Các bạn chắc cũng đã từng có những lúc thắc mắc với những câu hỏi mà chẳng ai có câu trả lời thỏa đáng:
- Có ông Trời thật hay không?
- Con người ta chết đi là hết hay vẫn tồn tại linh hồn? Có ma hay không?
- Ở xa tít trên kia ngoài vũ trụ có những gì?
- Tại sao con người sinh ra rồi lại chết đi, mục đích của cuộc đời con người là gì?
Cho đến khi tôi biết được biết đến Thông Thiên Học, tôi đã phần nào thỏa mãn với những thắc mắc của mình, đồng thời tôi cũng tìm thấy kim chỉ nam cho cuộc sống của mình, biết mình phải sống thế nào cho đúng, cư xử thế nào cho phải cách trong những tình huống khó khăn trong cuộc đời.

Chính vì thế mình post thông tin về Thông Thiên Học lên thegioivohinh để những bạn nào có duyên cũng có thể tìm cho mình được một định hướng gì đó cho cuộc đời mình. Tất cả những lý thuyết này đều được lấy trên trang thongthienhoc.com

CHƯƠNG NHẤT



THÔNG THIÊN HỌC LÀ GÌ ?



Hiện giờ có một trường phái triết học mà những người trí thức của thời đại chúng ta không còn biết đến. Do những lời nhận xét đó mà ông A. P. Sinnett khởi dẫn quyển sách của ông tựa đề : Thế giới huyền bí. Sách này là bài thuyết minh bình dân đầu tiên vì Thông Thiên Học được xuất bản cách đây 30 năm. Từ đó đến nay, nhờ trường phái này có cả triệu người đã biết được sự minh triết. Nhưng đa số dân chúng chưa được biết những lời dạy của nó, vì vậy nhiều giải đáp mơ hồ được nêu ra để trả lời một cách tổng quát câu hỏi : Thông Thiên Học là gì?

Hai quyển sách trả lời câu hỏi này đã được viết ra : Phật Giáo bí truyền của ông Sinnett và Minh Triết cổ thời của bà Besant. Tôi không có ý tranh đua với những tác phẩm cổ điển ấy. Tôi chỉ muốn làm một bài thuyết minh về Thông Thiên Học vừa rõ ràng vừa giản dị, có thể được coi như là đại cương của những quyển sách tôi vừa kể trên.

Thông Thiên Học thường được coi không phải như một tôn giáo chính thống, mà như một chơn lý được gặp ở nền tảng của tất cả những tôn giáo lớn. Ý kiến ấy không thể biện bác được. Nhưng nếu chúng ta nhìn ở một khía cạnh khác, Thông Thiên Học sẽ vừa là một nền triết học vừa là một tôn giáo và một khoa học. Nó là một triết lý ở chỗ nó giải thích rành mạch cơ tiến hóa của những linh hồn và của những hình thể trong Thái dương hệ. Nó là một tôn giáo vì vừa chứng minh bước đi của sự tiến hóa thông thường, nó vừa chỉ cho chúng ta và hiến cho chúng ta một phương tiện thâu ngắn con đường mà chúng ta phải đi, để chúng ta có thể, nhờ một cố gắng có ý thức, mà tiến bộ và đạt được mục đích trực tiếp hơn. Nó là một khoa học vì nó nghiên cứu câu hỏi trên, không phải bằng tín ngưỡng thần học mà bằng những hiểu biết thực nghiệm. Những hiểu biết thực nghiệm này người ta có thể đạt được do sự làm việc và xuyên qua những cuộc nghiên cứu tìm tòi cá nhân. Nó quả quyết rằng con người không cần căn cứ một cách mù quáng vào đức tin vì con người đã có sẵn nơi mình những quyền năng tiềm tàng có thể giúp y. Khi y khởi động được chúng nó, y sẽ thấy và quan sát được những lý thuyết đã đưa ra. Nó còn chứng minh cho con người bằng cách chỉ những phương pháp giúp con người phát triển những tiềm năng đó. Thông Thiên Học cũng là kết quả của sự khởi động tiềm năng của những người đã đi trước chúng ta; vì những lời dạy hiến cho chúng ta đều căn cứ trên sự quan sát trực tiếp có thể vói tới được do sự phát triển các tiềm năng ấy.

Với tính cách là một triết lý, Thông Thiên Học dạy chúng ta rằng Thái dương hệ là một bộ máy được điều chỉnh một cách tỉ mỉ. Ðó chẳng qua là sự biểu hiện của cuộc sống huy hoàng mà con người chỉ là một bộ phận nhỏ bé hiện ra trong quá khứ, hiện tại và tương lai.

Thông Thiên Học nói với chúng ta về hiện tại bằng cách mô tả thế nào là con người do cách quan sát nhờ những tiềm năng đã phát triển. Người ta thường nói rằng con người có một linh hồn. Kết quả của sự nghiên cứu trực tiếp dẫn con người Thông Thiên Học lật đổ châm ngôn đó và cho biết con người LÀ MỘT LINH HỒN, có một thể xác. - Thật ra là nhiều thể được dùng như những khí cụ và những phương tiện vận chuyển trong nhiều thế giới - Các thế giới đó không xa cách nhau trong không gian. Tất cả đều bao phủ chúng ta trong không gian và thời gian. Ở mọi nơi và bất kỳ lúc nào chúng ta cũng có thể học hỏi chúng. Chúng cấu tạo các thứ vật liệu hữu hình và vô hình trong thiên nhiên. Chúng có những mật độ kết cấu khác nhau, từ thô sơ đến hết sức tinh vi. Chúng ta sẽ giải nghĩa các điều đó trong chi tiết. Con người đang sống trong nhiều thế giới một lượt. Nhưng bình thường họ chỉ ý thức được thế giới vật chất mà thôi; mặc dù đôi khi họ nhận thấy thoáng qua những thế giới cao hơn trong giấc mộng hay trong lúc xuất thần. Cái mà ta gọi là sự chết chỉ là sự cổi bỏ một cái thể thuộc thế giới hồng trần. Còn linh hồn hay con người thật không thay đổi, không bị ảnh hưởng gì cả và vẫn y nguyên trên thế giới riêng của nó; giống như người ta cổi một cái áo ngoài. Ðây không phải là một sự suy luận mà là kết quả của quan sát tìm tòi và kinh nghiệm.

Thông Thiên Học cấp cho chúng ta những tài liệu quí giá về dĩ vãng của con người, về cách thế tiến hóa để họ trở thành trạng thái hiện thời của họ. Ðây cũng là một sự quan sát thông thường; vì có rất nhiều niên giám không thể xóa nhòa đã ghi chép tất cả sự việc trải qua trong quá khứ; có thể nói đây là một thứ ký ức của THIÊN NHIÊN. Khi quan sát các niên giám ấy, người nghiên cứu có thần nhãn thấy diễn ra trước mắt y lần lượt tất cả các quang cảnh của cuộc tiến hóa xa xôi đã qua đúng như các quang cảnh ấy đã thật sự diễn ra trong quá khứ. Y sẽ biết rằng con người có nguồn gốc thiêng liêng. Trải qua thời gian rất dài trong quá khứ, con người đã phát triển song song hình thể bên ngoài và linh hồn hay sự sống bên trong. Sự sống của linh hồn con người kể như vô tận. Cái mà chúng ta thường kể là một đời người thật ra chỉ là thời gian một ngày của cuộc sống thật ấy. Chúng ta đã sống những ngày tương tự. Chúng ta còn phải trải qua nhiều ngày như thế. Bạn muốn hiểu mục đích thật của cuộc sống không ? Ðừng thu ngắn nó lại bằng cái ngày duy nhất hiện giờ, là ngày kể từ lúc chúng ta còn trong nôi để chấm dứt lúc chúng ta xuống mồ. Chúng ta hãy nghĩ đến những ngày xảy ra trước đây và những ngày sẽ nối tiếp sau ngày hôm nay. Chúng ta có thể học hỏi được nhiều kiến thức chính xác về tương lai dành cho chúng ta. Ðầu tiên, chúng ta nhờ những người đã tiến trước chúng ta trên con đường chúng ta phải theo. Những người đó đã kinh nghiệm vì đã quen con đường ấy. Nhờ vậy, chúng ta rút ra được những kết luận thuộc giai đoạn đã dẫn dắt họ đến sự hoàn thiện.

Một trong những cái lợi đáng kể của Thông Thiên Học là ánh sáng bao trùm chúng ta; nó giải quyết một phần lớn những bài toán đã làm chúng ta thắc mắc, nó san bằng những nỗi khó khăn, nó giải nghĩa lý các sự bất công bề ngoài của cuộc đời. Và ở mọi phía, nó đem lại trật tự cho những gì mà chúng ta xem là rối loạn.

Thật ra, một vài sự chỉ dạy của Thông Thiên Học dựa trên sự quan sát những sức mạnh mà sự học hỏi trực tiếp không nằm ở tầm tay người thường. Tôi nhìn nhận điều đó. Nhưng, người nào đã nhận những chỉ dạy ấy như một giả thuyết tạm thời, sẽ đồng ý rằng giả thuyết ấy tốt, vì chỉ riêng một mình nó cũng cung cấp ý nghĩa đầy đủ và có lý về thảm kịch của đời sống.

Trong những chơn lý mới và nổi bật mà Thông Thiên Học mang lại cho Âu châu, chúng tôi có thể kể trước tiên là chắc chắn có hiện hữu những người trọn lành mà chúng ta có thể gần gũi và theo học được. Kế đó quả quyết rằng thế giới này không thể là vô trật tự, vô chánh phủ. Trái lại, thế giới này được điều khiển bởi một Hệ thống đẳng cấp có tổ chức hẵn hòi và sự thất bại dù của một đơn vị nhỏ nhoi nhất của nó cũng không thể có được. Một cái nhìn tổng quát về sự hoạt động Hệ thống đẳng cấp ấy cũng dẫn chúng ta đến ý muốn cộng tác với nó, dù trong chức vụ khiêm nhường nhất, để trong một tương lai xa, chúng ta xứng đáng được tiếp xúc các cấp bậc nhỏ nhoi nhất của Hệ thống đẳng cấp ấy. Ðiều này dẫn chúng ta đến trạng thái Thông Thiên Học mà chúng tôi gọi là khía cạnh tôn giáo của nó. Những ai đã nhận thức được tầm quan trọng của các chơn lý ấy đều nóng lòng về bước đi chậm chạp ở những chặng đường của cuộc tiến hóa. Họ sẽ ước ao trở thành hữu ích càng sớm càng tốt và bước lần đến con đường đạo trực tiếp hơn và cũng chông gai khó khăn hơn : vì không thể trốn khỏi công việc mà chúng ta phải thực hiện. Chúng ta có thể so sánh việc này với gánh nặng phải mang lên chót núi. Nếu phải mang nó trên con đường dốc đứng hay mang từ từ trên con đường ít dốc hơn, số sức lực dùng vào hai trường hợp đều như nhau. Phải một cố gắng nhất định để thực hiện công việc trong số thời gian nhỏ hơn. Những người đã đến chót núi đều đồng ý rằng mình sẽ được thưởng công nhiều vì đã ra công nhiều. Sự hạn chế của các thể sẽ lần lần được chế ngự và người được giải phóng là một sự giúp đỡ sốt sắng và thông minh trong hệ thống vĩ đại của sự tiến hóa tất cả sinh vật.

Thay vì đặt căn cứ lẽ sống trên những luật lệ tưởng tượng truyền lại từ xưa, Thông Thiên Học, với tính cách tôn giáo, hiến cho chúng ta những lời khuyên đạo đức căn cứ trên lẽ phải và trên những dữ kiện mà nó quan sát được. Thái độ của những người Thông Thiên Học đối với những lời khuyên ấy là phải hiểu lời khuyên nào chúng ta muốn áp dụng trong đời sống hằng ngày. Phải coi những lời khuyên ấy như những qui tắc vệ sinh chớ không phải như những giáo điều tôn giáo. Thật ra, các luật thiên nhiên là sự biểu lộ ý chí của Thượng Ðế, người đã xếp đặt khôn khéo mọi việc. Sự vi phạm các điều luật ấy dẫn đến sự xáo trộn lối tiến đều đặn của kế hoạch chung, đến sự chậm trễ hoặc sự ngưng trệ tạm thời của một đoạn hoặc một đơn vị nhỏ. Hành động như thế, chúng ta tự gây ra nhiều đau khổ cho chúng ta và cho kẻ khác. Người khôn ngoan và sáng suốt tránh vi phạm các luật lệ ấy, không phải tự y sợ gây ra sự giận dữ của một vị thần linh nào bị xúc phạm.

Nhưng, nếu chúng ta tự đặt mình vào một phương diện đặc biệt, chúng ta có thể xem Thông Thiên Học như một tôn giáo. Chúng ta phải lưu ý đến hai điều; nó phân biệt Hội Thông Thiên Học với các tôn giáo bên Âu châu.

Trước hết hội không bắt buộc các hội viên phải tuân theo những giáo điều nó trình bày và không gán cho từ �tin tưởng� cái nghĩa mà người ta thường gán cho nó. Sinh viên Huyền bí học hoặc BIẾT rõ một điều hoặc hoãn sự tin tưởng của y lại đến chừng nào y thật biết, vì hệ thống tư tưởng của y không chấp nhận một đức tin mù quáng.

Tự nhiên, người nghiên cứu Thông Thiên Học không bị bắt buộc phải biết gì cả; người ta chỉ đòi hỏi y đọc các kết quả của sự quan sát khác nhau đã thực hiện và xem đó như những giả thuyết, tạm nhận các giả thuyết ấy, hành động hợp theo đó đến chừng nào y đạt được các bằng chứng xác đáng của chúng.

Ðiều thứ hai, Thông Thiên Học không bao giờ thử cải hóa một người mà không nghĩ đến tín ngưỡng của y. Nó giải thích tôn giáo của y, chỉ cách hiểu biết tôn giáo ấy, làm theo tôn giáo ấy một cách trung thành hơn và nó giúp y phát hiện trong ấy một ý nghĩa thâm sâu mà y không ngờ. Trong nhiều trường hợp, nó mang lại cho y trên bình diện cao sâu hơn và thông minh hơn cái đức tin mà y tưởng chừng đã mất.

Thông Thiên Học còn có một phương diện khoa học nữa. Sự thật nó còn là một khoa học của sự sống, một khoa học của linh hồn. Nó áp dụng cho mọi việc phương pháp khoa học của một quan sát tỉ mỉ và thường lập lại. Nó ghi các kết quả và từ đó rút ra các kết luận.

Như thế, các cõi thiên nhiên và các điều kiện của tâm thức con người, trong lúc sống và sau khi chết, đều được tham cứu. Cần luôn luôn nhắc lại rằng những tiết lộ của Thông Thiên Học về các vấn đề ấy không phải là những phỏng đoán hay những giáo điều của đức tin thông thường mà chúng nó được căn cứ trên sự quan sát trực tiếp, được luôn luôn lập lại nhiều lần các hiện tượng của thiên nhiên. Các nhà nghiên cứu cũng chú ý trong một phạm vi nào đó các bài toán của khoa học thông thường. Những người đọc quyển Hóa học huyền bí mới vừa xuất bản sẽ đồng ý về điều ấy.

Như vậy, chúng ta thấy Thông Thiên Học gồm nơi nó một vài đặc điểm của triết học, của tôn giáo và của khoa học. Người ta cũng tự hỏi phúc âm, thánh huấn nào mà nó mang lại cho thế giới chúng ta đầy đau khổ này? Ðiểm chính yếu của sự nghiên cứu nó là gì? Những sự kiện lớn nào mà nó trình bày cho nhân loại?

Các vấn đề ấy có thể gom dưới ba đầu đề chính sau đây:

Có ba chân lý tất yếu và bất biến, có lúc bị bỏ im lặng vì không có tiếng nói nào để tuyên bố chúng:

-Linh hồn con người thì bất diệt, trường tồn và tương lai của nó là tương lai của một điều mà sự phát triển và sự huy hoàng không có giới hạn.

-Nguồn gốc của sự sống ngự ở trong ta và ngoài ta, nó không bao giờ mất, nó luôn luôn từ thiện, nó không thể thấy, nghe hay cảm xúc, mà nó chỉ được nhận thức bởi người nào muốn có sự cảm nhận.

-Một cách tuyệt đối, mỗi người đối với tự mình là người làm luật, người ban ra sự vinh quang và sự sự tăm tối, người trọng tài về sự sống và sự thưởng phạt của chính mình.

Các chân lý đó cũng vĩ đại như sự sống mà cũng giản dị như nét giản dị nhất của trí thông minh con người.

Nói một cách thông thường, con người là bất tử, Thượng Ðế là tốt lành và con người gặt hái những gì nó đã gieo. Tất cả đều được điều khiển dưới quyền của một hệ thống nhất định, dưới sự kiểm soát của một chỉ huy thông minh và hoạt động dưới những định luật bất di bất dịch. Con người choán một vị trí trong hệ thống đó và sống dưới các luật đó. Nếu nó hiểu các luật đó và hợp tác với chúng, nó sẽ tiến bộ mau chóng và sẽ hạnh phúc. Nếu nó không nắm được tầm quan trọng của chúng và cố ý hay vô tình vi phạm các luật ấy, nó sẽ làm chậm trễ sự tiến bộ và sẽ đau khổ. Ðây không phải là lý thuyết mà là những dữ kiện đã được chứng minh. Ai đó hoài nghi hãy đọc những điều sau đây rồi sẽ thấy.