Chuyện truyền kỳ về tìm mộ Vua Quang Trung

Lăng Ba Vành có phải là lăng mộ Vua Quang Trung?

Cái chết của vua Quang Trung vốn đã chứa đựng quá nhiều điều bí mật, không những thế, tháng 11 năm 1801, vua Gia Long lại cho phá huỷ nơi chôn cất ông và san thành bình địa. Hơn 200 năm qua, vị trí lăng mộ Quang Trung chính xác ở nơi nào vẫn là dấu hỏi lớn?

Và đã có quá nhiều giả thuyết gây nên những cuộc tranh cãi đến mức căng thẳng. Chúng tôi đã có cuộc hành hương về thành Phú Xuân (Huế) xưa, và ghi chép được rất nhiều điều lạ... Không rõ rằng, chuyện tìm mộ Quang Trung Hoàng đế và mộ Thành Cát Tư Hãn, câu chuyện nào chứa đựng nhiều bí ẩn hơn?



Mộ thiêng trong hoang phế

Người đầu tiên tung “quả bom tấn” ra dư luận về vấn đề lăng mộ Quang Trung là ông giáo Trần Viết Điền - Giảng viên môn Vật Lý trường ĐH Sư phạm Huế. Trước những tranh cãi cho rằng, lăng Ba Vành là lăng Đức ý hầu Lê Quang Đại, một vị quan dưới triều chúa Nguyễn Phúc Khoát đã chết vào đầu năm 1746, bằng phương pháp vật lý, ông Điền đưa ra 5 luận cứ nhằm vén bức màn bí mật và lật lại hoàn toàn vấn đề, khẳng định lăng Ba Vành chính là lăng mộ Quang Trung.


Lăng Ba Vành đổ nát



Phế tích lăng Ba Vành

Lăng Ba Vành nằm ở ngọn đồi Thiên An, phía Tây thành phố Huế. Một người chăn bò ở gần đấy thấy chúng tôi lụp xụp áo mưa tìm lên lăng thì lắc đầu nửa tin nửa ngờ. Theo như ông biết, cách đây hàng vài chục năm đã có nhiều người đến đây đào bới nghiên cứu. Nhưng đấy là chuyện của thời ông mới lấy vợ. Còn giờ đây, khi con ông đã sắp lập gia đình, cái lăng mộ cổ này vẫn vậy và càng ngày, nó càng bị trâu bò ngứa sừng đào bới cho tung toé. Ông vạch cây, rẽ lối chỉ đường cho chúng tôi mò đến tận lăng.

Theo ý ông Điền, lăng Ba Vành chính là lăng mộ Vua Quang Trung. Thế nhưng tại sao những người đời sau lại cho rằng đấy là lăng của Đức ý hầu Lê Quang Đại? Tìm tòi ròng rã nhiều năm, ông Điền phát hiện ra rằng đã có nhiều người tìm cách biến nơi này thành... một ngôi mộ giả!

Phế tích lăng Ba Vành nằm giữa rừng thông bạt ngàn và chằng chịt bởi những lùm bụi mâm xôi. Cây rựa trong tay người chăn bò tốt bụng khua lên loang loáng. Một khoảng tường thành xây dựng bằng các phiến đá to chồng lên nhau thấp thoáng hiện ra sau đám cỏ cây rậm rạp. Những viên gạch sứt mẻ, nhưng với “người trần mắt thịt” như chúng tôi vẫn có thể hình dung ra đấy là một bức tường đã từng được xây rất kiên cố. Vừa phạt quang bụi rậm, người đàn ông có đôi bàn tay vàng khè của một người tứ mùa làm ruộng kể: Cách đây gần 20 năm, khu vực này còn có cả khỉ. Đường lên lăng gồ ghề, xóc nẩy. Thi thoảng có việc lên núi lấy củi, ông thấy một số viên đá to, dài cả sải tay bị đổ cạnh lăng đã bị cỏ mọc trùm lên. Ngoài ra, còn có một số bức phù điêu có khắc chữ đã mòn trắng bị trẻ chăn bò đập phá rồi ném cách lăng đến 5m. Một thời gian sau, có nhiều nhà khoa học đến đây. Họ phát quang cây cối cả một vùng, rồi đào bới nhặt nhạnh từng mảnh vỡ về ghép lại để nghiên cứu và mở ra nhiều chi tiết lạ kỳ của một ngôi lăng tưởng như đã chìm trong hoang phế.

Tôi nhớ lại lời của ông Trần Viết Điền trước khi mình khăn gói lên tận Thiên An xem lăng: “Ba Vành trước đây là lăng của một vị quan dưới triều chúa Nguyễn Phúc Khoát tên là Lê Quang Đại đã chết vào đầu năm 1746. Sau đó, vua Gia Long cho san thành bình địa tất cả các địa điểm có liên quan đến vua Quang Trung. Lăng Ba Vành hoang phế từ đấy. Vì bị cỏ cây che lấp nên ai cũng tưởng ngôi lăng có qui mô vừa. Chúng tôi đã phát lộ và dùng thước đo đạc mới thấy qui mô của lăng, dẫu đã bị quật phá nặng vẫn có quy mô rất hoành tráng”.

Ngôi lăng độc nhất vô nhị

Điều đầu tiên đập vào mắt sau khi đoàn nghiên cứu của thầy trò Trần Viết Điền phát lộ cây cối là nhìn toàn cảnh, lăng Ba Vành có hình elip với các trục lớn 60m, trục nhỏ 40m. Quy mô của một ngôi lăng như thế này là quá hoành tráng, chưa kể tân nguyệt trì (hồ trăng non) bên cạnh. Lăng gồm 3 uynh thành ghép lại. Uynh ngoài hình móng ngựa, kết thúc bằng hai trụ cửa khá lớn. Uynh thứ hai có hình cong ngược với 4 phù điêu có hình voi đắp nổi. Uynh trong cùng là hình tượng hai con cù dậy, ôm nấm mộ xây có hình mai rùa, còn đầu rùa như ngậm cái bia thẻ. Các uynh thành có một trục đối xứng hình học và trục này theo hướng Tây Nam – Đông Bắc, nghiêng Bắc góc 60o. Còn đường thần đạo của lăng, vuông góc với trục đối xứng vừa nêu, tọa hướng càn (Đông Nam- Tây Bắc, nghiêng Bắc 30o). Đây mới là hướng chính của ngôi lăng. Trục nhỏ này là trục đối xứng của nhà bia có đế chữ thập, từng có bia thờ, đã bị ai đó băm nát, cắt đầu bia, gọt tai bia...

Nghiên cứu sâu thêm, ông Điền hốt hoảng nhận ra giữa uynh thành 2 và uynh thành 3 có một hầm hình hộp, nhận đường thần đạo làm trục đối xứng và hiện nay nắp hầm còn ở bờ tân nguyệt trì trước lăng. Nắp này là một phiến đá lớn được gọt đẽo mà thành. Theo các nhà khoa học, hầm này có khả năng chứa các đồ thờ và chủ yếu là các vật tùy thân của chủ nhân ngôi lăng. Khảo sát miệng hố, đục cái nấm xây và đoán hướng huyệt của ngôi mộ, ông nhận thấy về phương pháp vật lý và dịch lý Đông phương, thi thể của chủ nhân ngôi lăng nằm theo hướng thần đạo, đầu tọa tốn, chân hướng càn, bên trái chủ nhân là 3 cung liền, và bên phải chủ nhân là 3 cung đứt (đó là 3 cửa vào lăng). Người thiết kế lăng đã xử lý rất tuyệt diệu về phong thủy và dịch lý Đông phương. Theo đường thần đạo mà tính, 3 uynh thành tạo thành quẻ càn kép (bát thuận càn), theo hướng vuông góc với đường thần đạo mà tính thì đạt quẻ thái (quẻ khôn ghép với quẻ càn). Đây là lý do ngôi lăng này có đến 3 uynh thành đăng đối hình học và cả đăng đối dịch lý. Các lăng mộ ở Huế, trừ lăng các vua, không tìm thấy ngôi lăng thứ hai nào như vậy.

Những hoa văn kỳ lạ

Điều mà ông Điền khám phá ra là hai con cù dậy tìm thấy trong mộ là tiền thân của con rồng bởi chúng có cái sừng đắp nổi, hoàn toàn khác với giống cù như một số tài liệu trước đó đã có. Mô tip trang trí này cũng thuộc loại độc nhất vô nhị ở Huế. 4 phù điêu đắp nổi 4 con voi ở uynh thành thứ 2 đều được xác định không phải hình tượng voi chầu, cúp vòi phủ phục như vẫn thấy ở lăng mộ vua chúa triều Nguyễn, triều Lê. Voi ở lăng Ba Vành uốn vòi lên trên, cặp ngà cũng chĩa lên và đặc biệt trên đầu voi cũng... mọc sừng.

