Vai trò ông đồng bà cốt đối với lịch sử


Ai? - Ông đồng bà cốt. • Cái gì? - Tìm về quá khứ của một người hoặc một vật. • Lúc nào? - Từ thời xa xưa đến nay. • Bằng cách nào? - Nhờ phép đo tâm thần. • Ở đâu? - Ở bất cứ đâu. • Vì sao? - Để làm sáng tỏ một số vấn đề khó hiểu trong lịch sử và để giúp các nhà khảo cổ học. Lúc nào tôi có thể gặp được người bạn đời của tôi? Tôi sắp có việc làm chưa?…



Đó là những câu hỏi mà những người có tài thiên nhãn phải nghe suốt ngày trong các phòng tư vấn. Phải chăng các nhà thiên nhãn quả thực có khả năng thiên phú ấy? Ta cần gặp họ để được yên tâm hơn về mọi chuyện cả trong quá khứ và tương lai, hy vọng được nghe những điều ta hằng mong ước…. Chân dung biếm hoạ về nhà thiên nhãn này do một người hoài nghi phác hoạ ra. Ông ta thường cường điệu hoá bằng cách nói rằng những người có tài thiên nhãn nói về những biến cố đã qua và thường xảy ra bất thần do bạn gây ra một cách vô thức… Bạn hãy chờ xem! Khi các nhà thiên nhãn mô tả nhân cách của bạn, ta có thể thấy rằng họ là những nhà tâm lý học khôn khéo, những người quan sát chính xác, có trực giác tốt.


Thường thường các câu hỏi được gửi đến nhà thiên nhãn đều liên quan đến tương lai mà khả năng thiên nhãn rất khó xác định, thậm chí khó thuyết phục nữa vì có nhiều ý kiến phản bác và vì khoảng thời gian cần thiết để thực hiện các biến cố đã được báo hiệu trước. Ngoài ra còn có một hình thái thiên nhãn chẳng quan hệ gì đến những vấn đề trên của lịch sử và cho phép tái hiện nhiều cảnh tượng đã bị biến mất, làm cho các nhà khảo cổ học thích thú… Đó là phép đo tâm thần…

Đối diện với lịch sử

Thuật ngữ Phép đo tâm thần do một người Mỹ tên là J.R.Buchanan đặt ra vào năm 1849, gồm hai từ gốc Hy Lạp (mesure de l'âme) có nghĩa là thước đo tâm hồn. Người ta không đề cập đến tâm hồn của các đối tượng được nghiên cứu nhưng đó là cảm giác của những người quá cố đã giữ được trong suốt cuộc đời của mình và nhà thiên nhãn đã cảm nhận được.
Nghệ thuật tiên đoán này không phải mới phát sinh từ hôm nay, cũng không phải từ ngày hôm qua… mà đã phát sinh từ rất lâu! Người ta đã tìm thấy một trường hợp tiên đoán trong Kinh thánh, trong cuốn Tông đồ công vụ (đoạn XXI, câu 11) tiên tri Agqbus cầm lấy dây thắt lưng của thánh Phao-lô rồi tuyên bố rằng người nào đeo dây thắt lưng này sẽ bị nộp mình cho những kẻ đa thần giáo ở Jérusalem… Sự việc xảy ra đúng như vậy. Phép đo tâm thần này hướng về tương lai, đó là mặt ứng dụng khác của khả năng thiên phú này.


Trong cuốn sách của mình nhan đề Siêu tâm lý học nhập môn xuất bản năm 1973, Tischer đã định nghĩa Phép đo tâm thần như sau: Phép đo tâm thần là một công việc mà bằng con đường bình thường, con người cảm nhận được, sờ mó được; nó cung cấp cho ta một cách chi tiết về quyền sở hữu của một vật hoặc một chi tiết về một cá nhân đã thuộc về quá khứ.

Định nghĩa này giới hạn phép đo tâm thần vào một đối tượng và đã quên mất một vài phương tiện của khả năng thiên phú; chẳng hạn như phép đo tâm thần về nơi chốn mà nhà thiên nhãn tiếp nhận cảm giác, hình ảnh của quá khứ mà ông phát hiện ở một địa điểm nào đó, nơi xảy ra câu chuyện. Đó là trường hợp do Jean Prieur đã làm thí nghiệm. Ông đã dẫn một nhà đo tâm thần đến chợ Bác Ái nơi bị hoả hoạn phá huỷ vào năm 1897 và đã làm chết 130 người. Người ta tìm thấy giai thoại này trong tác phẩm Nhớ lại các sự kiện. Jean Prieur và nhà thiên nhãn Lionel Jackel đi đến nhà nguyện dâng hiến cho Đức Bà An Ủi được dựng lên tại nơi xảy ra thảm hoạ. Lionel Jackel chưa từng biết nơi xảy ra tai nạn và Jean Prieur đã cẩn thận dẫn ông bước lên bậc thềm nhà nguyện bằng cầu thang bên trái để tránh cho nhà đo tâm thần không nhìn thấy tấm bảng tưởng niệm thảm kịch. Trích dẫn lời do nhà tâm thần: Hai bàn tay tôi nóng bỏng… Tôi cảm thấy chân tôi rung động… Tay tôi càng về sau càng nóng hơn… Mùi than hồng cháy dở. Có cái gì đó sập xuống. Một sức nặng lớn, một cú đánh mạnh vào trán tôi…. Càng lúc tôi càng không thở được nữa… Có tiếng người ta đánh nhau. Nỗi đau bị khổ hình, tra tấn, khiếp sợ. Tôi cảm thấy thân xác tôi bị những nỗi đau ấy… Có mùi thịt người bị đốt cháy… Các chi tiết này đúng như sự thực và đó chỉ là một đoạn trích nhỏ của phép đo tâm thần đầy ngạc nhiên này. Hầu như tất cả các giác quan của nhà thiên nhãn đều đã nhập cuộc: thính giác, xúc giác, thị giác, khứu giác… Người ta có cảm tưởng là nhà đo tâm thần đã từng chứng kiến thảm cảnh, đã từng tham dự như là một diễn viên chính. Ông không cam lòng chỉ làm một nhà quan sát. Một nhà đo tâm thần người Anh tên là Kensett Style giải thích rằng: khi ông bắt đầu thí nghiệm phép đo tâm thần, ông thấy hết mọi việc giống như là ông đang ở trên tháp cao nhìn xuống. Một ngày nọ, ông thấy mình biến thành một người mà ông vừa mô tả và ông không còn được nhìn ngắm các cảnh vật như người của thế kỷ 20, nhưng với đôi mắt của người sống vào thời đại ông đang tìm hiểu.

