Thích-ca Mâu-ni (sa. śākyamuni, dịch nghĩa là “Trí giả trầm lặng (muni) của dòng Thích-ca”. Đây là danh hiệu của Tất-đạt-đa Cồ-đàm (sa. siddhārtha gautama), người sáng lập Phật giáo. Thái tử Tất-đạt-đa mang tên này sau khi từ bỏ các vị thầy và tự mình tìm đường giải thoát. Danh hiệu “Thích-ca Mâu-ni” thường được dùng để chỉ vị Phật lịch sử đã từng sống trên trái đất này, nhằm phân biệt với các vị Phật khác.
Dòng Thích-ca vốn là vương tộc, cai trị một trong 16 vương quốc của Ấn Độ thời bấy giờ, ngày nay thuộc miền Nam Nepāl. Kinh đô thời đó là Ca-tì-la-vệ (sa. kapilavastu), là nơi Phật sinh ra và trưởng thành. Vua cha là Tịnh Phạn (sa. śuddhodana, pi. suddhodana), trị vì tiểu vương quốc Thích-ca.
Bối cảnh và gia thế. Tất-đạt-đa sinh khoảng năm 566 (hay 563) trước Công nguyên trong một gia đình hoàng tộc thuộc dòng Thích-ca (sa. śākya) tại Ca-tì-la-vệ (sa. kapilavastu) thuộc Nepal ngày nay. Cha của Tất-đạt-đa là vua Tịnh Phạn (sa. śuddhodana), mẹ là Ma-da (sa., pi. māyādevī), sinh Tất-đạt-đa trong vườn Lam-tì-ni ( sa. lumbinī), một thị trấn thuộc Ấn Độ. Đây là khu vực nằm giữa dãy Hi-mã-lạp sơn (sa. himālaya) và sông Hằng (sa gaṅgā), chịu ảnh hưởng khí hậu gió mùa: tháng 5 có thể nóng tới 40 °C, trong mùa đông nhiệt độ xuống tới 3 °C.
Có nhiều truyền thuyết về thái tử Tất-đạt-đa. Bà mẹ nằm mơ thấy một vị Bồ Tát với dạng một con voi trắng nhập vào người mình. Ngài sinh ra từ hông bên mặt của mẹ, sau đó đi bảy bước, một tay chỉ lên trời, tay kia chỉ xuống đất, nói:
Ta là người cao quý nhất thế gian
Ta là người giỏi nhất thế gian
Ta là người kiệt xuất nhất thế gian
Đây là lần tái sinh cuối cùng
Bây giờ không còn tái sinh!
và dưới mỗi bước chân của Ngài phát sinh một đoá sen. Sau đó trở về trạng thái như một đứa trẻ bình thường. Ngày nay, trong tranh tượng, ta còn thấy tích này.
Ngay lúc sinh ra, Tất-đạt-đa đã có đầy đủ hảo tướng (Tam thập nhị hảo tướng). Các nhà tiên tri cho rằng, Ngài sẽ trở thành hoặc một đại đế hay một bậc giác ngộ. 7 ngày sau khi sinh thì mẹ mất, Tất-đạt-đa được người dì là Ma-ha-ba-xà-ba-đề (sa. mahāprajāpatī) chăm sóc. Năm lên 16 tuổi, Tất-đạt-đa kết hôn với công chúa Da-du-đà-la ( yaśodharā).
Vua cha Tịnh Phạn dĩ nhiên không muốn thái tử đi tu nên dạy dỗ cho con rất kỹ lưỡng, nhất là không để Tất-đạt-đa tiếp xúc với cảnh khổ. Tuy thế, sau bốn lần ra bốn cửa thành và thấy cảnh người già, người bệnh, người chết và một vị tu sĩ, Ngài phát tâm rồi từ biệt hoàng cung, sống cảnh không nhà. Tương truyền rằng, bốn cảnh ngộ vừa kể là những cảnh tượng do các vị thiên nhân tạo ra nhằm nhắc nhở Ngài lên đường tu học Phật quả. Ngài thấy rằng ba cảnh đầu tượng trưng cho cái Khổ trong thế gian và hình ảnh tu sĩ chính là cuộc đời của Ngài.
