Võ sư hành hiệp

Bài 1: Vượng khí lân sư rồng
2200, 02/02/2006Võ Khối - Lữ Đắc Long


Múa rồng của đoàn Nhơn Nghĩa Đường - (ảnh: D.Đ.M)
"Kỳ lân xuất thế, thiên hạ thái bình" - tích xưa là như vậy còn các bậc cao niên chúng tôi gặp thì bảo rằng múa lân làm tỏa ra "vượng khí", giúp gia chủ làm ăn phát tài, gặp nhiều may mắn...


Không biết có đúng thế không? Chỉ biết rằng nhiều võ sư đã và đang khổ luyện để hành hiệp theo nghiệp lân và trên thực tế, những đoàn "lân sư rồng" của họ đi đến đâu cũng được nhà nhà cổ vũ cuồng nhiệt, người người nô nức đón xem.

Sáng mùng một Tết, khi chúng tôi có mặt tại đại sảnh khách sạn Equatorial ở góc chữ U Trần Bình Trọng - Trần Phú và Hùng Vương (quận 5, TP.HCM) đã thấy những tay múa trẻ với trang phục rực rỡ cùng tiếng trống, tiếng chiêng dậy trời của đoàn lân sư rồng Hằng Anh Đường thực hiện một pha có tên gọi là "song sư hí cầu". Hai con sư tử do bốn tay múa điều khiển đứng trên hai quả cầu bằng đồng lăn theo đường vòng cung bằng một thái độ hứng khởi, phấn chấn. Rồi lúc đến cao trào thì bất ngờ tung lên, một con chỉ đứng bằng hai chân sau, con còn lại thì chồng thêm một võ sĩ hiên ngang trên lưng diễn trọn một vòng đến chiếc bàn hình chữ nhật có phủ khăn đỏ mới chịu thả xuống.



Võ sư Từ Tiết Hằng, Trưởng đoàn lân sư rồng Hằng Anh Đường - (ảnh: T.L)



Tiếp theo đó, các màn lân đi cà kheo, múa rồng, biểu diễn nội công... cũng đều được các tay múa thể hiện thiện nghệ. Nhưng ám ảnh còn đeo đuổi chúng tôi khi tiếng trống đã dứt hẳn và trên suốt chặng đường về là màn kết thúc lúc 10 giờ 30. Lúc đó, hai tay múa Huỳnh Hoài Trung và Hoàng Thọ Nhân đưa con lân lướt trên những chiếc cọc sắt trong tiết mục có tên gọi mỹ miều là "mai hoa thung" khiến chúng tôi như nghẹt thở. Ngoài đời, "mai hoa thung" là tên gọi một "thế trận" nổi tiếng mà dân nghề võ hầu như ai cũng biết. Nhưng Hoài Trung và Thọ Nhân hôm ấy không "đánh" mà... múa lân. Họ nhảy những bước cao ngất, nhẹ nhàng đáp xuống trên hai cọng dây cáp, chồng người lên thẳng đứng, múa trên cầu dây... rồi bất ngờ lao nhanh đến chặng cuối cùng thì nằm bẹp đánh sập một tiếng, kết thúc "lượt đi". Tiếng vỗ tay của khách du lịch, nhân viên khách sạn cùng hàng trăm người đi đường dừng lại đứng xem rộ lên như pháo. Hai tay múa vẫn chưa chịu lộ mặt, họ tiếp tục giấu mình trong con lân lộng lẫy để thực hiện lượt về, với những pha chạy nhảy, chồng người, bay qua vực và xoay nhiều vòng với bốn bàn chân trên hai cọc sắt trước khi cúi chào khán giả.

Nhưng ở hậu trường những pha gay cấn như thế, trưởng đoàn Từ Tiết Hằng, một võ sư môn phái Thiếu Lâm, còn "múa" được những màn đẹp hơn. Tiếp xúc với chúng tôi trưa 27.1, anh kể năm 10 tuổi đã phải xuất thân ra đời kiếm tiền phụ giúp gia đình. "Tuổi thơ của mình hầu như không có. Chỉ biết làm còn giải trí duy nhất là xem múa lân", Từ Tiết Hằng nói. 11 tuổi, anh được theo người bà con vào đoàn lân Tinh Anh Đường thì đến năm 15 tuổi đã vươn lên trở thành huấn luyện viên chính võ thuật. Anh kể: "Nhưng suốt quá trình gắn bó 9 năm, mình cảm thấy sự nghiệp của Tinh Anh Đường không như mơ ước của mình. Khi 20 tuổi thì trong tay mình cũng đã có một số đông học trò giỏi và họ bắt đầu động viên là bây giờ anh Hằng phải đứng ra, tụi em sẽ theo sát cánh. Rồi phụ huynh các em cũng động viên anh Hằng cứ làm đi, chúng tôi hỗ trợ. Từ động lực đó, năm 1986, tôi thành lập Hằng Anh Đường để tập luyện, chuẩn bị mọi thứ và một năm sau thì chính thức ra mắt khán giả tại sân Tinh Võ ở đường Nguyễn Trãi, quận 5".

Trong bối cảnh phải làm đủ mọi việc từ cho thuê băng video đến mở phòng karaoke và vận động các mạnh thường quân tài trợ để nuôi sống đoàn lân những mùa không ai thuê múa thì cuối thập niên 90, ông trưởng đoàn bàng hoàng phát hiện gần 20 tay múa của mình... nghiện ma túy. Nhưng Từ Tiết Hằng biết "múa" những đường khéo léo và kết quả là đã cứu được đoàn lân cùng những học trò lầm lỡ. Thậm chí giờ đây, có học trò nghiện năm ấy sau khi đứng dậy được đã trở thành tay múa chủ lực của đoàn. "Thực sự trong cuộc sống tôi gặp không ít khó khăn. Tôi hiện nay 40 tuổi rồi, còn độc thân như thế, tôi có lý do. Nếu như tôi muốn thành công được cái gia đình của tôi, là tôi sẽ không đạt được những gì như hôm nay. Tôi rất mừng vì có người ở nước ngoài khi xem những đĩa múa lân của Hằng Anh Đường đã động viên rằng hồi xưa người ta nhìn vào lân là lân giang hồ, còn hôm nay là lân nghệ thuật", Từ Tiết Hằng tâm sự.

Tại Liên hoan lân sư rồng TP.HCM hồi tháng tư năm ngoái, trong 4 nội dung liên hoan thì đoàn Hằng Anh Đường đã ẵm hết 4 giải A. Ngoài ra, màn diễn "song sư" của họ còn được trao thêm giải xuất sắc vì được đánh giá là mang đậm chất sáng tạo. Có lẽ cũng từ bước nhảy vọt đó mà giữa lúc làng lân sư rồng Chợ Lớn đang nở rộ rất nhanh, với hàng loạt các "múa hiệu" đáng nể như Tâm Hoa Đường, Thắng Nghĩa Đường, Thắng Anh Đường, Lâm Minh, Tinh Nghĩa, Lân sư rồng Phù Đổng... thì có người vẫn mạnh miệng nói rằng bao nhiêu huy chương hay giải thưởng gì thì Hằng Anh Đường và Nhơn Nghĩa Đường đã thi nhau "lượm" hết. Chúng tôi hiểu, mỗi đoàn lân đều "có đất riêng" và hấp dẫn khán giả bằng "nét múa" đặc trưng của họ. Trong khi "chàng trai" Hằng Anh Đường 20 tuổi mạnh bạo đột phá vào nhiều lĩnh vực với nhiều chiêu thức khẳng định "múa hiệu" bằng con đường ngắn nhất thì "lão tướng" Nhơn Nghĩa Đường bước vào tuổi 69 bằng phong thái ung dung, đĩnh đạc với các đỉnh cao được Trung tâm sách kỷ lục Việt Nam (Vietbooks) xác nhận.



Võ sư Lưu Kiếm Xương (người đeo kính, bên phải) - (ảnh: V.K)



Mới đây, sáng mùng bốn Tết, chúng tôi đã có dịp chứng kiến đoàn Nhơn Nghĩa Đường gây "nổ tung" tại Bệnh viện phụ sản quốc tế Sài Gòn ở góc đường Bùi Thị Xuân - Tôn Thất Tùng (quận 1) như thế nào. Lúc đó, khi chúng tôi tách được đám đông chen vào thì 5 con lân rực rỡ cũng từ hai hướng tiến đến cửa chính bệnh viện bằng những bước nhún nhảy hân hoan và cùng há miệng đón những bao lì xì đỏ chói từ tay một nữ nhân viên xinh đẹp của bệnh viện. Rồi lần lượt, "đoàn múa" ấy do ông địa dẫn đầu kéo theo cả trống, chiêng vượt cầu thang bộ múa dài lên lầu 1, xộc vào từng khoa phòng và cứ thế múa vang lên lầu 2, lầu 3... nơi có những người đàn bà vừa "vượt cạn" trong những ngày xuân đang chờ lấy lại sức và những bà bầu đang đợi đến lượt mình.

Tiếp xúc với chúng tôi khi một tay múa còn đang vận nội công dùng 5 mũi giáo nhọn đâm vào yết hầu để làm điểm tựa đẩy trôi chiếc Toyota màu đỏ loại 12 chỗ ngồi chất đầy người, võ sư Lưu Kiếm Xương, người kế nghiệp võ sư Lưu Hào Lương điều hành Nhơn Nghĩa Đường từ hơn 35 năm nay, khoe: "Chúng tôi vừa kết thúc chuyến lưu diễn ra Hà Nội và các tỉnh phía Bắc, rồi lộn ngược về các tỉnh miền Tây. Tháng bảy năm nay, chúng tôi sẽ tham gia cuộc thi đấu quốc tế về múa lân tổ chức ở Malaysia. đã nhận thư mời rồi, kế hoạch của chúng tôi bây giờ là làm sao đi để được giải thưởng". Tóc dài cột đuôi, người to cao, vạm vỡ, trông rất "ngầu" nhưng khi tiếp xúc mới thấy vị võ sư này dễ gần đến bất ngờ. Ngoài "nghiệp chính" là một võ sư trực tiếp huấn luyện võ thuật và cầm binh thi thố, Lưu Kiếm Xương còn là thầy thuốc chuyên khoa trật đả tại Phòng khám Nhơn Nghĩa Đường và giữ chức Phó chủ tịch Hội y học cổ truyền quận 5. Cách đây hơn 7 năm, Bộ Văn hóa - Thông tin đã quyết định tặng thưởng huy chương vì sự nghiệp văn hóa quần chúng cho người võ sư tài hoa này.

(còn tiếp)

Võ Khối - Lữ Đắc Long - Thanh Niên