Một trường hợp khác, Yaguel Didier đã nhiều lần làm việc trên các bức ảnh có phong bì niêm kín. Tài thiên nhãn này được nhắc đến trong cuốn sách cuối cùng của ông. Các cuộc thử nghiệm phép đo tâm thần như là một cuộc gặp gỡ thực sự với các nhân vật đã qua trong lịch sử: gặp gỡ, chuyện trò, tin cậy lẫn nhau và còn kết bạn tâm giao với nhau nữa. Tuy nhiên thật khó đưa ra lời kết luận là phép đo tâm thần thay đổi tuỳ theo đối tượng và nhà thiên nhãn.

Thầy phù thủy Ba Lan



Nếu có một yếu tố cần thiết để phép đo tâm thần đạt kết quả tốt thì yếu tố đó là nhà tâm thần phải có khả năng thiên phú. Các nhà thiên nhãn thường không phải là những người miệt mài với môn học này mà chủ yếu là do khả năng thiên phú của họ. Các chuyên gia thực hành môn học này rất hiếm. Jean Prieur khám phá ra rằng nhiều nhà đo tâm thần không biết rằng chính mình lại có khả năng thiên phú ấy ví dụ như: Lionel Jackel hoặc Eric Vertuel… Đơn giản chỉ vì không bao giờ người ta yêu cầu họ thử khả năng của mình! Một số nhà đo tâm thần nổi danh và có rất nhiều giai thoại kỳ lạ về họ…. Như trường hợp ông đồng Ossowiecki (1877-1941) có biệt danh là “thầy phù thuỷ Ba Lan Ông đã gặp gỡ các nhà siêu tâm lý học người Pháp là một ví dụ như Charles Richet và Gustave Geley. Charles Richet là người đã được giải thưởng Nobel về sinh lý học và là Chủ tịch Viện Siêu tâm lý học quốc tế vào năm 1930, còn Gustave Geley là thầy thuốc nổi danh khắp thế giới và là Giám đốc của Viện này. Họ đã đề nghị với ông đồng Ossowiecki một loạt các thí nghiệm và các cách phòng bị thật cẩn thận. Charles Richet thuật lại: Vào ngày tôi khởi hành đến Varsovie, nữ Bá tước Anna de Noailles gửi đến Paris cho tôi ba bì thư niêm phong kín mà tôi hoàn toàn không biết nội dung và tôi đánh chung một cách tình cờ từ 1 đến 3. Tôi đưa cả ba phong bì đó cho ông Ossowiecki và bảo ông chọn một cái. Ông chọn phong bì số 3 và tôi hẹn ông ngày mai sẽ đến nhận kết quả. Ông cầm lấy phong bì, vò bóp một cách hăng say khá lâu (khoảng 45 phút). Ông cho biết rằng đó là phong bì của bà Noailles và ông xác định rõ thêm “Trong phong bì này có một vài câu thơ của thi hào người Pháp, tôi đoán là của Rostand… trích một vài câu trong bài thơ nổi tiếng Chantecler”. Trong đó có những câu thơ về ánh sáng và bóng tối, có cả một đôi điều về con gà trống nữa. Rồi nửa giờ sau, ông lại nói: “Các ý tưởng nói về đêm tối và ánh sáng được viết trước rồi tên của Rostand”. Người ta bóc thư ra. Bà Anna de Noailles đã viết trong thư, “Bây giờ đang là ban đêm. Ánh sáng thật đẹp”. Nữ thi sĩ chép lại một câu trong bài Chantecler, thi phẩm của Edmond Rostand được trình diễn năm 1910, trong đó nhà soạn kịch có đề cập đến con gà trống. Giáo sư Poniatowski và giáo sư Wolkowski đã tiến hành những cuộc nghiên cứu về Ossowiecki. Vị giáo sư thứ hai này chỉ chép lại những việc làm của Ossowiecki và không xác minh những lời ông nói. Tuy nhiên nhiều việc làm trong phép đo tâm thần của ông đã được chứng thực.

