Huyền thoại Thất Sơn: Thuần mãnh thú & nuôi sấu Năm Chèo
Vùng đất Thất Sơn (An Giang) luôn ẩn chứa những huyền thoại, đặc biệt là dấu ấn của những vị đạo sĩ, bậc chơn tu. Câu chuyện lưu truyền về hai vị đạo sĩ thu phục mãnh hổ và nuôi sấu thần Năm Chân (Năm Chèo) luôn cuốn hút khách thập phương. Chúng tôi làm một chuyến hành trình về Bảy Núi tìm sự thật, nơi bắt nguồn của những huyền thoại “ông Năm Chèo” và “bảo bối” được dòng họ lưu giữ.

Ông Tăng thu phục mãnh hổ

Chúng tôi tìm đến Phước Điền Tự (xã Thới Sơn, Tịnh Biên), nơi có “trại ruộng” ngày xưa do Đoàn Minh Huyên (Đức Phật Thầy Tây An) khai lập, giống như mô hình khai hoang lập ấp. Ngôi chùa nhỏ được công nhận là di tích lịch sử văn hóa uy nghiêm dưới hàng cây cổ thụ rợp bóng, cổng chùa nhìn ra cánh đồng lúa mênh mông gió lộng, cảnh trí thanh bình. Nhiều người cho biết ông Tăng Chủ là đệ tử thứ hai trong “thập nhị hiền thủ” của Đức Phật Thầy, là người có công lớn khai hoang lập ra làng Xuân Sơn và được giao coi sóc trại ruộng. Ông Tăng có vóc người cao lớn, miệng rộng, cánh tay ông dài tới đầu gối, tiếng nói sang sảng, lúc nào cũng siêng năng làm việc, người thuần hậu. Ông Tăng không những lao động bất kể giờ giấc, chữa bệnh cứu người mà còn biệt tài thu phục các mãnh thú, giúp dân yên ổn làm ruộng không bị quấy phá.

Vùng Thất Sơn xưa kia nổi tiếng hùm beo, thú dữ, nhưng ông Tăng đến đâu thì thú dữ bỏ đi. Chuyện kể rằng, khi ông lên rừng, cọp thấy ông từ xa phải quỳ xuống hoặc lủi thủi theo ông lên núi như bạn bè. Về sau Đức Phật Thầy giao ông Tăng trông coi đình Thới Sơn (xã Thới Sơn, huyện Tịnh Biên; nay đã được công nhậân là di tích lịch sử cách mạng). Tại đình này, một hôm ông Tăng đi thăm ruộng về, trời gần tối, khi đến gần cửa thì ông thấy một con cọp nằm lù lù bên đường. Thấy ông Tăng, cọp đứng dậy hả miệng cúi đầu tỏ vẻ đau đớn. Ông Tăng hiểu ý và yêu cầu cọp làm theo mình, ông co tay đấm mạnh vào cổ một cái, cọp rống lên mấy tiếng rồi khạc ra một khúc xương. Ông Tăng dặn dò mấy câu, cọp cúi đầu vâng lời rồi khuất sau bìa rừng. Sáng hôm sau, thấy trước cửa đình có con heo rừng do cọp bắt đem tạ ơn ông Tăng Chủ cứu nguy. Từ đó, đối với các mãnh thú trong vùng Thất Sơn, ông Tăng giống như vị “chủ tướng”.

Theo lời kể của ông Trần Văn Mực (Phước Điền Tự), khi mới vào khai hoang trại ruộng, ông Tăng nhiều lần đối đầu với cọp dữ nhưng ông thu phục được chúng. Ông còn phong “chúa sơn lâm” làm “ông cả” như cách phân công giữ yên xóm làng. Mỗi năm, tại lễ cúng đình, người dân kính cẩn mang đầu heo cúng “ông cả”, các hương chức đình viết tờ cử (phân công nhiệm vụ) trang trọng trên giấy hồng như cách ghi công “ông cả”. Năm nào “ông cả” cũng về nhận tờ cử mới và đầu heo, riêng tờ cử năm cũ thì được gởi trả lại cẩn thận.

Ông Đình Tây nuôi sấu Năm Chèo

Câu chuyện về “ông Năm Chèo” được truyền miệng khắp vùng với nhiều tình tiết ly kỳ. Để hiểu rõ thực hư, chúng tôi tìm gặp hậu duệ của người nuôi con sấu lạ năm xưa. Đó là bà Hồ Thị Cưng, cháu ngoại đời thứ tư của ông Đình Tây (đạo sĩ Bùi Văn Tây, đệ tử thứ ba của Đức Phật Thầy). Bà Cưng đang trông coi nơi thờ tự ông Đình cũng như năm bảo bối mà Đức Phật Thầy giao cho bắt sấu Năm Chèo.
Dựa theo những câu chuyện lưu truyền trong gia tộc, bà Cưng kể rằng, vâng lời Đức Phật Thầy, ông Đình Tây chuẩn bị chuyến đi hành thiện. Khi ông tới vùng láng (Láng Linh), biết được trong căn chòi lụp xụp kia có một phụ nữ chuyển bụng sắp sinh con, gia cảnh đáng thương. Người chồng hàng ngày lặn lội bắt cua, rùa, rắn đổi gạo, thường khi anh về sớm nhưng hôm đó anh không về kịp. Ông Đình Tây xông xáo cùng mọi người làm vách che, lợp lại mái dột ngăn mưa gió. Người phụ nữ sắp sinh nhưng chiếc giường mới kê được ba chân, ông không ngại kề vai làm chân giường giúp bà mụ đỡ đẻ nhanh chóng. Mọi việc xong xuôi thì anh Xinh, chồng người phụ nữ về tới, rất cảm kích về sự giúp đỡ của mọi người. Anh khoe với ông Đình Tây hai giỏ cá vừa bắt được để lo cho vợ vượt cạn, rồi móc từ túi bên hông ra một con vật nhỏ. Đó là con sấu rất kỳ lạ, da nó trơn bóng chứ không sần sùi, chót mũi có màu đỏ rực, đặc biệt con sấu có thêm bàn chân mọc ra từ chân bình thường (móng đeo). Ông Đình thấy hình dạng con sấu kỳ lạ nên thích thú, anh Xinh liền tặng con sấu này. Ông về trình với Đức Phật Thầy những việc hành thiện và cho ngài xem con sấu lạ. Vừa nhìn thấy, ngài thở dài và bảo ông Đình không nên nuôi con ngặc ngư này, nó là loài nghiệt thú sẽ làm điều hại bá tánh. Nhưng ông Đình thương xót không nỡ, sau đó lui về đình Thới Sơn, lén nuôi sấu nhỏ ở góc hồ sen trước sân đình. Thấy sấu lớn nhanh, ông lấy dây cột chân nó lại. Càng lớn con sấu càng có tính khí hung bạo, ông liền thay bằng sợi dây xích bằng sắt để nó không thoát được.

Một đêm trời đổ mưa to, gió quất mạnh, cây cối ngả nghiêng, sấm chớp liên hồi. Rạng sáng ông Đình giật mình phát hiện: con sấu bỏ đi! Ông lội xung quanh nhưng không tìm thấy, trở lại kiểm tra sợi xích, thấy vẫn còn nguyên. Ông lần theo sợi dây xuống hồ, bất ngờ nhìn thấy một bàn chân sấu bỏ lại cùng với sợi xích. Nó cắn bỏ một bàn chân để thoát thân. Ông Đình lập tức bẩm báo Đức Phật Thầy. Ngài điềm nhiên như tiên đoán trước điều gì, không quở trách mà còn trao cho ông Đình năm món bảo bối gồm hai cây lao, một cây mun cổ phụng, một lưỡi câu và một đường dây băng. Đồng thời, ông Đình còn được truyền “khẩu quyết biệt truyền” để thu phục ngặc ngư.

Rồi một ngày tin dữ lan truyền, con sấu mũi đỏ khổng lồ xuất hiện nơi anh Xinh đã bắt nó khi xưa. Nó to như một chiếc ghe lớn, nổi lên tạo những cơn sóng lớn nhấn chìm xuồng ghe của những người xuôi ngược trên sông. Có lúc nó lên bờ bắt heo, gà nuôi trong chuồng của dân, lúc sát hại người, gây biết bao nỗi kinh hoàng. Ông Đình vội vã gặp Đức Phật Thầy xin thu phục con nghiệt thú, nhưng khi ông đến nơi là sấu lặn mất. Cứ thế nhiều lần, hễ ông về thì sấu lại nổi lên quấy phá làm kinh hồn dân làng. Có người thấy sấu nổi lên liền gọi thất thanh tên ông Đình thì sấu tháo chạy. Một lần, ông Đình quyết tâm ở lại chờ bắt sấu cho bằng được nhưng ngày qua vẫn không thấy sấu xuất hiện. Ông đứng giữa vùng láng kêu lớn: “Hỡi loài ngặc ngư, nếu thiên cơ được định, ngươi nên nằm yên sám hối tu hành, còn nếu số ngươi đã tận thì mau nổi lên theo ta về”.

Ông Đình chờ đến ba ngày vẫn không thấy bóng dáng con sấu đâu, nhưng mãi từ đó về sau, không nghe ai kể sấu nổi lên quấy phá dân làng nữa. 58 năm sau, đến ngày ông Đình viên tịch (1914), năm món bảo bối vẫn chưa được sử dụng. Đến nay, trải qua 96 lần lễ giỗ ông Đình, những bảo bối ấy vẫn còn cất giữ.

Bà Cưng cho chúng tôi xem năm bảo bối được Đức Phật Thầy giao cho ông Đình năm xưa, được lộng vào khung kiếng, thờ cúng trang nghiêm. Bà Cưng kể thêm, bảo bối này dòng họ cất giữ cẩn thận qua mấy cuộc chiến tranh, tất cả còn khá nguyên vẹn, riêng sợi dây băng (xe bằng tơ), ngày trước ông nội bà lấy sợi dây này ra kéo quanh nhà, sau đó chạy giặc, trở về thấy nhà cửa cháy rụi, riêng sợi dây chỉ ám khói chứ không cháy. Có người kể rằng, khi Đức Cố Quản Trần Văn Thành bại trận tại vùng Bảy Thưa, nhằm mùa nước nổi, quân Pháp bao vây bắn phá, trước mặt lau sậy dày đặc ghe chống đi không được. Lúc ấy, sấu khổng lồ bỗng nhiên lao tới, rẽ đường rạp sậy cho quân lính chống xuồng thoát thân.

Tại đình Thới Sơn, ông Lê Văn Nhưng, phó ban quản lý đình, khẳng định với chúng tôi ông Đình Tây từng ở đình này, tên thật là Bùi Văn Tây, quê ở Năng Gù (nay là xã Bình Mỹ, huyện Châu Phú, An Giang). Ông được giao quản lý đình nên dân quen gọi là Đình Tây. Ông Nhưng dẫn chúng tôi ra xem hồ sen, nơi trước đây ông Đình Tây đã thả nuôi “sấu thần”. Hồ khá rộng, nay đã được xây bờ kè kiên cố, xung quanh cây cối mát mẻ.

Hơn 100 năm qua nhưng dân gian vẫn truyền nhau những câu chuyện thực hư về “ông Năm Chèo”. Họ cho rằng, “sấu thần” đang ẩn mình trên sông Vàm Nao (nối liền sông Tiền và sông Hậu, dài khoảng 7 km). Sông này có nhiều vực sâu, búng lớn, nước xoáy mạnh. Nơi đây được xem là ngư trường khai thác thủy sản quan trọng, là nơi thường xuyên xuất hiện các loài cá khổng lồ.
Có lẽ không có gì lạ khi những huyền thoại như thu phục mãnh hổ và nuôi cá sấu năm chèo vẫn còn sống động ở vùng sông nước Cửu Long, nơi vùng đất mới hoang sơ mà những con người đặt chân khai phá và sinh sống ở đây luôn mang ước vọng phải chinh phục muôn loài để khẳng định cái vị thế làm chủ đất trời của mình.



Thanh Tâm