Y PHỤC THỜI HÙNG VƯƠNG

LỜI GIỚI THIỆU

Dân tộc Việt Nam với lòng tự hào về một truyền thống gần 5000 văn hiến. Truyền thống đó được ghi trong chính sử Việt (Tính từ 2879 trước CN, theo chính sử Việt) và trải hàng ngàn năm trong cộng đồng dân tộc cho đến tận gần đây. Có thể khẳng định rằng: Dân tộc Việt Nam là dân tộc duy nhất trong lịch sử phát triển của nhân loại tôn vinh những giá trị văn hoá của mình với danh xưng văn hiến. Chính những tri kiến sâu sắc về một học thuyết vũ trụ quan thống nhất và hoàn chỉnh là thuyết Âm Dương Ngũ hành - đă phổ biến và ứng dụng đến từng chi tiết trong sinh hoạt của ngườI Việt, đă tạo nên một bề dày văn hoá - nền tảng của những giá trị văn hoá siêu việt Đông phương - đủ sức chống lại mọi sự tàn phá của thời gian, cùng những thăng trầm của lịch sử.
Nhưng cho đến khoảng hơn một thập kỷ gần đây, có rất nhiều nhà khảo cứu cả trong lẫn ngoài nước - Gần như đồng loạt, nhân danh khoa học - đưa ra luận điểm mới về lịch sử văn hoá của dân tộc Việt. Họ cho rằng:
Cội nguồn của dân tộc Việt Nam - "Thời Hùng Vương chỉ là một nhà nước sơ khai; hình thành vào khoảng thế kỷ thứ VII tr. CN" và"thực chất chỉ là một liên minh gồm 15 bộ lạc" .
Bởi vậy, y phục của tổ tiên người Việt - theo lập luận của họ - chỉ là những người dân "Ở trần đóng khố" . Mặc dù luận điểm này nhân danh khoa học, nhưng thực ra lại không hề đưa ra được một tiêu chí khoa học nào để biện minh cho những lập luận gọi là "khoa học" đó. Hay nói một cách khác: Những lập luận của mới về cội nguồn văn hiến của dân tộc Việt chỉ chứng tỏ cái nhìn chủ quan với tính hợp lý rất giới hạn, hoàn toàn không có cơ sở khoa học, mặc dù nhân danh khoa học. Những luận điểm này rời rạc, chắp vá không có khả năng giải thích những hiện tượng liên quan đến nó. Điều đáng quan tâm là: Có nhiều giả thuyết khác nhau về xuất xứ và thực chất về thời Hùng Vương - cội nguồn các dân tộc Việt Nam . Mặc dù chúng đều nhân danh khoa học, nhưng những luận điểm ấy lại có những khác nhau rất căn bản về nội dung, lộn sộn và rất mâu thuẫn.
Người cho rằng:
"Thời Hùng Vương chỉ tồn tại khoảng 300 năm, với những người dân ở trần đóng khố". Kẻ phát biểu:
"Thời Hùng Vương bắt đầu từ thế kỷ thứ X trước CN và là một liên minh 15 bộ lạc. Cùng lắm là một nhà nước sơ khai".
Người đưa ý kiến:
"Thời Hùng Vương có thể từ 1200 năm trước CN".
Kẻ lại bảo:
"Thời Hùng Vương cũng phải 1.500 năm trước CN".
Họ cũng tranh luận sôi nổi, phản biện, bác bỏ xôm tụ, cứ y như là những ý kiến khách quan đang được mổ xẻ. Tất nhiên, vì tính phi lý của nó, cho nên sự tranh luận của những cái gọi là luận điểm lịch sử mới xét lại cội nguồn lịch sử truyền thống của dân tộc Việt lại tự bác bỏ nhau và bởi tính rất mâu thuẫn trong nội dung của từng luận điểm. Tất cả các luận điểm phủ định giá trị lịch sử truyền thống đó, chỉ có thể có một cái đúng , hoặc tất cả đều sai. Chúng không bao giờ có thể bổ sung cho nhau vì tính mâu thuẫn giữa các luận điểm đó. Có một điều tất cả những nhà sáng tạo ra những luận điểm phủ nhận cội nguồn truyền thống văn hoá sử của dân tộc Việt ấy, lại quên mất một điều rằng: Dù họ là ai, học vị gì, tập thể hay cá nhân thì họ cũng không đủ tư cách để cho rằng: Những lập luận của họ là có "cơ sở khoa học". Bởi vì, cái kiến thức của những người nhân danh khoa học đó, không phải là "cơ sở khoa học" để khẳng định tính khoa học của một giả thuyết khoa học. Cho dù kiến thức đó là của tất cả các viện sĩ Viện hàn lâm khoa học Anh Quốc cũng sẽ rất ngớ ngẩn khi nói khơi khơi như vậy.
Do đó, cần phải có tiêu chí khoa học là cơ sở thẩm định tính khoa học của luận điêm về cội nguồn lịch sử và văn hoá của dân tộc Việt. Không thể có một giả thuyết nhân danh khoa học nào lại có thể phủ định những tiêu chí khoa học của nó.
Trên cơ sở tiêu chí khoa học cho một giả thuyết khoa học, cho rằng:
"Một giả thuyết khoa học chỉ được coi là đúng; nếu nó có khả năng giải thích hợp lý hầu hết những vấn đề và hiện tượng liên quan đến nó một cách nhất quán, hoàn chỉnh, có hệ thống, có tính quy luật, tính khách quan và có khả năng tiên tri".
Xuất phát và nhân danh tiêu chí khoa học nói trên, tôi xin được trình bày một luận điểm phản biện quan điểm lịch sử mới về mảng "Y phục dân tộc thời Hùng Vương". Để bắt đầu vào nội dung của bài viết, quí vị hãy xem hình ảnh minh hoạ dưới đây về y phục của tổ tiên người Việt - vốn tự hào về cội nguồn văn hiến trải 5000 năm - được mô tả theo quan niệm lịch sử mới. Thật không khác gì y phục của những bộ tộc da đỏ mới cách đây vài trăm năm.



Vua Hùng và các quan lang Lịch sử Việt Nam bằng tranh; tập III. Nxb Trẻ 1998.
Tất nhiên, không hề có cơ sở khoa học tối thiểu nào minh chứng cho hình thức y phục trong tranh trên mà họ gọi là của tổ tiên người Việt. Bởi vì, không hề có một luận cứ khoa học nào chứng minh cho hình ảnh trên là y phục thời Hùng Vương, mà chỉ là sự áp đặt của những người có quan điểm phủ nhận giá trị văn hoá truyền thống của dân tộc Việt.
Bài tiểu luận mà tôi hân hạnh trình bày ở đây, là một sự tiếp tục chứng minh trên cơ sở khoa học - qua những tiêu chí khoa học - về nền văn hiến thực sự trải gần 5000 của dân tộc Việt.
Trong những tiểu luận và sách đã xuất bản của mình, tôi đã chứng minh rằng:
Thuyết Âm Dương Ngũ hành - triết thuyết nền tảng của văn hoá Đông phương cổ - thuộc về nền văn minh Lạc Việt.
Không một triều đại nào của Trung Hoa coi học thuyết này là một học thuyết chính thống. Nhưng ngược lại, trong nền văn minh Lạc Việt, những nguyên lý căn bản của học thuyết này được ứng dụng đến từng hiện tượng trong cuôc sống và cả y phục dân tộc - là chủ đề chính của bài viết này.
Trong đề tài này tôi hân hạnh được trình bày với quí vị quan tâm về y phục của người Việt cổ và sự ảnh hưởng tới những nền văn hoá cận Lạc Việt - trong đó có cả Trung Hoa - và y phục dân tộc hiện nay. Quí vị có thể coi luận đề này vừa là sự chứng minh tiếp tục của luận điểm Thuyết Âm Dương Ngũ hành thuộc về người Lạc Việt, vừa là sự chứng minh cho y phục dân tộc và là sự phản bác các luận điểm lịch sử mới về nguồn gốc dân tộc Việt. Sự minh chứng cho y phục dân tộc Việt cũng chính là thể hiện tiếp tục tiêu chí khoa học cho việc giải thích một cách hợp lý, có hệ thống, nhất quán những vấn đề liên quan đến nó với tính khách quan , tính qui luật và khả năng tiên tri của quan điểm cho rằng:
Lịch sử văn hóa truyền thống Việt trải gần 5000 năm văn hiến.