Du hành thực sự với thời gian



Sau khi Ossowiecki qua đời, người ta thấy các di tích không thể chối bỏ về lễ hoả táng trong các lớp đất có niên đại cách đây 25.000 năm. Nhờ các phép đo tâm thần của mình, Ossowiecki đã thực sự du hành trong quá khứ… ông đã mô tả địa điểm, thái độ của mọi người chung quanh ông. Ngược lại, nếu ông mô tả được cử chỉ của họ thì ông lại không nghe được những lời họ nói. Về vấn đề này, người ta chỉ ghi nhận bản thân các nhà thiên nhãn khó lòng từ chối, khó lòng giải thích khả năng thiên phú của họ, ít nhất bằng phương cách nào đó để làm hài lòng các nhà nghiên cứu. Người này thấy, người kia nghe và ngay cả ngửi được mùi vị nữa…Lionel Jackel, một nhà thiên nhãn đã cộng tác lâu năm với Jean Prieur giải thích rằng: trước khi bắt đầu công việc, tôi phải tập trung tư tưởng vào đối tượng cần tìm hiểu, tôi chú ý đến con mắt thứ ba. Bấy giờ tôi đang ở trong trạng thái chập chờn nhập đồng. Một chân tôi đứng trong thế giới vật thể và chân kia trong thế giới tinh tú. Jean Prieur còn kể thêm rằng mỗi lần Lionel Jackel tiến hành thực hiện đo tâm thần, toàn thân ông trở nên đỏ rực, máu dồn lên đầu. Các tài thiên nhãn khác có liên quan đến khảo cổ học càng làm cho chúng ta ngạc nhiên nhiều hơn và được thực hiện do những người không có tài đo tâm thần. Đó là trường hợp của Goodman mà Rémy Chauvin làm nổi bật trong tác phẩm của mình: Chức năng của phép đo tâm thần. Năm 1971 người kỹ sư Mỹ trẻ tuổi này băn khoăn về hai giấc mơ bất thường: ông thấy mình thực hiện các vụ khai quật cùng với các nhà khảo cổ học khác trong một vùng hoang vắng và đào lên được các bộ xương người, xương có màu đen. Trong giấc mơ thứ hai, ông đứng trước một bản đồ địa chất rất chính xác và người ta chỉ cho ông một nơi đặc biệt giáp biên giới Arizona và Tân Mễ Tây Cơ. Bấy giờ ông nhờ Aron Abrahamsen – một ông đồng có khả năng giải thích được các giấc mơ. Abrahamsen viết thư báo cho Goodman biết rằng giấc mơ của ông là lời báo trước về vấn đề khai quật mà Goodman sắp thực hiện trong vùng Arizona và ông sẽ phát hiện ra di tích của những người khai phá vùng đất này vào thời điểm còn cổ xưa hơn niên đại do các lý thuyết thời bấy giờ đưa ra. Trong lúc trao đổi thư từ như thế, Abrahamsen mô tả quang cảnh khai quật, các lớp đất đá khác nhau mà các nhà khảo cổ học sẽ tìm thấy sau này. Rémy Chauvin thuật lại một cách thán phục cuộc nghiên cứu khảo cổ này: Lời tiên báo của Abrahamsen liên quan đến bản chất địa chất của vùng đất rất chính xác. Dự báo về sự phát hiện các dụng cụ cũng chính xác, chỉ sai về một số đồ gốm (Abrahamsen báo trước là những mảnh đồ gốm); còn lời tiên báo tìm thấy những mảnh xương vụn còn sót lại của con người thì sự phát hiện quả thực có một tầm vóc rất quan trọng, nhưng thật đáng tiếc, Goodman vì thiếu kinh phí nên không thể đào sâu hơn nữa để tìm.

Chọn lựa bằng chứng



Cần có điều kiện tiên quyết là chọn lựa bằng chứng để cuộc thí nghiệm được thành công. Cũng như hầu hết các khả năng thiên phú về siêu tâm lý, kết quả phụ thuộc phần lớn vào môi trường tâm lý. Nhà thiên nhãn cần được cảm thấy mọi người tin tưởng ông, chứ không phải bị phán xét, thử thách… Sự căng thẳng có thể làm nhiễu thông tin. Người ta biết rõ điều đó và mỗi lần như vậy, công việc không thể tiến hành được. Điều đó làm cho việc tìm hiểu và nghiên cứu hiện tượng thêm khó khăn. Cần có mối liên hệ thân thiết, tình cảm, nói kết giữa nhà đo tâm thần với người điều hành cuộc thí nghiệm như là một điều kiện cần thiết. Stephan A.Schwartz thuật lại trong cuốn Dự án Alexandrie, một cuộc phiêu lưu về khảo cổ học, rằng các ông đồng phàn nàn phải làm việc như người máy và trong đa số các phòng thí nghiệm, nhiệm vụ phải hoàn thành thường chán ngấy… các yếu tố này cùng với mặc cảm tâm lý gây nên một hậu quả không tốt làm ảnh hưởng quyền lực của các ông đồng. Ít nhất là trong dự án Alexandrie không có sự buồn chán…. Công việc được tiến hành một cách say sưa và người ta lấy làm tiếc là những sự khởi đầu như thế thường hiếm thấy. Stephan A.Schwartz đi theo nhóm Mocbius gồm nhiều nhà khoa học và được thêm một số ông đồng, nhà thiên nhãn, nhà Cảm xạ giúp đỡ. Cuộc phiêu lưu dự án Alexandrie kéo dài từ năm 1978 đến 1982: Phát hiện những dữ kiện mới khảo cổ học về thành phố Alexandrie… và để tìm mộ của đại đế Alexandrie. Kết quả có phần không thuận lợi: chỉ dẫn của các ông đồng không hoàn toàn đúng hẳn, việc khai quật không phải lúc nào cũng thực hiện được. Người ta chỉ lưu ý một vài mẫu khai quật: Chẳng hạn như vị trí bể nước mưa và các khối đá lớn bao gồm hệ thống thoát nước…. Tại nơi do nhà thiên nhãn chỉ định, con đường sập xuống và nhô lên… Có nhiều nhà thực nghiệm nổi tiếng như André Malraux, năm 1957, ông cùng tham dự với Georges Salles, Giám đốc các Viện bảo tàng Pháp quốc cùng với Khodary nghiên cứu bức ảnh của một tấm vải cổ xưa được bảo quản ở Bagdad. Bà mô tả các giai đoạn chính trong cuộc đời của đại đế Alexandrie, nêu lên một số đặc điểm ít được mọi người biết đến về nhân vật lịch sử này; ví dụ như chuyện với cùng một màu sắc, nhưng đại đế không phân biệt được, khi thì cho là màu xanh nước biển khi khác lại cho là màu đen.

