LĂNG ÔNG NAM HẢI
SÔNG ĐỐC – CÀ MAU
Cà Mau, một tỉnh có độ tiếp giáp với biển thuộc hạng cao của Việt Nam, cư dân miệt biển thường có những tín ngưỡng phù hợp với đời sống làm ăn thường nhật của mình. Vì thường xuyên đối mặt với những hiểm nguy trên biển nên họ thường tin vào những đấng thiêng liêng vô hình và hữu hình. Cá Ông – một linh vật thường được người dân tin; khi tàu thuyền của họ gặp nạn, có nhiều chiếc thuyền bị đắm nhưng ngư phủ sống sót là nhờ Cá Ông đưa vào bờ…
Sông Đốc ngày 15/7/1925, sau một đêm bão tố mịt mùng, một xác cá Ông (cá Voi) dài 20,3 m trôi dạt vào Vàm Xoáy được các ngư dân cao niên như : cụ Nguyễn Hữu Định, cụ Nguyễn Văn Học, cụ Mai Văn Lầu, cụ Huỳnh Văn Dỏng, cụ Nguyễn Văn Tiền, cụ Võ Văn Trí, cụ Phan Văn Vị đã thỉnh xác Ông Cá về Vàm Rạch Ruộng cất Lăng thờ cúng vị Ân ngư, người bạn đường của ngư phủ trên biển cả.
Năm 1943, tàu Pháp tuần tiễu bắn đạn pháo vào làm cháy Lăng Ông, ngư dân Sông Đốc đã liều mình trong lửa đỏ để cứu hài cốt của Ông Cá, nhưng cháy hết chỉ còn 2 xương cạnh hàm của Ông Cá. Phần hài cốt đó cháy sém nên ngư dân đã quấn vải đỏ và lập Lăng mới tại Vàm Sông Đốc để tiếp tục thờ cúng Ông. Bên cạnh đó, ngư dân đã thành lập Vạn Lăng Ông để cùng nhau đoàn kết trong lao động sản xuất, trong sinh hoạt cộng đồng bao gồm : các ngư phủ yêu nghề biển cùng các thương nhân kinh doanh, chế biến hải sản và các tiểu thương làm dịch vụ nghề cá cùng đoàn kết, giúp đỡ nhau về vốn và kinh nghiệm ngư nghiệp. Hiện nay, để quản lý và hằng năm làm Lễ Nghinh Ông nên Vạn dân đã bầu ra Ban Trị Sự Lăng Ông để đại diện ngư dân nơi đây trị sự và đối ngoại cho Vạn Lăng Ông và di dời Lăng Ông từ Vàm Sông Đốc về vị trí hiện nay, Lăng Ông đang tọa lạc tại khóm 2 thị trấn Sông Đốc, huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau.
Với sự giúp đỡ của ngư dân thập phương, sự hỗ trợ của chính quyền địa phương và ngành Văn hóa Thông tin tỉnh Cà Mau, Lăng đã được nhiều lần tôn tạo, trùng tu và nâng cấp, trở thành một di tích lịch sử Văn hóa tôn kính, một biểu tượng tinh thần cao đẹp của ngư dân và ngành ngư nghiệp tỉnh Cà Mau.
Bài Diệu Minh
TÍN NGƯỠNG THỜ CÁ ÔNG
Ở BA TRI BẾN TRE
- Dương Hoàng Lộc
Bến Tre là một trong 13 tỉnh, thành của Đồng bằng Sông Cửu Long, nằm về phía hạ lưu sông Tiền, có chiều dài giáp biển đến 65 km. Sách Địa chí Bến Tre cho biết: “Qua khảo sát ở sông và ven biển tỉnh Bến Tre đã phát hiện được 120 loài cá thuộc 43 họ, nằm trong 15 bộ cá. Bộ cá vược chiếm ưu thế cả về họ (21 họ) lẫn về loài (54 loài), bộ cá trích chiếm 2 họ gồm 15 loài, bộ cá bơn có 3 loài [Thạch Phương- Đoàn Tứ 2001: 228]. Riêng đối với loài cá sống ven biển thì có: Cá mòi, cá nục, cá đuối, cá gúng, cá trích, cá chim,…. Sự đông đúc và đa dạng về chủng loại tôm, cá ở vùng ven biển có ý nghĩa quan trọng cho việc hình thành các nhóm đánh bắt thủy hải sản ở vùng ven biển Bến Tre. Mặt khác, Bến Tre có bờ biển khá dài và 4 con sông lớn (Cổ Chiên, Ba Lai, Hàm Luông, Cửa Đại) hướng ra biển, nên hình thành được hai cộng đồng ngư dân ven biển: An Thủy (huyện Ba Tri), Bình Thắng (huyện Bình Đại). Việc tìm hiểu văn hoá của các cộng đồng ngư dân này có ý nghĩa khoa học và thực tiễn, góp phần xác định diện mạo của các cộng đồng này qua chiều dài phát triển. Tín ngưỡng thờ cá ông ở An Thuỷ là một trong những minh chứng cho điều ấy.
Theo các nhà nghiên cứu cho biết, tín ngưỡng thờ cá ông là hình thức tín ngưỡng phổ biến của cư dân ven biển Việt Nam, đặc biệt từ miền Trung trở vào, là kết quả của quá trình giao lưu văn hóa Việt-Chăm trong quá trình Nam tiến của người Việt. Tín ngưỡng này thực chất là tín ngưỡng vật linh (animism), thể hiện sự sùng bái của con người trước biển cả trong quá trình mưu sinh, đánh bắt lênh đênh trên biển. Các sách như: Đại Nam Nhất Thống Chí của triều Nguyễn, Gia Định Thành Thông Chí của Trịnh Hoài Đức, Thoái Thực Ký Văn của Trương Quốc Dụng, Vũ Trung Tùy Bút của Phạm Đình Hổ,…đều có ghi chép về cá ông, phần lớn cho rằng đây là loài cá hiền lành, linh thiêng hay cứu người đi buôn bán trên biển và chài lưới, mỡ cá dùng để cứu người.
Ở Bến Tre, tín ngưỡng thờ cá ông có mặt ở 3 huyện ven biển: Ba Tri, Bình Đại, Thạnh Phú từ xưa đến nay. Lư Xuân Chí cho biết: “ Qua kết quả tổng điều tra di sản văn hóa phi vật thể tỉnh Bến Tre năm 2004, toàn tỉnh có 12 lăng ông chia ra: Huyện Ba Tri 4 lăng, huyện Thạnh Phú 4 lăng, huyện Bình Đại 4 lăng” [Lư Xuân Chí 2005 : 138]. Tuy nhiên, qua điều tra của người viết vào 2008, Bến Tre có đến 12 lăng ông thuộc 3 huyện ven biển Ba Tri (3 lăng), Bình Đại (5 lăng), Thạnh Phú (4 lăng) :
Danh sách và Địa chỉ các Lăng ông ở Bến Tre
STT Tên Địa Chỉ
1 Lăng Ông Nam Hải ấp An Lợi-xã An Thủy-huyện Ba Tri
2 Lăng Ông Nam Hải ấp Thạnh Lộc-xã Bảo Thạnh-huyện Ba Tri
3 Lăng Ông Nam Hải ấp Thạnh Phú-xã Bảo Thạnh-huyện Ba Tri
