kết quả từ 1 tới 2 trên 2

Ðề tài: đọc Lại Lược Sử Phật Thích Ca Nhân Mùa đại Lễ Phật đản Sắp Tới

Hybrid View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định đọc Lại Lược Sử Phật Thích Ca Nhân Mùa đại Lễ Phật đản Sắp Tới

    Thích-ca Mâu-ni (sa. śākyamuni, dịch nghĩa là “Trí giả trầm lặng (muni) của dòng Thích-ca”. Đây là danh hiệu của Tất-đạt-đa Cồ-đàm (sa. siddhārtha gautama), người sáng lập Phật giáo. Thái tử Tất-đạt-đa mang tên này sau khi từ bỏ các vị thầy và tự mình tìm đường giải thoát. Danh hiệu “Thích-ca Mâu-ni” thường được dùng để chỉ vị Phật lịch sử đã từng sống trên trái đất này, nhằm phân biệt với các vị Phật khác.
    Dòng Thích-ca vốn là vương tộc, cai trị một trong 16 vương quốc của Ấn Độ thời bấy giờ, ngày nay thuộc miền Nam Nepāl. Kinh đô thời đó là Ca-tì-la-vệ (sa. kapilavastu), là nơi Phật sinh ra và trưởng thành. Vua cha là Tịnh Phạn (sa. śuddhodana, pi. suddhodana), trị vì tiểu vương quốc Thích-ca.
    Bối cảnh và gia thế. Tất-đạt-đa sinh khoảng năm 566 (hay 563) trước Công nguyên trong một gia đình hoàng tộc thuộc dòng Thích-ca (sa. śākya) tại Ca-tì-la-vệ (sa. kapilavastu) thuộc Nepal ngày nay. Cha của Tất-đạt-đa là vua Tịnh Phạn (sa. śuddhodana), mẹ là Ma-da (sa., pi. māyādevī), sinh Tất-đạt-đa trong vườn Lam-tì-ni ( sa. lumbinī), một thị trấn thuộc Ấn Độ. Đây là khu vực nằm giữa dãy Hi-mã-lạp sơn (sa. himālaya) và sông Hằng (sa gaṅgā), chịu ảnh hưởng khí hậu gió mùa: tháng 5 có thể nóng tới 40 °C, trong mùa đông nhiệt độ xuống tới 3 °C.
    Có nhiều truyền thuyết về thái tử Tất-đạt-đa. Bà mẹ nằm mơ thấy một vị Bồ Tát với dạng một con voi trắng nhập vào người mình. Ngài sinh ra từ hông bên mặt của mẹ, sau đó đi bảy bước, một tay chỉ lên trời, tay kia chỉ xuống đất, nói:
    Ta là người cao quý nhất thế gian
    Ta là người giỏi nhất thế gian
    Ta là người kiệt xuất nhất thế gian
    Đây là lần tái sinh cuối cùng
    Bây giờ không còn tái sinh!
    và dưới mỗi bước chân của Ngài phát sinh một đoá sen. Sau đó trở về trạng thái như một đứa trẻ bình thường. Ngày nay, trong tranh tượng, ta còn thấy tích này.
    Ngay lúc sinh ra, Tất-đạt-đa đã có đầy đủ hảo tướng (Tam thập nhị hảo tướng). Các nhà tiên tri cho rằng, Ngài sẽ trở thành hoặc một đại đế hay một bậc giác ngộ. 7 ngày sau khi sinh thì mẹ mất, Tất-đạt-đa được người dì là Ma-ha-ba-xà-ba-đề (sa. mahāprajāpatī) chăm sóc. Năm lên 16 tuổi, Tất-đạt-đa kết hôn với công chúa Da-du-đà-la ( yaśodharā).
    Vua cha Tịnh Phạn dĩ nhiên không muốn thái tử đi tu nên dạy dỗ cho con rất kỹ lưỡng, nhất là không để Tất-đạt-đa tiếp xúc với cảnh khổ. Tuy thế, sau bốn lần ra bốn cửa thành và thấy cảnh người già, người bệnh, người chết và một vị tu sĩ, Ngài phát tâm rồi từ biệt hoàng cung, sống cảnh không nhà. Tương truyền rằng, bốn cảnh ngộ vừa kể là những cảnh tượng do các vị thiên nhân tạo ra nhằm nhắc nhở Ngài lên đường tu học Phật quả. Ngài thấy rằng ba cảnh đầu tượng trưng cho cái Khổ trong thế gian và hình ảnh tu sĩ chính là cuộc đời của Ngài.
    Xuất gia thành đạo. Năm 29 tuổi, sau khi sinh La-hầu-la (sa. rāhula), Tất-đạt-đa lìa cung điện, cùng tu khổ hạnh với nhiều nhóm tăng sĩ khác nhau. Tất-đạt-đa quyết tâm tìm cách diệt khổ và tìm mọi đạo sư với các giáo pháp khác nhau. Theo truyền thống Ấn Độ bấy giờ chỉ có con đường khổ hạnh mới đưa đến đạt đạo. Các vị đạo sư khổ hạnh danh tiếng thời đó là A-la-la Ca-lam (sa. ārāda kālāma, pi. āḷāra kālāma) và Ưu-đà-la La-ma tử (sa. rudraka rāmaputra, pi. uddaka rāmaputta). Nơi A-la-la Ca-lam, Tất-đạt-đa học đạt đến cấp Thiền Vô sở hữu xứ (sa. ākiṃcanyāyatana, pi. ākiñcaññāyatana), nơi Ưu-đà-la La-ma tử thì học đạt đến cấp Phi tưởng phi phi tưởng xứ (sa. naivasaṃjñā-nāsaṃñāyatana, pi. nevasaññā-nāsaññāyatana).
    Nhưng Tất-đạt-đa cũng không tìm thấy nơi các vị đó lời giải cho thắc mắc của mình, nên quyết tâm tự mình tìm đường giải thoát và có năm tỉ-khâu (Ngũ tỉ-khâu) đồng hành. Sau nhiều năm tu khổ hạnh gần kề cái chết, Tất-đạt-đa nhận ra đó không phải là phép tu dẫn đến giác ngộ, bắt đầu ăn uống bình thường, năm tỉ-khâu kia thất vọng bỏ đi.
    Không đạt giải thoát với cách tu khổ hạnh, Tất-đạt-đa từ bỏ phép tu này. Quả quyết rằng mình đã đi đến chỗ cùng cực của công phu tu khổ hạnh và khổ hạnh không dẫn đến giác ngộ, Tất-đạt-đa tìm phương pháp khác, và nhớ lại một kinh nghiệm thời thơ ấu, lúc đang ngồi dưới gốc cây mận (MN 36, Thích Minh Châu dịch Pali-Việt):
    Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ như sau: "Ta biết, trong khi phụ thân Ta, thuộc giòng Sakka (Thích-ca) đang cày và Ta đang ngồi dưới bóng mát cây diêm-phù-đề (pi. jambu), Ta li dục, li pháp bất thiện chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỉ lạc do li dục sinh, có tầm, có tứ." Khi an trú như vậy, Ta nghĩ: "Đạo lộ này có thể đưa đến giác ngộ chăng?" Và này Aggivessana, tiếp theo ý niệm ấy, ý thức này khởi lên nơi Ta: "Đây là đạo lộ đưa đến giác ngộ." Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ: "Ta có sợ chăng lạc thụ này, một lạc thọ li dục, li pháp bất thiện?" Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ: "Ta không sợ lạc thụ này, một lạc thọ li dục, li pháp bất thiện."
    Sau đó Tất-đạt-đa ăn uống bình thường trở lại, đến Giác Thành, ngồi dưới gốc một cây Bồ-đề và nguyện sẽ nhập định không rời chỗ ngồi cho đến lúc tìm ra nguyên nhân và cơ chế của Khổ. Tất-đạt-đa ngồi trong tư thế kim cương, bàn tay phải đặt trên gối phải, các ngón tay hướng xuống đất, lòng bàn tay quay vào phía trong, và bàn tay trái, lòng bàn tay ngửa hướng về trên, đặt thẳng ngang mức lỗ rốn, trong tư thế thiền định. Đó là kết ấn “dùng đất làm chứng” (địa chứng ấn). Tất-đạt-đa đã phát nguyện không cử động cho đến lúc tìm ra chân lý tuyệt đối, và như luôn luôn trong các trường hợp đó, rất nhiều mãnh lực tiêu cực biểu lộ tìm cách ngăn chặn sự thành công của công cuộc tìm kiếm này. Vì để đạt đến một mức giác ngộ như thế, phải tích chứa một số công đức khổng lồ, các thế lực ấy vặn hỏi Ngài: “Nhưng ngài có quyền gì đòi hỏi đạt đến giác ngộ ? Ngài đã chứa nhóm được bao nhiêu công đức mà nghĩ đến chuyện có thể đạt đến giác ngộ ?” Khi ấy, không để bị phân tâm, Tất-đạt-đa trả lời : “Ta lấy đất làm chứng cho những công đức đã tích chứa được trong hàng nghìn tiền kiếp !”. Sau 49 ngày thiền định —mặc dù bị Ma vương quấy nhiễu— Tất-đạt-đa đạt giác ngộ hoàn toàn ở tuổi 35. Từ thời điểm đó, Tất-đạt-đa biết mình là Phật, là một bậc Giác ngộ, và biết rằng mình sẽ không còn tái sinh. Kinh nghiệm giác ngộ của Phật được ghi lại như sau trong kinh sách theo chính lời của ngài như sau (MN 36, theo bản dịch Đức của H.W. Schumann, Chân Nguyên dịch Đức-Việt):
    "... Sau khi hoàn lại sinh lực (sau khi tu khổ hạnh vô ích), ta chú tâm giải thoát khỏi những tư tưởng tham ái, bất thiện và đạt được sơ thiền, sau đó nhị thiền, tam thiền và tứ thiền (Tứ thiền), nhưng những cảm giác hỉ lạc này không để lại dấu vết gì trong tâm ta.
    Khi tâm ta được an tịnh, thanh lọc, không bị dục vọng cấu uế, nhạy bén, chắc chắn, bất động, ta hướng nó về những kí ức và nhận thức về các kiếp trước. Ta nhớ lại nhiều tiền kiếp, một, hai, ba, bốn, năm, ..., trăm ngàn kiếp trước, nhớ những chu kì của thế giới. 'Nơi đó ta đã sống, tên của ta đã như thế, gia đình của ta là như thế, nghề nghiệp của ta, giai cấp xã hội của ta... Ta đã chết như vầy...'. Sự hiểu biết (sa. vidyā, pi. vijjā) đầu tiên này ta đã đạt được trong canh đầu (từ 21 đến 24 giờ đêm)...
    Sau đó ta chú tâm đến sự sinh thành và hoại diệt của chúng sinh. Với con mắt của chư thiên, trong sáng, siêu việt mọi giới hạn nhân thế, ta thấy chúng sinh hình thành và tiêu hoại, ...chúng sinh tái sinh theo nghiệp lực. Ta nhận ra rằng 'Chúng sinh tạo nghiệp bất thiện qua ba ải thân khẩu ý đều chìm đắm sau khi chết, tái sinh trong đoạ xứ, địa ngục. Các chúng sinh nào tạo thiện nghiệp bằng thân khẩu ý được tái sinh trong thiện đạo, sau khi chết được lên cõi thiên'... Sự hiểu biết thứ hai này ta đã đạt được trong canh hai (từ 24 giờ đêm đến 3 giờ sáng).
    Sau đó ta chú tâm nhận thức về sự tiêu diệt các lậu hoặc (漏, sa. āsrava, pi. āsava) và nhìn nhận như thật: 'Đây là khổ, đây là nguyên nhân của khổ, đây là phương pháp tiêu diệt khổ, đây là con đường tiêu diệt khổ', và khi ta nhận thức được điều này, tâm ta thoát khỏi dục vọng, ham muốn tồn tại, vô minh. Ta tự hiểu chân lí 'Tái sinh ta đã đoạn, cuộc sống tu tập của ta đã hoàn tất, ta đã hoàn thành những gì phải làm. Cuộc sống (khổ đau) này ta đã vượt qua'... Sự hiểu biết thứ ba này ta đã đạt được trong canh ba (3 đến 6 giờ sáng)...".
