kết quả từ 1 tới 5 trên 5

Ðề tài: Sự An Tâm

Threaded View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1
    Lục Đẳng Avatar của splen
    Gia nhập
    Nov 2009
    Nơi cư ngụ
    Trung Sơn
    Bài gởi
    8,027

    Mặc định Sự An Tâm

    Trong đời sống hàng ngày, chúng ta thấy rất nhiều thái độ thông thường vẫn được coi là hợp lý hay không hợp lý, có luân lý hay vô luân lý, tốt hay xấu, đáng khen hay đáng chê… một cách dứt khoát hiển nhiên, mọi người đều tin như thế đều “an nghỉ” trong những niềm tin đó, nên không còn thắc mắc hoài nghi gì nữa.
    Nhưng một ngày kia, kinh nghiệm riêng hay của người khác có thể buộc ta phải thắc mắc, hoài nghi những niềm tin trên. Rồi thắc mắc hoài nghi sẽ đưa ta đến chỗ hoặc là phủ nhận luôn những thái độ đó hoặc đưa ta vào một suy tưởng duyệt lại những động cơ thúc đẩy, những nguyên nhân quy định việc hình thành những thái độ trên để tìm ra sự thật.
    Chẳng hạn ta làm một việc thực ra vì lợi, nhưng vẫn tưởng là vô vị lợi và tin thật như thế. Vậy phải tìm những động cơ nguyên nhân nào làm cho ta lừa dối ta mà không biết. Phê phán những nguyên nhân đó hoài nghi thái độ vô vị lợi không phải bảo không thể không có thái độ vô vị lợi hay không nên làm những việc vô vị lợi nhưng chỉ nhằm phơi bày những nguyên nhân vị lợi đội tốt vô vị lợi. Cũng như khi hoài nghi thái độ muốn làm điều thiện hay chủ trương không nên làm điều thiện mà chỉ nhằm tố cáo những ảo tưởng của người thành thật tin rằng mình muốn làm điều thiện.
    Nói cách khác, vấn đề là tìm hiểu những thái độ lừa dối mà không biết hoặc làm vì những lý do động cơ này, nhưng lại tin vì những lý do, động cơ khác, làm điều xấu tưởng là tốt, hoặc trước những mâu thuẫn giữa những đòi hỏi khác nhau, những hoàn cảnh đối nghịch, không muốn lựa chọn dứt khoát một bên nào, có thái độ lựa chọn mà như thể không lựa chọn, bắt cá hai tay mà vẫn tưởng mình trung thành với những thái độ đối lập.
    Những thái độ trên có thể quy về hai thái độ chính: thái độ an tâm, có lương tâm yên hàn và thái độ ngụy tín. Những thái độ này có tính chất luân lý, thuộc phạm vi đạo đức. Tuy nhiên, động cơ, nguyên nhân lại có tính cách tâm lý và triết lý. Có thể tố giác tính cách lừa bịp của những thái độ trên nhưng không thể kết án chính những người có thái độ trên vì họ không biết sai lầm, ngụy tạo vì họ tự lừa dối mà không biết.

    AN TÂM

    Thái độ an tâm là thái độ của một người cảm thấy mình không có điều gì đáng trách trong những việc mình làm, những lý tưởng theo đuổi hay những quan niệm mình chủ trương. Những quan niệm mình chủ trương là đúng, những lý tưởng theo mình theo đuổi là cao cả, những việc mình làm là tốt. Do đó họ được an tâm, không áy náy lo lắng sợ mình có tội lỗi, làm lỗi hay sai lầm và nhất là họ tin thành thực mình bao giờ hành động cũng hợp lý, cũng vì lẽ phải công ích hoặc cho một lý tưởng nào đó.
    Thái độ an tâm cho mình là phải là một thái độ rất thông thường, vì ai cũng thường cho mình là đúng, ít người có lương tâm áy náy, sợ đã lầm lỗi (mauvaise conscience)
    An tâm ở đây hiểu theo nghĩa luân lý, bày tỏ một thái độ lương tâm áy náy vì sợ mình đã lầm lỗi, về phương diện phán đoán giá trị: tốt, xấu, phải, trái, nên, không nên. Không phải theo nghĩa tâm lý: không bận tâm lo lắng về những liên quan đến mình, đến những người thân thiết của mình. Chẳng hạn trong câu nói: “Xin cứ an tâm, cháu đi không có chuyện gì xảy ra đâu”. Không có thể đối thoại, tranh luận, cãi lý với người có thái độ an tâm, vì một lẽ giản dị họ tin thành thật họ đúng và lẽ phải của họ rất rõ ràng, hiển nhiên đối với họ. Chúng ta hoàn toàn bất lực, chịu thua trước thái độ an tâm. Chẳng hạn thái độ an tâm của người muốn làm điều thiện. Nếu phê bình họ, họ chỉ nghĩ rằng họ làm điều thiện và có thể bị ghen tị, hiểu lầm, do đó họ vẫn tiếp tục làm những điều người khác chỉ trích và có thể còn làm hăng hơn, ngay cả giết họ, họ cũng không ngại và cho rằng mình chết cho lý tưởng làm điều thiện cho người khác. Do đó, chỉ có một cách làm cho họ bắt đầu nghi ngờ niềm tin thành thực của họ, là trình bày sự hình thành của an tâm, là bóc trần những nguyên nhân, động cơ thực sự của những thái độ sống dựa trên an tâm.
    Chúng ta muốn nói với người an tâm: tôi có thể cho anh tất cả, cả đời này lẫn đời sau, lẽ phải, chân lý, lý tưởng, tất cả: nhưng không thể để cho anh lương tâm yên hàn. Sau đây là một vài thái độ an tâm tiêu biểu:

    Thái độ tưởng mình là đạo đức

    Có những người tưởng mình là đạo đức lương thiện, công chính. Là nhân bản. Họ coi là quan trọng những địa vị xã hội, những bổn phận luân lý đối với gia đình, dân tộc, con người những giá trị tinh thần, tôn giáo… và đó là những điều cần được tôn trọng bảo vệ.
    Chính họ là người luôn luôn tôn trọng đề cao và bảo vệ những giá trị, bổn phận, địa vị trên, do đó họ tin rằng họ là người đạo đức, người lương thiện, người công chính, nhà nhân bản. Họ bày tỏ ra bên ngoài con người đạo đức lương thiện của họ qua cách đi đứng, cư xử, ăn nói. Chẳng hạn khi nói đến bổn phận luân lý, gia đình, tôn giáo, họ làm ra vẻ nghiêm trang, quan trọng, họ chăm chỉ đi dự những tổ chức, sinh hoạt liên quan đến những bổn phận, giá trị trên, lúc nào cũng ăn mặc chỉnh tề, đến đúng giờ và nói năng trịnh trọng. Họ lấy làm bằng lòng và thỏa mãn về tác phong đạo đức của mình.
    Nhưng đôi khi đó chỉ là đóng kịch, hình thức giả dối vì khi người ta tưởng mình là đạo đức phải chăng chính là xa đạo đức hơn cả. Luân lý đích thực chống lại luân lý hình thức, và nhất là chống lại sự thỏa mãn, an tâm như Jacob đã nói: “Nền luân lý cao nhất là nền luân lý bắt đầu bằng sự bất kính hoàn toàn”. Thái độ luân lý đích thực bắt đầu bằng sự tố cáo, lột mặt nạ những lớp sơn hào nhoáng bên ngoài che đậy một thái độ phi luân của những quan viên, những nhân vật quan trọng lúc nào cũng nói đến bổn phận, những giá trị đạo đức.
    Không, đó là trò hề, tất cả những người ngồi kia với cái vẻ nghiêm trang, họ đang ăn. Không, không phải họ đang ăn đâu, họ đang sửa chữa, cái sức khỏe để có thể thực hiện những trọng trách giao cho họ đấy”. (J.P Sartre, La Nausee).
    Họ chỉ làm ra vẻ nghiêm trang, đóng vai trò đạo đức, nhưng khốn nỗi họ lại tin thật họ là người nghiêm trang, lo lắng tới đạo đức, bảo vệ đạo đức. Do đó, nếu ai dám đụng tới họ, chỉ trích họ, họ sẽ cho là đụng tới chính đạo đức, tới những giá trị mà họ đề cao, lo lắng bảo vệ và những kẻ dám đụng tới họ sẽ bị kết án là vô luân, khinh bỉ đạo đức.

