Phiền não ngấm ngầm hay ô nhiễm ngủ ngầm (Anusaya, latent tendencies):

Coù những phiền não mà chúng sanh chưa tận diệt trên con đường đạo quả (Magga Nana). Chúng ngấm ngầm tồn tại và chỉ sinh khởi khi có đủ duyên.

Có 7 loại phiền não ngủ ngầm:

a. Tham ái ngủ ngầm (Kamaraganusaya).

b. Mê thích tam giới ngủ ngầm (Bhavaraganusaya).

c. Bất bình và sân hận ngủ ngầm (Patighanusaya).

d. Kiêu hãnh, cống cao, ngã mạn ngủ ngầm (Mananusaga).

e. Tà kiến ngủ ngầm (Ditthanusaga).

f. Hoài nghi ngủ ngầm (Vicikicchanusaga).

g. Vô minh, si mê ngủ ngầm (Avijjanusaya).

Với trí tuệ siêu việt, nhìn một chúng sanh, Ðức Phật có thể biết là chúng sanh nầy còn rất nhiều phiền não ngủ ngầm tham ái, hoặc ngã mạn, hoặc sân hận v.v..

Phiền não ngủ ngầm có xu hướng thể hiện ở 3 mức độ:

a. Phiền não tiếp tục ngấm ngầm.

b. Phiền não thật sự xuất hiện và phát triển thành 3 giai đoạn--sinh khởi (upada), phát triển (thiti), và hoại diệt (bhanga).

c. Phiền não bùng nổ thành những hành động và lời nói bất thiện.

Thí dụ: Có một phàm nhân còn nhiều phiền não tham ái ngủ ngầm đang cúng dường chư tăng. Khi bắt đầu hành lễ, tâm của vị nầy đầy những thiện pháp của tâm bố thí (maha kusala citta). Nhưng sau đó, khi vị ấy gặp một đối tượng xinh đẹp và tự nhiên sinh tâm tham ái. Tâm tham ái nầy bắt nguồn từ phiền não tham ái ngủ ngầm mà vị ấy chưa dứt khỏi được và chỉ sinh khởi khi vị ấy gặp đối tượng xinh đẹp trên. Nếu vị ấy tiếp tục giao tiếp nhiều hơn với đối tượng xinh đẹp kia, tâm tham ái nầy sẽ biến thành những tư tưởng tham muốn rõ ràng và mạnh mẽ hơn (pariyutthana kilesa). Nhưng nếu lúc ấy, vị ấy quán niệm được tâm tham ái của mình, tư tưởng tham muốn mạnh mẽ trên sẽ yếu dần đi và biến mất. Tuy nhiên, nếu lúc ấy vị ấy không những không chánh niệm mà còn tiếp tục chạy theo tư tưởng tham ái của mình, không chóng thì chầy, tư tưởng tham ái nầy nó sẽ trở thành những hành động và lời nói sàm sỡ bất thiện. Ðây là giai đoạn bùng nổ của phiền não ngủ ngầm. Ðây là thí dụ về sự phát triển của phiền não tham ái ngủ ngầm từ giai đoạn ngấm ngầm đến giai đoạn bùng nổ. Nguyên tắc nầy cũng áp dụng cho các loại phiền não ngủ ngầm khác như sân hận, ngã mạn, hoài nghi... v.v..[v]

3. Tính chất, cá tính, phong cách, hành vi, hạnh kiễm (Carita, Habitual conduct)[vi]:

Carita là những tính chất, phong cách và hành vi thiện hoặc bất thiện thể hiện ra bên ngoài của chúng sanh. Có 6 loại tính chất hay phong cách:

a. Tính chất tham ái (Ragacarita): Tính nhiều ái dục, ưa thích những sắc tốt đẹp (người đẹp, quần áo sang trọng, nhạc hay... v.v.).

b. Tính chất sân hận (Dosacarita): Tính thường dễ giận, gây gỗ, bất bình, sợ hãi, lo âu.

c. Tính chất si mê (Mohacarita): Tính thường tối tâm, ngu độn, thiếu sáng suốt.

d. Tính chất tín (Saddhacarita): Tính dễ tin, thiếu suy xét.

e. Tính chất giác (Buddhicarita): Tính nhiều trí tuệ, mau suy xét, mau hiểu biết sáng suốt.

f. Tính chất tâm (Vitakkacarita): Tính suy nghĩ nhiều, sống về nội tâm, suy nghĩ nhiều mà không hệ thống.

Ðức Phật không những biết tính chất (tham ái, sân hận, si mê v.v..) của mỗi chúng sanh mà còn biết những điều kiện làm nhiễm ô, những điều kiện làm trong sạch, những thuộc tính cơ bản, những nghiệp quả và hệ quả của các tính chất nầy.

4. Nguyện vọng (Adhimutti, Leaning or disposition):

Adhimuti là nguyện vọng hay sự ưa thích tự nhiên của mỗi chúng sanh.

Có 2 loại ưa thích: Ưa thích những pháp cao thượng hay phước báo (panitadhi mutta), ưa thích pháp thấp hèn và tội lỗi (hinadhi mutti). Những chúng sanh có nguyện vọng giống nhau thường tìm đến gần nhau. Chúng sanh hướng về pháp cao thượng sẽ tìm đến chúng sanh cao thượng. Chúng sanh hướng về tội lỗi sẽ tìm đến những người tội lỗi. Ðức Phật biết rõ chúng sanh nào có nguyện vọng cao thượng và chúng sanh nào ưa thích việc làm tội lỗi. Không những thế, Ðức Phật còn biết mức độ cao thấp của những nguyện vọng nầy.

http://www.buddhanet.net/budsas/uni/u-9anducphat/05.htm