Nói đến công phu Trung Hoa, ít ai biết đến môn võ nổi tiếng từ hơn 300 năm nay, từng được hoàng đế Khang Hy khen thưởng. Lý do ít người biết vì trước đây Bát Cực quyền truyền thụ theo lối bí truyền trong cộng đồng người Hồi.
Nơi phát nguyên Bát Cực quyền là Mạnh Thôn, thuộc khu tự trị dân tộc Hồi, cách Thương Châu tỉnh Hồ Bắc 37 km về hướng đông-nam. Dân ở đây vốn thiện chiến, có tinh thần thượng võ. Ngày trước, các tiêu sư bảo tiêu hàng hóa qua Thương Châu là xếp cờ lặng tiếng, không dám “hám tiêu”(hô tên tiêu cục của mình để mọi người tránh đường) vì cao thủ võ lâm ở đây rất nhiều, động vào dễ rách việc, do đó mới có câu “Tiêu bất hám Thương Châu”.





Mạnh Thôn Bát Cực quyền hình thành và phát triển từ đầu đời Thanh (khoảng năm 1644). “Bát cực” nghĩa là khi ra đòn, kình lực phát ra cả bốn phương, tám hướng. Môn quyền này pha trộn giữa phương pháp tự vệ cổ xưa của người Ả-Rập với các môn võ Trung Hoa như Thiếu Lâm, Võ Đang, Không Động… có đặc tính cương mãnh, chủ về tấn công, thường áp dụng chiêu thức Liên Châu Pháo trong cận chiến, thế mạnh như trương cung, đòn thế phát ra như sấm sét, lâm trận đối địch mạnh bạo, dữ dội, phát huy tối đa lực tấn công ở nắm tay, cùi chỏ, gối, đầu, sức công phá cực mạnh.





Bát Cực quyền có tính thực dụng cao, trong giới võ lâm từng có lời khen rằng “Văn dụng Thái Cực an thiên hạ, Võ hữu Bát Cực định càn khôn”- tức là Văn dùng Thái cực có thể an thiên hạ, Võ có Bát Cực quyền có thể định trời đất, điều này chứng tỏ Bát Cực quyền có tiếng vang rất lớn trong võ lâm Trung Quốc đương thời.



Đời vua Khang Hy triều Thanh, có hai đại lực sĩ người Nga sang thách đấu, hạ gục nhiều cao thủ Trung Quốc, hống hách tự xưng là thiên hạ vô địch. Cuối cùng, quyền sư Đinh Phát Tường chuyên luyện Bát Cực quyền ở Mạnh Thôn đã lên kinh thượng đài, sử dụng chiêu thức đặc dị của Bát Cực quyền, lần lượt hạ gục cả hai đại lực sĩ trước sự chứng kiến của hoàng đế Khang Hy và triều thần. Vua Khang Hy rất tán thưởng võ công của Đinh Phát Tường, ban tặng ông danh hiệu “Thiết tráng sĩ võ hiệp”. Bát Cực quyền từ đó lừng danh thiên hạ, nhiều nhân tài võ thuật ra đời từ Mạnh Thôn.




Hiện nay, người kế thừa và phát dương tinh hoa Bát Cực quyền ở Mạnh Thôn là võ sư Đinh Nhuận Hoa, hậu duệ đời thứ 13 của quyền sư Đinh Phát Tường. Đinh Nhuận Hoa thân hình vạm vỡ, cường tráng, hiện là Chủ tịch Hiệp hội võ thuật khu tự trị dân tộc Hồi tỉnh Hồ Bắc, chủ nhiệm Võ quán Tinh Anh Bát Cực Quyền, trực tiếp huấn luyện hơn 3.000 môn đồ. Năm mười tuổi, Nhuận Hoa bái quyền sư Đinh Ngọc Lâm, là cố vấn tối cao Liên hiệp hội học thuật Bát Cực quyền Thiên Tân làm thầy. Hơn 10 năm khổ luyện, từ năm 1956 Đinh Nhuận Hoa tham gia thi đấu tại các Hội thi võ thuật toàn quốc, tỉnh thành và nhiều lần đoạt giải quán quân.

Bát Cực quyền hiện lưu truyền rộng rãi ở bắc Trung Quốc, Đài Loan, Nhật Bản, là môn võ được truyền dạy trong hệ thống quân đội và cảnh sát vì có nhiều đòn hiểm và tính thực chiến cao.

Kỹ thuật đơn giản mà hiệu quả, hệ phái võ thuật cổ điển này hiện nay rất phổ biến ở Bắc Trung Quốc và được nhiều giới theo học, nhất là thanh niên. Tuy nhiên do Bát cực quyền rất khó luyện đại thành, đòi hỏi môn đồ thực hành cần cù miệt mài nên ít người đạt trình độ cao.