Truyền kỳ cự phú chết đói vì phát chẩn

Cập nhật lúc 50 PM, 04/11/2012

(Đất Việt) Mấy ngọn bạch hạp tù mù soi tỏ hàng trăm người với những gương mặt phù thũng, những ánh mắt thất thần, những thân hình tiều tụy dúm dó chăm chăm nhìn về một nồi cháo sùng sục sôi giữa sân.

Một ông già cũng gầy gò, hom hem cúi gục đầu xuống không dám nhìn vào những hình nhân chỉ còn hơi thở ấy như là lỗi của mình.

Trong đêm tối,mắt ông chợt sáng quắc lên, đứng phắt lê dậy hạ giọng với người nhà:“ Đem tất cả thóc lúa trong kho ra phát chẩn! Có sống thì cùng sống, có chết thì cùng chết với những người này”. Đã hơn 60 năm trôi qua, người dân làng Hoàng Mai (giờ là phường Minh Khai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) vẫn kể cho nhau nghe câu chuyện nhà đại tư sản dân tộc Hưng Ký dốc cả gia tài cứu những lương dân đói khát trong nạn đói kinh hoàng năm 1945 như một câu chuyện truyền kỳ.

Ân nhân của những bóng ma

Hơn 80 tuổi, bà Vũ Thị Oanh (cháu gọi ông Hưng Ký là cậu) vẫn minh mẫn nhớ lại những tháng ngày đen tối ấy. “Lúc đó tôi hơn 10 tuổi hay được mợ (vợ ông Hưng Ký - PV) dẫn lên chơi. Ban đầu, một buổi sáng mới qua Tết đầu xuân 1945,tôi đang chơi ở nhà với cậu thì nghe mợ đi chợ về kể về những dòng người đói từ Thái Bình, Nam Định, Hà Nam… lũ lượt lên trên Hà Nội mong sống qua ngày. Cậu Hưng Ký chỉ sa sầm nét mặt rồi thở dài liên tục. Rồi cậu nói nên mở kho phát chẩn cứu đói. Đầu tiên là phát chẩn bằng thóc. Ngày ngày hàng người xếp hàng đến nhà chờ phát chẩn kéo dài cả cây số. Từ sáng đến tối mịt tôi mải miết theo cậu mợ và người nhà, bỏ cả công việc thương mãi để lo cứu đói”- Bà Oanh nhớ lại.

Nhưng đến khi những người đói lang thang khắp các phố vạ vật xin ăn, xác người chết đói đầy đường thì ông Hưng Ký không còn đủ thóc gạo phát chẩn nữa. “Lúc ấy cậu nói với mợ và người nhà gom gạo nấu cháo. Mỗi ngày nấu 10 nồi cháo lớn. Mỗi nồi đủ cho cả trăm người. Nhưng nấu cũng không xuể. Có những hôm phát chẩn đến tận nửa đêm nhưng dòng người vẫn tiếp tục dài ra. Cậu đành thức trắng cả đêm cùng người nhà nấu cháo. Cậu bảo: “Trăm năm nay quốc dân mới có nạn này. Mình giàu có hơn người cũng là do thiên phúc. Nay thấy người chết mà không cứu thì chẳng phải là người”.




Chùa Hưng Ký, dấu ấn của cự phú Trần Văn Thành.
Chuyện một cự phú “có hạng” mở hết kho phát chẩn ở Hà Nội lúc ấy chấn động cả Bắc Kỳ. Trong nhiều điện tín của một loạt doanh nhân người Pháp gửi về mẫu quốc làm ăn với đại tư sản dân tộc Hưng Ký đều chỉ ghi: “Không thể giao thương. Bận phát chẩn”.

Nhiều cụ già của làng Hoàng Mai tận mắt chứng kiến nhà đại tư sản Hưng Ký phát chẩn cứu đói năm xưa cũng ghi nhận: “Ông Hưng Ký cứu đói dân đến hàng ngàn trong suốt một thời gian dài từ đầu xuân đến cuối thu 1945. Tài sản dần khánh kiệt. Công việc giao thương cũng không màng đến. Các bạn làm ăn, lương dân được cứu khắp Bắc Kỳ đều nức tiếng khen”.
Bà Hoàng Thị Tụy( Thái Thụy, Thái Bình) năm nay 76 tuổi – một nạn dân được cứu đói Ất Dậu tại nhà ông Hưng Ký vẫn còn nhớ rõ: “Cả nhà tôi chết đói gần hết chỉ còn tôi và một người dì theo đoàn người như những bóng ma lên Hà Nội. Gặp đúng một nhà giàu có ở Minh Khai, nghe đâu của cụ Hưng Ký phát chẩn may mà tôi sống sót”.

Về nguyên nhân cái chết của ông Hưng Ký, cũng có nhiều giai thoại không rõ thực hư. Nhiều người dân làng Hoàng Mai cho rằng sau khi mở sạch kho phát chẩn ông Hưng Ký đã chết đói theo những người dân khốn khổ. Tuy nhiên, theo bà Trần Thị Tòng, cháu vợ ông Hưng Ký thì chắc chắn ông Hưng Ký chết sau năm 1945 ít nhất một năm vào ngày 15/10 âm lịch. “ Nhưng một điều chắc chắn rằng dù rất giàu có nhưng sau nạn đói Ất Dậu cũng không còn một cái áo cho lành. Sau này, trước khi chết, cậu tôi vẫn nhắc lại: Có dịp cứu được người thì nên cứu. Tài sản như núi mà chất đấy không chịu làm phúc thì cũng chỉ là một đống đá mà thôi” – bà Trần Thị Tòng nhớ lại.

Đại gia nghiệp của ông Hưng Ký

Theo các tư liệu của Pháp còn lại về những tư sản Việt Nam thời kỳ 1921- 1936 thì tên tuổi của ông Hưng Ký được đặt ngang hàng với những nhà đại tư sản khác như Bạch Thái Bưởi, Trịnh Văn Bô… Ông Hưng Ký nổi danh với đại gia nghiệp được xây lên từ…gạch. Một nhà máy gạch lớn nhất Đông Dương.
“Năm 1905, người Pháp xây dựng nhà máy sản xuất gạch đầu tiên tại Yên Viên nay là địa phận xã Mai Lâm, Đông Anh, Hà Nội. Năm 1921, ông Trần Văn Thành đã mua lại từ hãng Briqueteries du Tonkin. Người Pháp cũng không ngờ dưới bàn tay của người Việt, nhà máy gạch nhỏ bé ấy nổi danh và phát triển nhất Đông Dương”.



Bà Trần Thị Tòng (bên phải), cháu cự phú Trần Văn Thành.
Trong tư liệu “Doanh nhân 1.000 năm Thăng Long, Hà Nội” của tác giả Vũ Trường Xuân trích dịch và tổng hợp tài liệu từ nhiều nguồn thì “đâu đâu trên khắp nước Việt Nam và toàn cõi Đông Dương, hai tiếng Hưng Ký được nhắc đến đầy ngưỡng mộ. Đại danh Hưng Ký còn đỉnh đỉnh tại mