Asaya nghĩa là căn cơ, tâm tính, nước tâm hay các pháp thường hiện hữu trong tâm của mỗi chúng sinh. Thí dụ: Con nai là chúng sanh có khuynh hướng tự nhiên sống trong rừng. Cho dù nai ăn cỏ trong cánh đồng, rừng xanh vẫn là nhà của nó. Con người cũng thế. Con người có thể tìm hiểu nhiều điều khác nhau nhưng sau khi tìm hiểu, người nào cũng trở về với tâm tính riêng của họ. Người có căn cơ tiếp tục sống trong luân hồi sanh tử sẽ tiếp tục giữ tà kiến của mình. Người có khuynh hướng giải thoát sẽ tìm cách thanh lọc tâm và trao dồi tuệ giác của mình. Trong trường hợp nầy, Tà kiến hay Tuệ giác là căn cơ hay asaya.

Có hai loại căn cơ:

1. Căn cơ tà kiến (dithiasaya)

2. Căn cơ tuệ kiến (pannaasaya)


Căn cơ tà kiến thường trụ trong các hạng phàm nhân và gồm 2 loại:

1. Thường kiến (Sassataditthi) Thường kiến là quan điểm cho là có một linh hồn trường tồn vĩnh cữu.

2. Ðoản kiến (Uccheda ditthi). Ðoản kiến là quan điểm cho là mọi sự đều chấm dứt với cái chết hay "chết là hết".

Căn cơ tuệ kiến hằng trụ trong tâm các bậc thánh nhân và gồm 2 loại:

1. Minh sát tuệ (Vipassana panna asaya)

2. Chân như tuệ (Yathabhuta nana asaya)
.

Minh sát tuệ là 10 tầng tuệ có được trên đường tu tập đạo quả. Chân như tuệ hay Thánh giác là tuệ có được khi đạt được 4 đạo và 4 quả.

Ðức Phật thông suốt căn cơ của chúng sanh vì Ngài hiểu là chúng sanh nầy tiếp tục trôi trong luân hồi sinh tử vì chúng sanh ấy luôn tin là "chết là hết" (đoản kiến), chúng sanh kia tiếp tục trôi trong luân hồi sinh tử vì chúng sanh ấy luôn tin là có một linh hồn bất diệt và trường cửu (thường kiến); chúng sanh nầy đang hướng về sự giải thoát vì vị ấy có được tuệ minh sát trong tâm, chúng sanh kia được giải thoát vì chân như tuệ hằng trụ trong tâm vị ấy. Và từ đó, Ðức Phật tìm phương pháp thích hợp nhất để giáo hóa họ.

Thí dụ: Một trong những đệ tử Phật là một thanh niên, con của một người thợ bạc. Người thanh niên nầy học thiền với ngài Xá Lợi Phất và được ngài dạy cách quán sát sự bất tịnh của thân xác để diệt trừ lòng tham ái. Vị tỳ kheo trẻ tuổi nầy công phu thiền định rất siêng năng và tinh tấn nhưng kết quả vẫn rất ít và chậm. Vì thế, ngài Xá Lợi Phất gửi vị tỳ kheo nầy đến Ðức Phật và nhờ Ðức Phật giúp. Nhờ biết rằng vị tỳ kheo trẻ nầy đã được đầu thai và sanh ra trong gia đình làm thợ bạc trong 500 kiếp, Ðức Phật bèn dùng thần thông biến hóa ra một hoa sen bằng vàng rất đẹp và yêu cầu vị tỳ kheo tập trung quán niệm trên hoa sen bằng vàng nầy. Sau một thời gian quán niệm, vị tỳ kheo chợt thấy hoa sen từ từ khô héo và tàn lụi. Và từ đó, vị ấy bừng ngộ về bản chất vô thường của tất cả sự vật, ngay cả chính bản thân của vị ấy, và dứt trừ được lòng tham ái.

http://www.buddhanet.net/budsas/uni/u-9anducphat/05.htm