều vãng tích, lại kiến tân lao nên đặc biệt ân tứ vậy.”

Năm 1831 người bạn thân nhất của Ngài là Lê Chất, Tổng Trấn Bắc thành lìa đời khiến Ngài vô cùng thương xót. Sau cái chết của Lê Chất, Minh Mạng bãi bỏ chế độ tổng trấn ở Bắc Việt, đổi làm tỉnh, cử những chức vụ mới như Tổng Đốc, Tuần Phủ,.. Năm sau Đức Tả Quân xin từ chức Tổng Trấn Gia Định nhưng nhà vua không cho, bắt buộc Ngài phải ở lại. Nhưng chỉ mấy tháng sau thôi thì Ngài lâm trọng bệnh và mất ngày 30 tháng 7 năm Mậu Thìn (nhằm ngày 15 tháng 8 năm 1832) hưởng thọ 69 tuổi. Miếu mộ của Ngài được xây cất tại Bình Hòa Xả (Gia Định), nơi người dân Đồng Nai kính cẩn gọi là “Lăng Oâng,” “Lăng Oâng Thượng,” hay đền thờ Đức Thượng Công, và các thiện nam tín nữ Trung Hoa tôn xưng là “Phò Mã Da Da Miếu.”