Bí ẩn muôn đời về tượng đời Tần
17/04/2011 08:07:00

- Hơn 2000 năm trước, kĩ thuật luyện sắt mới xuất hiện không lâu, thế mà thợ khi ấy đã có thể luyện nên được những chiếc kiếm trải qua thời gian lâu như vậy mà tính đàn hồi không đổi, có bí quyết gì về mặt kĩ thuật vậy?


Kì quan thứ 8

Sự phát hiện ra tượng binh mã đời Tần gây chấn động cho giới khảo cổ học thế kỉ 20. Sau khi Tân Hoa Xã đưa tin, các nhà khảo cổ học, các chính khách, du khách ở các nước đều đua nhau đến tham quan. Đứng trước thế trận của những pho tượng đời Tần uy phong lẫm liệt, xếp hàng chỉnh tề, khách tham quan người thì đứng ngây ra nhìn, người thì nói đây thực sự là một kì tích, cần phải được gọi là Kì quan thứ 8 của thế giới.






Những người làm công tác khảo cổ đã dựa theo tuần tự khai quật các tượng binh mã đời Tần mà lần lượt đánh số là hố số 1, số 2, số 3, số 4. Hố số 1 lớn nhất, diện tích khoảng 14 260m2, được biên chế đội hình hỗn hợp cả xa binh và bộ binh, xếp thành phương trận hình chữ nhật. Hố số 2 nằm ở chỗ cách phía bắc hố số 1 là 20m, diện tích hơn 6000m2, được hợp thành từ các xa binh, bộ binh, kị binh. Hố số 3 nằm ở chỗ cách phía tây hố số 1 là 25m, diện tích chỉ có 520m2, có chiến xa và tượng vệ binh. Hố số 4 mới chỉ tiến hành thám sát, chưa khai quật.

Các tượng gốm đào thấy trong 3 hố tượng đã khai quật được cao 1,75m đến 1,95m, thân người không kém gì người thật. Dựa theo phục sức của họ có thể phân biệt được là bộ binh, xa binh hay kị binh hoặc cung nô thủ, là tướng quân uy vang tám hướng hay là quân lính tầm thường. Từ thần thái của các nhân vật có thể nhìn ra được các độ tuổi khác nhau, có người giống một lão binh kinh qua trận chiến dài ngày, thần thái lộ vẻ điềm tĩnh; có người giống như một chàng trai trẻ vừa mới được biên chế vào đội ngũ, mặt lộ vẻ non nớt và bộ dạng hiếu kì. Các ngựa gốm đào được cũng chẳng khác gì ngựa thật, cao khoảng 1,5m, dài khoảng 2m. Mỗi chú ngựa đều có thân hình tráng kiện, cơ bắp nở nang, nhìn đã thấy ngay là những con tuấn mã rong ruổi ngoài chiến trường biên cương. Người ta còn đào được những chiếc chiến xa bằng gỗ, chiến xa mui xe có tô vẽ cùng rất nhiều binh khí.

Các tượng binh mã đời Tần sau khi được khai quật không chỉ trở thành thắng địa du lịch thế giới khiến ai tới Tây An đều muốn xem, mà còn trở thành đối tượng nghiên cứu quan trọng của những người làm công tác khảo cổ. Rất nhiều nhà khảo cổ và sử học đã tiến hành những nghiên cứu nhằm làm rõ mọi vấn đề về tượng binh mã đời Tần. Thế nhưng, do thiếu những ghi chép lịch sử chi tiết mà không ít vấn đề cho đến nay vẫn còn gây tranh cãi, vẫn chưa có những kết luận đáng tin cậy thật chuẩn xác.

Đâu là nguồn cội của tượng binh mã đời Tần?

Trước tiên và vấn đề qui thuộc của tượng binh mã đời Tần. Nó là di vật của nước Tần hoặc triều Tần là điều không cần phải bàn cãi. Nhưng liệu có phải nó là hố tùy táng của lăng mộ Tần Thủy Hoàng hay không? Có những người cho rằng hố tượng binh mã ở bên phía đông lăng mộ Tần Thủy Hoàng, thì đương nhiên là một bộ phận của lăng mộ Tần Thủy Hoàng. Tần Thủy Hoàng khi còn sống có rất nhiều cấm vệ quân bảo vệ mình, khi chết đi ông ta cũng cần đến một lượng lớn vệ đội, cho nên mới tạo ra một lượng lớn tượng binh mã như vậy để chôn quanh lăng mộ mình.



Cỗ xe tứ mã được trưng bày cho du khách tham quan



Nhưng có những người lại cho rằng hố tượng binh mã không phải là hố tùy táng của lăng mộ Tần Thủy Hoàng, bởi vì theo các ghi chép trong sử sách thì qui mô của lăng mộ Tần Thủy Hoàng là “chu ngũ lí”, theo qui ước đo lường hiện nay là ứng với chu vi có bán kính 400m. Nhưng khoảng cách thực tế giữa hố tượng đời Tần với lăng mộ Tần Thủy Hoàng là 1700m, vượt xa phạm vi “chu ngũ lí”. Thứ nữa, ở thời Tần Thủy Hoàng, chiến tranh chủ yếu là bô binh và kị binh, rất ít có xa chiến, thế mà thế trận ở hố tượng đời Tần thì lại xa chiến là chính, lạc hậu hơn rất nhiều so với thời Tần Thủy Hoàng.
Thứ nữa, sau khi Tần Thủy Hoàng xưng đế đã qui định quần áo cờ xí là tôn sùng màu đen, còn đồ mặc của tượng đời Tần thì lại là chiến bào đỏ chót xanh lét, quần dài màu tím, màu xanh lam, màu trắng, trong số đó có rất ít tượng mặc màu đen. Cho nên, tượng binh mã không hề là của Tần Thủy Hoàng, mà là hố tùy táng của mộ Tần Tuyên Thái hậu, tổ mẫu 5 đời của Tần Thủy Hoàng. Quyền uy của Tần Tuyên Thái hậu đương thời rất hiển hách, nắm mọi quyền sinh quyền sát trong triều, cho nên khi chết đi có hố tùy táng với qui mô lớn như vậy. Từ thế trận và trang phục của các tượng đời Tần, có thể thấy là rất giống với quân đội nước Tần. Mà nhà mẹ đẻ của Tần Tuyên Thái hậu chính là nước Sở, cho nên mới nói hố tượng binh mã rất có thể là hố tùy táng của mộ Tần Tuyên Thái hậu.

Cũng có những người cho rằng hố tượng đời Tần không thuộc về lăng mộ Tần Thủy Hoàng, cũng không thuộc về mộ Tần Tuyên Thái hậu, mà là được xây nên để ca ngợi công tích to lớn tiến về phía đông thống nhất 6 nước của Tần Thủy Hoàng, tương tự như các công trình kiến trúc dạng bia kỉ niệm sau này, cho nên các tượng đời Tần đều hướng về phía đông. Thời cổ gọi công trình kiến trúc loại này là “phong”. Ngoài ra, bất luận là thời Tần Tuyên Thái hậu, hay là thời Tần Thủy Hoàng, đều rất thịnh hành tục cũ tuẫn táng người sống, vì thế khỏi phải cần bỏ ra một lượng lớn tài lực, nhân lực và vật lực để làm ra hàng trăm tượng binh mã như thế này.

Bởi còn tồn tại nhiều thuyết pháp khác nhau, cho nên vấn đề qui thuộc của các tượng binh mã cho đến nay vẫn chưa được giải quyết, đành phải tạm thời gán cho cho cái tên của Tần Thủy Hoàng, hoặc gọi một cách đại khái là tượng binh mã của lăng mộ Tần Thủy Hoàng.

Các ẩn số phía sau những pho tượng

Về bản thân các pho tượng binh mã cũng còn rất nhiều ẩn số nan giải, nó luôn làm bận tâm những người làm công tác nghiên cứu.

Ẩn số thứ nhất là màu sắc được dùng cho các pho tượng binh mã có tô vẽ. Những pho tượng mà chúng ta nhìn thấy hiện giờ đều có màu đen xám hoặc màu đồng cổ, kì thực đó là kết quả của việc bị biến màu do sau khi khai quật lên bị oxy. Khi vừa được đào lên, màu sắc các tượng binh mã rất đẹp. Màu sắc ấy phần nhiều lấy từ khoáng thạch thiên nhiên, như màu đỏ là đất bùn, màu trắng là đá apatit, màu đen là đen mỏ neo, những thứ rất dễ kiếm thời ấy, nhưng có một loại màu tím, qua giám định hóa học thấy có thành phần là bari đồng silicat (tiếng Anh: barium copper silicate – ND). Loại này chưa từng được phát hiện thấy trong thiên nhiên, mãi đến những năm 80 của thế kỉ 20 người ta mới tổng hợp được. Vậy người xưa cách đây hơn 2000 năm đã phối chế nên màu này ra sao?






Ẩn số thứ hai là binh khí các tượng đời Tần mang bên mình. Khi đào lên, có những pho tượng đời Tần bị đổ xuống đất, khiến cho kiếm đeo bên mình bị cong gập. Khi được dựng thẳng lên, kiếm bị cong tự nhiên từ từ trở lại như cũ, chứng tỏ tính đàn hồi của kiếm rất tốt. Hơn 2000 năm trước, kĩ thuật luyện sắt mới xuất hiện không lâu, thế mà thợ khi ấy đã có thể luyện nên được những chiếc kiếm trải qua thời gian lâu như vậy mà tính đàn hồi không đổi, có bí quyết gì về mặt kĩ thuật vậy?

Thêm nữa, khi tiến hành kiểm tra kĩ lưỡng binh khí của các tượng đời Tần, người ta phát hiện thấy trên lưỡi kiếm có mạ crom. Công nghệ mạ crom do người Mỹ phát minh năm 1937, qui trình công nghệ hết sức phức tạp, lại còn phải dùng điện, mãi đến những năm 50 của thế kỉ 20 người Đức mới có được cấp bản quyền phát minh sáng chế. Người đời xưa sống cách đây 2000 năm, làm sao lại có thể nắm được kĩ thuật mạ crom? Khi ấy người ta còn chưa phát minh ra điện, vậy họ đã thao tác công nghệ mạ crom ra sao?

Ẩn số thứ ba là kĩ thuật đúc kim loại mui xe bằng đồng. Một chiếc xe ngựa bằng đồng có tô vẽ được đào lên ở hố tượng đời Tần số 3, chiếc mui xe siêu lớn siêu mỏng siêu dài, được đúc liền khối. Ngay cả với kĩ thuật đúc của người hiện đại mà muốn làm được điều này cũng là rất khó, nếu muốn chế tạo ra một vật lớn như vậy thì phần lớn đều phải đúc từng chi tiết rồi lắp ráp lại với nhau. Vì sao người thợ cách đây 2000 năm lại có được trình độ công nghệ cao như vậy?

Những pho tượng binh mã của lăng mộ Tần Thủy Hoàng được đào lên khiến cho các di vật vốn nằm yên dưới đất lâu tới hơn 2000 năm đã được phô bày trước mắt chúng ta, để cho cả thế giới thấy được nề văn hóa rực rỡ của Trung Quốc cổ đại. Song vén mở được ẩn số chôn kín dưới đất hơn 2000 năm không phải dễ, còn phải đợi những nghiên cứu sâu và kĩ lưỡng hơn.

Trung Thuần (Theo tư liệu nước ngoài)