PHÁP THƯỜNG TỰ HÓA (Attānusāsanī)
Đức Phật có giải trong kinh Saṃyuttanikāya rằng Natthi attasamaṃ pesaṃ: Không thương cái chi cho bằng thương cái TA. Tiếng gọi là TA ấy, Phạn ngữ gọi là ATTA hay là ATMAM là để chỉ về cái TÂM vậy. Bởi tâm nương theo thân, nên mới có suy nghĩ đến điều quấy sự phải, biết lẽ tà điều chánh. Thân và tâm nương lẫn nhau mới hay cử động được, nhơn đó mới hiệp thân và tâm lại gọi là TA vậy.
Lẽ thường, thiên hạ đều thương cái TA hơn cả mọi vật, chẳng có một ai là ngươi mến yêu nhân vật nào khác cho bằng hoặc hơn cái TA. Chẳng cần nói đến người có nhan sắc xinh đẹp, dầu là kẻ tàn tật (cùi, phong, mù, điếc), họ cũng vẫn thương cái TA hơn hết. Cho đến chồng vợ, con cháu, vàng bạc, châu báu, đều là cái đáng thân thiết lắm, mà họ cũng chẳng thương hơn cái TA của họ được.
Tất cả mọi người trên thế gian đều làm đủ các công nghệ, là họ chỉ mong được lợi ích cho cái TA.
Như kẻ lao công, thầy thuốc, buôn bán, công chức, tư chức, các ty, các sở, các ngành, thì họ cũng đều trông được sự ích lợi cho cái TA trước.
Cho nên Đức Phật Thích Ca có giải rằng: Không thương vật chi cho bằng thương cái TA, là lẽ như vậy.
Con người làm những việc gì, là chỉ mong mỏi được sự hạnh phúc cho cái TA. Nhưng phần đông hằng để ý chuyên về điều danh lợi nhãn tiền, không lòng lo xét đến sự lợi ích hậu lai; có kẻ đã chẳng tìm làm việc phước đức, nhứt là không Bố thí, Trì giới, mà lại còn để cho thân, khẩu, ý xu hướng theo Nghiệp dữ, nên phải mang quả khổ từ đời nầy, đến kiếp sau, mà vẫn chưa tự tỉnh. Cách hành động như thế không gọi là thương cái TA được. Dường ấy Đức Phật thuyết là ghét cái TA vậy.
Cho nên các bậc Thiện trí thức, khi đã rõ rằng: "Nếu TA thật thương TA, TA phải sớm mau hồi đầu hướng thiện, bỏ dữ về lành, tránh xa tam độc là tham, sân, si, không nên để cho phiền não, lấm nhơ đến tâm trí ta vậy. Vả lại sanh mạng con người và súc sanh vẫn không bền vững lâu dài; cái già, cái đau, cái chết hằng ở trước mắt. Nếu Ta dễ duôi hoặc tà kiến lầm tưởng rằng: Ta chưa chết sớm, thì làm cho Ta lại càng chìu theo cái vọng tâm, thi hành những nghiệp dữ chẳng sai. Nếu trong lúc Ta dể duôi lầm lạc ấy mà nhằm ngày mạng chung, dầu Ta có muốn tạo việc lành chăng nữa thì cũng khó làm cho kịp được, (bởi cái tâm chưa quen tạo nghiệp lành).
Lại nữa cái chết là một cái khổ lớn nhứt. Như vậy lẽ nào ta còn dễ duôi, không lo tìm con đàng để tránh trước nghĩa là phải Bố thí, Trì giới, Tham thiền, hoặc niệm Phật cho tinh tấn, trong lúc sinh thời đây, đến khi cái chết đến, chắc phải loạn động, thì cái thân người ắt mất, phải bị đọa một trong 4 đường dữ (súc sanh, a-tu-la, ngạ quỉ, địa ngục) chẳng sai, khó trở lại làm người nữa được. (Hiệp theo trong Nho có câu: "Nhứt thất nhơn thân, vạn kiếp nan tái phục".
Vậy Ta phải hết lòng thương tiếc đến Ta cho lắm, phải nhớ đến câu: vạn kiếp nan sanh đắc cá nhơn (muôn kiếp khó sanh đặng làm người). Cho nên Đức Phật có giải trong kinh Khuddanikāya rằng:
Kiccho manussapaṭilābho,
Kicchaṃ maccāna jīvitaṃ,
Kicchaṃ saddhammassavanaṃ,
Kiccho buddhānamuppādo.

