Người 50 năm giải mã chữ của tổ tiên người Việt
12/04/2011 06:00

(VTC News) - Ông Xuyền nói: “Đây là chữ Khoa đẩu, chữ của người Việt cổ, của tổ tiên chúng ta. Từng chữ bốc lên như ngọn lửa, nên gọi là Hỏa tự”. Trong tôi trào dâng niềm xúc động, mặc dù, nhìn vào những dòng chữ đó, tôi chả hiểu được điều gì.

Tôi nhớ mãi cái buổi tại Trung tâm Văn hóa người cao tuổi ở phố Đặng Văn Ngữ (Đống Đa, Hà Nội), vào cuối năm 2007, ông giáo già người Phú Thọ, đã thuyết trình cả buổi trước 40 nhà khoa học, toàn các giáo sư, tiến sĩ, các nhà sử học, ngôn ngữ học, văn học nước nhà. Lúc thì trên máy chiếu, lúc trên bảng đen, ông như thầy giáo của thời xưa cũ, và các nhà khoa học lớn của nước nhà, như những học trò, ngồi nghe ông thuyết giảng về một loại ký tự lạ. Loại ký tự lạ ấy không phải của người ngoài hành tinh, mà chính là của tổ tiên chúng ta!


Ông giáo già Đỗ Văn Xuyền giảng giải về chữ Việt cổ (Ảnh: nhân vật cung cấp).

Tôi cũng từng được nghe đâu đó, trong sử sách, truyền thuyết, rằng tổ tiên ta cũng có chữ cổ, rằng thứ chữ ấy có tên Khoa đẩu. Quả thực, tôi rất tò mò về loại chữ này. Tôi đã nhiều lần đến bãi đá cổ Sapa, đôi ba lần đến bãi đá cổ Pá Màng (Liệp Tè, Thuận Châu, Sơn La, hiện các hòn đá đã được khai quật, giải phóng cho lòng hồ thủy điện Sơn La), bãi đá cổ ở Xín Mần (Hà Giang) và vinh dự là người đầu tiên được “người rừng” Trần Ngọc Lâm dẫn vào đại ngàn Hoàng Liên Sơn tận mắt bãi đá có hình khắc chưa từng được biết đến. Tuy nhiên, với khả năng hạn hẹp (gần như bằng không về cổ tự), tôi chỉ quan sát cho thỏa trí tò mò. Những hình vẽ loằng ngoằng đó liệu có phải cổ tự không, thú thật, tôi còn chẳng biết.


Theo các nhà khoa học, trên bãi đá cổ Sapa xuất hiện nhiều chữ Việt cổ.

Hôm nghe ông thầy giáo về hưu Đỗ Văn Xuyền nói như lên đồng trước đông đảo các nhà khoa học, trong hội trường chật hẹp, về một thứ chữ cổ của người Việt, đã thất truyền, giờ được ông giải mã, không riêng gì tôi, nhiều nhà khoa học vô cùng xúc động. Dù thứ ngôn ngữ và cách giải mã của ông giáo già Đỗ Văn Xuyền chưa được thừa nhận chính thức, song nó đã khẳng định một điều, rằng đất nước ta, rằng người Việt chúng ta, từ mãi thời Vua Hùng, từ tận thời Đông Sơn mấy ngàn năm trước, đã từng có chữ. Chữ là văn minh, chữ là thịnh vượng. Rằng chúng ta không phải những người “ăn nhờ” văn hóa, “đi mượn” chữ viết của các dân tộc khác. Điều này quan trọng biết bao, ý nghĩa biết bao và bớt đi tủi nhục biết bao.


Tác giả bên một hòn đá có chữ lạ ở bãi đá cổ Pá Màng (Liệp Tè, Thuận Châu, Sơn La).

Và ở bãi đá có hình khắc chưa từng được biết đến trong rừng Hoàng Liên Sơn.

Bẵng đi mấy năm, câu chuyện giải mã chữ Việt cổ, cách đọc chữ Việt cổ của ông giáo già Đỗ Văn Xuyền cũng chìm vào quên lãng. Không thấy người ta hội thảo, không thấy bàn tán, chẳng thấy khen chê, ủng hộ, cũng chả thấy ai phản bác cái công trình 50 năm trời lặn lội của ông giáo giá kia. Chẳng lẽ công trình tưởng như không có gì lớn bằng, không có gì ý nghĩa bằng kia, là thứ vô tác dụng, là thứ nói ra cho biết rồi tống vào tủ cho mối mọt gặm?

Ngày giỗ Tổ đến, cả triệu người dân nước Việt nô nức trẩy về đền Hùng, nơi thờ đức tổ Hùng Vương, với 18 chi, không biết bao nhiêu đời vua đã dựng xây, bảo vệ đất Việt suốt 2622 năm ròng (Từ thời Kinh Dương Vương 2879 TCN đến thời Thục Phán thôn tính nước Văn Lang 258 TCN). Tôi cũng hòa vào dòng người mang nỗi niềm xúc động tìm về tổ tiên. Trong lòng trào dâng bao ý nghĩ, bao thắc mắc về một thời khắc lịch sử rất dài mà có nhiều lộn xộn, khó hiểu. Thời đại Hùng Vương như một đám mây mênh mang, linh thiêng, bí ẩn và chưa được giải mã.


Chữ Việt cổ chỉ còn rải rác xuất hiện trên những đồ vật thời Đông Sơn, trong đó có trống đồng.

