PHỤ CHÚ:



Xét theo kết cấu câu truyện thì Tấm Cám là chị em cùng Mẹ khác Cha, mà Tấm là chị Cả tượng trưng cho quẻ Tốn (trưởng nữ) và Cám là em (gái út) biểu tượng cho quẻ Đoài. Ngũ hành của Đoài là hành KIM và hành của Tốn là MỘC, do đó ta thấy Cám (KIM) đã khắc Tấm (MỘC) dễ dàng rất nhiều lần. Ngũ hành sinh cho KIM là THỔ và quẻ Khôn tượng của người (Mẹ) là đấng sinh thành ra Cám (Thổ sinh Kim) quả hợp lý; còn cho thấy quẻ Khôn nằm sát cạnh quẻ Đoài (Mẹ ruột của Cám) để hổ trợ gián tiếp khắc chế hành của quẻ Tốn. Tại sao lại là gián tiếp?

Vì rằng, quẻ Tốn với hành Mộc là khắc tinh của hành Thổ (Mẹ của Cám - quẻ Khôn) là tượng mâu thuẫn, đấu tranh muôn đời về chuyện "Mẹ ghẻ Con chồng" nên mới có câu này trong ca dao của Việt Nam:

"Mấy đời bánh đúc có xương,
Mấy đời Mẹ ghẻ mà thương con chồng.
"

Do đó, họ khó có thể ở gần nhau cho nên quẻ Tốn ở cách cung với quẻ Khôn là vậy và đó lại phù hợp với Hậu Thiên Bát Quái Đồ ở trên. Đã từng có nhiều làn sóng phủ nhận Kinh Dịch, Bát Quái Đồ (Tiên Thiên, Hậu Thiên) là của Trung Hoa - nghĩa là của người Lạc Việt - nếu Đúng thì con cháu Lạc Việt chúng ta há chẳng đã kiểm chứng ra sự phù hợp của những Bát Quái Đồ đó thông qua những câu truyện kể dân gian rồi sao; hà tất phải chỉnh sửa thêm thắt ý của mình mà cho rằng đó là ngụ ý của tiền nhân Rồng Tiên để lập ra nào là Hậu Thiên Lạc Việt phối Hà Đồ bằng cách hoán vị Tốn - Khôn v.v... để cho Tốn ở sát cạnh Đoài mang và đổi tính chất ngũ hành của Tốn là MỘC thành KIM!?

Nếu vậy, thì có thể lý luận là chị em Tấm Cám cùng hành (KIM) nên hay xảy ra sự tranh chấp nhưng đó cũng lại là thừa nhận Mẹ - quẻ Khôn (THỔ) là mẹ ruột chung của Tấm và Cám. Vì là, cùng là con của mình mà sao nở hổ trợ đứa này tàn sát đứa kia lại cho thấy sự bất hợp lý, gượng ép của Hậu Thiên Lạc Việt Phối với Hà Đồ. Đã vậy mà còn nhân danh minh triết Lạc Việt được phục hồi từ những di sản văn hóa truyền thống Việt thì thật đáng ngờ cho cái chủ ý đằng sau của nó. Danh bất chánh, ngôn bất thuận là điều khó tránh và khó tồn tại vậy.


Thứ đến, hình dáng "Bụt" trong truyện kể dân gian được dựng lên trong truyện tranh hay phim ảnh như một ông Tiên chứ không phải Phật. Cũng đúng thôi, vì rằng giáo lý nhà Phật là:

"Chư ác mạc tác,
Chúng thiện phụng hành.
Tự tịnh kỳ ý,
Thị chư Phật giáo.
"

Nghĩa là, không làm các việc ác mà thường nên làm các việc thiện - giữ cho tâm ý mình thanh tịnh, trong sạch - đó là lời Phật dạy.

Ngoài ra, trong Kinh Pháp Cú - đức Phật có dạy rằng:

"Hận thù diệt hận thù,
Ðời này không thể có,
Từ bi diệt hận thù,
Là định luật nghìn thu.
"

Cho nên nếu có ai cho rằng truyện Tấm Cám mang một triết lý nhân sinh về tính nhân quả gần gũi với giáo lý Phật giáo thì là hiểu Phật giáo tờ lờ mờ vậy thôi. Hình ảnh của các ông Tiên, ông Bụt trong truyện cổ dân gian thường mang hình dáng ông già mặc quần áo trắng, râu tóc bạc phơ được coi như một vị thần chuyên cứu giúp người tốt, trừng phạt kẻ xấu. Đức Phật thì không phải là một vị thần như thế và giáo lý của Ngài lại càng không phải khuyến khích con người có những hành động trả thù man rợ như cô Tấm ngày nào vốn hiền lương sau này lại biến chất.

Vả lại điều này, cái Tấm cũng có cái ẩn ý thâm sâu của nó là "gạo nguyên hạt" minh họa cho một gạch liền không đứt --- trong Dịch lý là "Dương" và "hạt gạo đã bị vở đôi" hoặc vỡ thành các mảnh nhỏ gọi là Tấm. Cô Tấm ngày nào còn nguyên hạt với những đức tính thiện lương, hiền hòa cuối cùng đã vỡ thành hai mảnh như gạch liền bị đứt biểu trưng cho "Âm" - - trong Kinh Dịch. Nếu Kinh Dịch là của người Việt thì càng xác minh được lý lẽ này thông qua cái tên gọi là Tấm ấy; còn như Kinh Dịch không phải là của người Việt thì người Việt ta đã mô phỏng rất sát với Dịch lý qua những câu truyện dân gian đầy ý nghĩa như thế này.

Để tạm kết luận, câu truyện Tấm Cám không phải là phản ánh khát vọng hạnh phúc, công bằng theo kiểu "mắt đền mắt, răng đền răng" mà không nhìn thấy sự "man rợ" của cô Tấm hầu để gọt chân cho vừa giày nhân danh ở ờm lập lờ giá giá trị nhân bản và tính minh triết sâu sắc của nền văn hoá truyền thống Việt trải gần 5000 năm văn hiến. Minh triết sâu sắc của nền văn hoá truyền thống Việt 5000 năm văn hiến là để cho chúng ta nhìn thấy nếu như con người không luôn giữ được sự thanh tịnh, trong sáng, từ ái thì mình cũng sẽ trở nên không khác gì cái người mà mình đã từng đánh giá họ là ác độc, xấu xa, đê tiện kia. Chuyện "khôn 3 năm, dại 1 giờ" là câu thành ngữ Việt cũng muốn nói lên cái điều thành công rất khó mà thất bại vô cùng dễ dàng và mau lẹ. Cả rừng công đức chỉ vì một đốm lửa sân thiêu sạch thì cũng đủ thấy việc trả thù khủng khiếp của cô Tấm không chỉ hời hợt cho rằng là hậu quả của tội ác, "ác giả ác báo" mà là lúc nào chúng ta cũng nên cố gắng:

"Hận thù diệt hận thù,
Ðời này không thể có,
Từ bi diệt hận thù,
Là định luật nghìn thu.


Chư ác mạc tác,
Chúng thiện phụng hành.
Tự tịnh kỳ ý ...
"


Hãy hằng kiểm soát tư tưởng và hành động của mình để không phải ân hận hay hối tiếc một điều gì cả, theo ý kiến chủ quan của tôi đó là một thông điệp sâu sắc nhất của tiền nhân chúng ta đã nhắn nhủ lại qua câu truyện Tấm Cám.



Logic123