    Bậc giác ngộ lúc đó biết rằng kinh nghiệm giác ngộ của mình không thể dùng ngôn từ hay bất cứ một cách nào khác để truyền đạt nên Phật tiếp tục yên lặng ngồi thiền định dưới gốc cây Bồ-đề. Cuối cùng, được sự thỉnh cầu nhiều nơi, Phật mới quyết định chuyển Pháp luân. Phật giờ đây mang danh hiệu Thích-ca Mâu-ni—"Trí giả của dòng dõi Thích-ca". Sau đó Phật gặp lại năm vị tỉ-khâu, các vị đó nhận ra rằng Phật đã hoàn toàn thay đổi. Qua hào quang toả ra từ thân Phật, các vị đó biết rằng người này đã đạt đạo, đã tìm ra con đường thoát khổ, con đường mà các vị đó không thể tìm ra bằng phép tu khổ hạnh. Các vị đó xin được giảng pháp và vì lòng thương chúng sinh, Phật chấm dứt sự im lặng.
    Gia Đình Vô Hình

  2. #2

    Mặc định

    Hoá độ và tịch diệt.
    Phật bắt đầu giảng pháp bằng cách trình bày con đường dẫn đến kinh nghiệm giác ngộ và giải thoát. Trên cơ sở kinh nghiệm giác ngộ của mình, Phật giảng Tứ diệu đế, Duyên khởi và quy luật Nhân quả (Nghiệp).
    Tứ diệu đế (sa. catvāry āryasatyāni, pi. cattāri ariya-saccāni), cũng gọi là Tứ thánh đế, là bốn chân lí cao cả, là gốc cơ bản của Phật giáo. Tứ diệu đế là nội dung của kinh nghiệm giác ngộ của Phật Thích-ca Mâu-ni, và cũng là nội dung chính của bài kinh đầu tiên, kinh Chuyển pháp luân.
    Tứ diệu đế là:
    1. Khổ đế (sa. duḥkhāryasatya), chân lí về sự Khổ: Chân lí thứ nhất cho rằng mọi dạng tồn tại đều mang tính chất khổ não, không trọn vẹn. Sinh, lão bệnh, tử, xa lìa điều mình ưa thích, không đạt sở nguyện, đều là khổ. Sâu xa hơn, bản chất của năm nhóm thân tâm, Ngũ uẩn (sa. pañcaskandha), là các điều kiện tạo nên cái ta, đều là khổ.
    2. Tập khổ đế (sa. samudayāryasatya), chân lí về sự phát sinh của khổ: Nguyên nhân của khổ là sự ham muốn, Ái (sa. tṛṣṇā, pi. taṇhā), tìm sự thoả mãn dục vọng, thoả mãn được trở thành, thoả mãn được hoại diệt. Các loại ham muốn này là gốc của Luân hồi (sa., pi. saṃsāra).
    3. Diệt khổ đế (sa. duḥkhanirodhāryasatya), chân lí về diệt khổ: Một khi gốc của mọi tham ái được tận diệt thì sự khổ cũng được tận diệt.
    4. Đạo đế (sa. duḥkhanirodhagāminī pratipad), chân lí về con đường dẫn đến diệt khổ: Phương pháp để đạt sự diệt khổ là con đường diệt khổ tám nhánh, Bát chính đạo. Không thấu hiểu Tứ diệu đế được gọi là Vô minh (sa. avidyā).
    Theo truyền thuyết, thông qua sự khám phá Tứ diệu đế, Phật đạt Giác ngộ (sa., pi. bodhi). Phật bắt đầu giáo hoá chúng sinh bằng giáo pháp này, tại Lộc uyển. Phật thuyết như sau về Tứ diệu đế trong kinh Chuyển pháp luân (bản dịch của Thích Minh Châu):
    Này các tỉ-khâu, đây chính là Khổ thánh đế: sinh là khổ, bệnh là khổ, chết là khổ, oán ghét gặp nhau là khổ; thân ái biệt li là khổ, cầu không được là khổ, tóm lại năm uẩn chấp thủ là khổ.
    Này các tỉ-khâu, đây chính là Tập khổ thánh đế. Chính là ái đưa đến hữu, tương ứng với hỉ và tham, tìm cầu hoan lạc chỗ này chỗ kia, chính là dục ái, sinh ái, vô sinh ái.
    Này các tỉ-khâu, đây chính là Diệt khổ thánh đế. Chính là sự diệt tận, vô dục, từ bỏ, xả li, giải thoát, tự tại đối với các ái.
    Này các tỉ-khâu, đây chính là Đạo diệt khổ thánh đế, đưa đến diệt Khổ, chính là con đường thánh tám ngành: Chính kiến, Chính tư duy, Chính ngữ, Chính nghiệp, Chính mệnh, Chính tinh tiến, Chính niệm, Chính định.”
    Thuyết Duyên khởi (sa. pratītyasamutpāda), cũng được gọi là Nhân duyên sinh, và vì bao gồm 12 thành phần nên cũng có tên khác là Thập nhị nhân duyên (sa. dvādaśanidāna), là một trong những giáo lí quan trọng nhất của đạo Phật. Thuyết này chỉ rõ là mọi hiện tượng tâm lí và vật lí tạo nên đời sống đều nằm trong một mối liên hệ với nhau, chúng là nguyên nhân của một yếu tố này và là kết quả của một yếu tố khác, làm thành một vòng với mười hai yếu tố. Các yếu tố này làm loài hữu tình cứ mãi vướng mắc trong Luân hồi (sa., pi. saṃsāra).
    Giáo lí duyên khởi được ghi lại trong kinh như sau (Chân Nguyên dịch Pāli-Việt):
    Nếu cái này tồn tại thì cái kia hình thành. Cái này phát sinh thì cái kia phát sinh. Cái này không tồn tại thì cái kia không hình thành. Cái này diệt thì cái kia diệt.
    Duyên khởi và Vô ngã (sa. anātman) là hai giáo lí làm rường cột cho tất cả các tông phái Phật giáo. Các nhân duyên (nguyên nhân chính và điều kiện phụ) này gồm có 12 yếu tố.
    Theo kinh Duyên khởi, mười hai nhân duyên cụ thể như sau:
    1. Vô minh (sa. avidyā), sự không thấu hiểu Tứ diệu đế, không hiểu Khổ là tính chất căn bản của đời sống;
    2. Vô minh sinh Hành (sa. saṃskāra), hành động tạo nghiệp. Hành động này có thể tốt, xấu hay trung tính. Hành có thể ở trong ba dạng: thân, khẩu và ý;
    3. Hành sinh Thức (sa. vijñāna), làm nền tảng cho một đời sống tới. Thức này đi vào bụng mẹ. Thức lựa chọn cha mẹ đúng như Hành tốt xấu quy định;
    4. Thức sinh Danh sắc (sa., nāmarūpa), là toàn bộ tâm lí và vật lí của bào thai mới, do Ngũ uẩn (sa. pañcaskandha) tạo thành;
    5. Danh sắc sinh Lục căn (sa. ṣaḍāyatana), là các giác quan, sáu căn (năm giác quan và khả năng suy nghĩ là sáu);
    6. Lục căn bắt đầu tiếp xúc với bên ngoài gọi là Xúc (sa. sparśa);
    7. Xúc sinh Thụ (sa.,vedanā), là cảm nhận của con người mới với thế giới bên ngoài;
    8. Thụ sinh Ái (sa. tṛṣṇā, pi. taṇhā), tham ái, lòng ham muốn xuất phát từ vô minh;
    9. Ái sinh Thủ (sa., pi. upādāna) là điều cá nhân mới muốn chiếm lấy cho mình;
    10. Thủ dẫn đến Hữu (sa., bhava), là toàn bộ những gì ta gọi là tồn tại, sự sống, thế giới;
    11. Hữu dẫn đến Sinh (sa., jāti), một thế giới và cá nhân mới xuất hiện hẳn hoi;
    12. Sinh sinh ra Lão tử (sa., pi. jarāmaraṇa), vì có Sinh nên có hoại diệt.
    Người ta có thể nhìn Mười hai nhân duyên dưới nhiều cách phân tích khác nhau. Cách phân tích thông thường có tính thời gian là: yếu tố 1-2 thuộc về đời sống trước đây, yếu tố 3-7 là điều kiện và nguyên nhân sinh thành của đời sống sau này, yếu tố 8-10 là kết quả trong đời sống này, yếu tố 11-12 chỉ đời sống tương lai.
    Mười hai nhân duyên chỉ rõ tính chất liên hệ lẫn nhau của dòng chảy "Tâm", "Vật" của thế giới hiện tượng, trong đó những khái niệm quan trọng nhất là "Ta", "Người", "Sinh vật". Nếu thuyết vô ngã chỉ rõ thế giới và con người do các yếu tố giả hợp kết thành với nhau, thật chất là trống rỗng, thì thuyết nhân duyên có tính chất tổng hợp các yếu tố đó, chỉ ra rằng mọi hiện tượng thân tâm đều bắt nguồn từ những hiện tượng khác. Sự phụ thuộc lẫn nhau đó có thể nhìn dưới khía cạnh đồng thời hoặc có thứ tự thời gian.
