CHÌA KHÓA ĐẠI GIÁC NGỘ



LUYỆN TÂM BÁT ĐOẠN

Lo-Jong Tsig-Gya-Ma

Đạo sư Trước tác

Kadam Geshe Langri Tangpa

Luận sư Yếu giải

Hòa Thượng Geshe Tsultim Gyeltsen



http://buddhahome.net/kinhsach/chiak.../chiakhoa2.htm

PHẦN HAI

LUYỆN TÂM BÁT ĐOẠN

Nguyên bản

Yếu giải

Vấn & Đáp





ĐẠI Ý CÁC ĐOẠN TRONG NGUYÊN BẢN

1. Cầu giác ngộ độ tha và ái tha

2. Xem người như tối thượng

3. Ngăn ngừa ảo cấu

4. Thân quý người khó khăn

5. Chấp nhận thua bại

6. Xem kẻ hại ta như thầy

7. Hoán vị ngã với tha

8. Nhìn vạn pháp như huyễn





NGUYÊN BẢN



Đoạn 1

Khi quán chiếu muôn loài chúng sanh

Trọn lành hơn bảo châu như ý,

Hầu cứu cánh tối thượng viên thành

Tôi luôn học xem người thân quý.



Đoạn 2

Bất kỳ đang ở đâu, cùng ai

Tôi nhận thấp kém trong tất cả,

Và từ sâu tận đáy lòng tôi

Xin xem người tuyệt đối cao quý.



Đoạn 3

Trong mọi hành, tôi xin quán tâm

Và khi một ảo cấu xuất hiện,

Có thể hại tôi và tha nhân,

Tôi xin trực diện và xoay chuyển.



Đoạn 4

Khi thấy người tánh xấu đa mang,

Tràn ngập tà lực, đau nguy ngập,

Tôi xin, như tìm thấy bảo tàng,

Xem thân quý, người hiếm khi gặp.



Đoạn 5

Khi người khác, vì tánh ghét ghen,

Ngược đãi tôi, lăng nhục bôi bác,

Tôi xin tu tập nhận kém hèn,

Và dành ưu thắng cho người khác.



Đoạn 6

Khi người tôi từng giúp đỡ qua

Hoặc người tôi đặt nhiều tin tưởng

Hãm hại tôi tệ hại không ngờ,

Tu tập nhận làm thầy tối thượng.



Đoạn 7

Tựu trung, tôi xin hiến chí tâm

Trực, gián tiếp dâng mọi phúc lạc,

Trọn chúng sanh — mẹ tôi; và ngầm

Nhận từ họ mọi ác nghiệp, khổ cực.



Đoạn 8

Thấy vạn pháp như huyễn, tôi sẽ

Trì tu tập, không nhiễm bát phong,

Vô chấp, tôi giải thoát trọn cả

Chúng sanh khỏi tâm chướng, nghiệp vương.









YẾU GIẢI



BỐI CẢNH LỊCH SỬ

Theo hai hệ thống nghiên cứu truyền thừa từ hai tu viện đại học lớn, Vikramalashila và Nalanda, chúng ta khởi đầu thuyết giảng bằng một trình bày ngắn về các phẩm hạnh của tác giả kinh văn, hầu đạt đến sự tôn kính về thời pháp. Lý do là, khi ta càng biết nhiều về tác giả tất có thể tin ưởng hơn vào giáo pháp.


Nếu ta thảo luận cội nguồn của các giảng này, phải bắt đầu từ cuộc đời của đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Shakyamuni), rồi dần xuống đến đức A Tì Sa (Atisha), Geshe Chekawa Yeshe, Lạt ma Tông Kha Ba (Lama Tsong Khapa), vân vân. Tuy nhiên, chúng ta không đủ thì giờ đi vào chi tiết về tất cả các đấng Đại Tôn Sư. Dù thế, chúng ta có thể tóm lược về nguồn gốc của thuyết giảng trên.


Cội nguồn là đức Phật Thích Ca Mâu Ni (Shakyamuni). Ngài tiên khởi phát bồ đề tâm và đắc công đức về cả chánh biến tri lẫn đại thiện hành từ ba vô lượng a tăng kỳ kiếp và cuối cùng thành tựu Đại Giác Ngộ [Vô Thượng Chánh Đẳng Chánh Giác]. Sau đức Phật Thích Ca Mâu Ni, hai vị tổ vĩ đại Thánh đức Vô Trước (Arya Asanga) và Long Thọ (Nagarjuna), các hành của hai ngài vượt ngoài tầm hiểu biết của chúng ta. Tôi vô cùng khuyến tấn quý vị nghiên cứu cuộc đời của các Đại Thánh nhân trên. Điều này giúp ích rất nhiều cho việc tu tập của quý vị. Chúng ta phải hết lòng tri ân chư Thánh đức Vô Trước và Long Thọ, bởi vì các vị đã giúp cho các giáo pháp Đại thừa tỏa sáng rạng rỡ như mặt trời trên toàn cõi thế. Chư vị đã phát truyền ánh sáng của tu tập Đại thừa sau khi đức Phật nhập Đại Niết bàn (manaparinirvana) trên thế gian. Tiếp đến, là ngài đại Tịch Thiên (Shantideva). Tác phẩm chính của ngài mang tựa đề "Bồ Đề Hành Kinh" hay Bồ Tát Sinh Đạo Yếu Tập" (Bodhicharyavatara / Guide to the Bodhisattva's Way of Life). Nếu học theo tác phẩm này, quý vị có thể thấy đời sống của ngài Tịch Thiên ra sao. Tiếp đến là ngài Serlingpa, là vị thẩm quyền chủ yếu về pháp tu tập bồ đề tâm lúc đương thời, và là vị thầy truyền trọn cho ngài A Tì Sa (Atisha) giáo pháp về bồ đề tâm quý báu. Ngài là vị thượng thủ đại bảo tàng của trọn các giáo pháp (bao gồm cả trí tuệ lẫn phương pháp) của đức Phật Thích Ca Mâu Ni. Ngài A Tì Sa được cả Ấn độ lẫn Tây tạng ngưỡng mộ, và là vị sáng lập truyền thống Ca Đương (Kadam) của Phật giáo Tây tạng.


Các giáo pháp về Luyện Tâm được truyền trao không gián đoạn từ đức Phật Thích Ca Mâu Ni đến ngài đại A Tì Sa. Vị đệ tử chính mà ngài A Tì Sa truyền trọn giáo pháp về Luyện Tâm là Drom Tonpa. Đến lượt ngài lại truyền cho ba đại đệ tử là Geshe Potawa, Geshe Sharawa, và Geshe Langri Tangpa. Vào thời đó, các giáo pháp chỉ được khẩu truyền cho một số ít đệ tử. Lý do là vì các thông điệp của Luyện Ý nhằm dạy cho các đệ tử học cách chấp nhận khổ của người khác như của chính mình, và hoàn toàn dấn thân vào lợi ích của tha nhân.


Đó là một thông điệp mà rất ít người có khả năng tin tưởng vào.

Nhiều người sợ rằng giáo pháp đó sẽ mang đến nhiều đau khổ hơn nữa cho bản thân họ. Thế nên, giáo pháp chỉ được truyền cho những người mà vị thầy đã thẩm định được khả năng.


Khi Geshe Langri Tangpa nhận được giáo pháp về Luyện Tâm từ Drom Tonpa, ông tin pháp này rất thâm áo và vượt ngoài tư tưởng của người thường, và cảm thấy quả là một thiệt hại kinh khủng nếu không bảo tồn được. Vì thế, ông đã thu gọn giáo pháp dưới hình thức thi văn, đặt tên là "Luyện Tâm Bát Đoạn" (Eight Verses of Thought Training). Nhiều năm sau, khi Geshe Langri Tangpa đã qua đời, Geshe Chekawa tìm thấy một bản chép đoản thi "Luyện Tâm Bát Đoạn". Geshe Chekawa là một vị siêu quần trong khả năng nắm vững giáo pháp, tu tập, thanh văn, và thiền định.


Ông cảm kích bởi câu kệ trong đoản thi, "Tôi xin tu tập nhận kém hèn, và dành ưu thắng cho người khác." Nhất quyết tìm gặp người viết tác phẩm, nên ông cất công đi tìm kiếm, không hay Geshe Langri Tangpa đã qua đời. Trong một làng nhỏ gần thủ đô Lhasa, có người cho ông hay Geshe Langri Tangpa đã viên tịch, và đề nghị ông tìm gặp Geshe Sharawa thay thế. Vị Geshe này đã trao cho ông trọn các điều luật của giáo pháp về Luyện Tâm, và Geshe Chekawa trước tác "Luyện Tâm Thất Điểm" (Seven Point Thought Training — Lojong don dunma), như là luận giải về "Luyện Tâm Bát Đoạn". Sau đó, ông phổ truyền các giáo pháp Luyện Tâm này "giữa công chúng" — ông giảng dạy công khai và rộng rãi. Tu tập này trở nên rất phổ thông, đặc biệt trong số những người bệnh trầm kha như bệnh phong cùi. Nhiều người viết về năng lực và ân độ của các giáo pháp đó, và số người tu tập phương pháp luyện tâm này gia tăng nhanh. Tại Tây tạng, cho dù nhiều người không hiểu ý nghĩa của các giáo pháp Luyện Tâm, nhưng ít ra họ nhận được tên gọi của tu tập này.



SỰ LỚN LAO CỦA GIÁO PHÁP

Sau khi thảo luận về sự lớn lao của tác giả, chúng ta cần thảo luận về sự lớn lao của chính tác phẩm. Đề tài này không được giải thích trong "Luyện Tâm Bát Đoạn". Thay vào đó, chúng ta cần viện dẫn đến "Luyện Tâm Thất Điểm". Trong văn bản này, ca ngợi Luyện Tâm pháp như kim cương, mà ngay cả mảnh vụn hoặc một phần nhỏ nhặt của nó cũng vượt trội các món trang sức khác. Thế nên, nếu chúng ta tu tập dù chỉ một mẩu nhỏ hoặc một phần độc nhất của pháp Luyện Tâm này, cũng sẽ thành tựu lớn lao hơn bất kỳ tu tập nào khác. Văn bản còn so sánh Luyện Tâm với mặt trời và dược thảo. Như mặt trời xua tan bóng tối, tu tập Luyện Tâm xóa tan sự chấp ngã của chính bản thân, nhờ vậy giải thoát ta khỏi ảo cấu, đau khổ, và tạo ác nghiệp. Như dược thảo có thể trị liệu nhiều bệnh chứng, Luyện Tâm có thể diệt trừ khổ đau và phiền não vốn là kết quả của ngã ái. Đó chính là sự lớn lao của pháp tu này. Một khi hiểu được giá trị và sức mạnh của pháp, cảm hứng về pháp sẽ gia tăng, và chúng ta sẽ tu tập một cách hạnh phúc và chân thành.


Tên của loại tu tập này là "Lo-Jong" tức là Luyện Tâm. Giáo pháp Luyện Tâm phát nguyên từ hai tu tập chủ yếu nhằm triển khai bồ đề tâm: (1) hoán vị ngã tha, và (2) "Tong-Len", tu tập Cho và Nhận. Hai pháp này thật ra là giáo pháp "Lam Rim" thượng tầng, nhưng khi Geshe Langri Tangpa dạy Luyện Tâm, ông bắt đầu bằng trình độ cao, vì đệ tử của ông đã hiểu rằng giáo pháp "Lam Rim" chính là nền tảng của tu tập Luyện Tâm vậy.



YẾU GIẢI NGUYÊN BẢN

1. Cầu giác ngộ độ tha và ái tha

"Khi quán chiếu muôn loài chúng sanh

Trọn lành hơn bảo châu như ý,

Hầu cứu cánh tối thượng viên thành

Tôi luôn học xem người thân quý.


Nếu theo bản Tạng văn, đoạn này nói rằng chúng sanh quan trọng hơn bảo châu như ý. Lý do là vì sự đắc thành trạng thái vô thượng Đại Giác ngộ tùy thuộc vào các chúng sanh. Tương truyền, nếu ta rửa bảo châu như ý ba lần, đánh bóng ba lần, treo trên đầu một lá phướn khổng lồ, rồi cầu xin một điều gì, nó có thể cung ứng cho ta các nhu cầu cơ bản như thức ăn, chỗ ở, hoặc bất cứ ước vọng gì. Thế nhưng, trọn cả chúng sanh vốn quý báu hơn nhiều, bởi vì sự hiện hữu của họ cho phép chúng ta thành tựu trạng thái Đại Giác ngộ. Một nguyện ước như thế bảo châu như ý không thể nào thỏa mãn. Điểm then chốt ở đây là nếu không có chúng sanh, sẽ không có Giác ngộ cá nhân.


Không chúng sanh, không có từ bi; không từ bi, không có bồ đề tâm; và không bồ đề tâm, không có đắc Đại Giác ngộ. Do đó, ta bảo rằng thiện tâm của chúng sanh và thiện tâm của chư Phật ngang nhau. Chúng ta hiểu được thiện tâm của Phật. Chúng ta hiểu rằng đức Phật chí thánh thiện, và đội ân Ngài, bởi vì Ngài là nguồn cội của tất cả mọi giáo pháp. Ngài dạy các phương tiện hoặc pháp môn hầu thành tựu Đại Giác ngộ. Không có các pháp môn này, không thể nào Giác ngộ. Lấy một thí dụ, nếu có người cho ta một thứ máy thật tốt để canh tác nông phẩm, nhưng nó chẳng hữu ích gì cho ta nếu ta không có đất đai. Tương tự, ngài đại Tịch Thiên (Shantideva) nói trong "Bồ Đề Hành Kinh" (Bodhicharyavatara) rằng chúng sanh và Phật ngang nhau trong khuôn khổ đắc Giác ngộ của ta. Tịch Thiên xác nhận chúng ta vô cùng tôn kính chư Phật, nhưng chẳng hề tôn trọng chúng sanh chút nào. Tại sao lại nghĩ như vậy? Trong "Luyện Tâm Thất Điểm", Geshe Chekawa nói, mỗi người phải cảm nhận sự tri ân chúng sanh muôn loài. Hơn nữa, khi ta nỗ lực triển khai bồ đề tâm, chính sự hiểu biết rằng tất cả chúng sanh đều từng là các bà mẹ của mình, được dùng làm nền tảng cho bồ đề tâm. Đại Từ Bi là cội rễ của tất cả các đại hạnh, và đại thành tựu trong tu tập Đại thừa. Chúng ta phát triển Đại Từ Bi trong tâm bằng cách đặt tiêu điểm trên chúng sanh. Bởi vì tất cả hạnh phúc và thịnh vượng cấp thời và tối hậu đều phát khởi từ nơi chúng sanh, nên chúng ta phải học cách thân quý họ.


Điều thật hữu ích, đặc biệt đối với các tân đệ tử, là phải nghĩ đến lòng tử tế của người khác trong đời sống hàng ngày của ta.


Cần nghĩ rằng tất cả bạn bè, kẻ thù, và người xa lạ đều tốt đối với ta như nhau. Nếu tư duy tận tường, ta có thể thấy tất cả thức ăn, áo mặc, và niềm vui mà ta có, đến trực tiếp hoặc gián tiếp từ người khác. Chúng ta hầu như chẳng hề tự mình sản xuất các món ấy. Lấy thí dụ, khi ta ra đời, ta chẳng có gì ngoài tấm thân trần trụi của mình, và ngay cả thứ đó ta cũng mang nợ từ thiện ý của mẹ cha. Thật vậy, ta đến thế gian này không mang theo gì cả. Mọi thứ ta hiện có đều do lòng tử tế của người khác. Do đó, khi bảo rằng, "Tôi luôn học xem người thân quý," không có nghĩa là ta nắm lấy tay họ thân mật suốt ngày, mà đúng hơn là phải hiểu biết sự cần thiết của họ. Chúng ta hiểu rằng thứ chúng sanh cần thiết là hạnh phúc, và thứ họ ghét là đau khổ. Bởi vì ta trân quý họ, cho nên phải tìm xem các phương tiện nào hầu có thể cung ứng điều gì họ cần và loại trừ điều gì họ ghét — đó chính là bổn phận cá nhân ta. Tôi yêu cầu quý vị tự điều nghiên lấy.


Thẩm sát quán chiếu chính tư tưởng của mình, đọc sách, tư duy ý nghĩa, và làm bất cứ điều gì khả thi hầu gia tăng sự hiểu biết về đề tài này.



2. Xem người như tối thượng

"Bất kỳ đang ở đâu, cùng ai

Tôi nhận thấp kém trong tất cả,

Và từ sâu tận đáy lòng tôi

Xin xem người tuyệt đối cao quý.


Câu này rất quan trọng đối với tất cả chúng ta. Nó khuyên chúng ta, cho dù ở nơi đâu và liên hệ cùng bất kỳ ai, phải luôn luôn nghĩ về mình như kẻ thấp kém nhất trong tất cả, nhờ đó triển khai được lòng khiêm cung chân chánh, và loại trừ được tăng thượng mạn và ngã mạn. Nếu ta có thể giữ vị thế thấp nhất — cảm thấy khiêm cung nhất — ta sẽ đắc thành mọi đức hạnh và thức giác. Quan trọng hơn nữa, điều này sẽ lắng dịu lòng kiêu mạn. Mỗi ngày, ta cần phải thường xuyên dè chừng lòng kiêu mạn của mình, và điều phục nó.


Kiêu mạn là một bức rào cản trở sự học, bởi vì nó ngăn ta không hỏi đến những gì ta không biết. Nó có thể tự biểu hiện khi ta ở trước sự hiện diện của vị lạt ma và được hỏi ta có hiểu hoặc nhớ một giáo pháp nào chăng, và ta không biết, thế nhưng lại nói lên hoặc ra dấu trả lời dối cùng vị lạt ma, như là mình đã hiểu hoặc nhớ một giáo pháp. Có một câu tục ngữ Tây tạng nói rằng, "Quả cầu thép của kiêu mạn không mang theo ngọn cỏ kiến thức." Trong đời sống hàng ngày, chúng ta có thể chu toàn hơn nếu giữ được sự khiêm tốn.