Một hiện tượng đáng được nghiên cứu



Trong số các cuộc thí nghiệm đã được nêu, có những trường hợp thành công nhưng cũng lại có những trường hợp không đạt… Nhưng vấn đề đáng nói ở đây là các nhà thiên nhãn có khả năng và đã lao mình vào cuộc nghiên cứu quá khứ, điều mà thường hiếm người làm và trong khi đó, các nhà khoa học lại luôn luôn giữ thái độ ngờ vực đối với việc làm của họ, khiến cho nhiều người phải từ chối không tiếp tục việc nghiên cứu của mình. Vì thế, việc qua các nhà thiên nhãn để nghiên cứu lịch sử thường bị hạn chế. Tuy nhiên, điều kỳ lạ đã được khám phá. Có rất nhiều kết quả thiên nhãn đã được chứng nghiệm là đúng. Nếu một nhà thiên nhãn tuyên bố rằng ngày nay tại địa điểm hoang vu này, xưa kia nơi đây đã từng là một ngôi đền La Mã, thì chỉ cần khai quật lên để xem thông tin ấy đúng hay không. Điều này cho phép tách rời những kẻ có tham vọng muốn có khả năng thiên nhãn ra khỏi những người có khả năng thiên phú thật sự. Sau cuộc thử nghiệm loại bỏ này, người ta thực sự có thể thực nghiệm khả năng thiên phú ấy bằng cách xác định giới hạn, các yếu tố cần thiết để sử dụng…. Chúng ta đã được nghe nói nhiều về các cuộc thử nghiệm phép đo tâm thần, nhất là vào đầu thế kỷ XX.
Liệu mọi người đều có thể hiểu được phép đo tâm thần bằng các phương tiện khác nhau như tài thiên nhãn, giấc mơ như trong trường hợp của Goodman…? Ta có thể tin rằng một vật thường có một số dấu vết đặc thù trong cuộc sống của nó và nhiều người đã thành công nhờ cảm nhận được ra những dấu vết ấy. Năm 1979, tại Hội nghị Vật lý ứng dụng được tổ chức ở Varsovie, nhà vật lý người Roumanie là Orel Pahesi đã trình bày các thí nghiệm của ông về cấu trúc phân tử của các viên kim cương. Theo ông, cấu trúc ấy chịu tác động của hình ảnh và âm thanh mà hòn đá thu dẫn theo cách của một máy ghi hình từ tính tự nhiên. Ông còn quả quyết rằng về mặt lý thuyết, các phân tử phục hồi các thông tin mà chúng nhận được. Hơn nữa, lời giải các vấn đề đặt ra của phép đo tâm thần còn nằm ở trên các bức ảnh: bản thân các bức ảnh không mang dấu ấn niên đại của đồ vật trên bức ảnh ấy. Không ai có thể rờ vào các dấu ấn ấy được… Nhưng lại có thể ghi lại một số đặc điểm của vật mà nó trình bày và đủ cho ta tiếp xúc với một số thông tin liên quan đến người hay vật ấy.
Đối với nhiều bộ lạc nguyên thuỷ, việc làm đơn giản để mô tả một người nào đó là cướp đi một phần thân thể của người ấy… Cũng như vậy, hình ảnh, vóc dáng của một người là một phần của chính thân thể người ấy. Vậy phép đo tâm thần dựa trên cơ sở nào? Quả bóng đang ở trong sân của các nhà nghiên cứu!.

Một hiện tượng xác minh được




Giới thiệu về Rémy Chauvin là vô ích vì ai cũng biết ông là nhà côn trùng học, nhà nghiên cứu về siêu tâm lý học, tác giả của nhiều tác phẩm nổi tiếng. Nhà khoa học lỗi lạc này quan tâm đến mọi vấn đề. Trong cuốn sách Chức năng của phép đo tâm thần của ông có một chương nhan đề là: “Phép đo tâm thần và khảo cổ học”.

Vậy ông có biết gì về các thí nghiệm đo tâm thần không?
Rémy Chauvin: Tôi còn nhớ một người bạn thân của tôi đã đưa cho một bà cốt một chiếc chìa khoá cũ lắm rồi và yêu cầu bà ta xem có điều gì lạ không. Bà đã mô tả ngôi nhà của cha ông ấy với những chi tiết nhỏ nhặt nhất mà chính bà chưa bao giờ đặt chân đến. Và đây chính là chiếc chìa khoá ngôi nhà của thân phụ ông bạn của tôi. Tôi hoàn toàn ngạc nhiên. Đó là một mẫu thí nghiệm mà tôi cần làm lại. Cuộc thí nghiệm này giống như cuộc thí nghiệm mà Ossowiecki, một nhà thiên nhãn Ba Lan rất nổi tiếng đã bị bọn quốc xã tàn sát năm 1941. Người ta đưa cho ông một cái rìu thời tiền sử. Ông đã mô tả cái trại trú ẩn của người Magdaleine với đầy đủ chi tiết. Ông nghe tiếng họ nói và nhìn thấy họ đang mang cung tên. Các nhà khảo cổ học cho rằng không thể có chuyện nghe thấy đó được. Bấy giờ người ta còn quả quyết rằng người Magdaleine không có cung tên. Các nhà khảo cổ học và Ossowiecki cãi nhau. Mấy năm sau, người ta phát hiện thấy các mũi tên của người Magdaleine!