Nghĩa: Được luân hồi lại làm người là khó, được sống lâu là khó, được nghe Phật Pháp là khó, được gặp Đức Phật ra đời là khó.
Về bốn điều khó trên đây Đức Phật có giải rằng:
1. Khó được sanh ra làm người,
2. Sanh ra làm người rồi khó được sống lâu,
3. Được sống lâu rồi, khó được nghe Phật Pháp.
4. Khó được gặp Đức Phật.

Chỗ nói khó được sanh ra làm người ấy có giải rằng: Chúng sanh được đầu thai làm người, thật là chẳng dễ, thật là rất khó. Chỉ phải một lòng tinh tấn làm việc phước đức cho nhiều, thì mới có thể trở lại làm người nữa được. Đã sanh ra làm người rồi, mà cũng khó được toàn vẹn, bởi con người có 4 hạng:
1. Manussanerayiko, là người như kẻ Địa ngục.
2. Manussapeto, là người như Ngạ quỉ.
3. Manussatiracchāno, là người như Súc sanh.
4. Manussabhūto, hay là Manusso, là người thật.

Người như kẻ địa ngục là bởi kiếp trước làm việc chẳng lành, nhứt là phạm tôị sát sanh bị cắt tay hoặc cụt chơn, phải chịu điều khổ não hằng ngày. Hạng người như đây, gọi là như chúng sanh trong địa ngục, là người cũng có thân thể như ai, nhưng phải chịu lao khổ như kẻ ở địa ngục.
Hạng người không thể hưởng vật thực ngon ngọt được, là do kiếp trước đã làm nhiều nghiệp dữ, nên nay bị đói khát khó khăn, cùng cực, không nơi nương dựa. Hạng người như đây gọi là như Ngạ quỉ, là người cũng có thân thể như ai, nhưng hằng bị đói khát, khổ cực như quỉ đói.
Lại có người để dùng về việc khiêng, gánh, kéo, vác nặng nề cho kẻ khác, làm những điều tội lỗi, hằng bị người nạt nộ, đánh chưởi, bị sự mệt nhọc, buồn lo, không phân biệt phải quấy, không lòng hổ thẹn, lánh dữ làm lành. Hạng người như đây, gọi là súc sanh, là người cũng có thân thể như ai, nhưng phải làm những việc tội lỗi không lòng hổ thẹn ăn năn, chẳng khác nào súc vật.
Hạng người rõ biết gốc ngọn, điều tội việc phước, tin lý nhân quả, vì hổ thẹn và ghê sợ tội lỗi, có lòng từ bi, tránh xa nghiệp dữ một lòng tinh tấn tu theo thập thiện. Người mà hành động như nói đây, mới gọi là người thật, đã có thân hình đều đủ, mà lại còn biết Bố thí, Trì giới vân vân...
Bởi có nhiều duyên cớ khó sanh ra đặng làm người cho vẹn toàn, nên Đức Phật có nói: Kiccho manussapaṭilābho
Nghĩa: Được sanh ra làm người là một sự rất khó, mà đã sanh ra làm người rồi muốn gìn giữ cho được sống lâu lại là một việc rất khó; vì sanh mạng của người và cầm thú rất là mỏng manh, thân mình rất mau hư hoại, tuy cố gắng trau giồi săn sóc thuốc men thì cái sống cũng chẳng đặng lâu dài.
Lại nữa, dầu có sống lâu cũng khó mà nghe được giáo pháp của bậc Thiện trí thức giảng giải lẽ chánh lời ngay. Rất khó được dịp may mà gặp Phật ra đời. Chẳng có cái khó nào sánh bằng cái tu cho thành bậc Chánh giác, vì phải chí công chí đức, tu tròn đủ 30 pháp thập độ.
Phương pháp chứng bậc Phật Toàn Giác có ba hạng:
1.- Paññādhika, do nhiều trí tuệ, tu 4 A-tăng-kỳ và 100.000 kiếp mới chứng quả.
2.- Saddhādhika, do nhiều đức tin, tu 8 A-tăng-kỳ và 100.000 kiếp mới chứng quả.
3.- Viriyādhika, do nhiều tinh tấn, tu 16 A-tăng-kỳ và 100.000 kiếp mới chứng quả.

Chỗ nói kiếp là chỉ về cái hiệu tuổi của trái đất.
Phật có giải cho các thầy Tỳ-khưu rằng: Các thầy Tỳ-khưu nầy! tiếng nói Kiếp ấy chẳng phải đến trăm hoặc ngàn năm mà được đâu, chỉ phải hiểu bằng cách thí dụ mới đặng. Các thầy Tỳ-khưu nầy! Ví như một đống hột cải cao lớn một do tuần vuông vức bốn góc bằng nhau, đến 100 năm mới có một người đến lấy hột cải trong đống ấy ra, như vậy cho đến hết, mới gọi là một kiếp.
Bốn A-tăng-kỳ là một Đại A-tăng-kỳ.
Trong kinh Paramatthadīpanī atthakathā cariyā piṭaka có giải phân minh. Đây chỉ nói tóm tắt cho biết thời kỳ có 1 vị Phật Tổ ra đời chẳng phải là dễ, thật là vô lượng vô biên kiếp mới có. Chỉ phải cố gắng tu hành cho tinh tấn, trọn đủ pháp thập độ, mới có thể chứng quả Phật được, bằng tu còn thiếu sót một chút cũng khó thành bậc Chánh Đẳng Chánh Giác. Như lúa trong ruộng, nếu chưa đến kỳ thì cũng chưa có thể trổ bông, sanh hột được. Cho nên Đức Thế Tôn có thuyết rằng: Kiccho budhānamuppādo, nghĩa là cách ra đời của 1 vị Phật Tổ là một sự khó.
Nay chúng ta sanh ra làm người, đã được mạnh khỏe thêm gặp Phật Pháp (Tam Tạng) là Phật ngôn rất quí báu ví như mình gặp được Đức Phật vậy, tức là mình đã khỏi 4 điều khó đã kể trên, là mình rất hữu phước. Đó là một dịp may rất quí cho chúng ta phải sớm mau hướng thiện: Bố thí, Trì giới, Tham thiền, niệm Phật, học hỏi chơn lý cho chu đáo ngõ hầu trau dồi thân tâm trong lúc hiện thời, cho kịp kỳ, chớ nên say mê theo lục dục làm cho mất cái thân người đi, thì ắt khó kiếm lại được. Ví như người có thuyền bè xe cộ, không lẽ để cho nó hư mục, tan rã, phải nên dùng nó để chở chuyên hàng hóa, đi buôn lấy lời; cũng như chúng ta có cái thân người không lẽ để cho nó già, để cho nó chết vô ích, cần phải dùng nó làm việc lợi ích nghĩa là phải sớm mau tỉnh ngộ, hồi đầu hướng thiện, lánh dữ làm lành, Bố thí, Trì giới, để hưởng cái quả vui trong đời này và kiếp sau.
Lại nữa, những người có làm việc lành như là Bố thí, Trì giới, mới đáng gọi là người biết thương TA.
Đức Phật có giải rằng:
Attānañce piyaṃ jaññā,
Rakkheyya naṃ surakkhitaṃ,
Tiṇṇaṃ aññataraṃ yāmaṃ,
Paṭijaggeyya paṇḍito.

Nghĩa: Nếu bậc Thiện trí thức đã biết thương cái TA, thì phải gìn giữ cái TA cho được trong sạch.
Hỏi: Nếu muốn cho cái TA được trong sạch thì phải làm như thế nào?
Đáp: Người tại gia phải tu hạnh Bố thí, trì Ngũ giới, Bát giới tùy theo sức mình. Bậc xuất gia phải hành tròn phận sự là học Kinh Luật cho nhuần nhã và vâng giữ hành theo, mới gọi là trau giồi thân tâm được trong sạch.
Kinh Saṃyuttanikāya có nói lúc Đức Phật Thế Tôn ngự tại thành Xá Vệ, có Đức vua Pasenadi Kosala ngự đến làm lễ Phật và bạch rằng: Tôi có suy nghĩ rằng, những người hành theo Tam nghiệp tội (thân, khẩu, ý ác), thì không gọi là thương TA đâu, dầu họ có nói thương TA, thì cũng gọi là ghét TA. Trừ phi những người hành theo Thập thiện, thì mới đáng gọi là thương TA cho vậy.
Đức Thế Tôn đáp: Phải rồi, Đại Vương! Phải như vậy rồi, chúng sanh nào hành theo thân, khẩu, ý ác, thì chúng sanh đó đều là người chẳng phải thương cái TA, phải gọi là ghét cái TA vậy. Dầu là họ nói là thương cái TA, thì cũng gọi là ghét cái TA thật. Những chúng sanh nào hành theo Thập thiện, mới nên gọi là thương cái TA thật.
Cớ ấy, những bậc Thiện trí thức, nếu đã biết thương cái TA, thì phải tránh xa Nghiệp dữ tu theo Thiện nghiệp cho tinh tấn, để hưởng hạnh phúc trong đời nầy và đời sau.
Kinh Khuddakanikāya có nói:
Nagaraṃ yathā paccantaṃ,
Guttaṃ santarabāhiraṃ,
Evaṃ gopetha attānaṃ,
Khaṇo ve mā upaccagā,
Khaṇātītā hi socanti,
Nirayamhi samappitā.

Nghĩa: Con người phải trau giồi thân tâm cho được trọn lành, cũng như nhà vua cai trị cả nội địa và ngoại biên cho nghiêm nhặt.
GIẢI RẰNG:
Chỗ nói trau giồi thân tâm cho lành, như nhà vua sửa trị trong nước ấy, có so sánh và thí dụ như sau nầy:
Lẽ thường nhà vua (lúc xưa) ngăn ngừa đạo tặc trong nước do theo 7 cách:
1.- Esikā: Đóng cột cừ cho sâu, cho thật chắc.
2.- Parikkhāro: Đào hào chung quanh cho sâu.
3.- Anupariyayāpatho: Làm tường theo trong lũy cho dày và cao, cho binh núp để cự giặc.
4.- Bahumā vudhaṃ: Tích trữ khí giới cho nhiều.
5.- Bahubalakāyo: Mộ binh cho đông.
6.- Dovāriko: Có lính canh gác cửa thành cho nghiêm nhặt.
7.- Pākāro: Đắp lũy chung quanh.

Xứ nào mà nhà nước cai trị theo 7 điều ấy, thì nhơn dân sẽ được an cư, không bị giặc giã quấy rối, lại thêm đầy đủ bốn món vật thực như sau nầy:
1.- Có cây trái nhiều.
2.- Có lúa nếp nhiều.
3.- Có mè đậu nhiều.
4.- Có sữa đặc, sữa tươi, dầu, mật ong, nước mía nhiều.

Ví như các bậc tu Phật, nên trau giồi thân tâm theo 7 phép là:
1.- Saddho: Đức tin Tam bảo.
2.- Hirimā: Hổ thẹn nghiệp dữ.
3.- Ottappī: Ghê sợ nghiệp dữ.
4.- Bahussuto: Học hỏi và rõ thông Phật Pháp cho nhiều.
5.- Āraddhaviriyo: Tinh tấn trong việc lành.
6.- Satimā: Ghi nhớ việc lành để trau giồi thân tâm cho thanh tịnh.
7.- Paññavā:Trí huệ xem thấy lẽ hiệp tan của Ngũ uẩn.

- Nếu bậc tu Phật hành theo 7 phép ấy thì sẽ được an vui, không bị phiền não quấy loạn hằng đắc tứ định (sơ định, nhị định, tam định, tứ định).
- Chỗ nói không nên bỏ qua thời kỳ ấy, là chỉ về 4 thời kỳ quý báu là:
1.- Thời kỳ đức Phật chứng quả,
2.- Thời kỳ mình được sanh nơi trung ương Ấn độ.
3.- Thời kỳ có chánh kiến.
4.- Thời kỳ mình có đủ lục căn.

Nay hai thời kỳ trên đã qua rồi, nhưng chúng ta vẫn còn hữu duyên lắm, là chúng ta gặp được Phật Pháp, mà gặp Phật Pháp tức là gặp Phật vậy. Tuy Phật đã nhập Niết-Bàn, nhưng Ngài còn để Giáo Pháp lại. Pháp là lời Phật ngôn đã giáo truyền trong khi ngài còn tại thế, cho nên nói "Pháp" tức là Phật vậy. Dầu chúng ta không được sanh nơi Trung Ấn độ thì cũng ví như được sanh trong xứ ấy, vì xứ ta nay có đủ Tam Tạng (Kinh, Luật, Luận).
- Phần đông chúng ta đều tín ngưỡng nơi Phật pháp, gọi là chúng ta có Chánh kiến, thêm có lục căn tròn đủ, thì chúng ta đều là người rất hữu phước. Vậy phải nên trau giồi thân tâm cho trong sạch, chẳng nên dể duôi bỏ qua việc lành. Phải tu thân, khẩu, ý, cho thanh tịnh, cũng như nhà vua sửa trị nhân dân, được an cư, có đào hầm đắp lũy, tích trữ khí giới, vân vân...
- Lại nữa, nếu chúng ta là người biết thương cái TA, và muốn được hưởng quả Niết-Bàn, là nơi cực lạc trong đời vị lai, thì phải dứt bỏ việc dữ, hành theo điều lành, mới có thể hưởng sự an vui, y theo lời Phật có dạy rằng:
Dunniggahassa lahuno,
Yattha kāmanipātino,
Cittassa damatho sādhu,
Cittaṃ dantaṃ sukhāvaham.

Nghĩa: Pháp tu cái tà tâm, là cái rất khó sửa dạy, là cái hay mê sắc dục, cho trở nên chơn tâm thì hằng được an vui đời đời, kiếp kiếp.
GIẢI RẰNG:
Tâm mà bị sự chẳng lành, nhứt là điều thương mến đã phát khởi lên, thì Nghiệp dữ ắt sanh, nhứt là phạm sát sanh, nói dối, hành ác, hoặc nói dữ, ắt bị mang quả khổ trong đời nầy và đời sau. Dầu quả báo chưa đến kịp trong kiếp hiện tại, nó cũng sẽ đến trong kiếp vị lai chẳng sai.
Ví như con chó săn đuổi theo kịp con thịt rừng giờ nào, nó sẽ ăn tươi giờ ấy; ví như bánh xe lăn theo chân con bò kéo xe vậy, y như Đức Phật có giải trong kinh Khuddhakanikāya rằng:
Manopubbaṅgamā dhammā,
Manoseṭṭhā manomayā,
Manasā ce paduṭṭhena,
Bhāsati vā karoti vā,
Tato naṃ dukkhamanveti,
Cakkaṃ' vā vahato padaṃ
.

Nghĩa: Tâm chủ, tâm là lớn, thành tựu do tâm (thân, khẩu, ý làm những việc gì đều do nơi tâm đã nhứt định trước), nếu con người đã có tâm ác, thì ắt làm hoặc nói lời ác chẳng sai. Những hạng nầy hằng phải mang quả khổ, cũng như bánh xe lăn theo chân bò kéo xe vậy.
Người nào được học hỏi, thông rõ nghĩa lý Phật Pháp và đã thọ trì theo, thì việc làm hoặc lời nói của người ấy đều là lành cả. Người ấy hằng được quả vui chẳng dứt, y theo lời Phật ngôn rằng:
Manopubbaṅgamā dhammā,
Manoseṭṭhā manomayā,
Manasā ce pasannena,
Bhāsati vā karoti vā,
Tato naṃ sukhamanveti,
Chāyā' va apanāyinī.

Nghĩa: Tâm là chủ, tâm là lớn, thành tựu do tâm (thân, khẩu, ý, làm những việc gì đều do nơi tâm lành), thì ắt làm hoặc nói việc lành chẳng sai. Những người hạng nầy hằng được những quả vui cũng như bóng tùy hình vậy.
Cho nên những bậc thiện hữu trí thức hằng chuyên cần trau giồi tánh nết ở theo chánh pháp, cho thân khẩu, ý thường được trong sạch, nếu tâm đã trong sạch thì thân và khẩu đều trong sạch, ví như người cầm lái thuyền sáng trí lẹ làng thì có thể làm cho thuyền được đi ngay thẳng và mau đến bến, bằng một cách dễ dàng, không sợ lầm lạc. Nhưng sửa trị cái tâm cho ngay lành là một điều rất khó. Bởi cái tâm hằng tráo trở xao động bề này, thế kia, cho nên nói sự tu tâm chẳng dễ vậy. Y theo lời Phật rằng:
Phandanaṃ capalaṃ cittaṃ,
Durakkhaṃ dunnivārayaṃ,
Ujuṃ karoti medhāvī,
Usukāro' va tejanaṃ.