    Thực ra con người chỉ hướng về đạo đức và có thể thực hiện được những hành động đạo đức, không phải đạt tới đạo đức hoàn toàn là người đạo đức. Cho nên Thánh Augustin đã nói: có một điều xấu hơn cả nếu xấu là sự tự phụ mình là người đạo đức. Người tranh đấu tích cực cho luân lý, không bao giờ tự xưng là đạo đức công chính để có thể hãnh diện về sự tự phụ đó, nhưng âm thầm sống minh chính cho đạo đức, chân lý.
    Chỉ những kẻ đạo đức giả, mà vẫn thành thật, an tâm tin mình đạo đức mới cảm thấy lúc nào cũng phải hô to những khẩu hiệu đạo đức, treo cao những bích chương, bảng viết danh ngôn trên tường, ngoài đường và luôn luôn sẵn sàng tố cáo người khác là vô luân, chống đạo đức, như một thứ mật vụ công an đạo đức, trong khi thực sự cuộc đời của họ không mấy đạo đức hoặc cách xa đạo đức.
    Họ là những kẻ đáng ghét hơn là kẻ có tội. Thà rằng họ cứ làm tiền, làm thương mại, làm chính trị xôi thịt và nhìn nhận như thế, còn hơn là làm tiền, làm thương mại chính trị xôi thịt mà vẫn rêu rao là làm văn hóa, làm xã hội, cách mạng và tưởng là mình làm xã hội, làm văn hóa, cách mạng thật.
    Sartre gọi bọn đạo đức giả là “salaud”. Chúng ta là những người hướng về đạo đức, lúc thì làm được cử chỉ đạo, lúc thì bê bối, làm bậy. Không bao giờ chúng ta dám nhận mình là lương thiện. Những kẻ “salaud” cũng như ta, và có thể còn tệ hơn ta, nhưng họ vẫn vỗ ngực lên giọng đạo đức và dễ dàng kết án người khác gắt gao. Chúng ta không phải là đạo đức, nhưng không phải là hạng “salaud”.

    Thái độ muốn làm điều thiện

    Khi đã tưởng mình là người đạo đức, thường không thể tránh được việc tự gán cho mình sứ mệnh truyền bá, bảo vệ chân lý, điều thiện, thái độ tưởng mình là đạo đức đưa tới thái độ muốn làm điều thiện và người muốn làm điều thiện cho người khác tưởng rằng mình sinh ra ở đời chỉ để thực hiện hoàn tất sứ mệnh cao cả trên.
    Thái độ đó bao hàm những chước cám dỗ làm điều thiện theo kiểu nói của H.Dumery (tentation de faire du bien). Dùng danh từ cám dỗ ở đây thật chí lý, vì người ta chỉ thường nói bị cám dỗ làm điều xấu, không ai nói bị cám dô làm điều thiện. Phải chăng điều thiện, cũng là điều xấu? Điều thiện không xấu nhưng có những động cơ thúc đẩy làm điều thiện, những cách thể làm điều thiện là xấu. Tại sao? Vì người muốn làm điều thiện có thể tự cao tự đại, tự cho mình hơn người, tự đánh bóng mình trước mặt kẻ khác, đó là điều không tốt như nhà triết học Jules Lagneau đã nhận định: “Nếu tôi tin vào một vài kinh nghiệm, quả thật là nguy hiểm khi muốn làm điều thiện cho kẻ khác; người ta sẽ khó tránh được đôi khi muốn đóng một vai trò trước mặt người khác, và trước cả mặt mình. Đó là điều trái với đức tính đơn sơ và ngay thẳng.”
    Do đó, muốn làm điều thiện có thể đưa người ta đến chỗ làm điều ác chống lại đạo đức, vì thái độ tự phụ như Luther cũng đã nói: “Tôi sợ những việc làm tốt của tôi hơn là những việc làm xấu” vì khi tôi làm điều xấu, phạm tội, tôi biết có việc tốt mà tôi không làm, điều thiện mà tôi không xứng đáng, còn nếu tôi toàn làm điều thiện, tôi có thể tự cao, tự đắc, tự phụ và tự cao, kiêu ngạo là một tội, một nết còn đáng ghét hơn cả những nết xấu thường gợi lòng khinh bỉ (tham lam, trộm cắp, dâm loạn). Ai cũng là người cả, trên bình diện con người luân lý, do đó thật khó chấp nhận những người tự cho mình là toàn thiện hơn người, vì ngay cả khi mình thực sự hơn người, lại càng hông được bày tỏ phô trương.
    Ý muốn làm điều thiện cho kẻ khác còn nguy hiểm ở chỗ dễ đưa đến ý định dùng mọi phương tiện để thực hiện điều thiện dù phải tiêu diệt tự do hay tiêu diệt chính sự sống của người mình muốn làm điều thiện cho họ.
    Vì tự gán cho mình sứ mạng rao giảng sự thật, truyền bá điều thiện, mà trước mặt, chỉ thấy thiếu sót, sai lầm, tội ác, nên người muốn làm điều thiện không thể tha thứ tình trạng xấu, không thể làm ngơ cho cái xấu ngự trị, tung hoành, làm tràn. Phải ngăn chặn cái xấu, bằng cách muốn thực hiện điều lành cho người khác với bất cứ giá nào, do đó không ngần ngại dùng mọi biện pháp, kể cả bạo động (áp lực gia đình, tình cảm, quyền lợi vật chất) cưỡng ép để đòi hỏi người khác chấp nhận điều thiện dù họ muốn hay không muốn và sau cùng có thể tiêu diệt luôn cả người khác để thực hiện điều thiện. Người muốn làm điều thiện nghĩ: “Tôi phải làm điều thiện tôi cho là đúng, dù cả thế giới phải chết”, như Goetz, nhân vật trong vở kịch “Le diable et le bon dieu” cũng đã nói: “Sự thiện sẽ phải được thực hiện dù phải chống lại mọi người”.
    Người muốn làm điều thiện tự gán cho mình giấy ủy nhiệm của trời, quốc gia, lịch sử, nhân loại, đến cứu rỗi người khác thực hiện điều thiện, chiến thắng cho điều thiện dù có phải tiêu diệt ngay chính con người như lời nói bất hủ của một Giám mục Tây Ban Nha thời nội chiến: “Chúc phúc cho những khẩu trọng pháo, miễn là trên những lỗ hổng chúng mở ra, nở hoa phúc âm, lời Chúa”.
    Trong viễn tượng đó, luân lý, điều thiện chỉ còn là tảng đá để ném chết người, là viên đạn để bắn giết người. Vì người muốn làm điều thiện chỉ cốt thực hiện được điều thiện, mà không bận tâm lo lắng “giết hết người đi thì ta ở với ai” (Phạm Duy) và còn ai để làm điều thiện cho họ.
    Thái độ muốn làm điều thiện là một chước cám dỗ ám ảnh mọi người, nhưng đặc biệt những người chiến sĩ, những người làm cách mạng, những người tu trì. Cả ba hạng người trên đều giống nhau ở dự phòng nền tảng, hy sinh cuộc đời mình để phục vụ người khác. Họ rất dễ quên con người cụ thể, hy sinh co người cụ thể trong khi chỉ bị ám ảnh bởi ý muốn thực hiện điều thiện, lý tưởng theo đuổi. Những người lý tưởng trên cũng dễ độc tài và rất khó chấp nhận phê phán chỉ trích hành động của mình vì tưởng rằng mình đã hy sinh toàn thể cuộc đời cho người khác, để làm điều thiện nên không cò gì thuộc về mình nữa, do đó, mọi ý nghĩ ước muốn, hành động của mình đều bị quy định bởi quyền lợi hạnh phúc của người khác, do đó mọi việc mình làm cho người khác, vì người khác chỉ có thể là đúng tốt, không thể xấu hoặc sai lầm được. Nhất là trường hợp lý tưởng hy sinh làm điều thiện đã được giảng dạy, hun đúc ngay từ hồi còn nhỏ trong thời gian huấn luyện tu luyện… lúc nào cũng nhắn nhủ, hoặc tự nhắn nhủ trong giờ đọc kinh, suy gẫm, mình đã tự hiến hoàn toàn cho người khác, cho Chúa, cho cách mạng… Càng khó chấp nhận phê phán chỉ trích.
    Thực ra có một quảng cách giữa dự phòng nền tảng, toàn diện bao quát và những dự định lẻ tẻ hàng ngày, những dự định này không thiết yếu nằm trong dự phòng nền tảng của khởi điểm vì có thể bị những yếu tố khác quy định và điều lầm của những người lý tưởng mắc bệnh độc tài, độc thoại là không nhận ra những quảng cách đó.

    Thái độ nhân danh

    Người muốn làm điều thiện thường hay nhân danh và luôn luôn với thái độ an tâm: nhân danh một lý tưởng, một giá trị, một nguyên tắc, một quan niệm có tính chất luân lý. Không xét trường hợp cố ý lợi dụng vì ở đây lý tưởng nhân danh chỉ là chiêu bài mà người lợi dụng biết rõ tính cách bịt bợm, đôi khi cả người bị lợi dụng cũng biết rõ nữa. Chỉ xét trường hợp lợi dụng không biết, vì người lợi dụng thành thực tưởng rằng mình làm điều đó, tranh đấu như thế thực sự để phục vụ một lý tưởng, để bảo vệ một giá trị hoặc bênh vực một nguyên tắc, trong khi thực ra chỉ vì những quyền lợi tư riêng của bản thân, của gia đình, tầng lớp, cộng đồng tôn giáo, ý thức hệ của mình…
    Viên Cảnh sát đến bắt người, ông Quan Tòa kết án đều nhân danh pháp luật, và tưởng rằng mình phục vụ công tý, trong khi thực ra có thể chỉ làm công, làm tay sai cho một thế lực chính trị, bạo động thống trị dưới hình thức pháp lý.
    Thực dân đế quốc xâm lăng nhân danh lý tưởng khai hóa, đàn áp bóc lột thuộc địa cũng nhân danh giải phóng con người truyền bá văn minh.
    Người chống Cộng nhân danh lý tưởng bảo vệ dân chủ tự do trong khi thực ra chỉ vì quyền lợi giai cấp, những quyền lợi đôi khi đã đạt được bằng bóc lột, bất công và sợ Cộng sản đến xóa bỏ những quyền lợi đó.
    Lực lượng nọ, đoàn thể kia xuống đường, ra tuyên ngôn kiến nghị phản đối đàn áp, độc tài, đàn áp tôn giáo, nhân danh quyền lợi thiêng liêng của tôn giáo, nhân danh bao vệ trật tự, lý tưởng cách mạng… Nhưng phải chăng người ta chỉ lợi dụng nhân danh những cái cao cả để che đậy việc bảo vệ, duy trì hay để chiếm đoạt những quyền lợi riêng tư.
    Từ xưa đến nay, tất cả những bạo động xảy ra trong lịch sử nhân loại đều nhân danh lý tưởng cao cả để tàn sát, tiêu diệt con người. Những người bạo động nhân danh này nọ mà bạo động, nhưng lại thành thực tin mình tranh đấu cho một lý tưởng mới thật nguy hiểm và bi đát vì họ không biết họ, tự dối họ, cho nên, họ nghĩ rằng có thể sẵn sàng chết cho lý tưởng mà họ nhân danh, vì cái chết là một vinh dự: chết cho lý tưởng mà họ nhân danh, vì cái chết là một vinh dự: họ sẽ trở thành Thánh tử Đạo, anh hùng dân tộc…
    Chẳng hạn, gần đây có phong trào xuống đường đòi phân biệt tôn giáo và chính trị, tách chính trị ra khỏi học đường. Những người tham dự những cuộc xuống đường đó có thể thành thực tin mình tranh đấu nhân danh một nguyên tắc chính đáng. Cứ tạm nhận nguyên tắc phân biệt là chính đáng, nhưng động cơ thúc đẩy có chính đáng hay không?
    Người ta nhận thấy đoàn thể đòi phân biệt, chống lẫn lộn đạo đời chỉ lên tiếng khi chính họ không còn ưu thế chính trị, không còn lợi dụng được sự lẫn lộn vì ưu thế chính trị đã sang tay đoàn thể khác, do đó họ đòi phân biệt. Tại sao họ không đòi khi họ đang có ưu thế chính trị. Cho nên lúc có thể lợi dụng mà đòi phân biệt mới tin được sự nhân danh là vô vị lợi, còn lúc không thể lợi dụng và đến lượt người khác có thể lợi dụng mà phân biệt, thì sự lên tiếng rất đáng nghi ngờ.
    Người ta chỉ có thể tin được một người, nhân danh bảo vệ công lý, khi người đó tranh đấy cho người khác, và nhất là cho kẻ thù địch của mình lên tiếng phản đối những vụ bắt bớ trái phép những vụ giam giữ mà không xử, hay những vụ xử bất công nhân danh công lý, được lắm, nhưng tại sao chỉ lên tiếng bảo vệ công lý khi những người thuộc phe mình, thuộc đoàn thể mình bị oan uổng bất công của những người thuộc phe, đoàn thể khác, nhất là đoàn thể mình không ưa. Không những là không tiến lên mà đôi khi còn lấy làm thích thú vì đoàn thể mình không ưa, người mình ghét bị oan uổng bất công.
    Do đó, chỉ khi nào lên tiếng phản đối mọi bất công, ở bất cứ đâu, nhất là ở những người, những đoàn thể ít liên hệ đến mình lúc đó, mới có thể tin được những động cơ lên tiếng nhân danh công lý là vô vị lợi, là trong sạch, chính đáng, là xuất phát từ lương tâm công chính. Thật là khôi hài khi thấy một đoàn thể xuống đường nhân danh bảo vệ trật tự, chống xáo trộn trong khi chính việc xuống đường của đoàn thể đó là một sự gây rối mất trật tự.
    Hoặc có thể hỏi trật tự đó là trật tự gì, phải chăng là cái trật tự vô trật tự, cái vô trật ự đã được thiết lập như E. Mounier thường tố cáo (le désordre établi) những phong trào bảo thủ chống cách mạng nhân danh bảo vệ trật tự.
    Nếu trật tự ở đây xây trên bất công, bóc lột, chênh lệch thì cần phải phá đổ cái trật tự đó để thiết lập một trật tự khác xây trên bình đẳng, công chính. Nếu hòa bình chỉ có nghĩa là cầu an, người giàu vì bóc lột cứ giàu, người nghèo bị bóc lột cứ nghèo, người được an ninh cứ được an ninh, người mất an ninh vẫn bị mất an ninh, thì phải gây chiến tranh để thiết lập một nền hòa bình đích thực.
    Do đó, những vụ xuống đường mít tinh, chống đối độc tài chẳng hạn không phải bao giờ cũng xuất phát từ lý tưởng bảo vệ tự do chính đáng. Có thứ chống độc tài đòi dân chủ thực chất là phản động và có thứ chống độc tài đòi dân chủ thực chất là cách mạng.
    Trong một nước chậm tiến, cần kỷ luật khắt khe, kế hoạch hóa chặt chẽ, vì quyền lợi chung thì độc tài ở đây bao hàm tính chất cách mạn, tiến bộ. Những người vì quyền lợi riêng chống lại độc tài nhân danh lý tưởng tự do, nhưng đó là thứ chống độc tài phản động. Trái lại, có thứ độc tài cá nhân, gia đình, bè phái vì tham vọng riêng. Chống lại thứ độc tài này vì quyền lợi chung là làm cách mạng.