Lang bang với những ý nghĩ ấy, tôi chợt nhớ đến cái buổi hội thảo năm kia, ông giáo già tỉnh lẻ Đỗ Văn Xuyền, bằng công trình tâm huyết với tổ tiên, đã dựng lại cả một thời đại hùng tráng, thịnh vượng chả kém gì các nền văn minh rực rỡ của thế giới cổ đại. Thế là, rồi rời dòng người hối hả lên đền Hùng, tìm gặp ông giáo già Đỗ Văn Xuyền.

Ngôi nhà khang ở con phố nhỏ phường Tân Dân (Việt Trì), ngay cạnh Công an tỉnh Phú Thọ lúc nào cũng im ỉm khóa, khóa cả cửa kính lẫn cửa sắt. Cạnh đó, có quán nhậu thịt trâu 7 món và cá sông Hồng nổi tiếng của Việt Trì, khách rất đông, ồn ào, náo nhiệt.

Tôi bấm chuông mấy lần, người đàn bà mới ì ạch ra mở cửa. Bà nhìn tôi với ánh mắt không được thiện cảm. Tôi giới thiệu là nhà báo, bà bảo tôi vào ghế ngồi, rồi bà ngúng nguẩy lên gác.


Ông Xuyền với bức tranh mà ông mô tả bằng hình ảnh và chữ viết của người Việt cổ.

Một lát sau, ông giáo già Đỗ Văn Xuyền từ gác đi xuống. Câu đầu tiên ông nói: “Cậu thông cảm. Bà vợ coi tôi là kẻ vô tích sự, toàn ăn cơm nhà vác tù và hàng tổng. Bà ấy sợ các cậu đến, các nhà khoa học đến, lại thổi bùng lên nhiệt huyết trong tôi, rồi tôi lại bỏ nhà, bỏ mặc bà ấy lên đường tìm chữ cổ. Đấy là bà ấy nghĩ thế thôi, chứ niềm đam mê nghiên cứu chữ cổ đã ngấm vào máu của tôi hơn 50 năm nay rồi, cậu có động viên hay không thì tôi cũng vẫn say mê nghiên cứu. Suốt 50 năm trời, tôi tự mày mò, nghiên cứu, có cần ai động viên, ai cho tiền bạc gì đâu”.

Lúc này, tôi mới hiểu rõ tâm tư bà vợ của ông giáo già Đỗ Văn Xuyền. Cũng chả trách bà được. Công sức, tiền bạc, ông không dành cho gia đình, mà phục vụ thiên hạ, làm sao khiến phụ nữ vui cho được.



Những tài liệu chữ Việt cổ được ông Xuyền bảo quản cẩn thận trong tủ kính.

Tôi ngồi trò chuyện với ông Xuyền, vợ ông mang đên cốc nước rồi “lên án” chồng: “Ngày nào ông ấy cũng thức đến 12 giờ đêm nghiên với chả cứu. 3 giờ sáng ông ấy đã thức dậy rồi không ngủ nữa, cứ hì hục nghiên cứu chữ nghĩa. Mà cái thứ chữ ông ấy nghiên cứu có bán được đâu, có ăn được đâu. Tôi ở cùng nhà ông ấy, nhưng mấy chục năm nay, có mấy khi thấy mặt ông ấy đâu. Tiền lương hưu của ông ấy có hơn 2 triệu bạc, chả đủ để phô tô tài liệu, chứ đừng nói đến chuyện đi khắp trong Nam ngoài Bắc, lên rừng xuống biển. Có tiền ông ấy cũng đi, không có tiền ông ấy cũng đi, tôi ốm ông ấy cũng không thèm về, chả quan tâm gì đến cái gia đình này cả”.

Những lời trách cứ của bà vợ, đã nói rõ nhiệt huyết của ông giáo già Đỗ Văn Xuyền. Không bỏ nửa thế kỷ tâm huyết, không hy sinh tất thảy, làm sao ông Xuyền có thể hoàn thành một công trình lớn như vậy, công trình mà hàng trăm nhà khoa học đầu ngành về ngôn ngữ, lịch sử, đã ôm hận xuống suối vàng khi việc nghiên cứu còn dang dở.


Ông Xuyền dịch Hịch khởi nghĩa của Hai Bà Trưng sang chữ Việt cổ.

Nói điều này, không có nghĩa tôi công nhận công trình giải mã, phục hồi chữ Việt cổ của ông thầy giáo Đỗ Văn Xuyền là thành công tuyệt đối (việc này phải ở tầm cỡ quốc gia, quốc tế công nhận đã), nhưng tôi phải công nhận rằng, tâm huyết, trí tuệ của ông với văn hóa quốc gia là đáng trân trọng.

Để bắt đầu câu chuyện hành trình đi tìm chữ cổ kéo dài hơn 50 năm trời, ông Đỗ Văn Xuyền chọn lọc trong đống tài liệu ngập tủ tủ kính phòng khách và phòng làm việc trên tầng 2 của ông cho tôi xem.

Tôi lật từng trang tài liệu mà hoa cả mắt, rặt là một thứ chữ lạ, chẳng giống chữ Hán, chẳng giống chữ Nôm, cũng chẳng ra chữ Lào, chữ Thái. Ông Xuyền nói: “Đây là chữ Khoa đẩu, chữ của người Việt cổ, của tổ tiên chúng ta đấy. Từng chữ bốc lên như ngọn lửa, nên gọi là Hỏa tự”. Trong tôi tự dưng trào dâng niềm xúc động, mặc dù, nhìn vào những dòng chữ đó, tôi chả hiểu được điều gì.

Còn tiếp…

Phạm Ngọc Dương