Một người bạn ở TP.Hồ Chí Minh, mãi đến 3 tháng sau khi trở về từ “thành phố ma” An Bằng vẫn còn viết mail cho tôi đầy ám ảnh: “Vì sao ở Huế, đặc biệt là ở An Bằng, người ta lại có thể quên đi những nhu cầu thường trực của bản thân mình để “sống” cho người đã chết một cách vẹn toàn và... quá đáng đến như vậy? Tôi đã suy nghĩ mãi, đã hỏi rất nhiều người cần hỏi, nhưng vẫn chưa có được câu trả lời như ý”.

“Chạy đua vũ trang”

Cũng như ở xã vùng biển Phong Hải và nhiều vùng quê khác, chuyện lăng mộ ở làng An Bằng (xã Vinh An, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên - Huế) bắt đầu manh nha rồi rộ lên từ những năm 90 của thế kỷ trước. Thời điểm đó, lứa con em đầu tiên của An Bằng vượt biển qua Mỹ từ những năm 1980 bắt đầu làm ăn khấm khá, tích cóp được chút tiền của gửi về quê phụ giúp gia đình.

Ông Đỗ Thanh - một người dân An Bằng - nhớ lại: “Lúc đầu, người thân ở hải ngoại gởi rất nhiều tiền về chủ yếu để chi tiêu, mua sắm vật dụng trong nhà nhằm bù đắp lại cho những tháng ngày khốn khó trong thời bao cấp. Dần dần, sự bù đắp này gắn liền với những nhu cầu như xây nhà mới cho khang trang hơn, sau đó là xây dựng nhà thờ họ, đình làng và cuối cùng là lăng mộ cho cha ông với ý nghĩ: Mình đang nhà cao cửa rộng thì cha mẹ mình dưới âm phủ cũng phải nhà cao cửa rộng, thậm chí phải là biệt thự, biệt phủ thì sự báo hiếu mới xứng đáng...”.


“Thành phố ma” An Bằng luôn phát triển với việc lăng xây sau phải to đẹp hơn lăng xây trước (ảnh lớn)

Ông Lê Văn Lân - một người dân khác - góp chuyện: “Thật ra thời gian đầu, lăng mộ ở An Bằng cũng bình thường thôi chứ không đến mức cái mô cái nấy to hơn cả cái đình làng như chừ”. Theo ông Lên thì mọi sự bắt đầu thay đổi khi có một vài Việt kiều về quê, ra xem lăng mộ ông bà mà trước đó mình đã gửi tiền về xây cất bỗng nhiên phát hiện ở bên cạnh có một cái lăng hình như to hơn, kiểu dáng đẹp hơn. Họ hỏi người nhà đây là lăng của ai? Sau khi có câu trả lời thì họ sa sầm mặt lẩm bẩm đại ý “tưởng ai chớ nhà ông nớ, ở Việt Nam lâu nay gia cảnh vốn không hơn nhà mình, mấy đứa con ở bên Mỹ tiền cũng không nhiều bằng con nhà mình. Vậy cớ chi lăng mộ ông bà hắn lại được xây to hơn, đẹp hơn lăng mộ ông bà nhà mình?”.

Đáng nói là câu hỏi và những suy nghĩ kiểu “con gà tức nhau tiếng gáy” như vừa kể không phải là sản phẩm của một nhóm người đơn lẻ, mà nó có tính lây lan rất nhanh như dịch bệnh trong cộng đồng. Hệ quả là những năm tháng sau đó, những cuộc “chạy đua vũ trang” đã nổi lên ở An Bằng. “Cả một thời gian dài, mấy khu nghĩa địa ở An Bằng như một đại công trường rầm rộ suốt ngày đêm do tâm lý lăng làm sau phải to đẹp hơn lăng làm trước và lăng làm trước cũng... phải làm lại lần nữa sao cho to đẹp hơn lăng làm sau. Do địa phương lúc đó chưa có quy hoạch cụ thể nên ở đây mạnh ai nấy làm, lăng to, rộng cỡ nào là phụ thuộc vào... túi tiền, nên cá biệt có những cái lăng chiếm cả khu đất rộng hơn 1.000m2”, ông Lân kể.

Cũng theo lời ông Lân, tâm lý “con gà tức nhau tiếng gáy” đến mức không ai chịu nhường ai ban đầu chỉ xuất phát từ các Việt kiều, nhưng sau đó lan đến những người thân ở Việt Nam. Ông Lân khẳng định: “Tui từng tận mắt thấy, tận tai nghe nhiều gia đình dù hoàn cảnh kinh tế còn rất khó khăn, nếu không muốn nói là thiếu ăn, nhưng lại suốt ngày điện thoại qua Mỹ giục con em phải gởi tiền về để sửa lại lăng cho ông bà với lý do, thằng A, thằng B hắn mới xây lăng cho cha hắn to lắm, to đến mức đè... bẹp gí cái lăng của cha mình. Phải tính cách chi chớ tình hình như ri, chắc cha mẹ mình ở dưới nớ thấy thua thiệt nên buồn bã lắm, chẳng còn tâm trí mô mà phù hộ cho con cháu ăn nên làm ra...”.


Ba lăng mộ với ba kiểu kiến trúc triều Nguyễn, Trung Đông và Phật giáo nằm cạnh nhau . Ảnh: H.V.M


Trăm hoa đua sắc

Cụm từ “thành phố lăng”, hoặc “thành phố ma” xuất hiện trên báo chí Việt Nam từ những năm 1990, bởi các nhà báo choáng ngợp đến mức không tin vào mắt mình khi chứng kiến những gì đang diễn ra ở An Bằng rồi so sánh với đời sống kinh tế của người dân lúc đó vốn đang rất khó khăn. Đã có không biết bao nhiêu tác phẩm báo chí viết về “thành phố” này với âm hưởng chung là lên án việc người chết được người sống cung phụng một cách xa hoa, hoang phí đến mức... đau lòng.

Nhưng bây giờ, xem ra gọi “thành phố” thì đã quá lạc hậu, bởi “những năm 1990, cái lăng to nhất, đẹp nhất ở đây cũng chỉ có 300-400 triệu đồng/cái; còn bây giờ, lăng ở đây, loại đẹp nhất đã từ 1-2 tỉ đồng/cái, cá biệt như lăng mộ tổ họ Lê đang xây dựng, ước tính giá phải hơn 3 tỉ đồng”, như lời tỉ tê đầy ghen tị của một người thợ xây mà tôi nghe được.

Hiện “thành phố ma” có tổng diện tích khoảng 40ha, toạ lạc trên phần đất của 4 thôn: Bằng Thượng, Trung Hải, Định Hải và An Mỹ với hàng ngàn, hàng ngàn lăng mộ nằm chen chúc nhau không một lối đi. Tuy ở cách khá xa nhau, nhưng nếu là người lạ thì sẽ không biết được chỗ nào với chỗ nào, thậm chí đi lạc không tìm thấy lối ra do các lăng mộ xây dựng liền nhau, kiến trúc lại na ná về sự cao và to lớn cũng như kiểu dáng, hoạ tiết...

Khó mà kìm được cảm xúc thú vị khi dạo quanh một quần thể lăng mộ. Tỉ như ở Bằng Thượng, người xem gần như... liệt đốt sống cổ vì phải luôn ngước nhìn. Mà không thể không ngước nhìn, thậm chí còn không nén được sự trầm trồ thành tiếng khi lúc nào cũng bắt gặp các loại kiến trúc hội đủ phong cách từ Phật, Lão, Thiên chúa giáo, triều Nguyễn, Trung Quốc, thậm chí cả Trung Đông và Châu Âu cổ điển... ở gần và đan xen với nhau.

Khi tôi kể cảm giác này bên ly cà phê, nhà nghiên cứu Nguyễn Hữu Thông - Giám đốc Phân viện Văn hoá nghệ thuật Việt Nam ở miền Trung - góp vui một chuyện: “Cách đây một năm, mình dẫn một ông bạn là nhà nghiên cứu văn hoá người Mỹ về tham quan quần thể lăng mộ An Bằng, ông ấy đã há hốc mồm thốt lên rằng: “Tôi chưa thấy trên thế giới có cái nghĩa địa nào lại lạ và độc đáo như ở nơi này. Nhìn qua nó giống như một “New York chết” của Mỹ. Điều lạ hơn nữa là tôi cũng chưa thấy nơi nào trên thế giới, các trường phái kiến trúc lại hỗn tạp và các tôn giáo lại sống gần nhau một cách chan hoà như thế này...”.

Ông Lê Hải - một thợ kép có gốc gác tổ tiên từng tham gia xây dựng Hoàng thành cũng như lăng mộ các vua Nguyễn, chuyên đấu thầu xây lăng mộ ở An Bằng mấy chục năm nay - lý giải: “Thời gian đầu khi làm lăng, dân ở đây chỉ yêu cầu làm giống kiến trúc của các lăng vua Nguyễn, rồi thêm bớt một vài ý tưởng ngẫu hứng kiểu như dựng một tượng Phật và thật to ở phía trước mà thôi. Nhưng mấy năm sau ni, họ lại đi thuê kiến trúc sư ở trên Huế vẽ thiết kế trước với yêu cầu là phải thật lạ, thật độc đáo... Mà thời buổi ni lên mạng thì ưng chi mà chẳng có. Rứa nên mới có chuyện kiến trúc lai tạp tùm lum, nghe nói mô tận bên Mỹ, bên Pháp, bên Ba Tư... như chú thấy đó”.

Điều lạ nữa là ở An Bằng, bây giờ người ta không chỉ xây dựng lăng mộ cho người chết mà còn cho cả những người đang sống. “Phải làm trước như ri mới theo ý mình được chú nợ” - ông L (73 tuổi, ở An Bằng) cười móm mém khoe với tôi về “ngôi biệt thự” mà con cháu chuẩn bị trước cho ông ngày trăm tuổi, khi tình cờ gặp ở khu nghĩa địa Trung Hải (An Bằng). Cũng như bao buổi chiều khác trong tuần, ông L lại ra quét dọn khu biệt thự với lối kiến trúc triều Nguyễn pha lẫn Phật giáo trị giá gần 800 triệu đồng đã được xây dựng từ cách đây 3 năm, bên trong có hai phần mộ đào sẵn cho ông và vợ ông, dù hai người vẫn... còn đang sống mạnh khoẻ. Ông kể: “Người già ở đây bữa ni ai cũng xây sẵn nhà cho mình như ri hết. Chưa chết mà biết mình được chôn ở mô, kiến trúc ra răng vui và thoả mãn lắm, chú ơi...”.

Lời của ông L làm tôi nhớ ông Đỗ Xuân Hoàn - Bí thư Đảng uỷ xã Vinh An, địa phương đang quản lý khu An Bằng. Ông Hoàn cho biết, xã đã đóng cửa khu nghĩa địa An Bằng gần 2 năm nay và quy hoạch một khu nghĩa địa mới, nhưng hiện vẫn chưa có một ngôi mộ nào. Lý do là lăng cho người đang sống ở trong “thành phố ma” phải còn... rất lâu nữa mới lấp đầy(!).

Hoàng Văn Minh

(nguồn theo Laodong.com.vn)