    Thái độ coi cái xấu là ở người khác

    Đó là thái độ của những người chỉ thấy cái xấu ở người khác, mà không thấy ở chính mình, và họ thành thực tin như thế. Do đó, họ có thể tố cáo cái xấu nơi người khác như thể họ không phải là điều họ tố cáo, như thể họ là người không bao giờ phạm tội. Thái độ trên đôi khi còn trở thành một nhu cầu: cần tố cáo người khác, cần ném cái xấu vào người khác, cần có những người đảm nhiệm tội lỗi để người có thái độ coi cái xấu là ở người khác được an tâm. Trước hết, chính những người xấu, có lỗi lại hay nói tới đạo đức. Họ xấu, nhưng không dám nhìn nhận mình xấu, cái xấu không thể vì thế mà bị che lấp, cho nên lương tâm họ không được yên hàn. Để được yên hàn, họ cảm thấy phải luôn luôn nhắc tới đạo đức, phải luôn luôn tố cáo cái xấu ở nơi người khác để khỏi phải nghĩ tới cái xấu của mình, để quên tình cảnh áy náy của lương tâm họ. Và điều lạ là họ thành công trong thái độ tự lừa dối đó. Họ cứ nói đạo đức, luôn luôn một cách hăng say, cứ tố cáo người khác một cách thành khẩn, kết quả là họ có thể quên thực sự họ là kẻ tội lỗi trong lúc tố cáo thuyết pháp rao giảng… và rút cục họ tin họ không phải là người có tội.
    Khi một gương xấu xảy ra (nhất là về những chuyện tình ái) chính những người bê bối nhất về phương diện này lại thường lớn tiếng tố cáo, kết án người khác gắt gao hơn cả để quên tình cảnh tội lỗi của chính họ.
    Do đó, họ cần người khác đảm nhận tội lỗi của họ thay cho họ. Họ cần những bung xung và nếu không có thực, họ cũng phải tạo ra vì họ cần thù ghét sự xấu ở nơi người khác để có thể sống yên lương tâm: những bung xung ở đây là bọn lưu manh, du đãng, trộm cướp, giết người, hiếp dâm, ngoại tình, gái điếm, là người chế độ cũ, cộng sản…
    Họ cho rằng xã hội nào cũng có cái xấu, hoặc không thể tránh được có những người xấu, và họ thấy cái xấu ở những người trên rồi. Khi một hành động xấu xảy ra, đó là một bằng cớ nữa chứng minh xã hội có cái xấu, người xấu và cái xấu đó ở nơi người khác, ở bọn kia. Còn họ, họ là những người lương thiện. Chính vì thế mà một xã hội thực sự là bẩn thỉu, thối nát, đàng điếm, nhưng nếu một người hành động đàng điếm bị lộ, trở thành gương xấu (scandan), cả xã hội xấu đó sẽ đổ xô vào chửi bới, kết án như thể chỉ có mình cá nhân đó xấu xa. Thật là chẳng may cho cá nhân này phải đóng vai trò bung xung cho cả xã hội được yên lương tâm, vì cái xấu xa, mình cá nhân đó đã đứng ra gánh lấy và đảm nhiệm.