Kiêu mạn có thể rất nguy hiểm vì nó có khi khiến ta xem nhẹ giá trị của vị đạo sư. Lấy câu chuyện của đại sư Milarepa, ngài có một đệ tử tên Rechungpa từng du hành đến Ấn độ ba lần. Trong các chuyến đi đó, ông có cơ hội gặp nhiều đại học giả Ấn độ, kể cả ngài Naropa. Khi quay về Tây tạng, biết được lạt ma Milarepa của mình chưa hề du hành đến Ấn độ, và chưa từng gặp gỡ các đại nhân vật trên, Rechungpa cảm thấy mình được học hỏi nhiều hơn và tiến bộ hơn thầy mình. Milarepa cảm nhận ngay điều đó, và biết rằng nếu muốn cho tri kiến của đệ tử mình phát triển xa hơn, lòng kiêu mạn của Rechungpa phải được chế ngự. Có lần khi họ cùng du hành, Milarepa trông thấy cái sừng thú ở ven đường và bảo Rechungpa nhặt lên, bởi có thể hữu dụng về sau. Rechungpa tất nhiên phải tuân lời. Nhưng ông cảm thấy không thoải mái lắm khi nhặt cái sừng. Ông nghĩ về Milarepa: Có chỗ tương phản giữa các hành động của thầy — đôi khi ông cứ làm như là mình không muốn sở hữu vật gì, thậm chí cả vàng bạc, nhưng có lúc lại muốn sở đắc quá đến đỗi bảo ta phải nhặt cái sừng trâu vứt bỏ. Trong chuyến đi, họ đến một nơi rất bằng phẳng không có cây cối hoặc thứ gì có thể trú ẩn. Milarepa bảo, "Giờ ta nghỉ nơi đây được chứ? Tôi có lý do tốt để nghỉ tạm nơi đây giây lát." Mới đầu, thời tiết tốt, nhưng thình lình, mây đen cuồn cuộn, rồi một cơn giông bão trút xuống — với sấm sét, gió mạnh, và mưa đá. Milarepa và Rechungpa chỉ mặc quần áo vải, nên mưa đá khiến rất đau. Khi cơn bão dịu lại, Rechungpa không thể tìm thấy vị lạt ma của mình, nhưng vẫn nghe được tiếng của Milarepa. Tìm quanh quất, cuối cùng ông thấy nơi phát ra tiếng nói. Nó đến từ trong cái sừng! Khi nhìn qua lỗ sừng, ông tìm thấy ngài Milarepa cũng chẳng biến thành nhỏ hơn, mà cái sừng cũng chẳng thành to hơn! Nhưng Milarepa lại ở trong cái sừng. Và Milarepa bảo ông, "Ồ, đệ tử, nếu con được ngang bằng sư phụ, thì hãy vào trong sừng này đi." Rechungpa đáp ông không thể làm được. Rồi cảm thấy hối hận, và cầu xin tha thứ. Từ lúc đó, Rechungpa đã mất hẳn đi lòng kiêu mạn của mình.


Một nguy cơ khác của lòng kiêu mạn chính là nó khiến ta xem thường hoặc đánh giá thấp người khác. Dĩ nhiên, khi ta xem thường một ai, người đó có vẻ thua kém ta. Nhưng ta không bao giờ biết được các chiết thân của chư Phật và Bồ tát. Chư vị có thể tạo ra các hình tướng không chút khác biệt, thị hiện làm nam, nữ, trẻ em, thú vật, thậm chí các tĩnh vật. Vì thế, chúng ta không thể nào đoan chắc người nào đó có phải là một vị Phật hoặc Bồ tát chăng. Nếu ta xem thường một người nào đó vốn là chiết thân của chính vị thầy ta, hoặc của chư Phật hay Bồ tát, tức phạm một hành động rất tà ác. Một trong các đệ tử chính của Lạt ma Tông Kha Ba (Tsong Khapa), Gyal Tsab Je, trong một luận văn nhan đề "Soi Sáng Đạo Giải Thoát", khuyên nhủ, "Trong khi đang tu học, chúng ta phải chắc chắn mình không dùng thô ác ngữ hoặc xem thường bất kỳ ai, vì không thể biết chư Thánh chúng đang trụ tại đâu. Vì thế, phải luôn quán xét mọi người và mọi thứ như than hồng vùi dưới lòng đất. Chúng ta phải luôn luôn tỉnh giác về điều này." Trong kinh, đức Phật thường dạy, "Chỉ có người như ta mới có thể thẩm định người khác, không ai có thể làm điều đó." Một người thường không thể đánh giá người khác, chỉ có chư Phật mới có khả năng đó.


Nếu chúng ta có thể triển khai nhãn kiến mọi thứ và mọi người đều thanh tịnh, tất có thể triển khai lòng tôn kính đối với tất cả.


Điều này sẽ giúp chúng ta tích lũy nhiều công đức. Tác giả, đại Geshe Langri Tangpa, trong dòng thứ ba và thứ tư của đoạn này, cầu nguyện và ước vọng từ tận đáy lòng, rằng chúng ta có thể xem mọi chúng sanh như là tối thượng.



3. Ngăn ngừa ảo cấu

"Trong mọi hành, tôi xin quán tâm

Và khi một ảo cấu xuất hiện,

Có thể hại tôi và tha nhân,

Tôi xin trực diện và xoay chuyển.


Đoạn thứ ba mở đầu với "Trong mọi hành" hoặc thái độ, có tất cả bốn thứ, và bao gồm mọi sinh hoạt. Bốn thứ hành động được tạm phân thành nhóm lớn là: đi nhanh, dạo quanh, ngồi yên, và ngủ nghỉ. Các hành này bao gồm cả thân hành, khẩu hành, và ý hành.


