Tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có một vị thế đặc biệt !
(13/04/2011)

VH- Hôm nay, 13.4, Hội thảo khoa học quốc tế Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong xã hội đương đại, nghiên cứu trường hợp tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương ở Việt Nam sẽ diễn ra tại TP Việt Trì (Phú Thọ).
Nhân sự kiện quan trọng này, Văn Hóa đã có cuộc trao đổi với PGS, TS Nguyễn Chí Bền, Viện trưởng Viện Văn hóa, Nghệ thuật VN về những nội dung mà dư luận quan tâm.

Thưa ông, Hội thảo này được xem là một trong những điểm nhấn trong dịp Giỗ tổ Hùng Vương năm 2011. Vì sao Hội thảo lại được tổ chức sau ngày 10.3 Âm lịch mà không phải là trước hay trong ngày Giỗ tổ Hùng Vương?

- Thông thường, trước khi diễn ra hội thảo khoa học quốc tế, Ban tổ chức muốn tạo điều kiện cho các nhà khoa học tham dự thực hiện nghiên cứu một trường hợp (case studie) nào đó trong một hội thảo, với hai cách: một là sau khi hội thảo xong sẽ đi điền dã; hai là đến điền dã nghiên cứu trước, rồi mới về hội thảo. Lần này, chúng tôi chọn giải pháp thứ hai.

Chủ đề của hội thảo là tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên trong xã hội đương đại nói chung, VN nói riêng, trong đó có tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của VN, nên trước khi vào hội thảo chúng tôi đã dành thời gian đưa các nhà khoa học quốc tế và VN đến đền Hùng, đến thị trấn Hùng Sơn, huyện Lâm Thao để họ quan sát nghiên cứu tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của VN.

Sở dĩ có điều này, bởi tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương có một nét đặc biệt. Lịch sử phát triển của tín ngưỡng này đã khiến các ngôi đền ở núi Nghĩa Lĩnh trở thành trung tâm, các nghi lễ được thực hiện với sự chủ trì của Nhà nước, nhưng nó cũng phổ biến rộng rãi khắp các làng quê ở Phú Thọ với sự chủ trì do các ban khánh tiết của cộng đồng tổ chức.



Đội hành lễ Dâng hương tưởng niệm các Vua Hùng (sáng 10.3 Tân Mão)

Các học giả quốc tế tham gia hội thảo đến từ các quốc gia nào, thưa ông?

- Có 138 tác giả gửi 130 tham luận tới hội thảo. Trong số đó có 53 nhà khoa học có học vị tiến sĩ, tiến sĩ khoa học và chức danh giáo sư, phó giáo sư... Có 37 nhà khoa học nước ngoài đến từ 17 quốc gia và vùng lãnh thổ như Hoa Kỳ, Canada, Mexico, Đan Mạch, Anh, Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc, Hàn Quốc, Indonesia, Nam Phi, Australia, Đài Loan (TQ), v.v... Chưa có cuộc hội thảo nào trong lĩnh vực văn hóa, khoa học, xã hội lại thu hút đông đảo nhà khoa học quốc tế và VN tham gia đến như vậy.

Có thể nói chủ đề hội thảo có sức hấp dẫn các nhà khoa học. Những vấn đề gì được các nhà khoa học quan tâm?

- Tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên là một hiện tượng văn hóa, tín ngưỡng mang tính phổ quát và nhân văn sâu sắc. Bởi con người, tự bản chất luôn có tâm lý hướng về cội nguồn, tưởng niệm, biết ơn, tri ân tổ tiên là nét tâm lý thường trực của họ, dầu rằng, sự thể hiện của mỗi dân tộc ở các quốc gia sẽ khác nhau.

Cái chung là trong bối cảnh xã hội đương đại với nhiều đổi thay hiện nay, tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên đang đứng trước những biến đổi khó đoán định, cả về khía cạnh tiêu cực lẫn khía cạnh tích cực. Làm sao để đánh giá đúng bản chất, giá trị lịch sử - văn hóa của tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên, qua đó đề xuất những giải pháp bảo tồn và phát huy chính là mối quan tâm của các nhà khoa học.


Lựa chọn tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của VN làm một nghiên cứu trường hợp, Ban tổ chức muốn đạt điều gì?

- Ở Việt Nam, Hùng Vương là thủy tổ của dân tộc, là thánh vương khởi dựng quốc gia Văn Lang cổ đại. Bao đời nay, người dân truyền từ đời này qua đời khác như một phần bản sắc dân tộc: tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương, Giỗ tổ Hùng Vương hằng năm vào 10.3 Âm lịch đã là một sự kiện quan trọng trong đời sống văn hóa - tinh thần của dân tộc VN.

Trong tín ngưỡng thờ cúng tổ tiên ở VN, thờ cúng Hùng Vương có vị thế đặc biệt. Bởi vậy, chúng tôi muốn nhân hội thảo này để quảng bá, giới thiệu với bạn bè quốc tế về giá trị vô giá thể hiện trên nhiều phương diện tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương của Việt Nam, đồng thời lắng nghe ý kiến của các nhà khoa học VN và quốc tế xung quanh vấn đề bảo tồn và phát huy tín ngưỡng thờ cúng Hùng Vương với tư cách một di sản văn hóa phi vật thể. Từ đó có thể hoạch định chương trình hành động quốc gia cho di sản văn hóa vô giá này.

Xin cảm ơn ông!

P.V (thực hiện)