    Đôi khi, thái độ coi cái xấu ở nơi người khác, thù ghét cái xấu đó, nhưng lại lấy sự thù ghét đó làm thích thú.
    Như có khuynh hướng về cái buồn, nhưng lại thích cái buồn đó, như thể cần buồn để mà sống. Chẳng hạn thái độ lãng mạn, lãng mạn là một thái độ hướng về cái tiêu cực (đau khổ, buồn sầu, chia ly, thất bại) nhưng lại thích cái buồn tiêu cực đó. Người thù ghét cái xấu, nhưng lại thích đi tìm sự thù ghét đó, như trường hợp một người đạo đức rất ghét đàn bà mặc áo tắm hở hang mỗi lần trông thấy là tức giận vì cho là phạm đến thuần phong mỹ tục, nhưng người đàn ông đạo đức lại thích đến ngồi ở bể bơi để tìm hưởng thụ sự tức giận trên.
    Nhận xét tâm lý trẻ con, người ta thấy con người ngay từ khi còn nhỏ đã có thể có thái độ đổ tội, chỉ coi cái xấu ở nơi kẻ khác. Khi hỏi đứa trẻ nào đánh vỡ cái chén, những đứa không đánh vỡ sẽ chối ngay và đổ cho đứa khác, và đặc biệt là chính đứa đánh vỡ sẽ trả lời nhanh hơn hết: thằng A, con B đánh vỡ, không phải cháu đâu. Cái xấu bao giờ cũng là ở người khác và người ta cần tố cáo người khác để sống yên tâm. Người có thái độ trên rất sợ tìm hiểu lý do thái độ của mình, vì một lẽ giản dị tìm hiểu sẽ không thể đổ tội và ghét người khác được nữa.
    Trong Saint Genet, comesdien et martyr, Sartre đã tố cáo sâu sắc thái độ trên. Ông viết: “Cái xấu là một khái niệm để dùng bên ngoài” (le mal est un concept pour usage exierne) “kẻ thù là người anh em sinh đôi, là hình ảnh của chúng ta soi trong gương… cũng trong một thái độ, khi của chúng ta thì là tốt và khi của người khác là xấu. Nhưng những người xấu đó rất cần thiết cho những người tốt cũng như gái điếm cần thiết cho con gái nhà tử tế. Đó là những ung nhọt để ngạn ngữ; có mọt người bảo đảm, biết bao tâm hồn sẽ được yên hàn, sáng sủa, an bình”.
    Người hay coi cái xấu ở nơi người khác, nên nếu anh ta kết án người khác ở điểm gì gay gắt nhất, thì chính anh ta bị lỗi về điểm đó hơn cả.
    Họ có thể ghét ở nơi người kia một nửa phần mình của họ mà họ từ chối không muốn thừa nhận”.
    Nếu bạn muốn biết một người lương thiện, bạn hãy tìm nết xấu nào mà anh ta ghét hơn cả ở nơi người khác, bạn sẽ biết những đường hướng sức lực nào làm cho anh ta choáng váng và khủng khiếp, bạn sẽ hít thở mùi xú khí làm uế bẩn tâm hồn của anh ta”.
    Những người phải đảm nhiệm cái xấu, vai trò bung xung sẽ phải đảm nhiệm suốt đời như một thân phận. Họ xuất hiện trước cái nhìn của xã hội lương thiện như là thằng ăn cắp, đứa hiếp dâm, tên sát nhân… Họ làm như thế vì xã hội đã nhìn như thế và không thể sai lầm được vì cả làng, cả phố, cả nước, đều nói như thế: Họ là những kẻ bị nguyền rủa, chúc dữ muôn đời như Jonhandeau đã nhận định:
    Lời nguyền rủa trở thành muôn đời. Không phải chỉ ở trên một người này, người kia một cách rõ ràng, nhưng còn ở trên mọi miệng lưỡi gọi tới tên tôi, lời nguyền rủa ở trong chính tôi, và tôi tìm thấy nó trong mọi khóe mắt nhìn tôi. Nó ở trong mọi trái tim liên hệ đến tôi, nó ở trong máu tôi và in sâu trên mặt tôi bằng chữ lửa. Ở khắp nơi và luôn luôn theo dõi tôi, ở đời này và cả đời sau”.
    Thực ra, một cử chỉ tội lỗi, một hành động sơ xuất không xác định toàn thể cuộc đời là tội lỗi, nhưng trước con mắt người khác, của xã hội, một cử chỉ đã đủ bày tỏ bản chất trong người và bản chất đó không thể thay đổi được. Nếu tôi đã trót ăn cắp một lần, tôi sẽ bị kết án suốt đời là đứa ăn cắp như thể tội ăn cắp gắn liền với bản chất con người tôi, xã hội sẽ nhìn tôi như một đứa ăn cắp dù tôi vô tội hay có tội, dù tôi có muốn chống lại dư luận, xã hội cũng không được.
    Sartre đã mô tả tình cảnh đó qua thân phận cậu bé Genet đã trót ăn cắp một lần lúc thiếu thời: “Một lời tuyên bố công khai: “Mày là đứa ăn cắp”. Lúc ấy nó lên mười tuổi. Đó là giây phút tỉnh ngộ, đứa trẻ mơ màng mở mắt ra và thấy rằng nó ăn trộm. Người ta khám phá ra nó là đứa ăn trộm và nó là kẻ có tội, vì bị đè bẹp bởi một lý luận ngụy biện mà nó không thể chối cãi được: nó đã ăn cắp, vậy nó là đứa ăn cắp. Còn gì rõ rệt hơn nữa? Kinh ngạc, Genet xét lại cử chỉ của nó, nhìn mọi khía cạnh nhưng không còn gì hồ nghi được nữa: Đó là một việc ăn cắp, và ăn cắp là một tội. Điều nó đã muốn là ăn cắp, điều nó đã làm là một việc ăn cắp và điều đó nó đã là, là một thằng ăn cắp. Một tiếng nói sợ sệt phản đối từ lòng nó dội lên: Nó đâu có nhìn nhận tội ăn cắp của nó. Nhưng rồi phút chốc tiếng nói đó cũng im lặng, vì việc làm của nó quá rõ, không thể nhầm lẫn về bản chất của nó được. Nó thử nhìn lại đằng sau, thử tự tìm hiểu, nhưng đã muộn quá rồi, nó không thấy nó nữa. Cái hiện tại hiển nhiên một cách chói lọi gán cho dĩ vãng một ý nghĩa: Gene nhớ lại bây giờ là nó đã định ăn cắp. Vậy cái gì đã xảy ra. Thật ra hầu như chẳng có gì: Một việc làm không suy xé, đã được quan niệm và thực hiện trong bóng tối âm thầm kín đáo của cõi lòng thì nay đã trở thành khách quan. Và chính sự chuyển biến trên sắp quyết định cả cuộc đời nó… bị đuổi khỏi thiên đàng, bị đày ải khỏi tuổi thơ ấu, khỏi cái hồn nhiên, nó bị kết án tự thấy mình trở nên quái đản, tội lỗi cô độc và biến thành sâu bọ. Sự xấu hổ làm cho bé Genet khám phá ra cái vĩnh cửu ở trong nó: Nó là đứa ăn cắp thì khi sinh ra, và sẽ mãi mãi là thằng ăn cắp cho đến lúc chết. Thời gian chỉ là một giấc mơ: bản chất xấu xa của thời gian vỡ thành muôn mảnh…
    Genet là đứa ăn cắp: đó là chân lý của nó, là bản chất đời đời của nó. Và nếu nó đã là đứa ăn cắp, nó phái luôn luôn là đứa ăn cắp, và ở khắp mọi nơi. Không phải chỉ trong lúc nó ăn cắp, mà cả khi nó ăn, nó ngủ, khi nó hôn mẹ nó; mỗi cử chỉ của nó để lộ chân tướng của nó, đều bày tỏ công khai bản chất xấu xa của nó, vì bất cứ lúc nào thầy giáo cũng có thể ngừng đọc chính tả, nhìn bé Genet chừng chừng vào mặt nó và quát: “Mày là đứa ăn cắp”. Dù nó muốn thú nhận mọi tội lỗi, có muốn đè nén bản năng xấu xa của nó, để được khoan hồng cũng vô ích – tất cả những cử động của tim nó đều tội lỗi vì tất cả đề phơi bày bản chất của nó.
    Xã hội không thể hiểu Genet, vì nếu hiểu được, thì họ sẽ không thể kết án được nữa, vì nếu xã hội hiểu những người xã hội đã kết án là xấu, thì đồng thời thú nhận rằng một ngày kia họ cũng có thể xấu, ăn cắp, trong khi họ đã tin rằng cái xấu bao giờ cũng là ở nơi người khác mà thôi: “Hiểu thực sự tình cảnh khốn nạn của bé Genet, sẽ là từ chối ý tưởng nhị nguyên, ý tưởng tiện lợi về cái xấu, và niềm kiêu hãnh là người lương thiện, là rút lại sự phán đoán của tập thể, là bẻ gãy lời kết tội. Như thế đòi hỏi bọn người lương thiện và xấu hổ về mình, phải nhìn nhận tương giao. Tình cảnh khốn nạn của một góa phụ, một trẻ mồ côi, đó là những điều người ta vui lòng tìm hiểu, vì ngày mai chúng ta có thể mất cha, mất vợ, mất con. Đó là những cảnh hoạn nạn ai cũng nhìn nhận và bao hàm một nghị thức ai cũng biết. Nhưng hiểu hoàn cảnh hoạn nạn của một đứa ăn cắp, tức là nhìn nhận rằng đến lượt mình có thể ăn cắp. Và dĩ nhiên những người lương thiện từ chối nhìn nhận điều đó: Đúng rồi, từ nay mày đừng ăn cắp nữa, mày ráng chịu tất cả những gì xẩy đến. Và người lương thiện ra đi, còn đứa bé ở lại một mình, cô độc”.

    Thái độ đồng lõa mà không biết

    Tha nhân là một lý tưởng luôn luôn phải vươn tới. Không bao giờ con người là luân lý, vì nếu luân lý là một đặc tính của con người, không có luân lý nữa. Luân lý đòi hỏi những nỗ lực để đạt tới. Do đó, nếu con người tính bản thiện, tính hiền, như hòn đá là rắn, chẳng có gì đáng khen. Con người có thể trở nên tốt nhưng cũng có thể trở nên tốt nhưng cũng có thể trở nên xấu, và chỉ cố gắng trở nên tốt mới có ý nghĩa và giá trị luân lý.
    Cũng như nếu con người tính vốn ác chẳng có gì đáng trách. Vậy nỗ lực vươn tới đời sống đại đức đòi hỏi có điều kiện, hoàn cảnh thuận tiện.
    Có những người ăn ngay ở lành được dễ dàng, vì được sống trong một hoàn cảnh may mắn (được ăn học, được giáo dục, bầu khí khu vực xã hội lành mạnh)…
    Trái lại có những người sa đọa, phạm tội vì phải sống trong những điều kiện khó khăn, hoặc phải sống trong một hoàn cảnh tội lỗi, ngay từ khi sinh ra.
    Một người say rượu vì chán đời, chán đời vì thất nghiệp, đói ăn, gia đình nheo nhóc, không còn hạnh phúc gia đình, cái thú sống, nên uống rượu rồi say và gây sự giết người. Giả sử người đó có việc làm, gia đình đủ ăn, hạnh phúc, có chán dời và trở thành sát nhân không? Vậy ai trách nhiệm thực sự tội sát nhân? Phạm nhân hay một hoàn cảnh xã hội?
    Một người vợ góa, con đàn đống, không còn cách nào khác để sịnh nhai, phải đi làm gái điếm. Người đàn bà đó đã bị thúc đẩy đến chân tường, bế tắc và chỉ có một lối thoát đi làm điếm, không có tự do lựa chọn. Nhưng một khi đã không được tự do lựa chọn sống đời sống luân lý, một khi đã bị kết án sống trong một hoàn cảnh tội lỗi, làm sao không phạm tội, sa đọa?
    Xã hội lên tiếng tố cáo, kết án những người bị bắt buộc phải sống trong một hoàn cảnh tội lỗi một cách vô tình, với thái độ an tâm như thể xã hội đã không trực tiếp hay gián tiếp gây ra hoàn cảnh tội lỗi, đã xô đẩy một số người vào hoàn cảnh đó. Cho nên, chính xã hội mới là thủ phạm, nguyên nhân gây ra tội ác, sa đọa. Những kẻ phạm tội, sát nhân, trộm cướp, du đãng, đĩ điếm, vì một hoàn cảnh sống lầm than là hình ảnh phản chiếu lầm than của hoàn cảnh sống đó. Vậy những người đại diện cho xã hội (nhà báo, quan tòa) kết án và xử phạm nhân không thể có thái độ an tâm được, vì phạm nhân trước mặt họ chỉ là nạn nhân đó phải lên tố giác buộc tội xã hội, vì tất cả chúng ta đều là sát nhân, tất cả xã hội đồng lõa liên đới trách nhiệm với tội ác, vì đã gây ra hoàn cảnh tội lỗi, vì đã không làm gì để xóa bỏ hoàn cảnh tội lỗi đó.
    Sự giả hình của xã hội, nhất là của đàn ông, vô liêm sỉ một cách rõ rệt hơn cả trước vấn đề mãi dâm.
    Nguyên nhân chính của nạn mãi dâm là sự thất nghiệp, những khó khăn sinh kế, hoặc tình cảnh chiến tranh có quân đội ngoại quốc chiếm đóng.
    Nhưng giả sử tình cảnh thất nghiệp đó có thể giải quyết được thì nạn mãi dâm cũng có thể tồn tại, không gải như một tệ nạn trầm trọng và một cách công kha nhưng một cách lẻ tẻ lén lút vì nguyên nhân sinh lý mà thôi. Nhu cầu sinh lý thường vượt khỏi những thỏa mãn trong khuôn khổ hôn nhân, ở nơi những người có gia đình, còn ở nơi những người còn độc thân mà không giữ được, nhu cầu sinh lý đòi được thỏa mãn. “Đi chơi” là một giải pháp phải giải quyết nhu cầu chưa được thỏa mãn của người độc thân, hoặc nhu cầu đòi hỏi thêm của người có gia đình.
    Người đàn bà điếm đảm nhận việc giải quyết trên. Nếu không có họ, những người đàn bà tử tế sẽ bị bắt coc, hiếp dâm ở trong nhà, ngoài phố. Hoặc cả trẻ con cũng có thể bị nữa, rồi dĩ nhiên sẽ có án mạng vì những hàng động bạn dâm điên khùng.
    Nếu những người gái điếm có vai trò: giải tỏa cái quá đầy, cái thừa của dục tính là một mối đe dọa cho xã hội, tại sao không coi việc làm của họ là một nghề nnhw những nghề khác (Ý kiến của một người đàn bà về mãi dâm. Báo Aux Ecoutes số ra ngày 24-11-1966) nhất là tại sao khinh bỉ họ, kết án họ vì do người đàn ông, khi chính vì người đàn ông muốn, cần, mà có đĩ điếm?
    Thái độ bàn tay sạch
    Đời bẩn, làm chính trị để bẩn, nên không dây vào việc gì, không làm chính trị để có bàn tay sạch lương tâm trong sạch, không làm hại ai, không làm điều bất nhân, bất công. Có bàn tay sạch như thế thì quý báu gì, vì có làm gì đâu mà tay bẩn. Nếu còn lên mặt chửi người khác là bẩn tay với thái độ an tâm như thể hãnh diện vì mình là người trong sạch, thì đó là một thái độ tự lừa dối không thể chịu được. Người có bàn tay sạch vì đã không dám làm gì, nhân danh cái gì mà hãnh diện với người khác, mà phê phán người khác?
    Có bàn tay sạch để làm gì và có ích gì cho xã hội nhơ nhớp, chính trị bẩn thỉu? Phải chẳng chỉ để tạo cho con người có bàn tay sạch một ảo tửng đạo đức, một thái độ an tâm? Một giáo sư chấm thi có thể tưởng mình được yên tâm khi đã chấm công bằng, ai đáng đỗ cho đỗ, ai đáng trượt cho trượt, không thiên vị, nể nang. Những sự công bằng trên có nghĩa lý gì và có ích lợi gì cho xã hội khi đứng trước một tình trạng thi trượt quá nhiều bắt nguồn từ tính cách không hợp lý của chính tổ chức học vụ, chế độ thi cử trừ tác dụng gây thái độ an tâm và ảo tưởng cho cá nhân giáo sư coi mình là người công bằng.
    Trong một chế độ hối lộ, thối nát quá chừng, sự liêm khiết của một cá nhân công chức có ích lợi gì cho xã hội, nếu người đó không làm gì thiết thực để xóa bỏ hoặc giảm bớt tình trạng thối nát, và chỉ bằng lòng thái độ thụ động, tiêu cực, không ăn hối lộ, không thối nát để được an tâm và hãnh diện vì có bàn thay sạch. Ảo tưởng liêm khiết, nếu còn lên mặt tố cáo người khác, thì đó là giả đạo đức vô liêm sỉ. Bao lâu chính mình không dấn thân vào để làm việc tốt và chấm dứt cái xấu, tất cả những phẫn nộ đượm vẻ quảng đại, cao cả những lời tố cáo sặc mùi luân lý không thay đổi được gì hết và do đó chỉ bày tỏ sự hèn nhát, sự bất lực của chính những người đứng ngoài tố cáo với bàn tay sạch.
    Họ có quyền gì mà tố người khác bẩn tay? Nếu họ không muốn thấy chính trị thối nát vì những người xôi thịt, làm bậy, tại sao họ không ra làm chính trị liêm khiết vì dân vì nước. Do đó, tại vì những người vì dân vì nước không có mặt ở đó, nên những chính khách xôi thịt mới có thể có mặt để làm bậy. Tại sao đòi những người xôi thịt không làm bậy khi họ đã là xôi thịt, và tại sao để cho họ ra làm chính trị xôi thịt? Tôi, người có bàn tay sạch, nghĩ rằng: “Trong hoàn cảnh chính trị hiện nay, tôi không muốn ở địa vị ông D, ông K”. Và đó có nghĩa là: Nếu tôi muốn có thể phê bình ông D, ông K, đã hẳn tôi phải không ở địa phương ông D., ông K. mà tôi chỉ trích, và họ sẽ nói: Nếu ông ở địa vị tôi, chưa chắc ông đã làm hơn tôi, thế nào cũng phải có người chịu ra nắm giữ địa vị đó, đảm nhận vai trò đó. Ông là người tài giỏi liêm khiết, tại sao ông không chịu ra đảm nhiệm? Hoặc nếu không ra đảm nhiệm, ông làm gì để cho tôi, hay bất cứ ai ở địa vị, ông làm gì để cho tôi, hay bất cứ ai ở địa vị đó, khỏi biến thành nhơ nhớp?
    Do đó, tôi chỉ có thể phê bình nếu phê bình nhằm thay đổi thật sự những hoàn cảnh đã đẻ ra ông D., ông K. và tạo ra điều kiện để cho một chính phủ của ông D, ông K không thể có được.
    Vậy nếu tôi đã không làm gì, và do đó đã để lại cho có chính phủ của ông D, ông K mà tôi chỉ trích là độc tài, cao bồi, thì tôi phải liên đới trách nhiệm những thối nát bê bối của những chế độ đó vì một dân tộc có chính phủ mà họ đáng có.
    Thái độ bàn tay sạch thường thấy ở lớp người ăn học, giới trí thức. Thật ra còn một nguyên nhân khác, có vẻ chính đáng đưa người tri thức đến sự lựa chọn thái độ có bàn tay sạch. Ở đây không phải người trí thức không muốn hoạt động, dấn thân. Họ rất tha thiết với cách mạng, với chính trị lý tưởng, sẵn sàng hy sinh, hoạt động nhưng ngại dùng những phương tiện bẩn thỉu để đạt tới một lý tưởng cao cả. Vấn đề khó khăn đặt ra là vấn đề phương tiện và cứu cánh. Người trí thức ghét những phương tiện mờ ám, bất nhân và cho rằng không thể dùng những phương tiện đó để đạt tới mục tiêu hành động, do đó họ lưỡng lự mãi và rốt cục bị tê liệt, không còn dám hành động nữa.
    Tuy nhiên, thái độ lý tưởng tuyệt đối đó đôi khi lại đưa đến những chủ trương trái ngược trong thực tế mà những người sợ những phương tiện bẩn thỉu trên nguyên tắc có thể mắc phải.
    Chính những người rêu rao nhiều nhất không được dùng những phương tiện xấu để đạt đến một mục đích tốt, vì mục đích “không biện hộ mọi phương tiện” lại trân tráo dùng mọi phương tiện, kể cả hương tiện xấu trong thực tế hành động. Người ta thấy xảy ra luôn trường hợp những bậc tu hành rất đạo đức, có ý thức rõ rệt về luân lý cứu cánh không biện hộ cho mọi phương tiện, nhưng trong thực tế, chấp nhận mọi biện pháp, miễn là được việc thì thôi. Muốn có tiền để làm việc xã hội, từ thiện, họ dễ dàng xin tiền, nhận tiền của những người giàu mà họ biết rõ đã làm giàu một cách phi pháp, bất nhân miễn là họ cho và cho nhiều. Một nhà giàu vì bóc lột, trộm cướp đôi khi còn dựa vào thế lực của các vị tu hành để làm giàu bất hợp pháp, nhưng khôn khéo dâng cũng cho nhà chung, nhà chùa một ít tiền, để cây nhà thờ, cất chùa. Những bậ tu hành không ngần ngại nhận những số tiền đó để thực hiện mục đích tốt. Họ đã hành động chẳng khác gì những người mà họ thường kết án trong lúc giảng thuyết (Cộng sản) là dùng mọi phương tiện để đạt tới mục đích tốt.

    Nhưng làm như thế, phải chăng họ đồng lõa, xúi giục, biện hộ cho sự hối lộ, ăn cắp, bóc lột. Thường thường họ cũng rất nghiêm khắc về vấn đề luân lý (công bằng) và nhất là về vấn đề dục tính. Tuy nhiên đối với người giàu có một cách bất công, tham tiền và hà tiện, nhưng lại biết quảng đại với nhà chùa, nhà chúa họ dễ dàng “cảm thông” cắt nghĩa lành cho những bọn đó, dù bọn đó ngoại tình, công khai có hai ba vợ…
    Những người tu hành cũng thường vì Chúa, vì Đức Phật mà không ngần ngại thi hành những mánh khóe gian lận, những thủ đoạn tàn bạo (nói dối, lường gạt, chuyển ngân phi pháp), trốn thuế đoan, buôn lậu, chợ đen, buôn việc đạo của thánh (tổ chức hành hương Fatima), bất cứ phương tiện gì cũng được miễn là được việc cho giáo hội và do đó họ được an tâm, vì tưởng rằng mình không làm cho mình.
    Thực ra những người tu hành trên đáng trách hơn cả Cộng sản, vì dù sao người Cộng sản cũng thẳng thắn hơn, khi họ chủ trương tất cả mọi phương tiện không phải đều tốt, nhưng tất cả mọi phương tiện đều tốt nếu hiệu nghiệm, do đó họ không tự lừa dối mình và lừa dối người khác khi nói một đàng làm một nẻo.
    Vấn đề phương tiện và cứu cánh sở dĩ mâu thuẫn, bế tắc là vì đã được đặt trên bình diện lý thuyết trừu tượng, đòi hỏi tuyệt đối. Người ta muốn cái thật trong sạch và muốn phương tiện hoàn toàn trong sạch. Nhưng trong thực tế, không có lý tưởng nào tuyệt đối, cũng không có phương tiện nào thuần túy trong sạch. Hơn nữa, luôn luôn phải hoạt động trong một hoàn cảnh hàm hồ, tốt xấu lẫn lộn, ít nhiều bạo động, khả năng gây ngộ nhận. Do đó, nếu từ chối không dám dùng phương tiện ít nhiều bạo động thì không thể làm gì được và đành bó tay, bất lực, vì chúng ta chỉ có những phương tiện ít nhiều trong sạch, và không bao giờ có những phương tiện hoàn toàn trong sạch. Nhưng từ chối không làm gì vì không có phương tiện tuyệt đối không bạo động thì cũng chẳng khác gì chấp nhận tình trạng bạo động, và không muốn chống lại tình trạng bạo động.
    Trong vở kịch “Bàn tay bẩn” (Les mains sales), Santre đã trình bày mâu thuẫn giữa một người tri thức (Hugo) gia nhập đảng Cộng sản với một người Cán bộ (Hoederer) xuất thân từ bình dân lao động, mâu thuẫn giữa một người dùng những phương tiện xấu (nói dối, bạo động, thỏa hiệp) để thực hiện lý tưởng cách mạng và một người thực tế chủ trương dùng mọi phương tiện, miễn là hiệu nghiệm, đạt tới lý tưởng cách mạng.
    Hoederer phê phán thái độ bàn tay sạch, tiêu cực và vô ích của Hugo: “Anh tha thiết bám víu vào sự trong sạch của anh lắm hở? Được rồi, hãy cứ giữ cho sạch. Nhưng có ích lợi gì cho ai và tại sao anh đến với chúng tôi. Sự trong sạch đó là một lý tưởng của bọn thày tu. Còn các anh bọn tri thức, bọn trưởng giả phá rối, các anh mượn cớ trong sạch để khỏi phải làm gì bất động, khép cánh tay vào mình, mang găng tay. Còn tôi, tôi bẩn tay. Đến tận khủy tay. Tôi đã nhúng tay vào cứt đái máu me. Rồi gì nữa. Anh tưởng người ta có thể cai trị một cách ngây thơ ông cụ sao?
    Sau đây là một đoạn tranh luận giữa hai người về chiến thuật tranh đấu. Theo Hoederer, khi Đảng còn yếu, không thể đối lập, mà phải thỏa hiệp với các Đảng khác chủ trương đoàn kết Quốc gia nắm chính quyền, và chỉ đối lập trong chính quyền chờ cơ hội cướp chính quyền sau này. Trái lại đối với Hugo, một tổ chức cách mạng chỉ có thể cướp chính quyền bằng bạo động không thể thỏa hiệp với kẻ thù và do đó phải lừa dối đảng viên và chính sách thỏa hiệp. Đó là một phương tiện xấu không thể chấp nhận được.

    Hugo: “Đồng chí có vẻ nắm được chân lý vững chãi lắm. Nhưng không thể chấp nhận Đồng chí nói dối các đồng chí khác”.
    Hoederer: “Tại sao? Chúng ta đang chiến trang và không phải là một thói quen thông báo cho người lính từng giờ những chi tiết cuộc hành quân”.
    Hugo: “Hoederer… tôi hiểu rõ ràng hơn đồng chí thế nào là nói dối, ở nhà cha tôi, mọi người đều nói dối, ở nhà cha tôi, mọi người đều nói dối. Tôi chỉ thở được từ khi vào đảng. Lần đầu tiên, tôi thấy những con người không đánh lừa những con người khác. Mỗi người đều có thể tin cậy ở tất cả và tất cả ở mỗi người, người chiến sĩ cấp dưới nhất cũng có cảm tưởng những chỉ thị của lãnh đạo bày tỏ ý muốn xâu xa của mình, và nếu có một cú đau xẩy ra, người ta biết tại sao người ta vui lòng chết. Đồng chí không nên…”
    Hoederer: “Nhưng đồng chí nói về gì đây?”
    Hugo: “Về đảng ta”
    Hoederer: “Về đảng ta sao? Nhưng ở trong đảng vẫn thường nói dối chút. Cũng như ở khắp nơi khác. Còn đồng chí, Hugo, đồng chí có chắc đồng chí không bao giờ tự dối mình không, không bao giờ nói dối không?”
    Hugo: “Tôi không bao giờ nói dối các đồng chí. Tranh đấu giải phóng con người để làm gì, nếu khinh con người tới mức có thể nhồi sọ họ.”
    Hoederer: “Tôi sẽ nói dối khi cần thiết và tôi chẳng khinh bỉ ai. Nói dối, không phải tôi tạo ra. Nó phát sinh từ một xã hội phân chia thành giai cấp và mỗi người trong chúng ta đều thừa hưởng nó khi sinh ra. Không phải từ chối nói dối mà xóa bỏ được sự nói dối, mà dùng mọi phương tiện để xóa bỏ giai cấp”.

    Hugo: “Tất cả mọi phương tiện không phải đều tốt”.
    Hoederer: “Mọi phương tiện đều tốt khi chúng hiệu nghiệm”.

    Thái độ sáng suốt thận trọng

    Người trí thức, người đàn anh từng trải thường coi mình là sáng suốt vì biết suy nghĩ, nhận xét, phân tách tinh tế, hoặc coi mình là không ngoan thận trọng vì họ biết đắn đo, dè dặt sau nhiều kinh nghiệm thất bại của tuổi trẻ bồng bột, nhẹ dạ, hăng say, liều lĩnh, mù quang. Nhưng đôi khi sự sáng suốt chỉ có nghĩa là bất lực và thận trọng là hèn nhát.

    Trước một vấn đề cần được giải quyết, mà chỉ cần sáng suốt thấy rõ vấn đề, nhưng thật sự không giải quyết được, thì sáng suốt có ích gì?

    Hoặc cứ nhân danh sự sáng suốt để khỏi phải dấn thân, hành động. Tình thế bao giờ cũng phức tạp, không thể biết chắc chắn mình nắm được tình thế, càng không thể chắc chắn mình sẽ tránh được mọi thất bại, tuy vẫn phải tin mình sẽ thành công để hành động. Người hành động lao mình vào cuộc phải tự nhận những may mắn cũng như rủi ro ngoài ý muốn dù đã suy nghĩ, đắn đo thật kỹ càng.
    Nếu vì sáng suốt, cứ phải đắn đo, suy nghĩ cân nhắc hơn thiệt mãi, thì rốt cục thế nào cũng hoài nghi, và không dám lựa chọn, quyết định hành động nữa. Do đó, sự sáng suốt không phải để soi sáng hành động, chỉ đạo hành động mà chỉ để khỏi phải hành động.
    Người trí thức sáng suốt, nhưng chỉ đặt vấn đề trên bình diện tư tưởng, và sưh diễn tiến của suy luận có thể hợp lý, nhưng cũng rất có thể không hợp với thực tại trong khi quần chúng, người hoạt động được nuôi dưỡng nang đỡ, thúc đẩy bởi chính những nhu cầu, áp bức bất mãn thực sự, bó buộc phải thấy mình muốn gì và biết mình phải làm gì? Họ không thắc mắc để thắc mắc nhưng tranh đấu để khỏi chết, để thoát khỏi một hoàn cảnh bế tắc mà họ không thể chịu đựng được nữa, chính vì thế mà những thắc mắc, cách đặt vấn đề của người trí thức có thể hay, hợp lý những không hợp với họ, không hướng dẫn và thúc đẩy họ hành động hiệu nghiệm. Sự suy nghĩ sáng suốt chỉ hiệu nghiệm nếu người trí thức ở trong một phong trào tranh đấu, thực sự dấn thân vào hành động.
    Sự khôn ngoan thận trọng cũng vậy. Cứ dè dặt, vì sợ bị lợi dụng, chưa đến thời cơ, vì trăm lý do, và người khôn ngoan thận trọng có thể tìm ra đủ trăm lý do để biện hộ cho thái độ thận trọng, khôn ngoan. Rút cục không dám làm gì nữa và thận trọng chỉ là một cách trốn tránh hành động.

    Thái độ thích làm người hùng, người thánh

    Có một quan niệm anh hùng thực sự: đó là đảm nhiệm chu đáo trong bóng tối, im lặng vai trò hàng ngày của mình sống cái tầm thường một cách khác thường, không mong được trổi bật, đề cao hơn người. Trái lại, có quan niệm coi anh hùng là làm được cái độc đáo, đặc biệt, cái khác đời, cái hơn người, cái không ai có thể làm được trừ mình. Anh hùng, thánh nhân như thế là vươn ra khỏi đời sống hàng ngày, tách biệt khỏi những người khác, đừng trên mọi người vì là nhân vật số một, không ai có thể bắt chước được.

    Nhưng tất cả những ước muốn hơn người khác người đều tạo một khoảng cách giữa người với người, không còn tương giao thông cảm, vì chỉ có tương giao thông cảm giữa những người bình đẳng, không thể có thông cảm giữa người hùng và người tầm thường, vì người hùng đứng ở chỗ cao quý, có ai với tới được đâu. Người hùng, người thánh là những người cô độc (Một mình một chiếu).
    Cũng như những cử chỉ làm ơn, giáng phúc đều đặt người làm ơn ở trên người chịu ơn, và không tránh khỏi ý muốn duy trì người làm ơn ở mãi tình trạng thấp kém, lầm than để có thể tiếp tục được họ mang ơn, và để cho người làm ơn được tiếng là người làm ơn. “Cho dễ quá, nó gây sự cách biệt. Cử chỉ làm ơn nó phân cách ta với người khác, nó không tạo ra được tương giao (Santre). Không bao giờ có thông cảm thực sự giữa người trên và người dưới, giữa người hùng và người thường, giữa người lành và người ốm, vì sự chênh lệch, hoàn cảnh, địa vị và thân phận”.
    Không những không có tương giao mà đôi khi cho, làm ơn còn là một hình thức trói buộc, bắt người khác làm nô lệ vì họ phải mang ơn suốt đời không được quên và phải luôn bày tỏ thái độ kẻ biết ơn trước mọi người. Nếu không muốn bị mang tiếng là kẻ vong ơn, bội bạc… Bày tỏ thái độ kẻ biết ơn là nể nang, vâng phục, sẵn sàng làm theo những ước muốn của người làm ơn, càng chịu ơn nặng, càng bị lệ thuộc trói buộc.

    Thái độ đích thực

    Phê phán những thái độ an tâm trên nhằm đi tới một thái độ đích thực: không tự lừa dối mình và lừa dối kẻ khác.
    Nhưng ý thức được những động cơ, nguyên nhân của những thái độ không thực (thái độ muốn làm điều thiện mà thực ra chỉ là thái độ tự phụ, tự cao, thái độ sáng suốt thận trọng mà thực ra là thái độ bất lực, hèn nhát) và tưởng mình có thể thực hiện được thái độ dích thực để an tâm thì thái độ đích thực đó cũng chỉ là một thái độ không thực. Đích thực là một lý tưởng để vươn tới, thỉnh thoảng có thể đạt tới, nhưng không bao giờ đạt tới hoàn toàn và hoàn tất. Cho nên tưởng mình đạt tới và an tâm vì đã đạt tới cái đích thực là tự lừa dối một cách trầm trọng hơn cả, vì không còn đòi hỏi luân lý nào cao hơn đòi hỏi cái đích thực, cái chân thực.


    Nguyễn Văn Trung
    Nam Sơn xuất bản - 1972



    Last edited by splen; 25-04-2011 at 08:36 PM.
    Cuộc Đời Cứ Thế Xoay Tròn – Người Người Vẫn Thế Mê Muội.

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Trả lời: 162
    Bài mới gởi: 24-06-2012, 10:16 PM
  2. TÂM VŨ TRỤ
    By doxuantho in forum Đạo Việt Nam
    Trả lời: 242
    Bài mới gởi: 26-03-2012, 02:27 PM
  3. Cẩm nang cho cuộc sống
    By phúc minh in forum Mật Tông
    Trả lời: 0
    Bài mới gởi: 06-04-2011, 06:33 PM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •