kết quả từ 1 tới 10 trên 10

Ðề tài: Tính Minh Triết Việt Trong Chuyện Tấm Cám

Threaded View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #9

    Mặc định Giải mã truyện Tấm Cám.

    Trong Dịch có nói đến sự "vật cùng tắc phản" cho nên trước khi có quẻ Thiên Phong Cấu với một hào Âm ở sơ hào so ra với 5 hào Dương ở bên trên thì đã có quẻ Thuần Kiền.
    Cũng như khi quẻ Cấu, Độn, Bĩ, Quán, Bác lần lượt từng hào Âm tiến lên đến cực điểm là quẻ Thuần Khôn thì sau đó sẽ bắt đầu với quẻ Địa Lôi Phục với một hào Dương ở sơ hào so ra với 5 hào Âm ở bên trên.
    Thế rồi, khi quẻ Phục, Lâm, Thái, Đại Tráng, Quải lần lượt từng hào Dương tiến lên đến cực điểm lại là quẻ Thuần Kiền mà cứ vậy luân lưu theo quy luật tất yếu "vật cùng tắc phản" trong Dịch nói riêng và đạo học Đông Phương nói chung.

    Do đó, nếu câu truyện Tấm Cám được quan sát dưới góc nhìn chuyển dịch của Kinh Dịch thông qua trình tự sau đây, ta sẽ nhìn thấy ít nhiều sự tương đồng khá thú vị:


    0|1|2|3|4|5|6|
    --------------
    1|1|1|1|1|1|0|
    1|1|1|1|1|0|0|
    1|1|1|1|0|0|0|
    1|1|1|0|0|0|0|
    1|1|0|0|0|0|0|
    1|0|0|0|0|0|0|

    Ghi chú: 1 - là hào Dương; 0 - là hào Âm

    Ví dụ: 00-06 gồm có 2 phần

    00 là số thứ tự và
    06 là vị trí hào trong quẻ đó


    00-06. Kiền - Kháng long hữu hối
    01-01. Cấu - Hệ vu kim nị, trinh cát; hữu du vãng, kiến hung; luy thỉ phu trịch trục
    02-02. Độn - Chấp chi dụng hoàng ngưu chi cách, mạc chi thăng thoát
    03-03. Bĩ - Bao tu
    04-04. Quán - Quan quốc chi quang, lợi dụng tân vu vương
    05-05. Bác - Quán ngư, dĩ cung nhân sủng, vô bất lợi
    06-06. Khôn - Long chiến vu dã, kỳ huyết huyền hoàng

    0|0|0|0|1|1|1|
    6|7|8|9|0|1|2|
    --------------
    0|0|0|0|0|0|1|
    0|0|0|0|0|1|1|
    0|0|0|0|1|1|1|
    0|0|0|1|1|1|1|
    0|0|1|1|1|1|1|
    0|1|1|1|1|1|1|

    07-01. Phục - Bất viễn phục, vô kỳ hối, nguyên cát
    08-02. Lâm - Hàm lâm cát, vô bất lợi
    09-03. Thái - Vô bình bất bí, vô vãng bất phục, gian trinh vô cữu, vật tuất, kỳ phu vu thực hữu phúc
    10-04. Đại Tráng - Trinh cát, hối vong; phiên quyết bất luy; tráng vu đại dư chi phúc
    11-05. Quải - Nghiện lục, quyết quyết, trung hành vô cữu
    12-06. Kiền - Kháng long hữu hối

    Bây giờ, ta đi sâu vào phần diễn tiến của các hào và quẻ song song với diễn biến của câu truyện Tấm Cám.

    Khi mà 00-06 là quẻ Thuần Kiền với hào 6 đã đi đến cực điểm của nó là "Kháng long hữu hối" vì khi ở ngôi cao, cực điểm mà không biết khiêm nhường, tự răn giới cho đúng tư cách thì có điều hối hận như Dì ghẻ của Tấm. Truyện kể:

    Ngày xưa, nhà kia có hai chị em cùng cha khác mẹ, chị là Tấm, em là Cám. Mẹ Tấm mất sớm, ít năm sau thì cha Tấm cũng qua đời. Tấm ở với dì ghẻ là mẹ Cám.
    Có nghĩa là, lúc bấy giờ Mẹ kế của Tấm (dì ghẻ) đang ở ngôi vị cao nhất khi mà Ba và Mẹ của Tấm tất cả đều đã qua đời - lý ra, thì Mẹ kế này nếu như biết yêu thương con chồng như con mình thì đã không có sự tích Tấm Cám để về sau Mẹ kế của Tấm đã phải hối không kịp.

