Người “thu gom” vàng của vua Hàm Nghi
(14/02/2011)


Người con trai của cụ Triều tại căn nhà của cụ
VH- Cách đây 57 năm, ông được Khu ủy khu Bốn cử vào Tuyên Hóa, Quảng Bình thực hiện chuyến công tác đặc biệt “thu gom” vàng của vua Hàm Nghi được nhân dân ở đây phát hiện. Sau ba tháng, ông cùng cộng sự của mình hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ khi gom được 113 kg vàng nộp cho Ngân hàng khu... Đó là ông Nguyễn Văn Triều. Những ngày đầu xuân Tân Mão, tôi có dịp viếng thăm nhà và đọc những trang hồi ký của ông.

Chuyến công tác đặc biệt

Sáng mồng 6 Tết Tân Mão, đã hẹn trước với người con trai của ông Nguyễn Văn Triều, tôi tìm đến căn nhà nhỏ tại thôn Cam Vũ, xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ, tỉnh Quảng Trị nơi ông sống trước đây. Đón chúng tôi ngoài người con trai còn có thêm em gái ruột của ông nay đã ngoài 80 tuổi. Qua lời kể của người em gái và con trai thì thời Pháp thuộc, ông tốt nghiệp trường Kỹ nghệ thực hành ở Huế. Nhưng sớm giác ngộ cách mạng, trong quá trình học tập đã tham gia các phong trào yêu nước của học sinh, sinh viên thời đó nên đã không ít lần bị đuổi học, cắt học bổng... Ra trường đi làm, ông cùng anh em công nhân tham gia nhiều phong trào yêu nước khác. Chán cảnh bị áp bức, bất công... ông bỏ về quê sinh sống và hoạt động.

Mùa thu năm 1945, ông tham gia cướp chính quyền ở quê nhà, sau đó trở thành Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính huyện Cam Lộ. Năm 1954, tập kết ra Bắc tại Nghệ An và được điều về công tác tại Khu Tài chính. Thời gian này, tỉnh Quảng Bình điện ra báo với Liên Khu ủy hiện ở Quảng Bình, nhân dân vùng Tuyên Hóa vừa tìm được vàng của vua Hàm Nghi chôn cất cách đó 70 năm. Do đây là nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, nên thường vụ quyết định Khu Tài chính cử một cán bộ giỏi nghiệp vụ, lại có khả năng làm tốt công tác dân vận để vận động người dân nộp vàng cho Chính phủ... Thế là Bí thư Thường vụ Khu ủy lúc bấy giờ là Hoàng Diệm gọi ông sang và cử đi ngay chuyến công tác đặc biệt này.

Nhận nhiệm vụ, ông tức tốc đạp xe từ Nghệ An vào Quảng Bình. Vừa vào đến Quảng Bình, ông lấy một Trưởng phòng kế toán Ty Tài chính, 1 tiểu đội cận vệ của tỉnh tức tốc lên gặp Huyện ủy Tuyên Hóa. Thế nhưng khi đến Huyện ủy Tuyên Hóa thì được báo tại Khe Ve, nhân dân vừa phát hiện thêm một điểm chôn vàng của nhà Vua nữa. Theo chủ trương ban đầu, đoàn công tác đặc biệt chỉ đến thôn Cát Đặng ở gần Quy Đạt vận động nhân dân nộp lại vàng cho Chính phủ. Nhưng nay lại thêm thôn Khe Ve nằm cách xa thôn Cát Đặng ngót cả ngày đường. Trong khi đó, Ty Tài chính báo lên hết người. Vậy là đoàn buộc phải chia ra làm hai, ông trực tiếp ở lại thôn Cát Đặng với 3 cảnh vệ, còn lại cử trưởng phòng kế toán Ty Tài chính cùng một số anh em lên Khe Ve để nắm tình hình, ngăn chặn người ngoài vào mua vàng. Còn ông phải chạy đi chạy lại giữa hai nơi 3 ngày một lần để nắm được tình hình và bố trí công việc.

Ba tháng thu gom được 113 kg vàng

Mặc dù đã xem xét tình hình và phân công công việc đâu vào đó, song nhiệm vụ đặt ra là làm sao vận động được nhân dân tự giác đem số vàng đào được của vua Hàm Nghi trước đó nộp lại cho Chính phủ. Đây là nhiệm vụ không dễ bởi vàng thì ai mà không ham. Trong khi đó, đã bắt đầu xuất hiện người lạ từ Hà Nội vào thu mua vàng mang đi. Vậy là một mặt ông vừa vận động nhân dân tự giác nộp vàng, mặt khác tìm cách ngăn chặn tình trạng mua bán, vận chuyển vàng trái phép đang diễn ra.

Việc vận động nhân dân nộp vàng mặc dù gặp phải một số khó khăn song nhờ làm tốt công tác tư tưởng, nên liên tục ngày nào cũng có hàng đoàn người trong thôn đến nộp vàng. Người nhiều thì năm, bảy cân, người thì năm, ba lạng... Công tác thu nhận vàng của nhân dân mang đến nộp đảm bảo đầy đủ nguyên tắc tài chính, không suy suyển tí nào, lại có ghi biên bản và biên lai đầy đủ.

Cũng phải mất 3 tháng gian khổ, cả Khe Ve và Cát Đặng đoàn đã tập trung được 113kg vàng. Sau đó thuê dân công áp tải về tỉnh, rồi thuê 1 ô tô cùng với một tiểu đội cận vệ áp tải đưa ra khu nộp cho Ngân hàng khu an toàn. Việc thu gom vàng không gây xáo trộn trong nhân dân mà ngược lại nhiều người dân ủng hộ. Nhiều người dân còn tin đây là vận nước đã đến, hòa bình vừa được lập lại thì dân nộp vàng lên cho Chính phủ để kiến thiết đất nước. Vàng này là vàng của dân thì nay được trả lại cho Chính phủ để lo việc cho dân.

Nguyễn Hiếu