Người Ấn 'mê tít' món ăn Việt
Cập nhật lúc 27 AM, 22/04/2011

Tanya Abraham, phóng viên của India Today đã tường thuật lại chuyến du lịch ẩm thực đầy thú vị của mình tại thành phố Hồ Chí Minh.


Tôi phát hiện ra, ở Việt Nam, có thể ăn uống bất kì lúc nào trong ngày.

11h tại TP HCM, tôi vẫn giữ thói quen của người Ấn là thưởng thức món ngọt sau bữa ăn và điều đó ở dải đất hình chữ S này được đáp ứng một cách dễ dàng. Trên một góc phố trung tâm, cô bạn trẻ người bản địa giúi cho tôi một cốc chè. Đó là sự kết hợp của các loại đậu, gạo nếp và mứt quyện trong nước sữa dừa trắng trong. Gần chỗ tôi, hàng người đợi chờ tới lượt mua thịt vịt nướng ngày một đông.


Món chè Sài Gòn đầy màu sắc.


Tôi ngẫm ra rằng, cách tốt nhất để khám phá văn hóa của Sài Gòn chính là thưởng thức các món ăn bản địa.

Dường như góc đường nào ở thành phố trẻ trung năng động này, chỗ nào cũng có những người phụ nữ bán đồ ăn bên chiếc xe đẩy. Mỗi vị khách tới ăn đều ngồi trên chiếc ghế nhựa và thưởng thức món mì nóng hổi.

Tôi tìm đến các khu khác nhau của thành phố để khám phá bản sắc của ẩm thực của từng nơi. Có thể thấy, các món mì, nước mắm, cá cốt và kỹ thuật chiên của người Trung Quốc; sự ảnh hưởng của Phật giáo trong sự hài hòa âm dương ở thành phần các món ăn; món cà ri với thịt bò hơi hướng phương Tây và một loạt các loại gia vị xuất phát từ Mông Cổ… Tuy nhiên, bất chấp những ảnh hưởng khác nhau, ẩm thực của người Việt vẫn đứng hàng đầu. Nó trở thành nghệ thuật qua các đời phong kiến. Những công thức nấu ăn ở hoàng cung cuối cùng cũng có mặt trong bữa ăn của từng gia đình và thậm chí là đường phố Việt.


Chuối nướng hấp dẫn vô cùng.


Sài Gòn được chia thành các quận một cách chu đáo nên tìm đường ở đây cũng rất dễ dàng. Quán ăn Ngon nằm ở quận 1 thật nhộn nhịp trong tòa nhà kiến trúc Pháp. Nơi đây có thực đơn thật quyến rũ cùng với các món ăn được chế biến tại bếp ngoài trời. Nó chính là sự lựa chọn số 1 của tôi mỗi khi thưởng thức ẩm thực truyền thống của người Việt. Chính tại đây tôi phát hiện rằng, bữa ăn là dịp để người Việt tụ họp với nhau. Và có lẽ thật khó để tìm thấy một thực khách ăn một mình trên đất nước này.

Tuy nhiên, tôi được mách nước rằng hương vị thực sự sẽ được tìm thấy ở những nơi ít sang trọng hơn.

Tôi tìm đến chợ Bến Thành. Giữa các hàng bán quạt giấy đầy tinh tế cùng quầy gốm đẹp mắt là những quầy hàng thực phẩm. Ở đây, có món bánh canh tuyệt ngon với thành phần là bánh, cua, bột ớt, dầu điều được chế biến bởi đôi bàn tay thoăn thoắt của bà chủ quán. Khu chợ này còn lôi kéo tôi đến với nhiều món ăn khác, như xôi đùi gà hay chuối nướng bọc nếp ăn kèm khoai mì và nước cốt dừa…


Và phở thì phổ biến ở mọi ngóc ngách. (Ảnh minh họa)


Tôi bỏ qua món bún heo để thưởng thức bún chả Hà Nội. Hương vị mỗi quán có chút đặc biệt khác nhau, trong đó, hàng bún chả cuối đường Hai Bà Trưng (quận 3) là một trong những quán ngon nhất.

Chắc chắn rằng người Việt Nam yêu ẩm thực của họ cùng với sự đa dạng của chúng, nhưng có lẽ sự phổ biến của phở vẫn là vô song. Đó là tô canh thịt bò hoặc gà trộn với rau, hành cùng bánh phở. Món ăn này xuất xứ từ Hà Nội và được bình chọn là một trong số đồ ăn nhanh phát triển nhất ở châu Á hiện nay. Nổi tiếng nhất có lẽ là Phở 24 và Phở 2000 (tên kỷ niệm sự xuất hiện của Bin Clinton tại một trong số các cửa hàng của thương hiệu của Phở 24 này).

Tôi ghé quán phở gia truyền trên quận 3 để tìm hương vị phở đúng chất. Ở đây, mẹ con chủ quán bận bịu với việc chế biến phở suốt cả ngày. Bà Quân, người chủ quán không muốn mất tập trung trong khi nấu ăn. Bà bưng cho tôi một bát và không quên cho thêm chút rau sống, gợi ý rằng tôi nên vắt thêm nửa quả chanh và nếu ăn cay được thì nên cho chút tương ớt. Khi nếm vị phở, tôi không chỉ thấy ngon mà còn cảm động bởi truyền thống trong các thế hệ gia đình người Việt nơi đây.


Trinh Anh (theo India Today)