4 Lăng Ông ấp 5-xã Thạnh Phong-huyện Thạnh Phú
5 Lăng Ông Thủy Tướng ấp Giao Thạnh-xã Giao Thạnh-huyện Thạnh Phú
6 Lăng Ông Nam Hải ấp An Ninh-xã An Thuận-huyện Thạnh Phú
7 Lăng Ông Nam Hải ấp Thạnh Hải-xã Thạnh Hải-huyện Thạnh Phú
8 Lăng Ông Nam Hải ấp 3-xã Bình Thắng-huyện Bình Đại
9 Lăng Ông ấp Thừa Lợi-xã Thừa Đức-huyện Bình Đại
10 Lăng Ông ấp Thừa Trung-xã Thừa Đức-huyện Bình Đại
11 Lăng Ông Nam Hải ấp Thới An-xã Thới Thuận-huyện Bình Đại
12 Lăng Ông Nam Hải ấp Vinh Điền- xã Vang Quới Tây-huyện Bình Đại
Qua đó, ở Bến Tre có các nhóm cư dân thờ cá ông như sau :
- Thứ nhất, đó là tín ngưỡng những nhóm đánh bắt nhỏ lẻ, làm nghề chài lưới ven bờ : Lăng ông ấp Thạnh Lộc và Thạnh Phú (xã Bảo Thạnh, huyện Ba Tri), lăng ông ấp 5 (xã Thạnh Phong, huyện Thạnh Phú), lăng ông ấp Thạnh Hải (xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú), lăng ông ấp Thừa Lợi và Thừa Trung (xã Thừa Đức, huyện Bình Đại), lăng ông ấp Thới An (xã Thới Thuận, huyện Bình Đại). Việc tôn thờ cá ông ở đây chính là nhằm cầu mong cho nghề đánh bắt được thuận lợi, trúng nhiều tôm cá. Mặt khác, riêng đối với lăng ông ấp Thạnh Hải (xã Thạnh Hải, huyện Thạnh Phú) được thành lập năm 2004, sau khi cá ông lụy. Những ngư dân cao tuổi tổ chức xây lăng và thờ phụng, không chỉ vậy, tín ngưỡng này còn có cả những người làm nghề trồng dưa hấu tin tưởng. Đây là lăng ông “trẻ” nhất của Bến Tre. Như vậy, tín ngưỡng thờ cá ông vẫn còn trong mạch tâm linh của người dân ven biển Bến Tre cho đến tận hôm nay.
- Thứ hai, đó là tín ngưỡng những người làm nghề chài lưới ven song : Lăng ông ấp An Ninh (xã An Thuận, huyện Thạnh Phú), ấp Vinh Điền (xã Vang Quới Tây, huyện Bình Đại). Đây là trường hợp cá ông con chẳng may bị xẩy hay xảo, theo dòng nước vào tận bên trong sông, được lập lăng thờ cúng. Lăng ông ấp An Ninh, xã An Thuận cách cửa biển chừng 20 km, nằm bên dòng sông Cổ Chiên, được thành lập vào 1954. Cá ông này khi lụy có hình dạng nhỏ, chiều dài chừng 1,6m, đường kính 0,5m, nặng 350 kg. Lăng ông ở Vang Quới Đông nằm bên cạnh sông cửa Đại, cách biển chừng 30 km. Một tiều phu đốn củi tình cờ bắt gặp thi hài cá ông ở làng Phú Thuận gần đó. Người này về kể lại cho dân làng Vang Quới nghe. Các vị cao tuổi sắm khay trầu rượu và lễ vật đi cùng với vị tiều phu này sang làng Phú Thuận xin thọ tang cá ông và mang hài cốt về đây thờ. Ở trường hợp này, tín ngưỡng thờ cá ông có ảnh hưởng và lan rộng, đi sâu vào tâm thức của người dân làm nghề chài lưới ven sông, cách biển khá xa. Ngoài ra, đó phải chăng là sự tiếp nối truyền thống văn hoá của cha ông họ vốn có nguồn gốc từ miền Trung vào, mà tín ngưỡng thờ cá ông là một điển hình ?
- Thứ ba, đó là chứng tích của một thời mà cư dân địa phương gần với biển, làm nghề đánh bắt ven bờ : Trường hợp lăng ông ấp Giao Thạnh (xã Giao Thạnh, huyện Thạnh Phú). Trước năm 1938, xã Giao Thạnh nằm sát biển và có nhiều ngư dân làm nghề đáy rạo sinh sống. Tuy nhiên, vì lý do bị sạt lỡ khá nặng, năm 1938, Pháp tiến hành san lấp và khoá cửa Vàm Rỗng lại. Từ đó cho đến nay, đất phù sa đã bồi hàng chục km. Do vậy, người dân ở đây chuyển sang nghề trồng lúa, làm vườn cho đến nay. Đây là một lăng ông khá xưa của huyện Thạnh Phú, một dạng thờ cá ông khá độc đáo của Bến Tre: Từ tín ngưỡng của cư dân làm nghề chài lưới ven biển dần chuyển thành tín ngưỡng của nghề nông, do bị thay đổi bởi điều kiện tự nhiên.
- Thứ tư, đó là tín ngưỡng của cộng đồng ngư dân ven biển : Lăng ông ấp An Lợi (xã An Thuỷ, huyện Ba Tri), lăng ông ấp 3 (xã Bình Thắng, huyện Bình Đại). Do ngư dân nơi đây hoạt động và gắn bó với nghề đánh bắt thuỷ sản xa bờ ngày nay và nghề chài lưới, đóng đáy, đánh bắt ven bờ trong quá khứ, cho nên tín ngưỡng thờ cá ông là hình thức tín ngưỡng trực tiếp liên quan đến nghề nghiệp của họ. Do đó, hình thức tín ngưỡng thờ cá ông của cộng đồng ngư dân là quan trọng và nổi bất hơn hết so với các nhóm cư dân khác. Nó thể hiện khá rõ trên khá nhiều phương diện như: Giai thoại dân gian lưu truyền nhiều hơn, lễ hội lớn hơn, kiến trúc thờ tự qui mô hơn,…
Qua khảo sát tại An Thủy, ngư dân có khá nhiều giai thoại liên quan đến cá ông. Theo lời kể lại của họ, cá ông vốn là vị thần được Ngọc Hoàng phái xuống trần, biến thành cá ở từng cửa biển để cứu giúp người dân mỗi khi gặp nạn. Nếu cứu được càng nhiều người sẽ tích được công đức cho đến khi thiên đình tổ chức kỳ thi. Nếu công đức nhiều, cá sẽ vượt được vũ môn hóa thành rồng, bay về trời. Ngược lại, nếu tích ít công đức, cá tiếp tục quay trở lại nơi cũ tiếp tục sứ mệnh cho đến khi đầy đủ. Khi gặp người bị nạn, cá ông không cứu sẽ bị cá đao phanh thây, đất trời nổi sóng gió. Câu chuyện này có mang yếu tố Đạo giáo khá rõ. Họ còn cho biết, mỗi khi cá ông đi tuần sẽ có một cặp cá đao, cặp tôm càng và cặp mực theo hầu.
Sách Đại Nam Nhất Thống chí có ghi : “ Cá đao : đao ngư, trên đầu có xương dài, nanh sắc như dao cưa, sắc xanh không vảy, có loài đẻ con. Tục truyền khi cá ông voi bơi đi, tất có một đôi cá đao đi trước để hộ vệ. Đấy cũng là việc lạ”[Quốc Sử Qúan triều Nguyễn-Viện Sử học 2006 (tập 5): 483]. Cá ông rất thích ăn cá mồi và ruốc. Mỗi khi gặp được mồi, cá đao sẽ bao quanh vòng ngoài, mực vươn tua dài phun nước màu đen, cá ông sẽ xoay vòng nước đưa con mồi vào miệng. Tuy nhiên, cá ông rất kỵ con sam, nếu lỡ bị sam bám vào thành miệng, hút máu thì sẽ đau đớn, giãy dụa và bơi vào bờ để nhờ người gỡ dùm. Ngư dân ở đây thường gọi cá ông bằng “ông Nam Hải”, “Nam Hải Tướng quân“, hay đơn giản nhất là “ông”. Mỗi khi cá lỡ chui vào lưới, ngư dân khấn và mở lưới để ông thoát ra ngoài.
Khi cá ông lụy, tùy vào mỗi nơi mà có cách an táng khác nhau, tuy nhiên, người đầu tiên nhìn thấy sẽ là con trưởng và phải chịu tang. Ở Lăng Ông An Thủy có 3 bộ cốt cá ông. Bộ cốt đầu tiên do ông lụy vào năm 1917, được ngư dân đưa vào lăng thờ. Bộ cốt thứ hai do cá ông lụy vào năm 1954. Thi hài Ông dài chừng 7m, ngang 1,7m, nằm ở phía ngoài cồn, được một số người Bắc di cư vào đây phát hiện. Họ sửa soạn xẻ thịt cá thì ngư dân tại đây phát hiện, xin chuộc lại với số tiền khá lớn. Sau đó, ngư dân tổ chức lễ an táng. Tại nơi cá ông lụy, người ta đào một cái hố khá lớn, bên dưới phủ vải đỏ, lập bàn hương án cho ngư dân cúng bái. Cả làng lúc này đi tìm người đầu tiên thấy ông để làm người con trưởng, chịu tang. Tuy nhiên, vì theo quan niệm của ngư dân, người làm con trưởng sẽ bị nghèo khó suốt đời, nên người này đã bỏ trốn vào Cà Mau sinh sống. Nếu không có người con trưởng, xác ông sẽ không lung lay và an táng được. Người ta bắt buộc phải tìm người thứ hai thấy ông lụy để làm con trưởng, chịu tang 3 năm.
Phải chăng việc chịu tang cá ông có sự thâm nhập của yếu tố Nho giáo vào tín ngưỡng này ? Sau khi an táng xong, ngư dân xây ngôi mộ cho ông tại nơi này. Trong thời gian để xác ông, những loài vật như chó, mèo và cả ruồi muỗi không dám đến gần. Ghe đáy rạo, đáy sông cầu quay về cúng bái long trọng. Đêm đó, trời nổi sấm chớp và giông gió lớn làm cho cả đoàn ghe va vào nhau. Những người hiếu kỳ thì đến gặp các ngư dân có trách nhiệm để xin huyết và da của ông về uống cho khỏe mạnh, làm bùa đeo cho trẻ con để trừ tà ma. Tuy nhiên, điều này đã không được chấp nhận. Ngư dân còn kể lại rằng, vào sáng hôm sau, một ông khác to lớn đi vào cửa sông, phá đi hàng chục khẩu đáy, rồi vọi nước lên cao để trở ra ngoài khơi. Người ta cho rằng, đó là cá ông mẹ đi tìm cá ông con. Sau đó, đến lễ nghinh ông vào năm sau (ngày 16 tháng giêng), ngư dân tổ chức lễ thỉnh cốt ông về nhập lăng. Người ta đào mộ lên, mang cốt ông rửa thật sạch, phủ vải đỏ. Đoàn đi rước có chiêng, trống, long đình và pháp sư theo cùng. Bộ cốt thứ ba ở lăng ông An Thủy khá nhỏ, do người dân thấy ông con xẩy, họ an táng và mang cốt gửi vào lăng. Nguyễn Duy Oanh, cho biết một chi tiết : “ Dân chài vùng Bãi Ngao (Ba Tri) cũng thuật rằng cũng có lần thuyền của vua Gia Long đến đây gặp sóng to gió lớn và cũng được cá ông hộ tống đến Bãi Ngao”[Nguyễn Duy Oanh 1971: 356]. Qua thực tế của người viết vào năm 2007 và 2008, câu chuyện này không xuất hiện qua lời kể của các ngư dân cao tuổi. Phải chăng nó đã bị lãng quên qua thời gian ?
Đó là giai thoại dân gian khá phổ biến ở vùng ven biển Nam bộ, chứ không riêng gì ở Vàm Láng (Tiền Giang). Việc gắn cá ông với quá trình bôn tẩu của vua Gia Long làm cho tín ngưỡng thờ cá ông có nội dung lịch sử, góp phần nâng cao vị thế của vị thần này với triều đình nhà Nguyễn. Ngoài ra, cũng không loại trừ việc tuyên truyền, ca tụng “sứ mạng thiên tử” của Nguyễn Ánh trong lúc bôn ba phục nghiệp bằng khá nhiều giai thoại ly kì ở Nam bộ. Cho đến nay, những câu chuyện về sự linh ứng của cá ông cứu người khi gặp nạn trên biển, đặc biệt đó là những con người thật còn sống ở địa phương, vẫn còn lưu truyền rộng rãi. Điều này chứng minh một điều tín ngưỡng thờ cá ông còn chi phối quan trọng trong đời sống tinh thần của ngư dân An Thủy, nó phản ánh việc đánh bắt xa bờ vẫn còn phụ thuộc nhiều vào tự nhiên, thường xuyên có bất trắc, điều không may đến với họ khi lênh đênh trên biển.
Trong quá trình tìm hiểu về tín ngưỡng thờ cá ông ở An Thủy, ngư dân có sự phân biệt khá cụ thể, rõ ràng giữa cá ông với các loài cá khác có hình dạng gần giống nhau như : Cá xà, cá dông,…. Đây là các loài cá có mặt ở vùng ven biển Bến Tre trước đây. Hiện nay, chúng còn lại rất ít.
Cá xà được ghi rõ trong Gia Định Thành Thông chí : “ Cá nhám ( giao sa), có tên nữa là cá xà, da có sạn, thân to lớn đến 3-4 ôm, dài hơn 1 trượng, mắt đỏ, miệng lớn. Thường thừa khi sóng gió mạnh mẽ, cả bầy đuổi theo ghe thuyền, chực ghe chìm đặng nuốt người. Tính nó rất hung dữ, người đi ghe phải bỏ xuống một khối đá hay bao gạo mong cho nó nuốt xong no bụng để đi. Cá này cũng có rún đẻ con. Có loài cá xà ở hồ, ăn tươi hay phơi khô đều dùng được. Vây của nó phơi khô đem bán là loại thức ăn thượng hạng” [Trịnh Hoài Đức 2005: 208-209]. Tuy nhiên, giữa cá ông và cá dông rất dễ lầm lẫn với nhau. Do đó, họ có sự phân biệt cụ thể như sau:
Bảng phân biệt chi tiết cá ông và cá dông
STT TIÊU CHÍ CÁ ÔNG CÁ DÔNG
1 Da Da màu đen, láng và mịn Da màu xám, hơi mốc
2 Lưng Có rãnh máng dài trên lưng Có kỳ trên lưng
3 Đuôi Đuôi giống đuôi tôm
(đuôi bẹ)
Đuôi giống đuôi cá bình thường
3 Miệng Không có răng Có răng lởm chởm cả 2 hàm
4 Cách vọi Vọi nước thẳng lên cao Vọi nước tua ra, không lên thẳng và cao.
5 Thức ăn Các loài cá nhỏ và giáp xác như: cá mòi và ruốc,… Ăn tạp, kể cả thịt người
6 Cách ăn Xoay cuộn nước để đưa thức ăn vào miệng Ăn theo kiểu táp tới
7 Khi chết Thịt không hôi, ruồi muỗi không đến gần. Thịt hôi rữa, ruồi muỗi bám.
8 Sau khi được người cứu Bơi ra biển, vọi nước thẳng lên biểu thị cám ơn. Quay lại ăn thịt người đã cưú
(Còn 1 kỳ nữa)