Phải chăng điều ấy muốn nói rằng các đồ vật cũng có trí nhớ?

Rémy Chauvin: Đúng vậy, chẳng hạn với một chiếc chìa khoá cũ: nếu nhà thiên nhãn không cầm, có lẽ bạn đã cho nó vào lửa rồi… Điều này liên quan đến các chú chó của cảnh sát. Nhìn chiếc gậy gỗ, các chú khôn ngoan có thể tìm thấy người đã từng cầm chiếc gậy ấy 3 tuần lễ trước đó. Người ta biết được điều này là nhờ quan sát thấy màng nhầy khứu giác của con chó rộng bằng bàn tay của chúng ta trong khi màng nhầy khứu giác của con người lại chỉ bằng một ngón tay. Vì vậy, con chó có khứu giác tinh tế kỳ lạ và trong một số trường hợp, nó có khả năng tìm thấy một phân tử trong một mét khối. Điều này có vẻ khó tin. Còn đối với con người, chúng ta cảm nhận thế giới mùi vị một cách thô sơ.

Người ta giải thích hiện tượng đo tâm thần như thế nào?
Rémy Chauvin: Không có lời giải thích nào cả. Hãy mời nhà thiên nhãn đến xem một bản đồ để tìm vị trí địa hình khảo cổ… Nhà thiên nhãn không rờ đến bản đồ! Người ta không biết cái gì sẽ xảy ra.

Phép đo tâm thần hình như là một loại thiên nhãn dễ xác minh nhất
Rémy Chauvin: Vâng, đúng thế. Đặc biệt đối với ngành khảo cổ học, có một phương tiện đơn giản nhất để biết rõ nhà thiên nhãn có lừa bịp hay không: đó là kết quả của việc khai quật di tích khảo cổ.
Nhưng đối với khả năng thiên nhãn, người ta không điều khiển được như người ta mong muốn.

Tại sao người ta không biết gì về phép đo tâm thần, mặc dù dễ làm thí nghiệm kiểm chứng.
Rémy Chauvin: Nếu người ta chịu làm nhiều cuộc thí nghiệm để nghiên cứu và nếu những ai quan tâm đến vấn đề này không bị loại trừ thì loài người đã tiến bộ rồi. Ngày nay, nhà khoa học trẻ nào muốn nghiên cứu vấn đề trên sẽ bị thiệt thòi cho nghề nghiệp của mình.

Ông ấy đã phát hiện
một điều mà tôi hoàn toàn không biết



Tự xác định mình như là một nhà văn, nhà nghiên cứu tâm linh - Jean Prieur đã xuất bản nhiều tác phẩm và đặc biệt nhất là cuốn Trí nhớ của các đồ vật bàn về phép đo tâm thần. Ông là người của lĩnh vực tâm linh, đã không ngần ngại tổ chức các cuộc thí nghiệm về phép đo tâm thần…. Tài thiên nhãn đã quyến rũ ông. Bình thường ông còn là người đam mê lịch sử nữa!

Phép đo tâm thần được tiến hành như thế nào?
Jean Prieur: Nhà thiên nhãn – đo tâm thần cầm lấy đồ vật trong tay và khi ông ta cảm nhận được điều gì đó, ông ta bắt đầu có thể mô tả được những người kế tiếp nhau đã từng là chủ nhân của đồ vật ấy, thậm chí cả hoàn cảnh chung quanh của người ấy nữa. Ví dụ, tôi đã làm việc với nhiều nhà đo tâm thần về cuốn Kinh Thánh – Cuốn sách của Thái Tử Louis XVII trong lúc ông bị cầm tù ở Temple. Một vài người trong số họ đã nhận thấy những đồ vật khác nhau, nhưng đó chỉ là vấn đề phụ. Một số người khác lại thấy hoàn cảnh chung quanh tháp Temple, một nơi bị thiên tai. Những người khác nữa lại có cảm giác lạnh và ẩm thấp.

Không có điều gì gian trá trong phép đo tâm thần à?
Jean Prieur: Phép đo tâm thần là một hình thức thiên nhãn dễ xác minh nhất và đối với người nào mà tôi đưa cuốn sách cổ này cho họ – họ không biết gì về xuất xứ của cuốn sách ấy và dần dần họ hiểu ra việc gì đã xảy ra dưới thời Cách mạng. Một phụ nữ già đã cho biết tên tục của cậu thanh niên Louis và chị của cậu là Marie- Thèrèse nhưng lại không cho biết họ sống vào thời nào. Đó là hiện tượng rất phức tạp nhưng tôi có thể kiểm soát được sự trung thực trong lời nói của họ.

Vâng, nhưng nhà thực nghiệm biết rõ xuất xứ của đối tượng chứ…?
Jean Prieur: Có một số người luôn nói rằng ông đồng đọc được tư tưởng của mình, điều đó không hẳn như vậy. Nhưng đúng là có một người đã phát hiện một điều mà tôi hoàn toàn không biết. Ông ấy thấy mình ở trước cánh cửa sắt lâu đài Tuileries, nơi Napoléon đệ tam đã ở và bị đốt cháy dưới thời công xã Paris. Ông nói với tôi rằng: ông thấy ở bên trái dãy nhà rất dài. Dãy nhà đó vừa là quốc hội lại vừa là toà án. Tôi không biết gì về điều đó, tôi tìm tài liệu nghiên cứu và sững sờ được biết rằng vào thế kỷ XVIII, toà án đó là nơi Hội Nghị Quốc ước dự họp, vậy tức là quốc hội và đó cũng là nơi Louis 16 đã bị kết án… giống như trong một toà án!