Toàn bộ công trình kiến trúc lăng mộ được thiết kế nhất quán theo thuật phong thuỷ và dịch lý phương Đông. Hoa văn, sừng voi, ngà voi, sừng cá sấu, mí mắt cá sấu, các dải hồi văn luôn có một vạch liền nét (chỉ dương) và thành phần thứ hai là hai vạch đứt xếp lại, nhỏ hơn, khép nép, e ấp (chỉ âm). Đây cũng là một lối trang trí độc đáo nữa, chứng tỏ người thiết kế rất uyên thâm dịch lý và rất yêu kính chủ nhân ngôi lăng.

Theo khám phá ban đầu của ông Điền, tân nguyệt trì bên phải ba uynh thành có chữ nguyệt, bửu thành có chữ nhật. Nhật nguyệt nghĩa là Minh, ý chỉ người nằm trong lăng là bậc minh quân: “Nghiên cứu các lăng tẩm của các vua và mẹ vua ở Huế, chúng tôi nhận thấy một qui luật là chỉ có nhà vua từng lên ngôi và hoàng thái hậu (mẹ vua) khi mất, xây lăng mộ mới có Tân nguyệt trì, cha của vua mà không làm vua thì trước lăng không được xây Tân nguyệt trì. Lăng Gia Long, lăng Minh Mạng, lăng Thiệu Trị, lăng Tự Đức, lăng Dục Đức, lăng Đồng Khánh, lăng Thành Thái, lăng Khải Định và lăng mẹ của các vị vua này đều có Tân nguyệt trì và đương nhiên có nhà bia thánh đức thần công, với đế chữ thập. Như vậy, lăng Ba Vành có đủ các cấu kiện độc đáo: nhà bia có bệ chữ thập, trước bửu thành có Tân nguyệt trì mà chỉ có bậc đế vương mới được xây dựng trang trí như thế, bởi một ông quan thời phong kiến, dù có tiền nhiều cũng không dám xây lăng như thế này vì dễ mang tội khi quân”.

Mười năm nghiên cứu một... loại gạch

Để chứng minh lăng Ba Vành là lăng vua Quang Trung một cách khoa học và thuyết phục, ông Điền đã dốc toàn lực trong 10 năm chỉ nghiên cứu một loại gạch phát hiện được trong lăng mộ này. Và để chứng minh đây là loại gạch của Tây Sơn sản xuất và sử dụng trong các công trình kiến trúc văn hóa, ông Điền đã phải sưu tầm các loại gạch được sản xuất và sử dụng từ thế kỷ 14 đến nay trên đất Thuận Hóa.


Ông Điền và viên gạch Tây Sơn được tìm thấy ở lăng Ba Vành



Nơi đầu tiên ông khăn gói quả mướp đến tìm hiểu là đàn Viên Khâu của thời đại Tây Sơn ở Núi Bân. ở đàn Viên Khâu còn một số mảnh gạch thẻ nung non, dày 2cm, rộng 12cm, dài 14cm. Sau đó nhóm ông đã kiểm chứng kết quả ở những công trình kiến trúc mà Tây Sơn có tôn tạo, dựng thêm... Không ngại gian khổ, ông đã đến Khải Thánh Từ (nơi mà sau này trở thành Văn miếu của triều Tây Sơn) đã từng có mở thêm học cung, nghĩa là có xây dựng bằng gạch Tây Sơn. Thật thú vị và bất ngờ lớn nhất là ở đây còn rất nhiều loại gạch đã phát hiện ở Núi Bân. Ông lại tiếp tục lên chùa Thiền Lâm, nơi Thái sư Bùi Đắc Tuyên trưng dụng làm dinh thự của Thái sư và đã phát hiện rất nhiều loại gạch Tây Sơn như vậy... Ông lại khăn gói về tận Bãi Dâu, đến miếu Ông Mọi, nơi từng thờ một vị chỉ huy người Ba Na tử trận năm Bính Ngọ 1786, rồi lên chùa Linh Mụ... thật lạ, tất cả những nơi này đều có rất nhiều gạch của Tây sơn. Để khẳng định chắc chắn thời Tây Sơn có một loại gạch riêng, ông đã tiến hành kiểm chứng loại gạch này ở các công trình thuần thời Nguyễn như lăng các bà vợ của chúa Nguyễn... thì không phát hiện loại gạch nào như vậy.

Ông Điền đã quay lại khảo sát cả vùng đồi Thiên An và tìm thấy trong lăng Ba Vành và xung quanh còn rất nhiều gạch Tây Sơn cùng loại. Như vậy, theo ông Điền, lăng Ba Vành là công trình kiến trúc do Tây Sơn xây dựng.