Nghĩa: Các bậc Thiện trí thức hằng tu cái vọng tâm, là cái tâm khó gìn giữ, khó ngăn cấm; khó sửa trị cho trở nên chơn tâm được. Ví như anh thợ làm tên, khó uốn sửa cây tên cho ngay thẳng được.
GIẢI RẰNG:
Đức Thế Tôn có giảng giải về cái tâm thật là rất khó trị. Bởi cái tâm hằng xao động, tráo trở, quyến luyến theo lục trần cho nên khó giữ gìn, ngăn ngừa cho nó yên lặng được. Dầu muốn cho nó ở yên trong một nháy mắt cũng khó đặng. Ví như đứa trẻ vừa mới biết ngồi, vừa mới biết đi, biết chạy, thì khó mà gìn giữ cho nó ở yên trong một oai nghi được lâu dài, hoặc ví như con bò không thuần, hay ăn lúa mạ nơi đàng chật hẹp, thì khó cho chủ ngăn ngừa, chặn giữ không cho nó ăn lúa mạ được.
Tuy rằng cái tâm rất khó sửa trị, như đã nói trên, nhưng các bậc Thiện trí thức, tu cái tâm ấy được trở nên ngay lành, do nhiều phương pháp khác nhau. Ví như anh thợ làm cung tên, đi vào rừng đốn cây, lột vỏ xong đem về ngâm nước cơm, hoặc cho thấm dầu rồi đem hơ lửa cho cây ấy mềm mại, rồi đóng nọc, để uốn sửa cây ấy trở nên ngay thẳng được, làm thành cây tên ngay thẳng, bắn đâu trúng đó, làm cho tiếng đồn thấu đến tai vua, đức vua nghe danh anh thợ ấy có tài, làm cung tên rất khéo, bắn rất hay. Nhà vua bèn ngợi khen và trọng dụng anh thợ ấy và phong cho quyền cao tước cả. Việc nầy cũng ví như bậc Thiện trí thức có tài trí thông rõ Phật Pháp được sửa trị cái vọng tâm, bỏ dữ về lành dứt lòng phiền não, nương theo phép đầu đà, ẩn tu nơi rừng núi, thanh vắng, dùng đức Tin, lòng Từ bi và sự Tinh tấn đễ tu phép Thiền định và Trí tuệ để sửa trị cái tâm trở nên ngay lành, cùng suy cứu cho thấu rõ các sắc tướng đều là Vô thường, Khổ não, Vô ngã, vét sạch cái màn vô minh, tà kiến, đắc Lục thông chứng quả Bồ đề, là bậc đáng cho tất cả chúng sanh, trời người v.v... lễ bái cúng dường; ấy mới đáng là nhà tu Phật vậy. Phương pháp tu cái tâm cho trở nên trong sạch, thật là quí báu. Bởi cái tâm con người hằng quyến luyến theo 5 phép cái (Nīvaraṇadhamma).
1.- Tham luyến ngũ trần (Kāmachanda).2.- Oán hận (Byāpāda).3.- Hôn trầm (Thīnamiddha).
4.- Phóng túng (Uddhaccakukkucca).
5.- Hoài nghi (Vicikicchā).

Lẽ thường vàng y, nếu có 1 trong 5 vật: sắt, đồng, kẽm, chì và bạc lộn vào rồi thì làm cho mất sự tinh anh của chất vàng đi. Cũng ví như cái tâm của con người trước kia sáng suốt thanh tịnh đến khi bị 1 trong 5 phép cái nhiễm vào làm cho tâm bất tịnh nên tạo những việc gì đều chẳng được chơn chánh. Tuy vậy, các bậc Thiện trí thức, chẳng khi nào ngã lòng về việc sửa trị cái tâm theo phép Thiền định.
Các bậc hành giả muốn tu phép ấy, trước hết phải chọn 1 trong 40 phép, cho hạp với đặc tính của mình, ví như người có bịnh, nếu muốn uống thuốc cho lành trước phải chọn lựa vị thuốc cho nhằm bịnh rồi mới nên uống, ắt sẽ được mau lành mạnh.
Lại nữa, chẳng phải một vị thuốc mà cứu chữa cả thứ bịnh, cũng như một pháp Thiền định chẳng phải hạp với đặc tính của mọi người. Cớ ấy, bậc hành giả cần phải học cho thông rõ 40 đề mục Thiền định rồi chọn lấy một đề mục, để quán tưởng mới có thể sửa trị cái tâm mau được trở nên trong sạch.