Lực lượng Quân đội Nhân dân Việt Nam

Lực lượng tham chiến của Việt Nam là các đơn vị thuộc Quân khu 1 (tư lệnh thiếu tướng Đàm Quang Trung) và Quân khu 2 (tư lệnh thiếu tướng Vũ Lập), gồm các đơn vị bộ đội chủ lực, bộ đội địa phương, công an vũ trang (bộ đội biên phòng), dân quân tự vệ và nhân dân 6 tỉnh biên giới Lai Châu, Hoàng Liên Sơn (Lào Cai), Hà Tuyên (Hà Giang), Cao Bằng, Lạng Sơn, Quảng Ninh. Cụ thể :

Trên mặt trận biên giới Đông Bắc – Quân khu 1 :

- Lạng Sơn :

Bộ đội chủ lực có sư đoàn bộ binh 3 (eBB2, eBB12, eBB141, ePB68) trên hướng Đồng Đăng và sư đoàn bộ binh 338 (eBB460, eBB461, eBB462, ePB208) trên hướng Đình Lập.

Lực lượng vũ trang địa phương có trung đoàn bộ binh 123 trên hướng Lộc Bình và trung đoàn bộ binh 199 trên hướng Thất Khê, tiểu đoàn pháo binh tỉnh, cùng một số tiểu đoàn, đại đội địa phương huyện và lực lượng dân quân tự vệ.

Lực lượng công an vũ trang có trung đoàn công an vũ trang cơ động 12, đại đội cơ động tỉnh và các đồn công an biên phòng dọc biên giới.

Trên hướng Lạng Sơn còn có các đơn vị binh chủng khác như tiểu đoàn 3 pháo M46 130mm (lữ đoàn pháo binh 675, BTL Pháo binh), trung đoàn pháo binh 166 (Quân khu 1), trung đoàn phòng không 272 (Quân khu 1), một bộ phận của trung đoàn xe tăng 407 (Quân khu 1) và các đơn vị công binh, thông tin, vận tải…

Trong chiến đấu, Lạng Sơn được tăng cường các lực lượng từ tuyến sau như : sư đoàn bộ binh 327 (eBB42, eBB54, eBB75, ePB120) phòng thủ ở Lộc Bình, sư đoàn bộ binh 337 (eBB4, eBB52, eBB92, ePB108) ở thị xã Lạng Sơn; trung đoàn bộ binh 196 ở Đình Lập cùng một số tiểu đoàn bộ binh; trung đoàn pháo binh 204 (pháo phản lực BM-21) và tiểu đoàn 2 pháo D74 122mm (lữ đoàn pháo binh 675, BTL Pháo binh) chi viện cho hướng thị xã Lạng Sơn và tiểu đoàn 10 pháo M30 122mm (ePB54/fBB320B/QĐ1) chi viện hướng Đình Lập; một bộ phận của tiểu đoàn phun lửa 902 (trung đoàn phòng hoá 86, BTL Hoá học), cùng một số đơn vị binh chủng khác.


- Cao Bằng :

Bộ đội chủ lực có sư đoàn bộ binh 346 (eBB246, eBB677, eBB851, ePB188) phòng thủ ở Trà Lĩnh, Hà Quảng, Hoà An. Ngoài ra có tiểu đoàn đặc công 45 (BTL Đặc công) tham gia phòng ngự và cơ động tập kích địch.

Lực lượng vũ trang địa phương có trung đoàn bộ binh 567 ở Quảng Hoà và trung đoàn bộ binh 852 ở khu vực Tài Hồ Xìn, tiểu đoàn pháo binh tỉnh, cùng các tiểu đoàn, đại đội địa phương huyện và lực lượng dân quân tự vệ.

Lực lượng công an vũ trang có đại đội cơ động tỉnh và các đồn công an biên phòng dọc biên giới.

Trong chiến đấu Cao Bằng được tăng cường trung đoàn bộ binh 529 (fBB311), trung đoàn bộ binh 183, tiểu đoàn 1 pháo D74 122mm (lữ đoàn pháo binh 675), tiểu đoàn đặc công 20, một số tiểu đoàn bộ binh - trong đó có 1 tiểu đoàn thuộc trung đoàn bộ binh 111 (fBB325/QĐ2) vừa từ chiến trường CPC trở về, và các đơn vị binh chủng.


- Quảng Ninh :

Bảo vệ Quảng Ninh có sư đoàn bộ binh 325B (eBB8, eBB41, eBB288, ePB189) ở Bình Liêu, trung đoàn bộ binh 43, các đơn vị công an vũ trang biên phòng, các tiểu đoàn, đại đội bộ đội địa phương tỉnh, huyện và lực lượng dân quân tự vệ.


Trên mặt trận biên giới Tây Bắc – Quân khu 2 :

- Hoàng Liên Sơn :

Bộ đội chủ lực có sư đoàn bộ binh 345 (eBB118, eBB121, eBB124, ePB190) trên hướng Lào Cai, khi xảy ra chiến đấu có sư đoàn bộ binh 316 thiếu (eBB148, eBB174, ePB187) cơ động về phòng thủ ở Sa Pa.

Lực lượng vũ trang địa phương có 2 trung đoàn bộ binh 192 và 254, tiểu đoàn pháo binh tỉnh, các tiểu đoàn, đại đội địa phương huyện và lực lượng dân quân tự vệ.

Lực lượng công an vũ trang có trung đoàn công an vũ trang cơ động 16 ở Mường Khương, đại đội cơ động tỉnh và các đồn công an biên phòng dọc biên giới.

Các đơn vị binh chủng có bộ phận của lữ đoàn pháo binh 368 (BTL Pháo binh), trung đoàn pháo binh 168 (Quân khu 2), trung đoàn phòng không 256 (Quân khu 2), các đơn vị công binh, thông tin, vận tải….

Trong chiến đấu Hoàng Liên Sơn được tăng cường lữ đoàn pháo binh 368 (BTL Pháo binh) và một số đơn vị bộ binh, binh chủng.


- Lai Châu :

Hướng chiến đấu chủ yếu là Phong Thổ có một bộ phận của sư đoàn bộ binh 326 (eBB19, eBB46, eBB541, ePB200) và trung đoàn bộ binh 98 (fBB316), một bộ phận trung đoàn pháo binh 187 (fBB316), 2 trung đoàn bộ binh 193 và 741, tiểu đoàn pháo binh tỉnh, các đơn vị công an vũ trang, các tiểu đoàn, đại đội bộ đội địa phương huyện và lực lượng dân quân tự vệ. Trong chiến đấu cũng được tăng cường thêm một số đơn vị bộ binh, binh chủng.


- Hà Tuyên :

Trên hướng này chỉ diễn ra các trận tập kích nhỏ của địch (chủ yếu vào các đồn biên phòng), các đơn vị đã tham gia đánh trả là bộ phận thuộc trung đoàn bộ binh 122 cùng các tiểu đoàn, đại đội bộ đội địa phương, các đơn vị công an vũ trang và lực lượng dân quân tự vệ.


Trong toàn bộ cuộc chiến, đã có 2 sư đoàn bộ binh, 2 tiểu đoàn pháo binh nòng dài, 2 tiểu đoàn đặc công và 25 tiểu đoàn dự nhiệm do các tỉnh tổ chức được đưa lên mặt trận làm nhiệm vụ chiến đấu hoặc sẵn sàng chiến đấu.

Ở phía sau, lực lượng của Quân đoàn 1 và Quân đoàn 2 (vừa từ chiến trường CPC về) đã được triển khai. Các đơn vị không quân cũng đã sẵn sàng nhưng về cơ bản các đơn vị này đều chưa tham chiến.


Lực lượng quân đội Trung Quốc

Lực lượng chính trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam tháng 2 năm 1979 là 9 quân đoàn chủ lực và các đơn vị binh chủng. Cụ thể :

- Quân đoàn 11 gồm 3 sư đoàn bộ binh (31, 32, 33) và trung đoàn pháo binh, phòng không.

- Quân đoàn 13 gồm 3 sư đoàn bộ binh (37, 38, 39) và trung đoàn pháo binh, phòng không.

- Quân đoàn 14 gồm 3 sư đoàn bộ binh (40, 41, 42) và trung đoàn pháo binh, phòng không.

- Quân đoàn 41 gồm 3 sư đoàn bộ binh (121, 122, 123) và trung đoàn pháo binh, phòng không, xe tăng.

- Quân đoàn 42 gồm 3 sư đoàn bộ binh (124, 125, 126) và trung đoàn pháo binh, phòng không, xe tăng.

- Quân đoàn 43 gồm 3 sư đoàn bộ binh (127, 128, 129) và trung đoàn pháo binh, phòng không, xe tăng.

- Quân đoàn 50 gồm 3 sư đoàn bộ binh (148, 149, 150) và trung đoàn pháo binh, phòng không, xe tăng.

- Quân đoàn 54 gồm 3 sư đoàn bộ binh (160, 161, 162) và trung đoàn pháo binh, phòng không, xe tăng.

- Quân đoàn 55 gồm 3 sư đoàn bộ binh (163, 164, 165) và trung đoàn pháo binh, phòng không, xe tăng.

- Sư đoàn bộ binh 58 (quân đoàn 20).

- Sư đoàn bộ binh địa phương của tỉnh Quảng Tây.

- Sư đoàn pháo binh số 1.

- Sư đoàn pháo binh số 7.

- Sư đoàn phòng không 65.

- Sư đoàn phòng không 70.

- Trung đoàn xe tăng độc lập của quân khu Côn Minh.

Tổng cộng lực lượng được huy động cho chiến dịch là 28 sư đoàn bộ binh, 2 sư đoàn và 39 trung đoàn pháo binh, 7 trung đoàn và 1 tiểu đoàn xe tăng, 2 sư đoàn phòng không, ngoài ra còn có nhiều trung đoàn, tiểu đoàn bộ binh địa phương, biên phòng, các đơn vị binh chủng (công binh, thông tin, vận tải…), lực lượng dân binh tham gia trực tiếp chiến đấu và hỗ trợ chiến đấu. Một số sư đoàn không quân và hải quân của hạm đội Nam Hải cũng được lệnh sẵn sàng phía sau.

Các lực lượng trên chủ yếu được lấy từ 2 quân khu Quảng Châu và Côn Minh, nhưng cũng có các đơn vị của các quân khu khác như Thành Đô, Thẩm Dương… tham gia tăng cường.

Lực lượng trên hướng Quảng Tây do tướng Hứa Thế Hữu (Xu Shiyou) - tư lệnh quân khu Quảng Châu chỉ huy có 18 sư đoàn bộ binh, 6 trung đoàn xe tăng và các đơn vị binh chủng khác, đảm nhiệm tiến công các tỉnh biên giới Đông Bắc của Việt Nam. Cụ thể :

- Hướng Lạng Sơn có 7 sư đoàn bộ binh : 127, 128, 148, 161, 163, 164, 165.

- Hướng Cao Bằng có 10 sư đoàn bộ binh : 58, 121, 122, 123, 124, 125, 126, 129, 150, 160, 162.

- Hướng Quảng Ninh có 1 sư đoàn bộ binh địa phương của tỉnh Quảng Tây.


Lực lượng trên hướng Vân Nam do tướng Dương Đắc Chí (Yang Dezhi) - tư lệnh quân khu Côn Minh chỉ huy có 10 sư đoàn bộ binh, 1 trung đoàn xe tăng và các đơn vị binh chủng khác, đảm nhiệm tiến công các tỉnh biên giới Tây Bắc của Việt Nam. Cụ thể :

- Hướng Hoàng Liên Sơn (Lào Cai) có 8 sư đoàn bộ binh : 32, 37, 38, 39, 40, 41, 42, 149.

- Hướng Lai Châu có 2 sư đoàn bộ binh : 31, 33.

- Hướng Hà Tuyên (Hà Giang) có trung đoàn biên phòng 12 cùng lực lượng dân binh.

Về biên chế, mỗi quân đoàn TQ có quân số lý thuyết khoảng 50.000 người, gồm 3 sư đoàn bộ binh (mỗi sư đoàn có quân số lý thuyết khoảng 13.000 người, gồm 3 trung đoàn bộ binh và 1 trung đoàn pháo binh), 1 trung đoàn pháo binh, 1 trung đoàn cao xạ và 1 trung đoàn xe tăng. Riêng trong chiến dịch 1979 thì các quân đoàn 11, 13, 14 không có trung đoàn xe tăng. Trong quá trình chiến đấu một số đơn vị được tăng cường, ví dụ như quân đoàn 13, quân đoàn 55 được tăng cường thêm tới 5 trung đoàn pháo binh, nâng tổng số lên 9 trung đoàn pháo binh cho mỗi quân đoàn (so với 4 trong biên chế chuẩn).
Các tài liệu VN ước tính lực lượng được phía TQ huy động là 600.000 người, 550 xe tăng, 1.700-2.500 khẩu pháo.

Và đây là một số hình ảnh về hệ thống tên lửa phòng không (Hồng Kỳ 2) đã được TQ sử dụng trong chiến tranh biên giới phía Bắc.

Hồng Kỳ 2 là loại tên lửa phòng không do Trung Quốc tự sản xuất theo mẫu thiết kế tên lửa phòng không SA-75 của Liên Xô. So với loại Hồng Kỳ 1 nguyên mẫu SA-75, Hồng Kỳ 2 có khả năng kháng nhiễu tốt hơn nhưng tính năng tác chiến vẫn kém hơn các loại SA-75M, S-75 và S-75M đối kháng của các đơn vị phòng không tuyến trước của Việt Nam.