Có kiểu đo tâm thần nào khác nữa không?
Jean Prieur: Cũng có phép đo tâm thần về địa điểm như người ta đã thử nghiệm tại chợ Bác Ai, nơi đã bị đốt cháy vào năm 1897. Tại nơi này, người ta dựng lên một nhà nguyện chuộc tội. Mặc dù đền đài đã bị biến mất nhưng vẫn còn lại dấu vết. Tôi đã dẫn hai nhà đo tâm thần đến đó và họ đều thấy thảm kịch hoả hoạn xảy ra.

Cần phải đến địa điểm ấy à?
Jean Prieur: Tôi còn nhớ một trường hợp lạ lùng… Vào ngày đó, tôi muốn dẫn một nhà đo tâm thần đến nhà thờ Cát Minh (Carmes). Cánh cửa sắt đóng kín. Người ta ngồi trên vỉa hè. Mặc dù vậy, nhà đo tâm thần thấy có một khoảng vườn rộng ở phía bên kia nhà thờ, đó là điều mà tôi không biết và ông mô tả cuộc tàn sát các tu sĩ dòng Cát Minh vào tháng 12 năm 1792. Nhà đo tâm thần ấy ở cách địa điểm được miêu tả một khoảng khá xa, nhưng hiện tượng đo tâm thần vẫn hoạt động tốt! … Điều ấy chứng minh rằng các địa điểm có vầng hào quang toả ra chung quanh.

Vì sao các cuộc thử nghiệm đo tâm thần vẫn còn hiếm.
Jean Prieur: Một phần là do các nhà thiên nhãn đo tâm thần. Tất cả các nhà đo tâm thần mà tôi dùng để thí nghiệm lại không biết rằng chính họ có khả năng thiên phú ấy vì đó là một hình thức thiên nhãn ít khi được thực hành. Hiếm khi người ta yêu cầu họ thực hiện việc thử nghiệm. Phần khác là do có một số người lợi dụng khả năng này để đi tìm kho báu. Công việc chỉ tiến hành tốt khi nào nhà nghiên cứu và ông đồng đều tỏ ra không vụ lợi.

Phép đo tâm thần là hình thức thiên nhãn dễ đồng hóa với khoa học nhất
Điềm tĩnh, tự tin, Éric Veruel là nhà thiên nhãn trẻ tuổi đã phát hiện biệt tài của mình khá muộn màng. Là một cựu Giáo sư toán học, ông đã mở văn phòng tư vấn mấy năm qua, nhờ các công trình của ông cùng cộng tác với Jean Prieur và nhờ những cuộc thí nghiệm do chính ông thực hiện trong lúc tư vấn, dần dần ông ứng dụng được phép đo tâm thần của mình… Đối với ông, phép đo tâm thần là hình thức thiên nhãn dễ đồng hoá với khoa học nhất.

Ông đã phát hiện khả năng thiên nhãn bẩm sinh của ông bằng cách nào?
Eric Vertuel: Kể từ lần đầu tiên tôi cảm thông với thế giới tâm linh, tôi phải mất mười năm. Lúc đó, tôi đã thấy một con chó berger chết trên cánh đồng bên cạnh đàn cừu và tôi cảm nhận có một cái gì đó đang dao động bên trên con chó. Điều đó làm cho tôi ý thức rằng: ngoài thế giới vật thể này còn tồn tại một thế giới khác mà con người có thể thấy, sờ mó hoặc nghe được. Sau này trong thời niên thiếu, một ngày nọ, tôi nhận được một thông điệp báo trước cho tôi biết trong gia đình tôi sẽ có một đám tang. Một tuần lễ sau, sự việc xảy ra đúng như vậy. Sau này, khi có nhiều việc lôi thôi trong gia đình lúc tôi còn đang đi học… tôi đoán trước được và viết trên giấy để kiểm chứng lại khi những điều ấy xảy ra. Như vậy đó, tôi thực hành tài thiên nhãn rất sớm.]

Ông giải thích khả năng thiên phú của ông như thế nào?
Eric Vertuel: Đối với tôi, đó là con mắt thứ ba ở giữa trán, cũng chính là giác quan thứ sáu của những người nhạy cảm.

Vì sao phép đo tâm thần lại thú vị đối với ông?
Eric Vertuel: Phép đo tâm thần là một hình thức thiên nhãn dễ đồng hoá với khoa học nhất, thực dụng nhất, trực tiếp nhất vì nó tập hợp được tất cả các mặt khác nhau của khả năng đồng cốt: sờ, nghe, thấy thế giới siêu hình.

Tất cả các nhà thiên nhãn đều có thực hiện phép đo tâm thần à?
Eric Vertuel: Tôi nghĩ rằng nhà thiên nhãn có thể thực hiện phép đo tâm thần, nhưng có nhiều loại đo tâm thần mà mỗi loại lại chuyển biến theo các luân xa được sử dụng. Luân xa là các cơ quan của linh thể gần giống như gan, phổi của cơ thể vật lý của con người. Kẻ nào làm cho con mắt thứ ba hoạt động được thì kẻ đó có được phép đo tâm thần dựa trên tài thiên nhãn và sẽ thấy, sẽ có các tia sáng như chớp, nếu người đó có tài thấu kính, ông ấy sẽ nghe và sẽ nhận được các thông tin từ các vật thể. Điều thú vị đối với phép đo tâm thần là tạo được nhiều cơ hội cho nhiều ông đồng khác nhau thực nghiệm và người ta sẽ có được nhiều thông tin bổ sung cho nhau, chẳng hạn trường hợp thử nghiệm của Jean Prieur về cuốn Sử Thánh của Thái tử Louis 17.

Có những điều kiện cần thiết nào để cuộc thí nghiệm đo tâm thần được thành công?
Eric Vertuel: Trước hết là phải nhờ đến một
ông đồng, bất cứ người nào thực sự có khả năng thiên phú về tâm linh đều được cả. Điều kiện tiếp theo là phải tin tưởng vào ông đồng và cần phải có mối liên hệ thân thiết với người điều khiển cuộc thí nghiệm. Cuộc thí nghiệm được tiến hành trong không khí bình an trong tâm hồn.

Đồ vật dùng để thí nghiệm có cần phải đặc biệt lắm không?
Eric Vertuel: Có nhiều loại đo tâm thần khác nhau. Đo tâm thần về địa điểm, về vật dụng… Quan trọng là vật dụng thời xưa…
Điều cần nhất là vật dụng ấy có kỷ niệm gì, tất cả đều bắt đầu bằng cách tiếp xúc trực tiếp với vật dụng ấy, bằng xúc giác…. Trong trường hợp đo tâm thần về địa điểm thì tay hoặc chân ông đồng phải tiếp xúc với nơi ấy. Cơ sở của phép đo tâm thần là tạo được các dao động và ông đồng thu lấy các dao động ấy và các luân xa của ông đồng hoạt động.

Tại sao ngày nay phép đo tâm thần có vẻ hơi lỗi thời?
Eric Vertuel: Vào thế kỷ XIX, phép đo tâm thần là một thị hiếu đương thời và tôi nghĩ rằng thị hiếu này sắp quay trở lại. Ngày nay, mọi người đều muốn khám phá quá khứ. Còn đối với những ai đang khai quật di tích, họ thường không cần đến nhà đo tâm thần vì họ hay nghi ngờ. Và khi nào họ cần một ai đó thì đó là nhà Cảm xạ hoặc người tìm mạch nước ngầm.

Có cần phải thành lập một ngành học chuyên về đo tâm thần không?
Eric Vertuel: Để nghiên cứu sâu về phép đo tâm thần, tôi nghĩ rằng ngoài các ông đồng ra cần có một nhóm gồm một nhà vật lý học, một bác sĩ, một người vô tư…. Khi tiến hành việc nghiên cứu và muốn có được các thông tin thì cần phải tiếp xúc với ngoại giới.

Trong phép đo tâm thần, nhà thiên nhãn có những giới hạn nào?
Eric Vertuel: Dĩ nhiên là có. Cần phải hiểu rằng mục đích của việc nghiên cứu không phải thuộc về thế giới vật chất mà thuộc về thế giới tâm linh! Đối với ông đồng, còn có mối nguy hiểm, đó là làm cạn kiệt khả năng vật chất và tâm linh. Điều khó khăn ở chỗ là chọn lọc và đồng nhất hoá các thông tin nhận được từ nhiều người.

Từ lý thuyết đến thực hành



Chúng tôi mong muốn được thí nghiệm phép đo tâm thần cùng với Eric Vertuel để xem khả năng thiên phú ấy được diễn ra như thế nào. Vấn đề không phải là chứng minh phép đo tâm thần là cái gì nhưng là để chấp nhận, để cùng tham dự. Cuộc thí nghiệm này không mang ý định khoa học gì hết. Giống như Rémy Chauvin đã cho biết: “Việc ấy không tiến hành theo yêu cầu được”. Chúng tôi giới thiệu cuộc thí nghiệm này với tất cả thái độ khách quan… tuỳ bạn phán xét… Jean –Paul Favand nhà sưu tập đồ vật của phù thuỷ, hiện nay ông đã thành lập một Viện bảo tàng nghệ thuật, đã cho chúng tôi mượn một đồ vật khá cổ để làm thí nghiệm đo tâm thần. Ông chọn một tấm ván ngăn vào thế kỷ 19 có xuất xứ từ đảo Manta (ở giữa Anh quốc và Ái Nhĩ Lan). Vào thời bấy giờ, đảo này được các ông thầy phù thủy cai trị. Bức ván ngăn này giống như một phần của cái rương diễn tả bánh xe cuộc đời xoay theo nguyên lý âm dương. Chúng tôi cẩn thận yêu cầu không cho biết các thông tin về việc chúng tôi mượn các vật dụng này… Chúng tôi không biết nó đề cập đến vấn đề gì và cũng không biết chút gì về nghệ thuật dân gian. Vì vậy, phép đo tâm thần này không thể giống như trường hợp đọc tư tưởng người khác. Chúng tôi đến nhà Eric Vertuel, ông này không biết gì về vật dụng ấy. Bình tĩnh, ông cầm lấy vật dụng và bắt đầu nói một cách bình thường…
Eric Vertuel: Kìa, tôi thấy xứ Bretagne… Tôi thấy bờ biển, một ngôi nhà thờ nhỏ… Đối với tôi, vật dụng này có ý nghĩa tôn giáo và tôi cảm tưởng tấm ván này của phòng giải tội… Tôi cảm tưởng nó được thoát nạn trong một trận hoả hoạn ở một nơi bị cướp phá hoặc bị thiên tai tàn phá.
Tôi thấy người có tên Henry, rồi Pierre nữa..
Tấm ván ngăn có nhiều công dụng. Khởi đầu, tôi thấy nó ở phòng giải tội hoặc là một phần của cái rương. Và tôi thấy nó nằm trên chiếc tàu thuỷ… Tôi xác nhận rằng nó có vào thời điểm đầu của thế kỷ này..
Đó là một vật dụng đã được chuyền qua tay nhau qua nhiều người, đã đi chu du khắp nơi, băng qua nhiều biển cả. Nó còn được đi ra nước ngoài và được nhiều người chú ý đến, tôi không rõ đó có phải là nước Anh không? Hoặc là các nước ở phương Đông. Tôi không đủ khả năng giải thích tại sao lại như vậy.
Nó không còn nguyên trạng nữa, nó đã được sửa chữa. Người ta tạo vật này để trang trí nhưng lúc khởi đầu, nó không hẳn là một vật trang trí. Tôi thấy nó được bày bán tại nhà một người bán đồ cổ trong một khu phố buôn đồ cổ… Người có vật dụng này đã do dự khá lâu về việc ông ta sắp làm gì, xác định giá trị của nó như thế nào..
Eric Vertuel tiếp tục sờ nắn tấm ván
Có những nỗi khổ đau đi cùng với vật này, có cái gì đó châm vào đầu mấy ngón tay của tôi, tôi cảm thấy nó châm tôi…
- Có nhiều con ngựa, đồng ruộng, thực lạ lùng.
- Tôi cũng thấy lễ Chúa Giáng sinh, tôi không hiểu tại sao?

Ông có xác định được xuất xứ của đối tượng không?
Eric Vertuel: Đối tượng được trang trí bằng nhiều biểu tượng, có một cái gì đó gắn liền với mệnh lệnh tôn giáo, tôi muốn nói một dòng tu chẳng hạn… Đối với tôi, đó là một vật dụng để thờ phụng, một cái gì đó được cắt ra hai phần tượng trưng cho ngày và đêm; giống như người ta trình bày hai mặt của một người. Một cái gì đó về lễ tang, tôi thấy giấy cáo phó.
Tôi thấy nó ở bờ biển nhưng nó chu du khắp nơi… trong nhiều nước khác nhau ở Châu Âu… Tôi thấy một cái gì đó gắn liền với Bretagne. Tôi thấy biển. Đối với tôi, địa điểm ấy là biển… Đó là tất cả những gì tôi có thể nói được với quý ông.
Giai đoạn tiếp theo, chúng tôi đến nhà Jean–Paul Favand và nhờ ông chỉ dẫn về nguồn gốc của vật này và báo cho ông biết cuộc thí nghiệm đo tâm thần của Eric Vertuel. Hãy nghe lời bình phẩm của chủ nhân tấm ván ngăn, người đã có cơ hội được thấy một nữ đo tâm thần đang thực hiện phép đo với chính vật dụng trên. Kết quả làm cho ông rất ngạc nhiên vì nhà đo tâm thần xác định vị trí của vật dụng ấy là ở Anh quốc hoặc ở Ái Nhĩ Lan.

Jean–Paul Favand: Theo những lời Eric Vertuel đã nói, có những điều gần như ông đọc trực tiếp: người ta thấy vật dụng ấy là một tấm ván ngăn đã được sửa chữa. Bên phía có những biểu tượng bí hiểm có thể nhìn rõ được. ông ấy có những khái niệm về nghề buôn đồ cổ và chủ nghĩa bí truyền. Ông ấy có nhận định đúng về đối tượng: đó là một tấm ván ngăn cái rương, có xuất xứ từ đảo Manta. Có một điều rất thú vị là ông ấy thấy miền Bretagne và ông hay nhắc đi nhắc lại xứ Bretagne, ông nói về nước Anh. Tôi công nhận ông ấy xác định đúng địa điểm. Phải chăng trong phép đo tâm thần, xác định vị trí là một vấn đề quan trọng để các ông đồng tiến hành cuộc thử nghiệm được dễ dàng?..Và bờ biển, nhà thờ nhỏ… Tại sao không? Vì đó là một vật dụng của dòng tu.
Để kết luận, có thể có ba cách giải đáp: cách thứ nhất là đọc trực tiếp, người ta thấy nó liên quan đến một số khái niệm: đó là tấm ván ngăn, có xuất xứ là một trong những vật dụng mua bán của một người buôn đồ cổ, nó lại có những biểu tượng khó hiểu.
Cách thứ hai gồm nhiều yếu tố mà tôi không hiểu: chẳng hạn như những liên hệ với các tên tục được nêu ra: Pierre, Henry.
Và cách thứ ba, gây ngạc nhiên nhất, liên quan đến việc xác định vị trí. Một vài yếu tố khác khá thú vị chẳng hạn như đề cập đến dòng tu và cái chết. Có một số điều hợp lý, một số điều khác, tôi không thể đánh giá được và những điều còn lại làm cho người ta ngạc nhiên!.

Quan điểm của BAN BIÊN TẬP



Ở nước ta, ông đồng bà cốt có rất nhiều… và sự thật ra sao? Việc họ làm được là thật hay là đễ lừa bịp những người nhẹ dạ, cả tin. Khoan vội hãy kết luận. Hãy thử tìm hiểu xem mục đích của ông đồng bà cốt nước ta và để xác định thực hư theo tôi nghĩ những phương pháp trên đủ cho các bạn một số vốn để thực hiện. Nhưng điều cần thiết là phải thành tâm và có lòng trung thực… Có thể có những điều kiện mà hiện nay chúng ta không hiểu tại sao nhưng trong tương lai nó có thể trở thành bình thường. Thực tế hiện nay, ở miền Bắc nước ta có những người như Bích Hằng, cô Phương Hàm Rồng… Gần đây nhất Liên hiệp Khoa học UIA cùng với Việb Khoa học Hình sự Bộ Công An thực hiện đề tài nghiên cứu về vấn đề ngọai cảm khá lý thú, xin mời các bạn vào bài Nhà Ngọai cảm Dương Thị Năng (Ngọai cảm là có thật). Đã đến lúc, rất mong các nhà khoa học thực sự quan tâm đến vấn đề này với thái độ nghiêm túc và khoa học.

Dư Quang Châu (Theo tạp chí Mystères