Năm 1901, lãnh chúa xứ Ako, Naganori ASANO, đã tuốt kiếm chém quan tổng quản KIRA tại dinh Tướng quân, KIRA may mắn thoát chết, còn ASANO thì bị buộc phải harakiri (mổ bụng tự sát).

Hai năm sau, 47 chàng Samurai mất chủ soái đã trả được mối thù rồi cùng tự sát tập thể tạo nên huyền thoại để người Nhật đời sau…




LẦN THEO DẤU VẾT CỦA 47 CHÀNG RONIN TRUNG DŨNG

Người ta đã viết nhiều về đất nước Phù Tang. Đúng như một nhà báo đã nhận xét “Tất cả đều đúng, kể cả những điều trái ngược”. Đó chắc hẳn là một trong những điều đáng kinh ngạc nhất của một đất nước đầy những hình ảnh mâu thuẫn và đáng yêu này. Thay vì nói dông dài, chúng ta có thể rút ra vài sự kiện lịch sử cho phép ta cảm nhận được tâm tình của người Nhật, chẳng hạn như câu chuyện của 47 chàng lãng tử sau đây.

Tại Đông Kinh có vô số các đền đài, nhưng ngôi đền làm những người yêu thích võ thuật lưu ý nhất chính là ngôi đền Sengakuji (Chiêm các tự). Thật vậy, chính tại đây là nơi chôn cất 47 chàng lãng tử hay còn gọi là các Samurai không chủ. Họ đã tự sát ngày 4.02.1703 sau khi đã trả được mối thù cho lãnh chúa của họ. Ngoài các ngôi mộ và ngôi đền, còn có một bảo tàng lưu trữ các đồ vật, y phục và giáp mão của 47 chàng Samurai, đặt biệt là các dụng cụ thường dùng trong các nghề nghiệp khác nhau của họ để làm người ta quên đi tính cách một Samurai nơi họ. Vào nghĩa trang, khách hành hương Nhật thường mua nhang đến cắm trên các ngôi mộ của vị Lãnh chúa hoặc phu nhân của người, hay trên một trong các ngôi mộ của một trong các Samurai đã được lưu danh vì tính can trường của họ. Những nhà doanh nghiệp, các cô nữ sinh, những cặp tình nhân liên tiếp nối đuôi nhau đến chiêm bái lòng quả cảm và sự hy sinh của 47 lãng nhân.

ASANO, LÃNH CHÚA MIỀN AKO.

Thoạt tiên tất cả bắt đầu bằng một tin vui. Năm 1701, Tướng quân Tokugawa – kẻ thật sự điều hành quốc sự - giao cho hai vị quý tộc trẻ trách nhiệm tiếp đón các đại diện của Thiên Hoàng đến chuyển lời chúc đầu năm cho Tướng quân như thường lệ hàng năm. Hai vị quý tộc đó là Naganori ASANO, lãnh chúa xứ Ako và Sakyo DATE, lãnh chúa vùng Yoshida. Để hướng dẫn họ trong công việc tế nhị đó, Tướng quân Tokugawa đã phái đi theo họ vị nội phủ Tổng quản Yoshinaka KIRA, một quý tộc già rất thành thuộc các nghi thức của triều đình.

Rủi cho họ, KIRA là một kẻ hèn hạ và huênh hoang, chỉ nghĩ đến vấn đề tiền bạc. Thoạt tiên, ông ta cư xử với hai nhà quý tộc miền quê với một vẻ khinh miệt. DATE may mắn có trong số phục nhân của mình một viên cố vấn tài tình, tên này đã đem tặng viên tổng quản những tặng phẩm hậu hỹ. Còn ASANO, một con người đứng đắn và khiêm tốn, đã tặng cho KIRA một tác phẩm nghệ thuật không mấy có giá trị thương mại. Từ đó viên tổng quản đối với DATE một cách nhã nhặn và ân cần, trong khi tìm cách châm chọc và chê bai ASANO. ASANO tự cố gắng kềm chế mình và không để lộ tâm tư ra ngoài. Nhưng KIRA lại cho đó là thái độ hèn nhát và tình hình trở nên tồi tệ hơn.

THÀ CHẾT HƠN LÀ MẤT DANH DỰ



Ngày diễn ra cuộc tiếp đón các sứ giả của Thiên Hoàng, cả các hàng quý tộc đều tề tựu lại. Viên tổng quản gọi ASANO là tên quê mùa. Nghe những lời nói đó, vị lãnh chúa vùng Ako không thể kềm chế được nữa. Ông rút kiếm và chém ngay đỉnh đầu KIRA, nhưng nhát kiếm đã bị búi tóc làm trượt đi. Vào thời đó, luật nghiêm cấm việc tuốt kiếm trong dinh Tướng quân, ngược lại sẽ bị chết. ASANO biết rõ điều đó, nhưng ông thà chết hơn là mất danh dự. Nhờ một lệnh đặc biệt, ông không bị treo cổ, nhưng bị bắt buộc phải Hara-kiri (mổ bụng tự sát). Đây là hình thức thụ hình cho phép người có tội cứu vãn được danh dự và chuộc lại lỗi lầm. Lãnh địa của ASANO bị sung vào công quỹ và các bầy tôi bị phân tán. ASANO chấp nhận bản án, tự mổ bụng với một trủy thủ rồi đâm lưỡi dao vào cổ. Theo lời của ông, một trong những bầy tôi đem lưỡi dao này giao lại cho YOSHIKATA OISHI, viên thống lãnh các Samurai thuộc quyền với bức thư chỉ rõ chính KIRA là kẻ đã gây nên cái chết của ông.

OISHI bắt đầu tiến hành công việc của mình bằng cách đi tìm hiểu vế KIRA. Tên này vì lo sợ các thuộc hạ của ASANO trả thù, đã cho tăng cường lâu đài của mình thành một nơi hầu như bất khả xâm phạm. Tiếp đó OISHI cho tập hợp tất cả các Samurai trung thành nhất, con số lên đến 48. Ông bắt họ phải thề sẽ dùng tính mạng của mình để trả thù cho chủ tướng. Họ trở thành những Ronin (Lãng nhân, các Samurai không chủ). Nhiều người chấp nhận hy sinh và bỏ đi tư cách Samurai của mình. Đối với họ đó là một sự thoái hóa khủng khiếp của phong tục thời bấy giờ. Họ trở thành những người thợ mộc, thợ rèn, những người lái buôn… Họ tìm hết mọi cơ hội xâm nhập vào lâu đài của KIRA và nghiên cứu hệ thống phòng thủ của nơi đó.

OISHI vì biết mình luôn luôn bị các tên gián điệp của KIRA dòm ngó nên đã sống một cuộc đời trác táng sau khi đã từ bỏ nghề cũ của mình. Ông thường xuất hiện nơi các nhà thổ, say sưa, và cuối cùng ông đã ly dị vợ của mình. Sau hai năm sống trác táng như vậy, KIRA phái một Samurai bạn của OISHI đến để thử OISHI, nhưng ông vẫn tiếp tục đóng vai một tên say rượu. KIRA cảm thấy yên tâm hơn nên cho giảm bớt một nữa số cận vệ và giảm bớt việc canh phòng.



GIỜ BÁO THÙ ĐÃ ĐIỂM.
Lúc bấy giờ OISHI quyết định triệu tập các Samurai trung thành với ASANO lại. Trong số 48 người đã thiếu mất một người, vị này vì không muốn cãi lại cha mình nên đã tự vận vì bị cha cấm không được trả thù. Được tin KIRA tổ chức một cuộc lễ tại nhà vào ngày 14.12, OISHI đã chọn ngày đó để hành động. Anh ra lệnh không được giết người già, đàn bà và con nít. Vào đúng nửa đêm các lãng nhân bắt đầu tấn công. Họ chia thành hai nhóm áp sát vào lâu đài và khống chế các vệ sĩ của KIRA, giết 16 tên và làm bị thương 23 tên khác. Nhưng tên chủ của tòa lâu đài thì hoàn toàn biến mất. Cuối cùng, một trong những chàng Ronin là SURATO đã tìm ra y núp trong nhà kho. OISHI đến quỳ trước KIRA và sau khi tự xưng tên họ và mời viên Tổng quản hãy tự sát bằng hara-kiri (mổ bụng tự sát). Quá khủng khiếp, KIRA tìm cách chạy trốn. OISHI đâm vào y bằng chính trủy thủ mà trước kia ASANO đã dùng để tự sát rồi chém đầu KIRA.

Tiếp đó, cả 47 chàng lãng tử đi ngang qua thị trấn và cùng đến nghĩa trang của ngôi đền Sengakuji (Chiêm các tự), nơi mà chủ họ- ASANO, lãnh chúa miền Ako đã được chôn cất. OISHI lấy nước ở giếng của ngôi đền lau đầu KIRA và đặt lên mộ của ASANO để tế chủ tướng.

SỰ HY SINH CỦA 47 RONIN.



Vào thời đó, tiết tháo của một Samurai coi việc trả thù như là một trách nhiệm thiêng liêng. Thế nhưng giết người là một trọng tội bị luật pháp lên án. Do đó 47 chàng Ronin được lệnh phải hara-kiri (mổ bụng tự sát). Ngày 4.2.1703 tất cả đều tự sát. Họ được chôn cất trong nghĩa trang của ngôi đền Sengakuji (Chiêm các tự) để được an nghỉ bên cạnh lãnh chúa theo ý nguyện của họ.

Nơi đây còn một ngôi mộ 49, vì một Samurai một lần đã lên tiếng thóa mạ OISHI và mạt sát ông là kẻ trác táng và hèn nhát. Người Samurai đó khi hiểu được sự lầm lẫn của chính mình, anh đến tự sát bên cạnh ngôi mộ của chàng lãng tử trung kiên OISHI và được chôn cất bên cạnh ông ta.



Huyền thoại về 47 chàng Ronin là huyền thoại phổ biến nhất tại Nhật, được đặt nền tảng trên một chuyện có thật và khu nghĩa trang của ngôi đền Sengakuji (Chiêm các tự) đã thành một điểm hành hương được khách thập phương đến chiêm bái một cách tôn kính. Người ta vẫn còn thấy cái giếng mà tại đó đầu KIRA đã được lau rửa. Vẫn còn thấy ngôi mộ của lãnh chúa ASANO và của vợ ông ta. Lẽ tất nhiên có cả các ngôi mộ của những chàng Ronin trung tín. Từ gần 300 năm qua, người Nhật vẫn không ngớt đến thắp nhang tưởng nhớ các vị liệt sĩ này. Các bậc cha mẹ đưa con đến nghĩa trang và kể cho con nghe câu chuyện về sự can trường và lòng tận tụy vô bờ bến ấy. Và như thế, chắc hẳn ký ức về 47 chàng Ronin sẽ còn được lưu truyền tiếp tục cho các thế hệ mai sau.

Nguyễn Như Liên
(Theo tạp chí Karaté-Bushido).

http://www.aiki-viet.com.vn/van/mldo...-27.7180933624