Xuất gia thành đạo. Năm 29 tuổi, sau khi sinh La-hầu-la (sa. rāhula), Tất-đạt-đa lìa cung điện, cùng tu khổ hạnh với nhiều nhóm tăng sĩ khác nhau. Tất-đạt-đa quyết tâm tìm cách diệt khổ và tìm mọi đạo sư với các giáo pháp khác nhau. Theo truyền thống Ấn Độ bấy giờ chỉ có con đường khổ hạnh mới đưa đến đạt đạo. Các vị đạo sư khổ hạnh danh tiếng thời đó là A-la-la Ca-lam (sa. ārāda kālāma, pi. āḷāra kālāma) và Ưu-đà-la La-ma tử (sa. rudraka rāmaputra, pi. uddaka rāmaputta). Nơi A-la-la Ca-lam, Tất-đạt-đa học đạt đến cấp Thiền Vô sở hữu xứ (sa. ākiṃcanyāyatana, pi. ākiñcaññāyatana), nơi Ưu-đà-la La-ma tử thì học đạt đến cấp Phi tưởng phi phi tưởng xứ (sa. naivasaṃjñā-nāsaṃñāyatana, pi. nevasaññā-nāsaññāyatana).
Nhưng Tất-đạt-đa cũng không tìm thấy nơi các vị đó lời giải cho thắc mắc của mình, nên quyết tâm tự mình tìm đường giải thoát và có năm tỉ-khâu (Ngũ tỉ-khâu) đồng hành. Sau nhiều năm tu khổ hạnh gần kề cái chết, Tất-đạt-đa nhận ra đó không phải là phép tu dẫn đến giác ngộ, bắt đầu ăn uống bình thường, năm tỉ-khâu kia thất vọng bỏ đi.
Không đạt giải thoát với cách tu khổ hạnh, Tất-đạt-đa từ bỏ phép tu này. Quả quyết rằng mình đã đi đến chỗ cùng cực của công phu tu khổ hạnh và khổ hạnh không dẫn đến giác ngộ, Tất-đạt-đa tìm phương pháp khác, và nhớ lại một kinh nghiệm thời thơ ấu, lúc đang ngồi dưới gốc cây mận (MN 36, Thích Minh Châu dịch Pali-Việt):
Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ như sau: "Ta biết, trong khi phụ thân Ta, thuộc giòng Sakka (Thích-ca) đang cày và Ta đang ngồi dưới bóng mát cây diêm-phù-đề (pi. jambu), Ta li dục, li pháp bất thiện chứng và trú Thiền thứ nhất, một trạng thái hỉ lạc do li dục sinh, có tầm, có tứ." Khi an trú như vậy, Ta nghĩ: "Đạo lộ này có thể đưa đến giác ngộ chăng?" Và này Aggivessana, tiếp theo ý niệm ấy, ý thức này khởi lên nơi Ta: "Đây là đạo lộ đưa đến giác ngộ." Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ: "Ta có sợ chăng lạc thụ này, một lạc thọ li dục, li pháp bất thiện?" Này Aggivessana, rồi Ta suy nghĩ: "Ta không sợ lạc thụ này, một lạc thọ li dục, li pháp bất thiện."
Sau đó Tất-đạt-đa ăn uống bình thường trở lại, đến Giác Thành, ngồi dưới gốc một cây Bồ-đề và nguyện sẽ nhập định không rời chỗ ngồi cho đến lúc tìm ra nguyên nhân và cơ chế của Khổ. Tất-đạt-đa ngồi trong tư thế kim cương, bàn tay phải đặt trên gối phải, các ngón tay hướng xuống đất, lòng bàn tay quay vào phía trong, và bàn tay trái, lòng bàn tay ngửa hướng về trên, đặt thẳng ngang mức lỗ rốn, trong tư thế thiền định. Đó là kết ấn “dùng đất làm chứng” (địa chứng ấn). Tất-đạt-đa đã phát nguyện không cử động cho đến lúc tìm ra chân lý tuyệt đối, và như luôn luôn trong các trường hợp đó, rất nhiều mãnh lực tiêu cực biểu lộ tìm cách ngăn chặn sự thành công của công cuộc tìm kiếm này. Vì để đạt đến một mức giác ngộ như thế, phải tích chứa một số công đức khổng lồ, các thế lực ấy vặn hỏi Ngài: “Nhưng ngài có quyền gì đòi hỏi đạt đến giác ngộ ? Ngài đã chứa nhóm được bao nhiêu công đức mà nghĩ đến chuyện có thể đạt đến giác ngộ ?” Khi ấy, không để bị phân tâm, Tất-đạt-đa trả lời : “Ta lấy đất làm chứng cho những công đức đã tích chứa được trong hàng nghìn tiền kiếp !”. Sau 49 ngày thiền định —mặc dù bị Ma vương quấy nhiễu— Tất-đạt-đa đạt giác ngộ hoàn toàn ở tuổi 35. Từ thời điểm đó, Tất-đạt-đa biết mình là Phật, là một bậc Giác ngộ, và biết rằng mình sẽ không còn tái sinh. Kinh nghiệm giác ngộ của Phật được ghi lại như sau trong kinh sách theo chính lời của ngài như sau (MN 36, theo bản dịch Đức của H.W. Schumann, Chân Nguyên dịch Đức-Việt):
"... Sau khi hoàn lại sinh lực (sau khi tu khổ hạnh vô ích), ta chú tâm giải thoát khỏi những tư tưởng tham ái, bất thiện và đạt được sơ thiền, sau đó nhị thiền, tam thiền và tứ thiền (Tứ thiền), nhưng những cảm giác hỉ lạc này không để lại dấu vết gì trong tâm ta.
Khi tâm ta được an tịnh, thanh lọc, không bị dục vọng cấu uế, nhạy bén, chắc chắn, bất động, ta hướng nó về những kí ức và nhận thức về các kiếp trước. Ta nhớ lại nhiều tiền kiếp, một, hai, ba, bốn, năm, ..., trăm ngàn kiếp trước, nhớ những chu kì của thế giới. 'Nơi đó ta đã sống, tên của ta đã như thế, gia đình của ta là như thế, nghề nghiệp của ta, giai cấp xã hội của ta... Ta đã chết như vầy...'. Sự hiểu biết (sa. vidyā, pi. vijjā) đầu tiên này ta đã đạt được trong canh đầu (từ 21 đến 24 giờ đêm)...
Sau đó ta chú tâm đến sự sinh thành và hoại diệt của chúng sinh. Với con mắt của chư thiên, trong sáng, siêu việt mọi giới hạn nhân thế, ta thấy chúng sinh hình thành và tiêu hoại, ...chúng sinh tái sinh theo nghiệp lực. Ta nhận ra rằng 'Chúng sinh tạo nghiệp bất thiện qua ba ải thân khẩu ý đều chìm đắm sau khi chết, tái sinh trong đoạ xứ, địa ngục. Các chúng sinh nào tạo thiện nghiệp bằng thân khẩu ý được tái sinh trong thiện đạo, sau khi chết được lên cõi thiên'... Sự hiểu biết thứ hai này ta đã đạt được trong canh hai (từ 24 giờ đêm đến 3 giờ sáng).
Sau đó ta chú tâm nhận thức về sự tiêu diệt các lậu hoặc (漏, sa. āsrava, pi. āsava) và nhìn nhận như thật: 'Đây là khổ, đây là nguyên nhân của khổ, đây là phương pháp tiêu diệt khổ, đây là con đường tiêu diệt khổ', và khi ta nhận thức được điều này, tâm ta thoát khỏi dục vọng, ham muốn tồn tại, vô minh. Ta tự hiểu chân lí 'Tái sinh ta đã đoạn, cuộc sống tu tập của ta đã hoàn tất, ta đã hoàn thành những gì phải làm. Cuộc sống (khổ đau) này ta đã vượt qua'... Sự hiểu biết thứ ba này ta đã đạt được trong canh ba (3 đến 6 giờ sáng)...".
Bậc giác ngộ lúc đó biết rằng kinh nghiệm giác ngộ của mình không thể dùng ngôn từ hay bất cứ một cách nào khác để truyền đạt nên Phật tiếp tục yên lặng ngồi thiền định dưới gốc cây Bồ-đề. Cuối cùng, được sự thỉnh cầu nhiều nơi, Phật mới quyết định chuyển Pháp luân. Phật giờ đây mang danh hiệu Thích-ca Mâu-ni—"Trí giả của dòng dõi Thích-ca". Sau đó Phật gặp lại năm vị tỉ-khâu, các vị đó nhận ra rằng Phật đã hoàn toàn thay đổi. Qua hào quang toả ra từ thân Phật, các vị đó biết rằng người này đã đạt đạo, đã tìm ra con đường thoát khổ, con đường mà các vị đó không thể tìm ra bằng phép tu khổ hạnh. Các vị đó xin được giảng pháp và vì lòng thương chúng sinh, Phật chấm dứt sự im lặng.