Biệt thự Pháp cổ: Hoài niệm bị lấp vùi

02/09/2012 06:00:00 (GMT+7)
.printPage .noPrint {display:none !important;}
- Trong dòng chảy của thời gian theo cuộc sống hiện đại, những biệt thự Pháp cổ đang dần trở thành tiếng nói của “người cũ”, bị lãng quên chỉ còn là hoài niệm mơ hồ.



Những nốt đàn lạc điệu

Việc du nhập kiến trúc Pháp vào Hà Nội từ cuối thế kỷ 19 đã làm thay đổi quy mô, đường nét nghệ thuật, kết cấu kỹ thuật, vật liệu xây dựng truyền thống…đánh dấu sự thay đổi trong cả quy hoạch và kiến trúc đô thị. Các công trình kiến trúc Pháp được thiết kế rất phù hợp với khí hậu cũng như điều kiện sống của người Hà Nội nhưng lại hoàn toàn mang một dáng dấp riêng biệt nổi bật giữa bản nhạc của phố phường.

Đã từng là những nốt nhạc riêng khác, nổi bật trong quy hoạch và kiến trúc của thủ đô nhưng đến nay những ngôi biệt thự cũ ngày nào lại như những nốt nhạc lạc điệu giữa cuộc sống của đô thị hiện đại.



Đằng sau hàng rào sắt bao quanh là tòa biệt thự cổ kính với thiết kế độc đáo, tinh tế nay đang bỏ không


Ngôi biệt thự số 20 nằm trên phố Tông Đản đã khiến cho không ít khách du lịch khi ngang qua phải đứng lặng. Đằng sau hàng rào sắt bao quanh là tòa biệt thự cổ kính với thiết kế độc đáo, tinh tế. Dấu cũ thời gian in hằn trên từng những viên gạch, từng mảng tường sơn đến từng thanh ghép trên mỗi ô cửa. Chỉ có điều, cổ kính là thế, tinh tế là thế nhưng nó đang bị bỏ không.

Chỉ vào tấm biển đỏ treo trên từng nhà, một người dân ở đây cho biết, ngôi biệt thự trước đây được làm nhà công vụ nay thuộc Sở Cảnh sát Phòng cháy và chữa cháy quận Hoàn Kiến. Nếu nói ngôi biệt thự này bỏ hoang thì không phải, mặt bên kia căn biệt thự là một quán lẩu, ở đây thường khoảng một tuần vẫn có người đến quét dọn xung quanh.

Trên nền sân cũ, từng đống gạch, củi khô được xếp gọn, cánh cửa chính bạc màu cửa đóng im ỉm. Trên từng bậu cửa số cũ có những mảnh kính đã vỡ, những mảnh ghép bị bung ra với từng mảng tường bong tróc.

Đưa tay chỉ nhanh qua ngôi biệt thự kế bên, hộ dân ở đây cũng cho biết thêm: “Mọi người đi qua đây thường chỉ để ý đến ngôi biệt thự 20 đang để không kia mà không biết tòa biệt thự bên cạnh là “đứa con sinh đôi” với ngôi biệt thự này nhưng nó thuộc sở hữu của hộ gia đình. Ngôi biệt thự đã được sơn lại nhưng kiến trúc thì vẫn được giữ nguyên. Theo thiết kế thì ngôi biệt thự được làm tỉ mỉ lắm. Cửa hai lớp, tường dày và có những khoảng rất riêng rất lạ”.

Rồi nhìn về phía ngôi biệt thự số 20 để không anh cười: “Chắc chưa sử dụng đến nên còn để đấy chưa tu sửa gì”.

Loay quanh trên con phố Ngõ Gạch chỉ với chiều dài gần 130m nhưng khi hỏi về ngôi biệt thự cổ Anh Hoa - một di tích lịch sử kháng chiến (trụ sở ban chỉ huy quân sự chợ Đồng xuân và là nơi diễn ra tiệc chiêu đãi các lãnh sự Anh - Mỹ, Tàu Tưởng nhân dịp tết cổ truyền Đinh Hợi 1947) nhiều người dân ở đây đều lắc đầu không biết. Phải đọc rõ ngôi nhà có lối thông qua Hàng Đường, Hàng Chiếu mới có cụ bà nhớ và dắt tôi qua ngôi nhà 14 – 16. Cụ bảo: “Bây giờ đường thông ra Hàng Đường, hàng Chiếu không còn nữa đâu. Biệt thự xưa cũng không còn nữa nên hỏi biệt thự ở đây thì mấy người biết mà chỉ”.


Ngõ Gạch ngày nay không còn biệt thự cổ Anh Hoa ngày nào


Trong con phố nhỏ ngôi nhà 14 – 16 không còn bóng dáng của biệt thự mà giờ đây cũng nằm chen chúc giữa những ngôi nhà theo kiểu nửa nhà, nửa quán với cửa hàng thời trang, café chắn mặt, vút lên trên ngôi nhà 3 – 4 tầng chẳng ai còn nhớ nơi đây đã từng là biệt thự Anh Hoa, ngôi “nhà Tây” 3 tầng rất kiên cố, dưới tầng hầm có các con đường thông sang các ngôi nhà 11 Hàng Đường, số 7 Hàng Đường...

Nhiều biệt thự Pháp cổ ở Hà Nội đang dần bị lãng quên trở thành hoài niệm mà người lâu ngày về phố, chỉ biết nhìn cảnh nhớ người chỉ có điều cảnh nay lại chẳng còn là bao…

Đập nhà thời Pháp xây nhà kiểu Pháp


Theo Sở Xây dựng Hà Nội, trong số 1.586 biệt thự dạng này có 562 biệt thự thuộc sở hữu tư nhân, 1.024 biệt thự thuộc sở hữu nhà nước, 42 biệt thự ở trung tâm chính trị Ba Đình không được phép tư nhân hoá nằm trên các tuyến như Lê Hồng Phong, Hoàng Diệu, Phan Đình Phùng...còn lại hầu hết biệt thự đã xuống cấp nghiêm trọng, hàng trăm biệt thự bị cơi nới, lấn chiếm, thậm chí bị làm biến dạng, tình trạng tranh chấp tại đây rất phức tạp. Biệt thự Pháp cổ cái còn, cái mất đến nay vẫn chỉ là những con số tương đối với chính sách bảo tồn cũng còn mang tính chất chung chung.

Nhưng có một thực tế là trong khi nhiều biệt thự từ thời Pháp đang bị “ngược đãi” bị bỏ hoang thì lại có cả phong trào xây biệt thự theo kiểu Pháp. Những ngôi biệt thự kiểu Pháp mới dẫu được xây lên hoành tráng nhưng không thể có được hồn cốt của những công trình đã khoác trên mình hàng chục năm tuổi với đủ thăng trầm của thời gian in hằn cả văn hóa và lịch sử.


Theo thời gian, những biệt thự Pháp cổ dần trở thành tiếng nói của “người cũ” chỉ còn là hoài niệm mơ hồ?


Với những biệt thự Pháp cổ ít người biết rằng người Pháp đã xây dựng cả một hệ thống văn bản luật và quy hoạch đô thị áp dụng cho riêng Hà Nội. Trong đó có cả Nghị định quy định những điều khoản chung cho tất cả các công trình xây dựng trong Thành phố Hà Nội, kể cả khu người Âu lẫn khu bản xứ.

Theo đó, tất cả những người xây nhà đều phải trình cho chính quyền bản vẽ mặt bằng và mặt cắt của công trình mình định xây, bao gồm mặt bằng tổng thể đất và nhà cửa xung quanh để đảm bảo sự hài hòa chung. Tất cả các công trình lớn, nhỏ, kể cả việc làm ống máng nước dọc mái nhà cũng phải được phép của chính quyền thành phố. Một điều mà các không gian kiến trúc hiện đại ở Hà Nội không bao giờ có được nhưng giờ đây những điều không bao giờ có được ấy đang dần chỉ còn là hoài niệm.

Hồng Khanh