    Sự diễn biến sau đây là bắt đầu sự xuống dốc suy đồi của đạo đức mà hiện tượng hào Âm của quẻ Thiên Phong Cấu 01-01 ở sơ hào đang bắt đầu len lõi hoen ố vào tính thiện của chánh đạo bằng "Hệ vu kim nị, trinh cát; hữu du vãng, kiến hung; luy thỉ phu trịch trục." Ý của hào này là nên chặn cái không đạo đức (sơ hào Âm) lại bằng cái hãm xe băng kim khí (nghĩa là phải bằng sự cứng rắn) thì đạo chánh mới tốt; nhưng ta thấy, Cám đã lừa đảo Tấm bằng cách dụ Tấm đi tắm gội để trút hết tép của Tấm vào giỏ mình. Một hành vi thiếu đạo đức và không có giới răn cứng rắn với một việc xấu mới đầu nhỏ như thế thì những việc bất thiện về sau hẳn càng nhiều như ý hào khuyến cáo tiếp: nếu để cho nó (hào 1 - âm) tiến lên thì xấu; Con heo ấy tuy gầy yếu, nhưng quyết chắc có ngày nó sẽ nhảy nót lung tung.

    Một hôm, mẹ Cám đưa cho Tấm và Cám mỗi đứa một cái giỏ sai đi bắt tép, đứa nào bắt được nhiều thì được thưởng cho một cái yếm đỏ. Tấm vốn chăm chỉ lại sợ dì mắng nên mải miết suốt buổi để bắt. Còn Cám do được mẹ nuông chiều, ham chơi nên chẳng bắt được. Cuối buổi, thấy giỏ Tấm nhiều tép, Cám nghĩ kế rồi nói:

    "Chị Tấm ơi chị Tấm
    Đầu chị lấm
    Chị hụp cho sâu
    Kẻo về mẹ mắng!"
    Tấm nghe lời em, xuống ao tắm gội. Cám thừa dịp trút hết tép của Tấm vào giỏ mình rồi chạy về nhà.
    Tất nhiên, khi sự bất thiện đã bắt đầu và không có giới răn kiềm hảm cứng rắn thì tật xấu khác càng phát triển theo càng lúc càng tồi tệ hơn:

    Lên bờ, thấy giỏ trống không, Tấm ôm mặt khóc nức nở. Bụt hiện lên hỏi, Tấm liền kể hết sự tình. Bụt bảo lấy con cá bống còn sót trong giỏ về nuôi dưới giếng, mỗi khi cho ăn thì gọi:

    "Bống bống bang bang
    Lên ăn cơm vàng cơm bạc nhà ta
    Chớ ăn cơm hẩm cháo hoa nhà người.
    "

    Tấm về làm theo lời Bụt dạy. Từ ngày đó, mẹ Cám thấy Tấm hay dành một bát cơm mang ra giếng sau khi ăn, liền sinh nghi sai Cám đi rình. Biết được sự thật, hôm sau mẹ Cám bảo Tấm đi chăn trâu nơi xa, ở nhà mẹ con Cám bắt cá bống của Tấm lên ăn.

    Về nhà thấy không còn cá bống, Tấm lại khóc. Bụt hiện lên, Tấm kể lại đầu đuôi. Bụt bảo lấy[[[ xương cá bống]] bỏ vào bốn cái lọ rồi đem chôn dưới bốn chân giường Tấm nằm. Tấm nghe lời Bụt dạy làm ngay.
    Ở đây, chúng ta thấy 02-02 của quẻ Thiên Sơn Độn với hào nhị là Âm - "Chấp chi dụng hoàng ngưu chi cách, mạc chi thăng thoát." Nghĩa là dùng da con bò vàng để buộc giữ lấy" - giữ lấy cái gì? Giữ lấy cái đức chính trong cái thời mà tiểu nhân đắc chí, quân tử phải đi Độn, thoái ẩn để cố thủ lấy chí hướng thì còn ai cởi thoát nổi. Tiểu nhân là Mẹ con của Cám đã ra tay điều Tấm đi chăn trâu nơi xa, và Tấm đã an thường thủ phận (sai đi đâu, thì đi đó) với sự việc cho ứng nghiệm với thời tiểu nhân đắc chí. Nói cho cùng, đây là thời mà Tấm không thể làm gì khác hơn và Tấm cố thủ bổn phận và nghe theo lời Bụt dạy đem xương cá bống bỏ trong lọ đem chôn (giấu, độn) ở dưới 4 chân giường của Tấm nằm.

    Tiểu nhân đương lúc thịnh, nên sau quẻ Độn thì đến quẻ 03-03 Thiên Địa Bĩ vẫn là thời bế tắc của người quân tử với hào 3 là Âm "Bao tu" - bọc chứa sự hổ thẹn. Không giữ được chánh đạo, tiểu nhân càng bọc chứa mưu tính đều cong queo càn bậy và không chừa cách gì thật đáng hổ thẹn vậy. Hào 3 Âm này không trung không chính, là kẻ đứng đầu bọn tiểu nhân (vì ở trên cùng của nội quái Khôn) cho nên xấu tệ:

    Ít lâu sau, nhà vua mở hội. Hai mẹ con Cám cũng đi dự. Tấm muốn đi dự hội nhưng bị mẹ Cám trộn một đấu gạo với một đấu thóc bắt ở nhà nhặt cho xong, vả lại không có quần áo đẹp để đi.
    Tưởng chừng như "Phước bất trùng lai, họa vô đơn chí" là may phước khó khi lặp lại hai lần nhưng họa tai thì ít khi chỉ có xảy ra lần một; thế nhưng, do cố thủ được chí hướng làm lành và an thủ bổn phận từ hào 2 của quẻ Độn mà giờ đây quả lành khởi trổ:

    Tấm buồn mà khóc. Bụt tiếp tục hiện lên giúp Tấm. Bụt gọi một đàn chim sẻ xuống nhặt thóc cho Tấm trong nháy mắt, rồi bảo Tấm đào bốn cái lọ ngày trước chôn ở dưới bốn chân giường lên. Tấm đào lên thì thấy bốn cái lọ chứa đầy quần áo đẹp, một đôi hài thêu kim tuyến óng ánh, lại có một con ngựa đầy đủ yên cương. Tấm thay quần áo rồi cưỡi ngựa đi. Lúc này, trông Tấm vô cùng xinh đẹp.

    Lúc qua cầu, Tấm vô ý làm rơi mất một chiếc hài xuống nước. Một lát, đoàn hộ tống nhà vua đi dự hội nhặt được chiếc hài ấy. Vua ngắm chiếc hài rồi ra lệnh: "Hễ đàn bà con gái nào dự hội ướm vừa chiếc hài này thì vua sẽ cưới làm vợ." Ai cũng tranh nhau ướm thử nhưng không vừa. Mẹ con Cám cũng vậy. Đến lượt Tấm ướm thử thì vừa như in. Nhà vua cho đem kiệu rước Tấm về cung làm vợ mình trước con mắt hằn học của mẹ con Cám.
    Tấm đã được đàn chim nhặt thóc giúp, có quần áo đẹp để mặc, xe sang để đi dự hội và có cơ hội rớt hài, thử hài để được Vua rước về làm vợ. Đây là chúng ta thấy quẻ 04-04 Phong Địa Quán ở hào 4 là Âm - "Quan quốc chi quang, lợi dụng tân vu vương." Nghĩa là, xem (quán) cái quang vinh của quốc gia mà lợi dụng địa vị thân cận với vua. Tấm đã làm được điều này, thân cận được Vua ở hào 4 gần hào 5 là ngôi Cửu Ngũ. Sự việc thân cận nhà Vua của quẻ đã ứng lên trên Tấm, nhưng sự diễn biến của những điều bất thiện (Âm) vẫn tiếp tục tăng tốc theo sự hằn học của Mẹ con Cám:

