Thái giám cuối cùng và quỷ kế giàu sang
Cập nhật lúc 15/04/2011 07:00:00 AM (GMT+7)

Trong những năm cuối triều Thanh có hai thái giam có uy lực nhất đó là Lý Liên Anh và Tiểu Đức Trương, người kế nhiệm của Lý Liên Anh, mặc dù không nổi bật như Lý Liên Anh nhưng ông cũng có được sự ân sủng của Từ Hy thái hậu, quyền lực và uy tín.



Tiểu Đức Trương, thái giám cuối cùng của lịch sử Trung Quốc (Ảnh: sxgov.cn)


Tiểu Đức Trương tên thật là Trương Tường Trai, tên hồi nhỏ là tiểu Đức Tử, “Tiểu Đức Trương” là tên mà Từ Hy thái hậu đặt cho ông. Ông là người huyện Thanh Hải, Thiên Tân, gia đình ông rất khó khăn nên thường phải đi làm thuê thời vụ.

Hồi đó, trong xã của Tiểu Đức Trương có một tay địa chủ giàu có, ngày nào ông ta cũng cưỡi trên một cỗ xe ngựa sang trọng, chân vắt vẻo, mặt kiêu ngạo đi đi lại lại khắp nơi. Có một ngày, khi cỗ xe ngựa vừa ra khỏi cửa, trong lòng cậu bé 12 tuổi Tiểu Đức Trương cảm thấy rất ghen tị, đứng nhìn chằm chằm không nhúc nhích. “Tránh ra! Tránh ra! Thằng oắt con kia không chịu nhường đường cho xe đi, muốn chết à? Mày nhìn thì có tác dụng gì, có bản lĩnh thì tự mua lấy 1 chiếc đi…” - Người đánh xe hét lớn khiến tất cả mọi người đều cười nhạo Đức Trương.

Tiểu Đức Trương đỏ mặt, trong lòng nghĩ: “để xem ai là người cười cuối cùng”. Về tới làng, Đức Trương mới hỏi: “Cháu cũng muốn mua một chiếc xe to như vậy, làm thế nào để phát tài?”, người làng nghe vậy cười nói: “Muốn giàu không đơn giản, chỉ cần đi làm thái giám, đừng nói là mua xe to, mỗi ngày còn có thể đi khắp nơi”. Tiểu Đức Trương nghe vậy thấy làm thích thú và luôn ghi nhớ trong lòng.

Năm 15 tuổi, Tiểu Đức Trương lại chạy tới hỏi mẹ làm thế nào để giàu có. Mẹ ông trả lời rằng: “muốn giàu có thì hãy làm “lão công”, “lão công” khi đó chính là từ để chỉ thái giám. Thực tế do tình hình chính trị bấy giờ rối ren, triều đình thối nát, không ít thái giám lợi dụng uy thế của triều đình để làm giàu. Gia tộc của Lý Liên Anh thậm chí còn giàu có hơn cả quý tộc hoàng gia, tài sản của ông khiến người ta phải ghen tị. Vì thế, lời nói của mẹ Đức Trương rất có căn cứ. Mặc dù tuổi chưa lớn nhưng trái tim của Tiểu Đức Trương đã đủ tàn nhẫn, nghe lời mẹ nói xong, ông liền mài dao sắc và tự hoạn cho mình. Vào cung năm thứ hai, ông được làm tiểu thái giám chăn nuôi gia cầm, mặc dù địa vị thấp nhưng bước đầu đã thực hiện được kế hoạch của mình.

Trong cung, hệ thống phân đẳng cấp phong kiến rất nghiêm ngặt, thái giám cũng không ngoại lệ, đại thái giám thì có nhiều tiền và quyền uy còn tiểu thái giám thì thấp cổ bé họng và không có nổi một xu dính túi. Là một thái giám suốt ngày chỉ làm bạn với gia cầm khiến Đức Trương cảm thấy không an tâm, ông biết rằng muốn thực hiện giấc mơ giàu sang của mình thì phải làm đại thái giám.

