Trong kinh Phật dạy: Bồ tát giản dị lắm, một chúng sinh biết tu, biết tỉnh giác, là Bồ tát, là hữu tình giác. Một chúng sanh hữu tình biết giác ngộ, lại còn phát tâm giác ngộ cho kẻ khác nữa, đó mới thật là Bồ tát, tự giác, giác tha, tự lợi, lợi tha đầy đủ.

Trong cuộc sống này, người nào không bị ngũ dục lôi cuốn, lại thường tập tu, biết tỉnh giác và tìm cách tỉnh giác cho người chung quanh mình, đó là Bồ tát. Bồ tát giác ngộ cái gì? Trước hết Bồ tát thấy thân tứ đại, ngũ uẩn nầy không thiệt có, nó tạm bợ vô thường. Kế đó thế giới cũng giả tạm không thiệt, ngay cả trong thân tâm ta cũng là giả tạm. Đối với ngoại cảnh biết là vô thường, đó là điều giác ngộ thứ nhất.

Biết người nào cả ngày, cả đời say mê theo ngũ dục, người đó phải bị trầm luân khổ hoài, khổ mãi, không phải khổ trong đời này mà thôi, mà phải nối tiếp không biết bao nhiêu đời về sau nữa, phải khổ cực dài dài, đời đời kiếp kiếp không cùng tận. Nguyên nhân chính của sự trầm luân sanh tử kiếp kiếp đời đời này gốc từ lòng tham dục mà ra, đó là phần giác ngộ thứ hai.

Nếu người nào tâm tham dục không biết chán, không biết đủ, thì tội ác càng ngày càng tăng trưởng, tham dục là gốc của tội lỗi, sẽ tuỳ theo sự giảm thiểu tham dục tội lỗi cũng theo đó mà giảm, mà hết. Như vậy, người phật tử chân chánh biết tu thì phải ít muốn biết đủ, đó là điều giác ngộ thứ ba.

Đức phật gọi cõi Ta bà chúng ta hiện đang sống đây là cõi dục giới, do đó con người lòng tham nặng, quá sân, người nghèo tham đã đành, người giàu bao nhiêu cũng không thấy đủ. Trong Khế kinh Phật dạy: “Tri túc chi nhơn, tuy ngoạ địa thượng vu vi an lạc; Bất tri túc chi nhơn tuy xử thiên đường diệc bất xứng ý”, nghĩa là người biết đủ dù nằm dưới đất, co tay làm gối, ăn cơm hẩm cũng cảm thấy an vui; còn người không biết đủ dù có ở trên cung trời cũng vẫn không vừa ý.

Cho nên người nào biết an phận, tuỳ duyên, dù trong mọi hoàn cảnh nào, lúc nào cũng được an vui. Trong kinh Di giáo Phật dạy: “Nhược dục thoát chư khổ não, đương quận tri túc; tri túc chi pháp, tức thị phú lạc, an ổn chi sư”, nghĩa là nếu muốn thoát mọi sự khổ não, cần phải phán xét suy nghiệm hai chữ tri túc (biết đủ), bởi vì phương pháp tri túc đây, tức là giàu có an lạc nhất, an ổn nhất của con người.

Ngài Ấn Quang pháp sư có dạy: “Cơm rau đỡ dạ đói; Nhà cỏ che gió sương; Người đời nếu biết đủ; Phiền não chẳng còn vươn”. Cho nên người nào càng ao ước cho mình có được danh vọng ở đời cao chừng nào, là khổ chừng nấy, người nào biết đủ là tự tại, an lạc trong cuộc sống.

Đức Phật nói: người nào tham dục nhiều thì phải bị khổ cả ba giai đoạn. Khi chưa có thì tham muốn, mong cầu cho mình có; khi tìm cầu đã được rồi, phài lo nghĩ cách nào để giữ gìn, tính toán đủ thứ lăng xăng, lo sợ không giữ được bị mất; khi bị mất lại cảng khổ hơn, khổ gấp bội, buồn rầu, mất ăn, mất ngũ, có khi không còn muốn sống nữa, mong cầu chưa được thì buồn khổ, mất đi lại càng khổ hơn. Ba giai đoạn đều là khổ, chỉ có người không ham cầu chi cả, là không còn cái gì làm cho mình phải khổ được.

Vì vậy, muốn hết khổ phải bỏ ý tham cầu, không phải có nhiều mới hết khổ, chỉ một điều duy nhất là không tham cầu là không có khổ. Hàng Bồ tát thường cam chịu nghèo để giữ gìn đạo đức, người phật tử hiện tại cũng thường là nghèo, vì chưa có thì chưa tham cầu, đã có của cải thế gian lại lo bố thí, giúp đỡ người, nghèo mà không tham cầu, không buồn phiền, là người có tinh thần giác ngộ.

Thế nên ngày nay, trong xã hội ngày càng phát triển này, con người có thể tri túc, thiểu dục được không. Con người có biết dừng lại với những tham vọng của mình chăng hay lại bị rơi vào vòng xoáy của sự phát triển nền kinh tế tri thức. Kẻ có tinh thần giác ngộ là người vẫn sống trong xã hội đó nhưng lại giác ngộ được chân lý của cuộc sống. Thân tuy còn tục nhưng tâm lại lìa cõi mê, làm tất cả các công việc mà chẳng thấy mình làm, ấy mới xứng đáng là Bồ tát của các Bồ tát, là thánh hiền đó vậy, bởi vì:

“Cư trần bất nhiểm là người Thánh

Lẫn tục đừng mê chứng bậc Hiền”

Đó là phần giác ngộ quan trọng nhất trong tất cả các phần giác ngộ, mà chúng ta cần tu tập để đưa Phật giáo trở thành một phương tiện nhập thế hàm chứa sự giải thoát xuất thế gian.
Huệ Minh