    Thuyết Mười hai nhân duyên được các trường phái Phật giáo giải thích khác nhau. Tiểu thừa cho rằng thuyết này đã giải thích nguyên nhân của khổ và tất cả mọi pháp hữu vi (sa. saṃskṛta) đều có nguyên nhân và điều kiện mới sinh ra nên chúng vô ngã - không có một tự tính nào. Như thế thuyết Mười hai nhân duyên nhằm dẫn đến quan điểm vô ngã.
    Trong Đại thừa, Mười hai nhân duyên được sử dụng để chứng minh sự không thật của sự vật và đặc biệt trong Trung quán tông (sa. mādhyamika), Mười hai nhân duyên được định nghĩa là tính Không. Kinh Bát-nhã ba-la-mật-đa nhấn mạnh rằng Mười hai nhân duyên không nên hiểu theo thứ tự thời gian. Thuyết này nói lên sự liên hệ của vạn vật một cách tổng quát.
    Tại Lộc uyển này, Phật bắt đầu những bài giảng đầu tiên, bắt đầu "chuyển pháp luân". Năm vị tỉ-khâu đó trở thành năm đệ tử đầu tiên của Phật và là hạt nhân đầu tiên của Tăng-già. Sau đó Phật thuyết pháp từ năm này qua năm khác. Phật hay lưu trú tại Vương xá (sa. rājagṛha) và Phệ-xá-li (sa. vaiśālī), sống bằng khất thực, đi từ nơi này qua nơi khác. Đệ tử của Phật càng lúc càng đông, trong đó có vua Tần-bà-sa-la (sa. bimbisāra) của xứ Ma-kiệt-đà. Vị vua này đã tặng cho Tăng đoàn một tu viện gần Vương xá. Các đệ tử quan trọng của Phật là A-nan-đà, Xá-lợi-phất và Mục-kiền-liên. Cũng trong thời gian này, đoàn Tỉ-khâu-ni (sa. bhikṣuṇī) được thành lập.
    Phật cũng có rất nhiều kẻ thù muốn ám hại. Trong những kẻ thù đó, có Đề-bà-đạt-đa là người em họ, muốn giành quyền thống lĩnh Tăng-già, nên rắp tâm giết hại Phật nhiều lần nhưng không thành. Tuy thế Đề-bà-đạt-đa thành công trong việc chia rẽ Tăng-già ở Phệ-xá-li. Phật đi con đường trung đạo và tùy thuận chúng sanh, ngược lại Đề-bà-đạt-đa chủ trương một cuộc sống khổ hạnh cực đoan.
    Sống đến năm 80 tuổi, Phật Thích-ca tịch diệt. Qua 45 năm giảng dạy, sợ rằng đệ tử chấp lời mình nói là chân lí, chứ không phải chỉ là phương tiện giác ngộ, Phật tuyên bố chưa từng nói lời nào. Lời dạy cuối cùng của Phật là "Tất cả các pháp đều vô thường, hãy tinh tiến tu học". Theo kinh Đại bát-niết-bàn (pi. mahāparinibbāna-sutta), Phật nhập diệt tại Câu-thi-na (sa. kuṣinagara) năm 486 (hay 483 trước Công nguyên). Phật nằm nghiêng bên mặt, hướng về phía Tây và nhập Niết-bàn. Theo truyền thuyết Pali thì Phật diệt độ ngày rằm tháng tư. Trong buổi hoả thiêu xác Phật có nhiều hiện tượng lạ xẩy ra. Xá-lợi của Phật được chia làm 8 phần và được thờ trong các tháp khác nhau.
    Mặc dù cuộc đời đức Phật có nhiều huyền thoại bao phủ nhưng các nhà khảo cổ học và nhân chủng học—vốn hay có nhiều nghi ngờ và thành kiến—cũng đều nhất trí công nhận Phật là một nhân vật lịch sử và người khai sáng đạo Phật.
    Gia Đình Vô Hình

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •