THÔNG THIÊN HỌC DẪN GIẢI

Tác giả
Marcel Bohrer

(nguồn www.thongthienhoc.com)

CHƯƠNG I

THÔNG THIÊN HỌC LÀ GÌ ?

HỘI THÔNG THIÊN HỌC


I.- DẪN NHẬP

Tin tưởng.

Ngoại trừ nguyên lý về tình huynh đệ bắt buộc phải chấp nhận, Thông Thiên Học không có tín điều, nghi thức, giáo sĩ hay mệnh lệnh phải tuân hành. Mỗi người phải tự mình học hỏi và suy gẫm trước khi chấp nhận hay bác bỏ giáo lý của nó.

Một uy lực bên ngoài không thể làm cho ta vững tin hay chấp nhận một chơn lý. Chỉ khi tâm ta phát triển đến một mức độ nào thì ta mới tự mình tin ở các chơn lý được truyền dạy.

Giá trị của Thông Thiên Học.

Nếu Thông Thiên Học giải đáp được những câu hỏi đến nay nan giải, điều đó chứng tỏ giáo lý của nó đáng được các nhà tư tưởng lưu tâm.

Trước tiên, ta có thể chấp nhận các giáo lý đó như là một giả thuyết thỏa đáng hơn những giả thuyết khác, sau đó, ta sẽ học nó một cách thích thú và ý thức được phần nào chơn lý của nó khi cố đem thực hành trong đời sống hằng ngày.

Những ai chỉ trích Thông Thiên Học mà không tìm hiểu nó thì chỉ thốt những lời không giá trị.

Thái độ của giảng viên và thính giả.

Giảng viên chỉ dẫn nhưng không bắt buộc thính giả phải tin. Ông trình bày những chi ông cho là chân lý và để thính giả tự mình suy gẫm hầu vạch một lối đi.

Về phần thính giả không nên có một thái độ chỉ trích ác ý hay tin tưởng mù quáng. Họ phải sử dụng lý trí để suy đoán chẫm rãi trong nhiều ngày trước khi có một quyết định.

Điều quan trọng không phải là tin tưởng mà là hành động : con người phải hiền lành, chơn chánh, công bằng, lương thiện, thanh khiết v. v. . .

Vào ngày phán xét (Thánh Mathieu, XXV ,34 và kế tiếp), câu hỏi sẽ như sau : anh có cho người đói ăn, người lạnh mặc không v.v. . . ? Người ngoại đạo có làm những điều nầy sẽ hưởng phúc lạc vĩnh cửu. Như thế, tôn giáo xét không mấy quan trọng, ngoài ra nó còn thay đổi tùy gia đình và sinh quán của mỗi người.

Chúng ta đừng để dư luận ảnh hưởng ta, dù nó phát xuất từ gia đình, chòm xóm, báo chí, hội hè, đảng phái, vì dư luận là tư tưởng có tánh cách thông thường hay truyền thống. Tất cả cần được xét lại và đặt lại đúng chỗ. Ngoài ta ra, không có ai có thể rèn đúc lòng tin của ta được.

Đức Phật dạy một lời vô giá : “Chúng ta không nên tin một điều gì chỉ vì nó được nói ra, những tập tục vì nó được truyền lại từ ngàn xưa hay những kinh sách vì nó được các bậc hiền triết sáng tác”. Chúng ta cũng không nên chấp nhận điều nầy việc nọ vì quá tin ở uy quyền của các bậc Chưởng giáo hay Chơn Sư.

Nhưng chúng ta phải tin khi kinh sách, lời nói hay lý thuyết được lý trí hay nội tâm chúng ta chấp nhận. Và khi nào quí vị tin thì quí vị đừng ngần ngại nữa mà hãy hành động đúng theo lòng tin của mình.


II.- THÔNG THIÊN HỌC

Định nghĩa.

Thông Thiên Học là sự hiểu biết thiêng liêng. Ấy là sự hiểu biết siêu đẳng về bản chất chánh yếu và thâm sâu của vạn vật trong giới hạn của khả năng chúng ta.

Con người có thể hiểu biết Đấng Thiêng Liêng vì bản chất của con người giống hệt Ngài. Như vậy chúng ta có thể biết các cõi vô hình tuy nó ở ngoài tầm quan sát của ngũ quan.

Thông Thiên Học là sự trình bày cơ tiến hóa thiêng liêng; nó là khoa nghiên cứu nguồn cội, sự tăng trưởng và sự cùng tận các cõi giới của cả con người và vạn vật hiện hữu. Nó soi sáng mọi hoài nghi và do dự, và giúp nhơn loại giải quyết nhiều vấn đề phức tạp và thường là nan giải.

Nó cũng là sự tổng hợp các chơn lý thuộc những tôn giáo lớn và dẫn dắt con người trên con đường tiến đến sự hoàn thiện.

Nguồn gốc.

Từ nghìn xưa, những nhà thám hiểm lỗi lạc (do các vị Tiên Phật thuộc Thiên đình) đã hiểu biết được những cõi giới hữu hình và vô hình nhờ các cuộc sưu tầm trực tiếp của các Ngài, và chính các lời truyền dạy của các Ngài tạo thành Thông Thiên Học. Lúc đầu, các lời nầy là những sự tiết lộ trình bày cho những ai chưa thể tự mình kiểm chứng được, nhưng một ngày kia, ai ai cũng có thể kinh nghiệm lấy và thu thập trực tiếp những kiến thức cá nhân, chúng nó sẽ thay thế sự tin tưởng ở người khác.

Siêu nhiên

Thông Thiên Học quan niệm không có chi là siêu nhiên hay là phép lạ. Các điều nầy là tác động của những định luật vượt quá mức tiến hóa của nhân loại hiện nay, nhưng chúng ta sẽ biết được trong tương lai khi chúng ta phát triển được những quyền năng huyền bí cần thiết. Những quyền năng nầy sẽ đương nhiên phát triển với sự tiến hóa trong một tương lai còn xa. Tuy nhiên, hiện giờ, nó đã biểu hiện rải rác ở một số người tiến hóa cao. Chúng ta có thể gia tốc sự phát triển nầy như thường thấy ở Đông Phương bởi những phương pháp Yoga.

Tôn giáo

Thông Thiên Học không phải là một tôn giáo mới. Nó cũng không phải là một tôn giáo.

Nó hiện hữu ở các thời đại và được xem như là nền tảng và tổng hợp các tôn giáo và triết lý. Ấy là sự Minh Triết cổ truyền được phát huy trở lại vào thời đại hiện kim.

Nó không có ý định triệt hạ các tôn giáo; trái lại, nó cố gắng chung vai đâu cật với các tôn giáo để ngăn chận phong trào duy vật, mở rộng các chân trời tôn giáo giải thích các biểu tượng đã bỏ quên hay không hiểu các tổ chức nầy, đánh tan sự chống báng và liên kết chúng lại.

Lâu đời

Thông Thiên Học xưa như thế giới, nhưng nó xuất hiện dưới hình thức hiện nay từ năm 1875 với bà Blavatsky và Đại tá Olcott. Chúng ta sẽ trở lại vấn đề nầy sau

Ba trạng thái

Thông Thiên Học gồm ba trạng thái : triết lý, tôn giáo và khoa học, tương ứng với các chơn lý thuộc phạm vi trí thức, tâm linh và vật chất.


I.- TRIẾT LÝ

Về phương diện nầy, Thông Thiên Học dạy chúng ta rằng Thái dương hệ của chúng ta (Vũ trụ cũng thế) là một cơ cấu được sắp đặt và điều hòa một cách tỉ mỉ. Cơ cấu nầy là sự biểu lộ của sự sống huy hoàng (là Đấng Thiêng Liêng) mà con người chỉ là một thành phần bé nhỏ.

Các cõi và các thể.

Vũ trụ gồm nhiều khu vực vật chất hữu hình và vô hình chứa đựng lẫn nhau mà chúng ta gọi là cõi. Có bảy cõi trong vũ trụ.

Con người là một linh hồn có nhiều thể, mỗi thể tương ứng với một cõi.

a/ Cõi Hạ giới.

Cõi nầy là cõi vật chất của chúng ta gồm chất đặc, chất lỏng, chất hơi và bốn chất dĩ thái.

Con người có một thể xác gồm hai phần :

1/ xác thân để hành động,

2/ và thể phách để nhận khí lực.

b/ Cõi Trung giới.

Cõi Trung giới (hay cõi tình cảm) là cõi con người đến trong lúc ngủ hay sau khi chết (cõi luyện tội, cõi âm ty).

Con người có một thể vía hình trứng, nhiều màu. Đó là thể dục vọng và tình cảm tương ứng với cõi nầy.

c/ Cõi Thượng giới.

Ấy là cõi của tư tưởng. Nó gồm hai phần : phần hạ thiên cụ thể tương ứng với tư tưởng cụ thể, phần thượng thiên trừu tượng tương ứng với tư tưởng trừu tượng.

Con người có hai thể tương ứng :

1/ thể hạ trí,

2/ và thể thượng trí (hay nhân thể), thể nầy vẫn tồn tại trải qua các kiếp sống.

Sự chết.

Sự chết là sự từ bỏ thể xác. Thể nầy chẳng qua là một chiếc áo không liên hệ đến linh hồn. Thật sự, không có sự chết.

Luân hồi.

Linh hồn chúng ta trở lại cõi trần vào những thời kỳ kế tiếp để nhập vào thể xác của trẻ con. Cái chúng ta gọi là đời sống chẳng qua chỉ một ngày của sự sống thật sự của chúng ta.

Nhân quả.

Số mệnh hiện tại của chúng ta là kết quả của những nguyên nhân (tư tưởng và hành động) tốt hay xấu, sung sướng hay khổ đau mà chúng ta đã gây ở kiếp trước. Thượng Đế không thưởng mà cũng không phạt, nhưng điều chi con người đã gieo thì sẽ gặt lấy (Thánh Paul). Đó là luật tác động và phản động thường được gọi là luật nhân quả.

Thiên đình.

Trải qua các kiếp luân hồi liên tiếp con người chiến thắng mọi sự thử thách, trở nên hoàn toàn và thành những bậc siêu nhân. Các vị nầy hợp thành một tổ chức gọi là Thiên đình để phù trợ Thiên Cơ.

Như thế, Thông Thêin Học tái lập trật tự trong sự hỗn độn, giải đáp các điều bí ẩn đã khiến biết bao trí óc băn khoăn và đem ý nghĩa cho đời sống khiến cuộc đời trở nên dễ hiểu và đáng sống. Thông Thiên Học có tánh cách duy tâm vì nó đặt sự sống (là tâm thức) trên tất cả, sau đó, mới đến sắc tướng dùng làm dụng cụ cho sự sống.


II.- TÔN GIÁO.

Với tư cách tôn giáo, Thông Thiên Học chỉ cho chúng ta thấy cạnh bên sự tiến hóa bình thường, con người có thể chọn một con đường tắt để tiến đến mục đích. Nhưng kỳ thật, Thông Thiên Học không phải là một tôn giáo vì nó không có tín điều, không nghi thức, không giáo sĩ.

Các lời khuyên dạy của nó luôn luôn căn cứ trên sự quan sát sự việc và lẽ phải, chớ không phải phát sinh từ sự sợ hãi một thần linh hung tợn bị xúc phạm.

Tôn giáo là một hoài vọng thường trực hướng linh hồn lên sự Thiêng Liêng. Ấy là sự tìm kiếm Thượng Đế. Các vị giáo chủ hướng dẫn sự tìm kiếm nầy, nhưng mỗi tôn giáo chỉ tiết lộ một phần Chơn lý mà thôi để đáp ứng lại nhu cầu của một dân tộc và một thời đại nào đó.

Các tôn giáo không phát sinh từ sự vô minh của nhân loại, chúng là những con đường dẫn dắt đến Thượng Đế. Nhưng chính ở nơi mình mà con người khám phá được sự huyền bí ẩn tàng và tìm được Thượng Đế. Sau đó, y mới thấy Thượng Đế ở khắp nơi.

Các triết lý xưa đối với tôn giáo như thế nào thì Thông Thiên Học cũng thế : ấy là một triết lý có tánh cách tôn giáo.

III.- KHOA HỌC.

Trong mọi sự nghiên cứu, Thông Thiên Học áp dụng phương pháp khoa học để quan sát trực tiếp, tỉ mỉ và nhiều lần. Thông Thiên Học là khoa học linh hồn, Nó nhằm mở mang con người chớ không phải cải thiện dụng cụ quan sát. Sự mở mang nầy giúp con người mẫn cảm với các rung động tinh vi bổ túc, bằng cách đánh thức các giác quan mới sẵn có ở con người. Khi các giác quan nầy thức động, con người sẽ có nhãn thông (clairvoyance).

Như khoa học, Thông Thiên Học xếp loại các sự kiện tìm thấy, sau đó, đưa thêm những việc mà khoa học chưa biết rồi suy diễn và đặt ra những định luật. Những điều triệt để khoa học là Thông Thiên Học và điều chi thật sự Thông Thiên Học đều phù hợp với sự việc, nghĩa là với khoa học.

Phúc Âm Thông Thiên Học.

Tóm lại, Thông Thiên Học có ba Chơn lý chánh yếu cần ghi nhớ :

a/ Nguyên lý về sự sống có sẵn ở ta và ngoài ta. Nó không bao giờ chết; nó luôn luôn nhân từ; nó không thể thấy, không thể nghe, không thể cảm được, nhưng ai có nhiệt tâm sẽ ý thức được nó.

b/ Linh hồn của con người là bất tử. Tương lai của nó rất huy hoàng vì sự phát triển và sự vinh quang của nó là vô biên.

c/ Mỗi người quyết định đời sống của mình. Chính mình đặt cho mình mọi sự thưởng và phạt.


III.- HỘI THÔNG THIÊN HỌC

Hội Thông Thiên Học được chánh thức sáng lập tại Nữu Ước ngày 17 tháng 11 năm 1875 do bà Blavatsky và Đại tá Olcott. Cả hai là đệ tử của hai vị Chơn Sư Minh Triết. Chính hai vị nầy mới là người sáng lập Hội thật sự.

Bà Blavatsky thuộc hàng quí tộc Nga, sanh năm 1831 và từ trần tại Luân Đôn vào ngày 8 tháng 5 năm 1891. Bà chỉ phụ trách công việc giáo huấn chớ không lo sự tổ chức. Các tác phẩm giá trị của bà (Giáo lý bí truyền và Nữ thần Isis lộ diện) chứa đựng những tài liệu vô giá.

Đại tá Olcott là một công chức tại Hoa Kỳ. Ông được tiếng là một công chức rất thanh liêm. Ông gặp được bà Blavatsky khi ông điều tra về một hiện tượng thần linh học với tư cách một ký giả. Ông là Hội trưởng suốt đời của Hội và lo tổ chức Hội.

Hội Thông Thiên Học có ba mục đích nhưng chỉ có mục đích đầu là có tánh cách bắt buộc :

1/ Thành lập một trung tâm huynh đệ đại đồng không phân biệt sắc tộc, tín ngưỡng, nam nữ, giai cấp hay màu da;

2/ Khuyến khích sự nghiên cứu các tôn giáo đối chiếu, triết lý và khoa học;

3/ Nghiên cứu các định luật chưa được giải thích trong Vũ trụ và các quyền năng tiềm tàng ở con người.

Mỗi người xem như phải có một bổn phận danh dự kính trọng tôn giáo của kẻ khác như mình muốn kẻ khác tôn trọng tôn giáo mình. “Không có tôn giáo nào qua Chơn lý”, đó là tiêu ngữ của Hội Thông Thiên Học.

Tình huynh đệ.

Người ta còn thêm : “Không phải là người Thông Thiên Học những ai :

- không thực hành hạnh vị tha;

- không sẵn sàng chia sớt bát cơm chót cho những kẻ yếu và nghèo hơn mình;

- không lưu ý giúp đỡ kẻ khác bất luận nơi nào, lúc nào, không kể sắc tộc, quốc gia và tín ngưỡng, hoặc làm ngơ trước tiếng than thở của con người khốn khổ;

- nghe bêu xấu một người vô tội mà không lên tiếng bênh vực như chính bênh vực mình.”

Tinh thần huynh đệ : đó là tiếng nói đầu tiên và cũng là tiếng nói sau cùng của Hội Thông Thiên Học. Tình huynh đệ có nghĩa là mỗi người trong chúng ta, anh và tôi, đàn ông và đàn bà, nhìn xem kẻ khác như chính anh em hoặc chị em ruột mình và hành động như tất cả cùng chung một gia đình. Nó có nghĩa là anh chia sớt những gì anh thu thập và phân phát cho tất cả những chi anh đã thực hiện.

Hội viên Thông Thiên Học tìm hiểu các nguyên tắc đó và người Thông Thiên Học cố gắng áp dụng và thực hiện chúng.

Ngoài tình huynh đệ, không một ai bắt buộc chấp nhận giáo lý Thông Thiên Học, sự tự do tư tưởng và ngôn luận được dành một cách rộng rãi cho các hội viên.

Các mục đích khác của Hội Thông Thiên Học.

Hội Thông Thiên Học là nền tảng của các tôn giáo tương lai của nhân loại. Nó chiến đấu chống sự mê tín và thuyết duy vật; nó cố gắng phát triển sự kính trọng những điều cao thượng và chuẩn bị con đường cho Đấng giáo chủ. Nó giúp vào sự đào tạo nhánh thứ sáu của giống dân a-ry-en và chuẩn bị giống dân thứ sáu trong tương lai.

Có nên gia nhập vào Hội Thông Thiên Học không ?

Nên gia nhập để nêu cao lý tưởng huynh đệ và để được tiếp xúc trực tiếp với các khí lực đang đào tạo tương lai.

Người nhập hội phải có cảm tưởng mình là một chiến sĩ tiền phong trong đạo binh đang tiến, là một kẻ tình nguyện phát huy ánh sáng của một sự hiểu biết cao thượng hầu kẻ khác có thể tiến dễ dàng lên đỉnh núi Hiểu Biết. Không có lý tưởng nào cao cả hơn nguyện vọng phụng sự thế hệ mai sau.

Tánh cách quan trọng của Chơn lý.

Giáo lý có thể được phân ra làm ba loại :

1/ loại phổ biến luân lý và giải thích vì sao cần có luân lý;

2/ loại giải thích sự cấu tạo con người và các cõi mà họ đang sống;

3/ loại trình bày sự tiến hóa của con người trong quá khứ.



Kết luận.

Giữa các phong trào hiện tại, Hội Thông Thiên Học phải cương quyết trình bày một lý tưởng thật. Chức vụ của nhà tiên tri, của nhà huấn luyện tinh thần là nâng cao lý tưởng, là luôn miệng tuyên bố nó để mỗi người ghi nhớ và chọn con đường chánh.