Linh hồn, ma quỷ hay phát điên ở trung tâm tìm mộ?
06/08/2011 06:08
(VTC News) - Hầu hết hài cốt tìm được là dưới mộ vô danh quy tập trong nghĩa trang hoặc gói đất tượng trưng (kèm theo tổ mối) nơi rừng thẳm.


Mỗi gia đình thường có ít nhất 4-5 người để làm công việc áp vong. Để có được chỗ ngồi ở trung tâm tìm mộ của “anh Hồng” (làng Câu Tử, Châu Sơn, Duy Tiên, Hà Nam), họ phải đến từ rất sớm.

Từ 6-7h sáng, các gia đình đã có mặt ở trung tâm tìm mộ để giành chỗ ngồi. Nhìn biển số xe máy, ôtô có thể biết họ đến từ rất nhiều tỉnh, gần cũng là Nam Định, Hà Tây, Hà Nội, Thái Bình, Ninh Bình, xa thì các tỉnh miền Trung. Qua giọng nói, có thể nhận thấy rất nhiều gia đình từ các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình ra tận Hà Nam với mong ước tìm được mộ liệt sĩ nhờ phương pháp áp vong.



Theo hướng dẫn của những người giúp việc, các gia đình tự tìm một chỗ ngồi, lấy chiếc bàn gấp nhỏ (sinh viên thường dùng để ngồi học trên giường), đặt lễ cùng di ảnh người cần áp vong lên chiếc bàn đó. Vì rất đông người có mặt ở trung tâm tìm mộ, thời tiết nóng nực, nên việc đốt nhang bị cấm. Thi thoảng vẫn có người đốt nhang khấn vái, song lập tức “vệ sĩ” tiến đến quát tháo, thậm chí chửi bới yêu cầu dập tắt hương.

Gọi “anh Hồng” là nhà ngoại cảm, song thực tế, chẳng thấy bóng dáng và vai trò “anh Hồng” trong việc áp vong. Các gia đình được hướng dẫn cách gọi vong về. Theo đó, các gia đình sẽ chọn 1-2 người ngồi trong thế thiền, tĩnh tâm và suy nghĩ đến người đã chết. Những người xung quanh sẽ chờ đợi, vái lạy và hướng sự thành kính về phía người ngồi thiền rồi gọi tên người chết.


Đệ tử của "anh Hồng" gọi "vong" về.

Nếu làm đúng phương pháp đó, “vong” có thể sẽ nhập vào một người trong gia đình, từ đó “vong” giao lưu, trò chuyện với những người có mặt. Nếu các gia đình ngồi tĩnh tâm một thời gian dài chưa có kết quả, người giúp việc của “anh Hồng” sẽ tiến đến giúp đỡ. Anh này sẽ ngồi xuống, hỏi những người xung quanh một số thông tin về liệt sĩ, sau đó sẽ nói mấy câu đơn giản, đại loại như “Mời liệt sĩ N. về gặp gia đình…”, rồi liên tục nhắc những người trong gia đình tích cực gọi tên liệt sĩ.

Cách làm đơn giản này giống với hầu hết các trung tâm tìm mộ ở cả nước. Nhà ngoại cảm không đủ sức làm hết việc, nên phải có những người giúp việc làm thay. Có thể nhận thấy, không cần tới nhà ngoại cảm, người dương thế cũng có thể gặp “vong”.


"Vong" đang vái "anh Hồng" từ xa.

Tôi tập trung quan sát một gia đình đến từ Hà Tĩnh. Người đứng ra tổ chức tìm mộ là vợ chồng ông K. Theo người đàn ông gầy còm, khắc khổ, thì anh trai ông hy sinh trong kháng chiến chống Mỹ ở chiến trường Nam Bộ và hiện vẫn chưa tìm được mộ. Vợ chồng ông cùng gia đình đã đến rất nhiều trung tâm tìm mộ nhưng chưa có kết quả gì. Đến trung tâm tìm mộ nào áp vong cũng thành công, nhưng vong lên toàn nói nhảm, gào thét, chứ chẳng chỉ chỗ tìm mộ.

Mẹ già mong mỏi tìm được xương cốt con trước khi nhắm mắt, càng thôi thúc ông K. Ông đã bán con lợn và mấy tạ thóc để có tiền ra Hà Nam một chuyến những mong thỏa nguyện mẹ già, vì ông nghe nói “anh Hồng” là nhà ngoại cảm cao tay ấn.


Vợ ông K. đang co giật phát điên.

Hỏi chuyện ông K. xong, tôi ngồi quan sát kỹ hiện tượng “vong” về. Vợ ông K. tướng khắc khổ, quắt queo hơn cả chồng. Bà ngồi tĩnh lặng, mắt nhắm nghiền. Ông K. và những người xung quanh liên tục gọi tên liệt sĩ. Trong khung cảnh thành kính và xúc động, cơ thể vợ ông K. bắt đầu lắc lư như cây trước gió.

Thấy có hiện tượng “vong” về, mọi người lại gọi tên liệt sĩ nhiều hơn. Bất thần, vợ ông K. rú lên như trúng tà. Bà la hét, chửi bới om sòm, rồi lăn ra đất co giật đùng đùng, nước mắt nước mũi chảy tràn trên mặt. Ông K. ra sức giữ chặt vợ, song không giữ nổi. Vợ ông đẩy một cái, khiến ông ngã ngửa ra đất. Mấy người xung quanh phải xông vào giữ tay chân người đàn bà này.


Mọi người tò mò kéo kín xem "vong" nhập vợ ông K. chửi bới, la hét, đập phá.

Việc vợ ông K. la hét làm náo loạn cả trung tâm tìm mộ, khiến 2 nhân viên giúp việc của “anh Hồng” phải tìm đến giải quyết. Hai người này thay nhau gọi tên liệt sĩ, song chẳng ăn thua gì, “liệt sĩ” cứ hết khóc lóc lại gào thét, chửi bới, đấm đá, đạp phá lung tung. Anh chàng giúp việc cao to, trán hói cứ cầm tấm bản đồ giơ trước mặt “liệt sĩ” đề nghị “liệt sĩ” chỉ nơi có phần mộ. Thế nhưng, “liệt sĩ” không những không chỉ mà đạp một phát tung cả cuốn bản đồ.

Sự việc người đàn bà phát rồ khi bị “vong nhập” gây náo loạn cả trung tâm tìm mộ, thậm chí gây nguy hiểm đến tính mạng vợ ông K., khiến người của trung tâm này không thể làm ngơ, tiếp tục để “vong nhập”, nên họ tìm cách trục “vong” ra khỏi cơ thể người đàn bà này. Phải mất nửa tiếng chửi bới, đẩy đuổi “liệt sĩ”, tát nổ đom đóm mắt vợ ông K., rồi té cả rượu lên mặt, “vong” mới “thăng”, bà mới không chửi bới, la hét. Vợ ông K. nằm thừ, mắt nhắm nghiền vì mệt, còn ông K. mãi chưa hoàn hồn. Mấy người giúp việc của “anh Hồng” nghiêm khắc yêu cầu gia đình không cho “vong” nhập vào người đàn bà này nữa. Nếu “vong” không chỉ chỗ tìm mộ, mà cứ la hét, chửi bới om sòm như thế, thì ông K. lại mất toi con lợn và mấy tạ thóc!


Đệ tử của "anh Hồng" hết chửi bới, dọa nạt, tát, đổ rượu vào mặt, "vong" mới chịu thăng.

Mọi người đến nhà “anh Hồng” đều tự đợi vong đến, thi thoảng mới có sự giúp đỡ của những người giúp việc, chứ “anh Hồng” không hề làm động tác nào để gọi vong về. Qua tìm hiểu của tôi thì cũng không có chuyện “anh Hồng” cho người tới áp vong uống nước hoặc ngửi hương gây ảo giác như lời đồn đại.

Đúng 11h giờ, “anh Hồng” xuất hiện. Từ khuôn mặt, giọng nói, đến cách ăn mặc đều rõ ràng là đàn bà, là chị Thành, chứ chẳng có chút gì là “anh” cả.

“Anh Hồng” xuất hiện ở khu vực miếu thờ linh hồn mình, mọi người nháo nhào chạy đến vái lạy như thể gặp “thánh”. Vì ngày nào cũng có đông người đến, nên “anh Hồng” cho xây dựng một bức tường quây lại. “Anh Hồng” đứng trong, mọi người đứng phía ngoài, nên không ai sờ mó, động chạm được vào “anh Hồng”.


Chen chúc để được diện kiến "anh Hồng".

"Anh Hồng" đứng phía trong bức tường, nên không ai đụng chạm vào được.

Mục đích xuất hiện của “anh Hồng” là để mọi người báo cáo kết quả giao lưu với “vong”. Nếu “vong” thông báo nơi liệt sĩ nằm, thì gia đình đề nghị được “anh Hồng” xếp lịch đi tìm kiếm. Sau đó, cứ theo lịch, người của “anh Hồng” sẽ lên đường cùng với gia đình liệt sĩ để vào Nam – ra Bắc tìm mộ. Tất nhiên, quá trình đi tìm mộ sẽ vô cùng tốn kém, với hàng trăm khoản chi phí cho đoàn tìm mộ của “anh Hồng”.

Qua tìm hiểu của tôi, đã có hàng trăm gia đình tìm được “mộ” nhờ đội quân tìm kiếm quy mô của “anh Hồng”. Tuy nhiên, chưa thấy có gia đình nào khẳng định chắc chắn đó là xương cốt của liệt sĩ thông qua xét nghiệm ADN. Hầu hết hài cốt tìm được là dưới mộ vô danh quy tập trong nghĩa trang hoặc gói đất tượng trưng (kèm theo tổ mối) nơi rừng thẳm.