Chúng ta phải điều phục từng mỗi hành động trong đời mình thật cẩn thận. Điều đó có nghĩa, không phải chỉ với các hành sắp làm, mà phải quán sát sự hiện diện của ảo cấu hoặc não cảm mống khởi trong dòng tâm thức. Chúng ta cần thường xuyên quán sát tâm mình xem có bất cứ thứ cảm xúc phiền não nào — như vọng tưởng, tham dục, sân hận, luyến ái, tật đố, ganh tỵ, và các thứ — dấy khởi chăng. Nếu ta quán sát thấy các ảo cấu như thế, phải trực diện cùng chúng tức thời, và cầu nguyện mạnh mẽ, "Cầu xin cho tôi có thể xoay chuyển chúng. Cầu xin cho tôi có thể nhận ra sự hiện diện của các cảm xúc phiền não đó, và đồng thời có thể đối diện và đảo ngược chúng." Nếu ta không thể đảo ngược chúng vào lúc đó, thứ gì sẽ mất? Ảnh hưởng của chúng sẽ đưa chính ta và người khác vào nguy cơ khả dĩ. Chẳng hạn như, nếu ta ở cùng một người nào đó và nổi giận, người kia cũng có thể nổi giận; cuối cùng có thể đi đến nặng lời và thậm chí đánh nhau.


Hậu quả của cơn giận là thù hận, và sẽ hủy diệt mọi công đức tích lũy đầy khó khăn của ta. Cùng một thái độ tương tự, nếu bị lôi cuốn bởi vọng cầu và tham dục quá độ, ta hầu như không còn thời giờ làm việc chi khác. Khi hoàn toàn bị ám ảnh, ta có thể lôi kéo bạn hữu theo. Đó chỉ là vài thí dụ điển hình, quý vị có thể dùng sức tưởng tượng và đi đến các hình ảnh đặc thù của mình.



4. Thân quý người khó khăn

"Khi thấy người tánh xấu đa mang,

Tràn ngập tà lực, đau nguy ngập,

Tôi xin, như tìm thấy bảo tàng,

Xem thân quý, người hiếm được gặp.


Đoạn này đề cập đến những người bị nhuốm bệnh truyền nhiễm hoặc một chứng bệnh nguy ngập. Thông thường, khi gặp những người có bản tánh xấu, chúng ta thường cố lãng quên họ thay vì thân ái cùng họ, và còn có thể khuyên kẻ khác nên tránh xa người đó.


Chúng ta đặc biệt tránh người mắc bệnh tinh thần hoặc bệnh hay lây. Ta giữ khoảng cách xa họ. Ngay cả một người thân có mùi hôi, ta cũng cố tránh họ. Chúng ta có thể tự hỏi mình, "Tại sao lại làm như vậy? Tại sao lại muốn tránh hạng người đó?" Khi làm vậy, ta thấy mình chịu ảnh hưởng của các niệm ngã ái. Ta bỏ mặc và lãng quên những người này, vì cho rằng mình quý giá quá không thể hòa lẫn cùng họ, và sợ cái ngã quý báu đó có thể bị nhiễm lây.


Geshe Langri Tangpa khuyên chúng ta nên nghịch đảo thái độ này, và bảo rằng bất cứ khi nào ta gặp những người tánh nết khó, thái độ xấu, hoặc những người mắc bệnh truyền nhiễm, nên đối đãi cùng họ như khám phá được kho bảo tàng. Khi ta có thể gặp được những người đó, hãy biểu lộ niềm vui lớn khi gặp họ, và đối đãi với họ như bảo vật, đặc biệt khi ta tu tập "Tong-Len". Nếu ta thực sự muốn tấn công sự chấp ngã, thì đây là các khí cụ giúp ta làm việc đó.


Chúng ta cần trân quý các khí cụ đó. Khi thiền quán "Tong-Len" — đặc biệt là khi thiền bình đẳng pháp tánh và hoán vị ngã tha — lời khuyên này vô cùng giá trị. Chúng ta cần thực thi các thiền quán này trong việc tu tập.



5. Chấp nhận thua bại

"Khi người khác, vì tánh ghét ghen,

Ngược đãi tôi, lăng nhục bôi bác,

Tôi xin tu tập nhận kém hèn,

Và dành ưu thắng cho người khác.


Đoạn này là một trong những phần hệ trọng nhất của pháp tu.

Đây là đoạn gây cảm hứng cho Geshe Chekawa để trước tác "Luyện Tâm Thất Điểm". Nếu chúng ta cảm hướng Đại Giác ngộ, sẽ không có chọn lựa nào ngoài việc hành tu tập này. Chúng ta cần học dâng hiến cho người khác sự chiến thắng, lời ngợi khen, và bất cứ thứgì cao thượng tốt đẹp, và chấp nhận lấy sự thua bại và thiệt hại về phần mình. Đây là nền tảng chân chánh của trọn vẹn tu tập Bồ tát đạo. Nếu ta có bồ đề tâm, tu tập này sẽ tự nhiên đến. Ngay trong khuôn khổ luân hồi, nếu chúng ta có thể dâng hiến sự ưu thế và chiến thắng cho người khác, cuối cùng ta sẽ vượt trội; ta nhận lấy mọi phúc lạc.


Chúng ta đều rõ tu tập này quả chẳng phải dễ. Thật vậy, đó là một trong số các tu tập khó nhất, nhưng ta vẫn phải bắt đầu khi nào đó. Nếu ta khởi đầu thật khiêm tốn, thì dần dà có thể gia tăng thêm. Lấy thí dụ, nếu khởi sự bằng chấp nhận 99% lợi ích về phần ta, và chỉ trao cho người khác 1%, dần dà ta sẽ có thể gia tăng thêm điều trao cho người khác. Nếu ta có một sở thích chân thành vào tu tập này, dần dà sẽ đạt đến kết quả. Tất cả chư Phật ở thời hiện tại, cũng như tất cả chư Bồ tát có trình độ thành tựu tối cao, đều khởi đầu một cách khiêm tốn. Đây là một điều ta cần thường xuyên giữ lấy trong tâm.



6. Xem kẻ hại ta như thầy

"Khi người tôi từng giúp đỡ qua

Hoặc người tôi đặt nhiều tin tưởng

Hãm hại tôi tệ hại không ngờ,

Tu tập nhận làm thầy tối thượng.


Đoạn Luyện Tâm đặc biệt này là một tu tập khó, nhưng thông điệp thật rõ. Nếu ta triển khai được sự hứng khởi trong tu tập, sẽ tìm thấy nó dễ đạt hơn. Khi ta đối đãi một người nào đó đặc biệt tốt, và trao trọn mọi chăm sóc có thể làm; thế nhưng người đó đáp lại bằng sự ngược đãi ta, thường thì ta cho người như vậy là dữ hay xấu.


Ở trình độ nhân gian, có những người xấu đáp trả thiện hành bằng ngược đãi. Tuy nhiên, theo Geshe Langri Tangpa, ta nên xem những người như vậy là các vị thầy hoặc lạt ma tối cao. Có thể hiểu lý luận này bằng cách nghĩ đến luật nhân quả. Có thể hiểu rằng, điều ta kinh qua chính là quả báo của ác nghiệp.


Ta đã từng hành xử bằng cách tương tự đối với người khác trong quá khứ, và tạo ra quả này. Ta phải nên đó như là một việc tốt do người đó làm, bởi vì nó là phản ánh thật của sự chín muồi của ác nghiệp. Nếu không chín bằng cách đó, nó sẽ còn tệ hại hơn nữa trong tương lai. Thái độ này ta cần nên cảm ơn người đã hành xử ta cách đó. Trong "Bồ Đề Hành Kinh", ngài Tịch Thiên (Shantideva) nói, "Chính kẻ thù của ta là người cung ứng thật sự mọi đức hạnh của ta."



7. Hoán vị ngã với tha

"Tựu trung, tôi xin hiến chí tâm

Trực, gián tiếp dâng mọi phúc lạc,

Trọn chúng sanh — mẹ tôi; và ngầm

Nhận từ họ mọi ác nghiệp, khổ cực.


Dòng thứ nhì và ba muốn nói đến sự hiến dâng mọi phúc lạc đến cho "trọn chúng sanh — mẹ tôi." Chúng ta nên nhớ phải dâng hiến trọn vẹn phúc và lạc đến cho tất cả các bà mẹ tiền kiếp của mình, chứ không phải chỉ một vài người. Chúng ta không chỉ nói đến các bà mẹ trong hiện đời này, mà còn vô lượng các bà mẹ trong quá khứ.

Bản văn còn nói, "tôi ngầm nhận từ họ mọi ác nghiệp, khổ cực."


Chúng ta cũng cần cầu xin chư đạo sư độ trì, hầu có thể làm được việc đó. Đoạn này đề cập đến toàn thể cộng đồng chúng sanh và tất cả các nỗi đau đớn, bệnh hoạn, và phiền não họ không muốn mà chịu đựng.


Đoạn thứ bảy trực tiếp đề ra pháp tu tập "Tong-Len". Trong khi thiền, ta chấp nhận từ chúng sanh các cơn đau đớn, nghịch cảnh, ngăn trở, và bệnh hoạn, vân vân. Ta quán tưởng loại trừ đi các ám chướng đó từ chúng sanh, dưới dạng thức một thứ ánh sáng màu than, và nhận nó vào bên trong mình. Như được trình bày trong "Cúng dường Đạo sư" (Guru Puja), ta được khuyên nên gộp trọn tất cả các thứ trên vào hơi thở, và tiếp nhận vào bên trong mình, bằng cách tưởng tượng hít chúng vào. Trong khi thở ra, quán tưởng gởi ra ngoài tất cả hạnh phúc, đức hạnh, phú quý, tiện nghi, và cả tri kiến cùng hiểu biết. Ta gởi tất cả các thứ đó và trao tặng cho trọn cộng đồng chúng sanh không phân biệt. (Một giải thích chi tiết hơn về thiền pháp "Tong-Len" được ghi trong phần Chú Thích ở cuối quyển sách).



8. Nhìn vạn pháp như huyễn

"Thấy vạn pháp như huyễn, tôi sẽ

Trì pháp tu, không nhiễm bát phong,

Vô chấp, tôi giải thoát trọn cả

Chúng sanh khỏi tâm chướng, nghiệp vương.


Nguyện cho tất cả các tu tập này — pháp tu Luyện Tâm — sẽ không bị cấu nhiễm bởi các khái niệm từ tám nguyên tắc hoặc pháp lý thế gian [bát phong], và nguyện cho tôi được thoát khỏi buộc ràng của thủ chấp, khi nhận thấy mọi pháp cảnh chỉ là hư huyễn.

Tám thứ pháp hoặc kiến thế gian [bát phong hay bát pháp, gây cảm xúc] là: (1) thống khoái khi được khen [dư hoặc khen]; (2) khổ sở khi bị mắng nói xấu [hủy hoặc xiểm]; (3) sung sướng khi nhận quà của [lợi hoặc lộc]; (4) buồn rầu nếu không nhận của [ai hoặc thảm]; (5) sung sướng khi được danh vọng thành công [xưng hoặc tán]; (6) buồn rầu khi không thành công bị chê [cơ hoặc chê]; (7) sung sướng khi được tiện nghi lạc thú [lạc hoặc khoái]; (8) buồn khổ khi thiếu tiện nghi lạc thú [khổ hoặc nạn].


Lời khuyên đầu tiên là nên đối đãi ngang nhau, với các điều khiến ta hài lòng hoặc không hài lòng. Chẳng hạn như, ta nên cố xem lời khen ngợi hoặc lời chưởi mắng như cùng là một loại âm thanh; hoặc không bị ảnh hưởng gì cho dù được nhận quà tặng hay không. Ta cần phải nhanh chóng trong việc tu tập "Luyện Tâm Bát Đoạn". Ta phải nhìn việc có danh vọng hay không có cũng như nhau; và đừng để chúng làm phiền, đặc biệt là trong giây phút sắp chết.