    Ngày giỗ cha, Tấm về ăn giỗ. Dì ghẻ bảo Tấm trèo cây cau, hái cau cúng cha. Đang khi Tấm ở trên ngọn cau thì ở dưới dì ghẻ lấy dao chặt cây làm Tấm té mà chết. Cám lấy quần áo Tấm mặc rồi vào cung thay Tấm.
    Sự kiện này tương ứng với quẻ 05-05 Sơn Địa Bác là thời âm thịnh dương suy với hào 5 là Âm lên đến với ngôi Cửu Ngũ "Quán ngư dĩ cung nhân sủng, vô bất lợi" là xâu cá cả 5 con (5 hào Âm, 1 hào Dương) để làm cung nhân được yêu thương, không gì là không lợi cho Cám cả! Rõ ràng, Mẹ con Cám lấy dao chặt cây làm Tấm té mà chết và Cám lấy quần áo Tấm mặc rồi vào cung thay Tấm thế mà Vua chẳng nề hà hay tra hỏi gì ... hết. Thế mới có chuyện mà kể! Nhưng cuộc chiến chỉ mới bắt đầu, khi Tấm chết thì lại biến thành con chim vàng anh - cũng là màu vàng của vua chúa để dấy lên sự tranh đấu kiểu một rừng không thể chứa 2 cọp (cái) vậy:

    Tấm chết biến thành chim vàng anh cũng bay về cung.

    Thấy Cám giặt áo cho vua, chim bảo:

    "Giặt áo chồng tao
    Thì giặt cho sạch
    Phơi áo chồng tao
    Thì phơi bằng sào
    Chớ phơi bờ rào
    Rách áo chồng tao!
    "
    Rồi thì chuyện gì đến, phải đến của 2 người đàn bà giành chung một người chồng đã xảy ra "Long chiến vu dã, kỳ huyết huyền hoàng của quẻ 06-06 Thuần Khôn khi hào 6 là Âm và tất cả các hào đều là Âm.

    Vua thấy chim hay bay theo mình, nhớ Tấm, liền bảo chim rằng:

    "Vàng ảnh vàng anh
    Có phải vợ anh
    Chui vào tay áo."

    Dứt lời, chim bay vào tay áo vua. Từ đó, vua suốt ngày quấn quýt với chim vàng anh, khiến Cám tức tối về mách mẹ. Mẹ Cám bảo Cám bắt chim đem cho mèo ăn, chôn lông chim ngoài vườn. Chẳng bao lâu nơi đó mọc lên một cây xoan đào, xum xuê tươi tốt. Vua thấy đẹp nên sai người mắc võng vào cây hóng mát. Mỗi khi nằm dưới bóng cây vua lại thấy hình ảnh Tấm hiện ra, nên rất quý cây. Cám được mẹ xui chặt cây xoan đào lấy gỗ đóng khung cửi. Lúc ngồi dệt vải, Cám nghe con ác trên khung cửi kêu:

    "Kẽo cà, kẽo kẹt.
    Dám tranh chồng chị
    Chị khoét mắt ra."

    Cám hốt hoảng và nói với dì ghẻ. Nghe lời mẹ chỉ, Cám đốt khung cửi rồi đổ tro bên đường xa cung vua.
    Với diễn tiến này thì Cám đã hoàn thành đánh đuổi Tấm ra khỏi cung, ngay cả hào Dương trên cùng của quẻ Địa Sơn Bác cũng đã bị đánh bạt gốc không còn một hào Dương nào nữa để trở thành quẻ Thuần Âm. Cái mà Rồng chiến ngoài nội, máu chảy đen vàng nói lên hào Âm (Cám) đã lên cùng cực, lại tiến không thôi thì ắt đánh nhau máu đổ và cuối cùng thì ta đã thấy sự việc ứng nghiệm: Tấm đã bị loại ra khỏi hoàng cung.

    Tới đây, lý Dịch về sự "vật cùng tắc phản" tắc xảy ra thì quẻ Thuần Âm bắt đầu chuyển sang quẻ 07-01 Địa Lôi Phục với một hào Dương ở vị trí sơ hào Nhất Dương Sinh. Luật Âm Dương tiêu trưởng của Dịch lý cũng từ đây phát triển để lập lại thế quân bình trong vũ trụ rằng là: hễ khi nào khí Dương lớn dần lên thì khí Âm phải mòn dần đi; ngược lại, khi khí Âm lớn dần thì khí Dương phải mòn dần là thế. Suốt câu truyện Tấm Cám đến đây, ta thấy hào Âm (Cám) bắt đầu từ sự bất thiện:

    1. đánh tráo giỏ tép
    2. giết chết cá bống
    3. trộn gạo với thóc
    4. chặt cây té chết
    5. giết chim vàng anh
    6. đốt khung cửi xoan

    thì là lúc "khi khí Âm lớn dần thì khí Dương phải mòn dần đi" nên Tấm (Dương) là người bị đánh đuổi, sát hại đến kỳ cùng. Âm cực thì Dương sinh, thời của "Nhất Dương Sinh" Bất viễn phục, vô kỳ hối, nguyên cát trở về không xa, thì không đến đỗi hối nặng, tốt lắm. Theo như ý tứ quẻ này thì chuyện gì và làm gì để không đến đỗi hối hận ăn năn lớn? Ngay từ đầu Cám đã hãm hại Tấm đến lúc tranh giành ngôi vị Hoàng Hậu và bị tống ra khỏi hoàng cung thì phải nói là Tấm đã chịu bao oan trái khổ đau chết đi sống lại đã nhiều thì sự oán hận căm thù Cám phải nói là cùng cực. Thế nhưng ý sơ hào của quẻ Phục (trở lại chánh đạo, điều thiện) này thì khuyên nhanh chóng bỏ qua những oán khí, âm khí kia đi thì mới không hối hận ăn năn. Vì sao, oan oan tương báo hà thời dứt cho nên câu truyện cho thấy Tấm an phận không tranh giành tiếp tục mà lo cơm nước sẵn sàng, cửa nhà ngăn nắp cho bà lão nọ:

    Từ đống tro ấy mọc lên một cây thị, chỉ có duy nhất một trái to vàng. Một bà bán hàng nước đi qua thấy trái thị liền nói:

    "Thị ơi thị rụng bị bà.Bà để bà ngửi chứ bà không ăn."

    Tức thì quả thị rụng ngay vào bị, bà lão đem về nhà. Từ đó, ngày nào đi chợ về bà cũng thấy nhà cửa ngăn nắp, cơm nước sẵn sàng. Ngạc nhiên, một hôm bà lão giả vờ đi chợ rồi quay lại rình xem. Bà thấy một cô gái xinh đẹp từ quả thị bước ra, nấu cơm, sửa soạn nhà cửa. Bà vội chạy vào nhặt cái vỏ thị, xé vụn. Từ đó hai người sống với nhau như mẹ con.
    Khí Dương sơ cũng là mầm mống thiện phát triển dần trong con người của Tấm lần lần tiến lên tới hào nhị Dương của quẻ 08-02 Địa Phục Lâm - Hàm lâm, cát, vô bất lợi - có nghĩa là, đều tới, tốt, không gì là không lợi là cách cư xử của người quân tử đối với tiểu nhân ra sao lúc bình thường. Hào nhị Dương đắc trung lịa gặp lúc khí Dương đang lên thì hiện thời tốt lành mà tương lai cũng vậy, cho nên việc xảy ra phải tốt như truyện kể:

    Một hôm, nhà vua đi ngang ghé hàng nước của bà. Bà lão rót nước mời vua ăn trầu. Thấy miếng trầu têm cánh phượng giống hệt trầu Tấm têm cho vua ngày xưa, nhà vua mới hỏi bà lão ai đã têm trầu. Bà lão gọi Tấm ra. Vua nhận ra vợ mình, đón Tấm trở về cung, hai người sống hạnh phúc như xưa.
    Sau cơn mưa trời lại sáng chứ gặp buổi chiều tà dù có hết mưa thì cũng tối thôi, tuy nhiên trong trường hợp này khí Dương đang tỏ dần thì ánh sáng của Tam Dương Khai Thái cho biết là trời sáng với quẻ 09-03 Địa Thiên Thái là thời hanh thông, thái bình. Quân vương hưởng phước tề nhân với hai chị em Tấm, Cám trong cung nhưng hào 3 Dương của quẻ Thái lại nhắc - Vô bình bất bi, vô vãng bất phục, gian trinh vô cữu, vật tuất, kỳ phu vu thực hữu phúc - có nghĩa là, không có bằng phẳng hoài mà không lồi lỏm, đi mãi mà không trở lại, trong cảnh gian nan mà giữ được chánh đáng thì không lỗi. Đừng lo phiền, giữ lòng thành tín, thì được hưởng phúc cho ai? Tấm hay Cám ?? Chuyện qua rồi, thì cho qua luôn thế nhưng tại sao lại có phần kết hậu này:

    Sau này, Cám thấy Tấm vẫn còn sống mà lại trắng đẹp hơn xưa nên băn khoăn tự hỏi vì sao. Tấm bày cho Cám tắm với nước sôi thì sẽ đẹp. Cám hí hửng làm theo, đổ một bồn nước sôi rồi tắm sau đó chết ngay tức khắc.
    Phải chăng, hào 3 Dương của quẻ Thái là để nhắc nhở Cám nên Cám đã không yên thân thiểu dục tri túc mà muốn trắng muốn đẹp hơn nên nhận lãnh hậu quả?

    Đây là chỗ ta nên suy xét cho thật kỷ vì từ khi Nhất Dương Sinh của quẻ Phục là trở về với đạo chính mà tiêu biểu là hình tượng của cô Tấm nhân hậu - thật thà - cần mẫn - siêng năng thông qua 3 quẻ Phục, Lâm, Thái thì phải chăng là sự nhắc nhở cho Tấm?

    Nếu như nhìn theo khía cạnh tham lam của Cám, thì hào 3 Dương của quẻ Thái là để nhắc cho Cám nên Cám mới bị thảm tử nước sôi tức khắc - nhưng còn hành động trả thù bày gian kế lừa gạt của Tấm thì có phải là hành vi của quân tử chính nhân?

    Hành vi của Tấm không dừng ở đó mà:

    Tấm sai người chặt xác của cám ra làm 8 khúc, lấy thịt làm cỗ mắm rồi gửi cho dì ghẻ ăn.
    Dù là khí Dương đang lớn dần, thì đức chính tính thiện cũng nên theo đó là thăng tiến thì mới không có lỗi nhưng Tấm đã làm gì?

    Phải chăng, khí Dương tiến lên đến Cửu Tứ hào 4 Dương thành quẻ 10-04 Lôi Thiên Đại Tráng - Trinh cát, hối vong; phiên quyết bất luy; tráng vu đại dư chi phúc - có nghĩa là, giữ chính thì tốt, hối hận mới mất đi, rào cản chẳng mắc; mạnh mẽ tiến lên trên cổ xe có trục xe lớn vững vàng. Nếu như tâm không chính, thì có còn mạnh mẽ tiến lên mà không hối hận ư!? Trục xe có còn đủ lớn để đưa Tấm đến đích chân - thiện - mỹ ...

    Thấy Tấm có lòng tốt, dì ghẻ không nghi ngờ gì mà vẫn cứ ăn. Một con quạ chợt đậu lại bên cửa sổ, nhìn vào và hó:

    "Ngon ngỏn ngòn ngon. Mẹ ăn thịt con, có còn xin miếng?"

    Mẹ cám nhận ra cỗ mắm mà Tấm gởi cho mình thật ra là thịt của Cám. Quá đau khổ, bà ta hoá điên chạy ra khỏi nhà và bị sét đánh chết.
    Câu truyện đến đây thì dứt, hình ảnh Mẹ con của Cám bị trừng phạt bị bỏng nước sôi chết, bị chặt thành 8 khúc, bị làm mắm, bị sét đánh chết trong mắt một số người là hậu quả tất nhiên họ phải gánh lấy. Song song với kết cuộc như vậy, có nhiều người lại thấy một cô Tấm hiền lương thân thiện sao lại có hành động trả thù man rợ thâm hiểm có phần hơn cả Mẹ con Cám?

    Thường thì như những bộ phim điện ảnh hay truyện cổ tích có kết cuộc hạnh phúc viên mãn hoặc như thơ của những cuộc tình trắc trở ban đầu rồi sau cùng sum họp và ngưng ngang tại đó "The End." Thực chất, đằng sau The End kết cuộc mỹ mãn đó có tồn tại một hạnh phúc như ta nghĩ? Cũng như, sau khi dự hôn lễ của một cặp uyên ương cùng bao lời chúc lành của khách khứa bà con thì chắc rằng đời sống lứa đôi của cặp trai tài gái sắc ấy sau đó sẽ là "hạnh phúc viên mãn"? Truyện Tấm Cám cũng thế, để lại dư âm trong lòng mỗi người và qua mỗi thời đại, thế hệ về hành động của cô Tấm và cô có bao giờ nghĩ lại hay hối hận việc mình đã làm với Mẹ con Cám!?

    Truyện chấm dứt nhưng miệng đời không dứt:

    "Trăm năm bia đá thì mòn,
    Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ.
    "

    Có một điểm khác nữa mà người đời thường hay bị hố vì cái bề ngoài đạo mạo quân tử rồi thì vở ra là kẻ tiểu nhân ngụy quân tử; cũng như người có tiếng là ăn ngay nói thật để có một ngày sự tín dụng này đùng một cái người đó nói dối thì cũng không ai ngờ. Bề ngoài và trong lòng của mỗi một người đều khó đoán quyết như thế nên Mẹ của Cám: "Thấy Tấm có lòng tốt, dì ghẻ không nghi ngờ gì mà vẫn cứ ăn" cổ mắm mà Tấm đã giết, chặt Cám ra để làm mắm. Cổ nhân có câu:

    "Họa hổ, họa bì, nan họa cốt
    Tri nhân, tri diện, bất tri tâm
    "

    Vẽ hổ chỉ vẽ được da, hình, sắc, thái của hổ chứ khó mà vẽ được xương; Biết người biết mặt vậy chớ không biết lòng họ thế nào đâu ... cho nên, câu truyện Tấm Cám nếu phân tích hết theo Dịch lý thì khí Dương từ quẻ Lôi Thiên Đại Tráng phải đi lên tới quẻ 11-05 Trạch Thiên Quải với Thoán từ như sau:

    Quải: Dương vu vượng đình, phu hiệu hữu lệ, cáo tự ấp; bất lợi tức nhung, lợi hữu du vãng

    Dịch nghĩa là quẻ Quải (quyết liệt) thì phải tuyên cáo tội ác của nó ở sân vua, lấy lòng chí thành mà phát hiệu lệnh; tuy nhiên, chớ chuyên dùng binh khí mà bất lợi, được vậy thì hay.

    Xét cho cùng, Tấm đã hồi cung và được vua yêu thương như xưa thì nếu như có muốn trừng phạt Cám thể như ý quẻ Quải khuyên mà hành động thì có lợi hơn là Tấm tự xử Cám trong âm thầm:

    1. Dối gạt tắm nước sôi
    2. Chặt (binh khí) làm thành 8 khúc
    3. Lấy thịt làm cổ mắm

    với cái ý y như hào 5 Dương của quẻ Quải - Nghiện lục, quyết quyết, trung hành vô cữu - nghĩa là, quyết tâm tiêu trừ Cám (hào Âm trên cùng) sạch sành sanh không còn bóng dáng dấu vết ở trong chốn hậu cung của hoàng triều, nhưng phải theo đạo trung mà đi mới không lỗi." Nhưng cô Tấm đã không làm đúng điều nên làm, tuyên cáo tội ác của Cám ở sân vua, trước vua tức là bất cập mà xử quyết Cám trong âm thầm chặt thây thành 8 khúc rồi làm mắm gửi cho Mẹ kế ăn là thái quá. Hành vi đó hoặc thái quá, hoặc bất cập đã là bất trung mà hành động của cô Tấm lại kiêm luôn cả hai thành ra bất trung. Vì bất trung mà thành ra bất chánh, tại sao nói vậy?

    Hào 2 và 5 là vị trí đắc trung trong quẻ cho nên thời kỳ hào 5 Dương của quẻ Trạch Thiên Quải mới dặn dò là "trung hành vô cửu" phải theo đạo trung mà đi mới không lỗi. Cho nên, phải được chánh trong cái trung nữa thì mới là cái đức của người quân tử thông đạt. Cái cô Tấm thuở nào thật thà, hiền lành, chăm chỉ, cần cù đã đi đâu mất!?

    Do đó, sau quẻ Quải thì Dương khí trục xuất hẳn hào thượng lục (hào 6 Âm) thành quẻ 12-06 Kiền - Kháng long hữu hối - tức là Rồng lên cao quá, cương cường đến cùng thì hành động sẽ có điều đáng tiếc mà hối hận vậy! Câu truyện Tấm Cám là truyện cổ dân gian nên đã có nhiều dị bản thì một số chi tiết hay phần kết cuộc có khác nhưng cốt truyện đa phần ắt giống nhau. Vì thế, sự phân tích này tôi cũng chỉ dựa trên một văn bản của truyện Tấm Cám mà thôi song song với cái lý của Dịch về quy luật Âm Dương Tiêu Trưởng và Vật Cùng Tắc Phản. Hy vọng tất cả quý vị có ý thích phân tích hoặc quan tâm trên cơ sở lý học Đông Phương, Kinh Dịch hoặc/và minh triết Lạc Việt tiếp tục tìm hiểu và đóng góp.

    --- oOo ---

    PHỤ CHÚ:



    Xét theo kết cấu câu truyện thì Tấm Cám là chị em cùng Mẹ khác Cha, mà Tấm là chị Cả tượng trưng là quẻ Tốn (trưởng nữ) và Cám là em (gái út) biểu trương cho quẻ Đoài. Ngũ hành của Đoài là hành KIM và hành của Tốn là MỘC, do đó ta thấy Cám (KIM) đã khắc Tấm (MỘC) dễ dàng nhiều lần. Ngũ hành sinh cho KIM là THỔ và quẻ Khôn tượng của người (Mẹ) là đấng sinh ra Cám (Thổ sinh Kim) là hợp lý; cho thấy quẻ Khôn nằm sát cạnh quẻ Đoài (Mẹ ruột của Cám) để hổ trợ khắc chế hành của quẻ Tốn.

    Tất nhiên, quẻ Tốn với hành Mộc là khắc tinh của hành Thổ (Mẹ của Cám - quẻ Khôn) là tượng mâu thuẫn, đấu tranh muôn đời về chuyện "Mẹ ghẻ Con chồng" nên mới có câu này trong ca dao của Việt Nam:

    "Mấy đời bánh đúc có xương,
    Mấy đời Mẹ ghẻ mà thương con chồng.
    "

    Do đó, họ khó có thể ở gần nhau cho nên quẻ Tốn ở cách cung với quẻ Khôn là thế phù hợp với Hậu Thiên Bát Quái Văn Vương ở trên. Có làn sóng phủ nhận Kinh Dịch, Bát Quái Đồ (Tiên Thiên, Hậu Thiên) là của Trung Hoa, nếu như là Đúng thì con cháu Lạc Việt chúng ta chẳng đã kiểm ra sự đúng đắn của những Bát Quái Đồ đó rồi còn gì; hà tất phải chỉnh sửa thêm thắt ngụ ý của tiền nhân Rồng Tiên thành ra nào là Hậu Thiên Lạc Việt phối Hà Đồ bằng cách hoán vị Tốn - Khôn v.v... để cho Tốn ở sát cạnh Đoài mang cùng tính chất ngũ hành là KIM.

    Nếu vậy, thì có thể lý luận là chị em cùng hành (KIM) nên hay xảy ra sự tranh chấp nhưng cũng là thừa nhận Mẹ - quẻ Khôn (THỔ) là mẹ ruột chung của Tấm và Cám. Vì là, cùng là con của mình sao nở hổ trợ đứa này tàn sát đứa kia cho thấy sự bất hợp lý, gượng ép của Hậu Thiên Lạc Việt Phối với Hà Đồ. Đã vậy mà nhân danh minh triết Lạc Việt được phục hồi từ những di sản văn hóa truyền thống Việt thì thật đáng ngờ cái chủ ý đằng sau của nó. Danh bất chánh, ngôn bất thuận là điều khó tránh và khó tồn tại vậy.


    Logic123
    Last edited by Logic123; 19-07-2012 at 07:00 AM.

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •