Niệm Phật thành Phiến


Chưa được nhất tâm
Trước cầu chuyên niệm
Chưa được không loạn
Trước học thành phiến
Thiệt là chuyên cần
Hiệu quả tự thấy
Không phải hỏi người
Hãy xin tự xét.

Bài này nói tới vấn đề vô cùng quan trọng của những người niệm Phật hiện nay. Nhiều người xem đến bản dịch kinh Di Đà của pháp sư Cưu Ma La Thập có nói đến “nhất tâm bất loạn” nên nghĩ rằng nếu không niệm đến nhất tâm bất loạn thì không thể vãng sanh được. Nhưng mà có thể niệm đến trình độ này rất khó, cho nên họ bi quan thất vọng và trở nên tiêu cực lo rầu. Thực ra đây không phải là ý của đức Phật vì trong kinh Vô Lượng Thọ, phẩm Tam Bối Vãng Sanh (Ba Bậc Vãng Sanh) có đề ra điều kiện căn bản của những người vãng sanh là “nhất hướng chuyên niệm”. Nghĩa là chỉ cần bạn thật thà chuyên niệm câu Phật hiệu này, chứ không đòi bạn phải nhất tâm bất loạn. Hơn nữa kinh Di Đà của Huyền Trang pháp sư dịch là “hệ niệm bất loạn”. Câu này nghĩa là lúc bạn niệm Phật rất chuyên tâm, không có suy nghĩ lung tung, điều kiện này thì dễ làm hơn. Nhất tâm có phân ra “sự nhất tâm” và “lý nhất tâm”. Niệm đến “sự nhất tâm” thì kiến hoặc và tư hoặc đều tự nhiên dứt hết. Niệm đến “lý nhất tâm” thì tối thiểu cũng phải phá một phần vô minh (vô minh tổng cộng có 42 phần). Kiến hoặc chia ra 10 loại: thân kiến, biên kiến, kiến thủ, giới thủ, tà kiến, tham, sân, si, mạn, nghi. Tư hoặc gồm có những thứ tham, sân, si, mạn vi tế. Ai có thể diệt trừ những thứ chướng ngại này? Chỉ còn một chút tham, sân, si, mạn là bạn không thể đạt đến “sự nhất tâm”. Thí dụ như tâm tham, ai cũng muốn dùng đồ tốt. Không những tham vật chất lại còn tham được người khác cung kính, đây là tham danh tham địa vị.

Bạn có thể không giận không? Thí dụ một câu chuyện thật xảy ra trong thập niên 1930. Có một bà vợ của một ông tướng, bà này tu niệm đã lâu năm. Trong nhà có chuyện xích mích với con dâu, một hôm bà đang tu niệm nhưng mà trong bụng còn giận con dâu, đè nén không nổi tâm niệm xấu này bà nghĩ đến chuyện phải giết chết con dâu thì mới hả giận. Bà đi kiếm con dao và đến khi nhìn thấy được xâu chuỗi đang đeo trên tay thì mới giựt mình ăn năn và bỏ đi cái tâm muốn giết người này. Lại còn si còn mạn nữa, cống cao, ngã mạn, đố kỵ, chướng ngại, mình đúng, người sai. Phá hết tham, sân, si, mạn này thì mới là “ sự nhất tâm ”, thiệt là quá khó. A La Hán đoạn dứt kiến hoặc và tư hoặc đạt tới lậu tận thông, đoạn (cắt đứt) nhân ngã, thoát ra khỏi sanh tử. Nếu pháp môn niệm Phật phải đoạn dứt kiến hoặc và tư hoặc rồi mới thoát ly ra khỏi sanh tử luân hồi thì cũng khó giống như chứng A La Hán, tại sao lại nói là pháp môn dễ tu, là con đường tắt nhất? Đương nhiên là không cần đạt đến trình độ đoạn kiến hoặc và tư hoặc, vãng sanh Cực Lạc Phàm Thánh Đồng Cư Độ không cần đạt đến “sự nhất tâm”. Nếu có thể đạt được thì càng tốt, có thể sanh về Phương Tiện Hữu Dư Độ. Nếu chứng được “lý nhất tâm”, phá một phần vô minh, thì có thể chứng một phần pháp thân, sanh về Thật Báo Trang Nghiêm Độ (quốc độ của Bồ Tát), một phần chứng được Thường Tịch Quang Độ.

Chúng ta căn cứ vào “hệ niệm bất loạn” trong bản dịch của Huyền Trang pháp sư và “nhất hướng chuyên niệm” trong kinh Vô Lượng Thọ thì có thể khẳng định rằng nhất hướng chuyên niệm là điều kiện cần thiết phải có. Chuyên nghĩa là chuyên nhất không thay đổi và cũng là chuyên tâm trì niệm và hệ niệm bất loạn.

Dĩ nhiên nếu đạt đến nhất tâm bất loạn thì vãng sanh thượng phẩm càng tốt. Nhưng nếu chưa được nhất tâm trước hết phải chuyên niệm. Chuyên nhất bất biến là nói với những người thường thay đổi ý kiến. Ở núi này trông núi nọ, họ không thể vừa lòng với pháp môn tu niệm của mình. Hôm nay muốn tham thiền, ngày mai muốn học trì chú; niệm Phật được hai ngày rồi lại muốn học khí công. Những người này học môn gì cũng luống công. Chúng ta là Phật tử thì phải nghe theo lời dạy của đức Phật, tu hành thời mạt pháp chỉ có pháp môn niệm Phật là có thể giải thoát, phải nên nhất hướng chuyên niệm A Di Đà Phật.


[Chưa được không loạn,
Trước học thành phiến]


Không thể làm được một chút cũng không loạn thì trước hết phải làm thành phiến. Bạn không thể không tán loạn nhưng mà bạn có mấy chục câu niệm thành một phiến, trong mấy chục câu này không có tạp niệm. Đây là tình trạng của người chân thật dụng công. Một hôm có một người nói với tôi rằng anh không thể tìm ra được hai câu Phật hiệu niệm được thanh tịnh hết. Tôi nói với anh rằng anh nói thiệt không sai tí nào. Cho nên chúng ta phải kiên quyết chân thật niệm, trước hết phải niệm thành phiến.


[Thiệt là chuyên cần]
(phải thiệt chuyên cần)

“Nếu trời không lạnh thấu xương
Làm sao mai nở rực mùi hương”.

Lạnh thấu xương không phải là chuyện nhỏ. Chúng ta đã trầm luân trong biển sanh tử không biết bao nhiêu kiếp rồi. Đức Phật có nói: “Chỉ tính những khi làm chó trắng, xương của tôi cũng cao bằng núi Tu Di”. Luân chuyển trong lục đạo vô lượng kiếp sanh tử, bây giờ phải chuyển biến lại ngay trong đời này không đi luân hồi nữa. Đây là một chuyện vô cùng trọng đại mà chúng ta không thể nào không giải quyết cho xong. Chuyện này rất quan trọng, những chuyện khác đều là trò chơi của trẻ con, đều là bọt bong bóng, như mộng huyễn bào ảnh, dầu cho tốt đẹp mấy đi nữa thì cũng là bọt bong bóng. Cho dù rất đẹp nhưng mà qua một phút chốc thì nó nhất định phải vỡ tan. Tôi năm nay gần tám mươi tuổi rồi, chớp mắt là phải vỡ tan. Tất cả đều là khổ không vô thường, cho nên phải chân cần chân chuyên. Có người cái gì cũng tu một chút, trong lúc tỉnh tọa lại tưởng tham thiền, đang lúc niệm Phật lại muốn đi học trì chú, muốn niệm Di Đà, rồi muốn niệm Địa Tạng, niệm Quán Âm Bồ Tát. Đây không phải là tu thiệt mà là pha trò vui chơi. Chân cần chân chuyên thì công hiệu tự nhiên có thể thấy được. [Hiệu quả tự thấy. Không phải hỏi người. Hãy xin tự xét]. Cũng như người uống nước, lạnh nóng thì tự biết.


trích từ tập sách THƠ NHẮC NHỞ NGƯỜI NIỆM PHẬT