Thông thường, tiện nghi thoải mái hay không chỉ là trạng thái tâm. Không có vật gì tự hiện hữu bên ngoài do chính nó, và tự xưng là tiện nghi hoặc bất tiện. Đúng hơn, chính ta quyết định thứ gì là tiện nghi và thứ gì là bất tiện. Các thứ ưa hoặc ghét mạnh mẽ chỉ hiện hữu ở mức tương đối. Trong hai dòng cuối của bản văn, Geshe Langri Tangpa ước nguyện rằng, qua tâm thức giác được vạn pháp như huyễn như ảo, mong chúng ta được thoát khỏi hoặc tự tại ngoài các thủ chấp và buộc ràng. Lời khuyên này không những chỉ dùng trong pháp Luyện Tâm, mà còn áp dụng vào tất cả các pháp tu tập trong đời sống hàng ngày. Ngay khi tụng chỉ mỗi một câu chân ngôn như "Om Ma Ni Bát Mê Hùm" ("Om Mani Padme Hung"), chúng ta cũng phải áp dụng vào. Chúng ta còn phải đoan chắc việc tu tập của mình không bị cấu nhiễm bởi tám pháp thế gian thường tục.





VẤN & ĐÁP



GIẢI ĐÁP CỦA GESHE GYELTSEN

V: "Cõi địa ngục, cõi ngạ quỷ, và cõi thiên là những chốn tôi không biết được, và đối với tôi, muốn hiểu được điều ngài nói, tôi cần phải biết thêm vài thứ gì hầu giúp tôi hình dung được các cõi đó. Tôi không có ý tưởng gì về các cõi này như là các cõi trên thế giới, và nếu là vậy, tại sao tôi không nhìn thấy chúng?


Đ: "Tôi nghĩ tôi hiểu khi ông nói không thể hình dung các cõi đó. Theo kinh văn "A Tỳ Đạt Ma Câu Xá" (Abhidharmakosha), đó là những nơi chốn riêng biệt với vị trí chính xác. Thật ra trong thực nghĩa, chúng chỉ là ảo tưởng.


Đúng hơn đó là các ảnh tưởng nghiệp lực do chính cá nhân thấy mà thôi. Đối với người đó, địa ngục là kinh nghiệm cá nhân do chính nghiệp lực cá nhân của mình. Ý nghĩa này cũng đúng đối với cõi ngạ quỷ. Với cõi súc sanh, chúng ta không có vấn đề gì, chúng ta nhìn thấy chúng khắp nơi.


Các đệ tử riêng mà "A Tỳ Đạt Ma Câu Xá" (Abhidharmakosha) được soạn để dạy, là các vị với khả năng tinh thần không nắm vững vấn đề này. Các kinh văn đó được soạn đặc biệt tùy hợp với năng lực, phối cảnh, và khả năng tinh thần của họ. Khi nói đến các cõi địa ngục, trong "Bồ Đề Hành Kinh" (Bodhicharyavatara), ngài Tịch Thiên (Shantideva) giải thích rõ ràng, Ai tạo thành mặt sắt nóng [thiết vi] địa ngục? Ai tạo thành các lính gác [quỷ sai] địa ngục? vân vân. Tất cả các thứ đó đều là tạo tác do tâm ác trược của chính ta. Chúng là sự thị hiện rõ ràng của tâm ác trược dưới dạng thức hiển nhiên. Điều này được trình bày rất rõ. Và nó cũng được trình bày rất rõ do vị Đại Lãnh tụ của chúng ta, đức Phật Thích Ca Mâu Ni.


Số súc sanh chúng lớn nhất trên mặt địa cầu này không nằm trong tầm mắt của chúng ta. Đa số ở thật xa, nơi các vùng hẻo lánh dưới lòng biển sâu. Nhưng loài ngạ quỷ thì ở khắp nơi. Chúng không có một nơi trú nhất định. Chúng có thể ở trong thế giới loài người, hoặc bất cứ nơi nào khác. Trong vài kinh văn, có đặc biệt kể đến 18 thành phố chính của loài ngạ quỷ. Các bán thần hoặc a tu la (asura) và thiên chúng (deva) thì không thể thấy, cũng như địa ngục chúng và ngạ quỷ. Chúng ta cần hiểu các điều trên, và ghi nhận rõ trong tâm, qua sự tu học và quán sát thiện xảo.


V: "Ngài nói đến đoạn thơ trong "Lama Chopa", trong đó chúng ta nguyện nhận lấy đau khổ của người khác. Khi tôi tụng đoạn thơ đó, và suy nghĩ về ý nghĩa của nó, tôi khởi một sự đối kháng, "Tôi không nghĩ mình thật sự có ý đó, và tôi không nghĩ mình sẵn sàng để làm điều đó." Như thế, quả rất khó thử và làm điều trong đoạn thơ, bởi vì tôi cảm thấy giống như mình đang nói dối.


Đ: "Nếu chúng ta có khó khăn hoặc sợ hãi khi hành loại thiền quán này, có nghĩa là chúng ta chưa đủ khả năng làm được vào lúc này. Thay vào đó, ta có thể khởi đầu bằng một tu tập nhỏ nhất, rồi gia tăng thêm dần. Lấy thí dụ, ta có thể lấy chính nỗi đau khổ của mình trong tương lai, khởi sự bằng cách nhận lấy nỗi khổ của ngày mai trước, vào hôm nay. Tiếp đến, ta có thể nhận đau khổ của tháng kế tiếp, và rồi, đau khổ của trọn cả tương lai.


Tôi đồng ý với ông — không chỉ riêng ông mà cảm giác của nhiều đệ tử khác. Nếu chúng ta cảm thấy chưa sẵn sàng cho loại việc này, sẽ phát sợ, hoặc cảm thấy như mình đang nói dối; nếu vậy cũng không cần lo lắng, vì tất cả điều đòi hỏi là cho dù ta chưa đủ khả năng làm điều đó ngay bây giờ, mong rằng ta sẽ có khả năng làm điều đó trong tương lai gần. Như thế, ít nhất chúng ta có dược sự chọn lựa chấp nhận các điều đại loại trong tương lai gần. Chúng ta xin được cầu nguyện và ân độ, cho dù không có khả năng nhận khổ của chúng sanh trên ta trong lúc hiện giờ, cũng sẽ làm được việc đó trong tương lai gần.