Tiểu Đức Trương là người thông minh xảo quyệt, ông biết rằng Từ Hy thái hậu là một người rất mê kinh kịch nên ông ta đã tham gia đoàn kịch cung đình. Sau khi vào đoàn kịch, ông đã cố gắng học diễn và có được một số kỹ năng cơ bản. Trong mỗi vở kịch, ông đều phát huy tối đa khả năng của mình, vì vậy mà tên của ông đã được Từ Hy thái hậu biết tới.

Trong một lần diễn kịch cho thái hậu xem, có một diễn viên làm động tác quá mạnh nên đã làm binh khí rơi xuống sân khấu, Tiểu Đức Trương nhìn thấy bèn nhanh chóng chạy tới và dùng hai chân đỡ không cho binh khí rơi xuống đất. Từ Hy thái hậu thấy vậy cảm thấy rất vui mừng và hết lời ca ngợi ông. Để chiều lòng tất cả mọi người, Tiểu Đức Trương đã vất vả luyện tập võ công trong vòng 3 năm và đều áp dụng vào mỗi tiết mục biểu diễn của mình. Từ Hy thái hậu luôn tỏ ra thích thú khi xem ông diễn và đặt tên gọi thân mật cho ông là “Tiểu Đức Trương”. Từ đó, cái tên Tiểu Đức Trương được mọi người biết tới.

Tiểu Đức Trương đã dùng trăm phương nghìn kế để được Từ Hy thái hậu chú ý, quả là trời không phụ lòng người, không lâu sau, cơ hội của ông đã tới.



Các thái giám chụp ảnh cùng thái hậu(Ảnh: sxgov.cn)


Ngày 14/8/1900, Liên quân 8 nước tấn công vào thành Bắc Kinh, Từ Hy thái hậu cải trang thành nông dân, ngồi xe bò chạy trốn. Lúc đó, có rất nhiều vương công, đại thần đều muốn thoát thân nên không chú ý tới những thái giám thế lực bên cạnh Từ Hy thái hậu nhưng Tiểu Đức Trương thì khác, ông không rời xa thái hậu mà đợi thời cơ tới.

Trên đường đi Tây An chạy trốn, có một hôm trời mưa to làm đường trơn, xe không thể qua nổi, mọi người không có cách nào để đi tiếp. Thấy vậy, Tiểu Đức Trương bèn cõng thái hậu lên lưng và lội qua bùn. Đến nơi nghỉ ngơi, Từ Hy thái hậu đã vui mừng nói: “Nếu như con trai của ta cũng hiếu thảo được như vậy thì ta sẽ mãn nguyện lắm!” Tiểu Đức Trương thực sự thông minh, nghe thái hậu nói vậy, ông liền quỳ xuống đất, cúi đầu tạ ơn. Từ đó, ông trở thành con đỡ đầu của Từ Hy thái hậu và thái giám hầu hạ bà. Khi đó, địa vị của Tiểu Đức Trương lên như diều gặp gió, các quan tranh nhau ủng hộ ông, gửi tiền, gửi vàng còn các tiểu thái giám thì vây quanh, ân cần phục vụ.

Tiểu Đức Trương là chuyên gia mách lẻo, ông đã dùng thủ đoạn này để có được sự tín nhiệm của Từ Hy thái hậu. Sau khi biến pháp Mậu Tuất thất bại, hoàng đế Quang Tự bị đầy ra đảo, Tiểu Đức Trương thường hóng hớt nhất cử nhất động của hoàng đế để báo cáo với thái hậu. Trở thành con đỡ đầu trung thành của thái hậu đã khiến địa vị của Tiểu Đức Trương lúc đó ngang ngửa với cả Lý Liên Anh.

Tháng 10 năm 1908, hoàng đế Quang Tự, Từ Hy thái hậu lần lượt qua đời. Lý Liên Anh cảm thấy mất đi chỗ dựa vững chắc, cộng thêm tuổi già sức yếu nên đã chủ động chạy trốn, Tiểu Đức Trương bỗng dưng trở thành thái giám tổng quản. Năm 1909, Tiểu Đức Trương chính thức trở thành tổng quan của cung điện nhà Thanh, lên tới chức quan nhị phẩm, tiền bạc nhiều không kể siết. Giấc mơ của ông cuối cùng cũng thực hiện được.

Tiểu Đức Trương vẫn tiếp tục sử dụng tài năng ngoại giao tuyệt vời của mình để có được sự sủng ái của chủ mới, hoàng hậu Long Dụ. Quyền lực của Tiểu Đức Trương càng ngày càng tăng, rất nhiều đại thần đã phải kết nghĩa huynh đệ với ông ta với hy vọng Tiểu Đức Trương sẽ nói tốt về mình trước mặt Hoàng hậu.

Tiểu Đức Trương không phải hạng người không mục đích, ông phát hiện Viên Thế Khải là người có tiền đồ nhất bèn móc nối thông đồng, thường đem chuyện cơ mật của triều đình báo với Viên Thế Khải, giúp Viên Thế Khải bước đầu lấy được sự tín nhiệm của nhà Thanh. Ông ta còn ngang nhiên vi phạm quy định thái giám không được tham gia vào việc triều chính, thường xuyên nói chính sự trước mặt Long Dụ hoàng hậu, cũng như việc bổ nhiệm các quan trong triều để ăn hối lộ, những chuyện Lý Liên Anh không dám làm như Tiểu Đức Trương lại làm. Tiểu Đức Trương trở nên giàu có.

Nghe có vẻ hoang đường nhưng trong suốt 9 năm, đại thái giám này đã lần lượt cưới được 4 bà vợ. Tiểu Đức Trương có bao nhiêu tiền của, không ai biết rõ, mọi người chỉ biết rằng ông đã xây được một biệt thự sang trọng ở Kinh Tân và có tới 400-500 cỗ xe song mã. Sau khi mẹ ông mất, ông đã đúc cả núi vàng bạc cao 2 tấc để tưởng nhớ mẹ, không ai biết ông đã tốn bao nhiêu vàng, bạc vào việc này.

Năm 1911, cách mạng Tân Hợi thành công đánh dấu sự sụp đổ của nhà Thanh, thái hậu Long Dụ tuyên bố hoàng đế thoái vị. Theo điều kiện ưu đãi, hoàng tộc vẫn được ở lại Tử Cấm Thành, Tiểu Đức Trương vẫn tiếp tục làm “thái giám tổng quản”. Năm 1917, Tiểu Đức Trương cảm thấy triều đình nhà Thanh đã tới ngày tận số bèn bỏ chủ, chạy về Thiên Tân.

Thực ra Tiểu Đức Trương đã sớm sắp đặt đường rút lui, ông đã xây dựng một khuôn viên sang trọng tại quê nhà. Sau đó, ông đã mở cửa hiệu tại HongKong, Quảng Châu…và trở thành một nhà tư bản giàu có.

Tiểu Đức Trương và các bà vợ đã sống trong “thiên đường” của riêng mình, mua ô tô đi lại và thuê cả vệ sỹ để bảo vệ. Có lần, một bà vợ bé của ông định chạy trốn, ông đã ra lệnh cho cảnh sát bắt về và tra tấn dã man, không ai dám hỏi. Có thể thấy, khi ấy ông vẫn còn chút quyền lực.

Có điều Tiểu Đức Trương quá ngông cuồng, cộng với việc không biết quản lý tài sản nên tiền của ông cứ không cánh mà bay, cuối những năm 30, cơ nghiệp của ông bắt đầu sa sút.

Khi nước CHND Trung Hoa được thành lập, Tiểu Đức Trương vẫn còn là một địa chủ. Cuối những năm 50, cửa hàng, nhà xưởng của ông đều bị quốc hữu hóa, bản thân ông đi bán hoa quả chiên để sống. Vì thái độ tốt nên ông cũng được chính quyền khoan dung. Năm 1958, ông mất tại Thiên Tân.

Sầm Hoa (Theo people.com.cn)