V: "Tôi có sự đối kháng với một trong tám đoạn, đoạn nói rằng, "Bất kỳ đang ở đâu, cùng ai, tôi nhận thấp kém hơn hết trong tất cả, và xin xem người khác tối thượng." Tôi không hiểu được, tâm vốn do ta tạo ra, lại xem chính ta như thấp kém và nghĩ người khác là tối thượng. Tôi không hiểu sự khiêm tốn mà chúng ta phải phát triển.


Đ: " Như vậy, ông sợ rằng nếu ông chấp nhận mình như kẻ thấp kém nhất, thì họ sẽ dẫm lên ông à? Khi chúng ta nói, "Xin cho tôi được nhận mình là kẻ thấp kém nhất hoặc khiêm tốn nhất trong số tất cả," điều đó không có nghĩa chúng ta phải tổn hại đến lòng tự tin nơi chính mình. Nếu đánh mất lòng tự tin, đó là lúc ta đánh mất bản thân cho người khác. Khi chấp nhận mình như là người khiêm tốn nhất, mở rộng lòng khiêm cung, và tự nhận là người thấp kém nhất, ta đạt được sức mạnh; ta không đánh mất sức mạnh. Vào lúc đó, nếu ta nhận mình thấp kém, và đồng thời chia sẻ lòng tin cậy, không cách chi họ lại nhìn ta như người yếu hèn, mà đúng hơn họ sẽ thấy được sức mạnh trong ta. Thật ra ở đây ta đang nói đến thái độ tinh thần cần được chia sẻ, mà không đánh mất nó nơi người khác. Nếu chúng ta thốt lời bày tỏ điều mình đang gắng làm, có thể họ sẽ dẫm lên đầu ta ngay. Nhưng nếu ta chia sẻ thái độ đó mà không tiết lộ sự chia sẻ trong tâm mình, tất sẽ không nguy hiểm. Về phương diện khác, có những người thật sự có vấn đề khi nhận sự tôn kính. Nếu ta bày tỏ sự tôn kính đối với họ, họ chỉ cố đẩy trả ngược lại cho ta. Họ rất hiểu biết, chúng ta càng bày tỏ nhiều tôn kính, họ càng hoàn trả lại bằng nhiều tôn kính cho ta. Hãy chia sẻ nhãn quan này bằng tinh thần, như một thái độ trong đời sống hàng ngày của ta, nhưng không bao giờ tiết lộ thái độ đó đối với bất kỳ ai.


V: "Thông thường, người ta nói chúng ta thật sự không thể nhận đau khổ của người khác, nhưng trong vài trường hợp, điều này khả dĩ. Đó là các trường hợp, điều kiện, hoặc nhân duyên nào?


Đ: "Câu hỏi của ông đúng. Cũng như nghiệp của người khác không thể chín trên chúng ta, do đó chỉ trong một số trường hợp, các việc đó có thể xảy ra do một số các hành giả đầy khả năng.


Việc đó từng xảy ra tại Tây tạng, với một vị lạt ma Ca Đương (Kadampa) thiền về pháp Nhận và Cho (Tong-Len). Khi ông đang thiền nơi mái hiên nhà, một người hành khất đến xin thức ăn. Con chó trong nhà cứ sủa người kia mãi, nên anh dùng gậy đánh chó. Lập tức, vị lạt ma khởi thiện cảm với con chó. Đầu của lạt ma sưng to lên đúng ngay chỗ con chó bị đánh. Dĩ nhiên, người hành khất không đánh vị lạt ma. Thế nhưng lạt ma bị trầy trên đầu. Ngay khi con chó bị đau, thì lạt ma cũng bị đau. Nhưng khi vết trầy hiện trên đầu lạt ma, đó không phải vì nghiệp của con chó chín trên người lạt ma, mà bởi vì trong tiền kiếp, cả con chó lẫn lạt ma đều từng đánh người kia. Sự chín muồi của nghiệp hỗ tương hiện ra trên cả lạt ma lẫn con chó.


Có các trường hợp khác diễn ra vào thời đức Phật. Có một trận chiến tranh giữa tộc họ Thích (Shakya) với vua xứ Satnet, và nhiều người Thích tộc bị đạo quân của nhà vua giết hại.


Ngài A Nan Đà (Ananda) xin đức Phật làm điều gì để ngăn cản sự tàn sát những người Thích tộc. Đức Phật đáp rằng, nghiệp chưa chín đủ còn có thể sửa chữa, nghiệp đã vào giai đoạn quả chín không thể làm gì; ngay cả chư Phật cũng không chuyển đổi được. Để chứng minh điều đó, đức Phật dùng thần lực vời hai thanh niên Thích tộc đến và giữ họ gần bên Ngài. Khi trận chiến kết thúc, vàtất cả người Thích tộc bị giết hết, chỉ còn hai thanh niên ở gần bên đức Phật được sống sót. Dĩ nhiên, không có chiến đấu diễn ra ngay trước mắt đức Phật, mà chư vị cũng chẳng hiện diện nơi chiến trường. Không một ngón tay nào giơ lên về phía họ. Thế nhưng, cách nào đó, họ vẫn chết chung cùng cả tộc. Vài nghiệp lực cộng đồng phải đi đến cộng quả với nhau. Sự chín tới của nghiệp vượt ngoài mức thẩm định, không thể dễ dàng hiểu được.


Thế nên, điều ta cần học để tiến triển thực sự, chính là niềm xác tín mạnh mẽ trước tiên vào sự không thể sai lầm của luật nhân quả. Thêm vào đó, ta phải cố hết sức triển khai xả ly và bồ đề tâm, càng nhiều càng quý, và đạt đến sự hiểu biết về không tánh, bằng trọn cả khả năng.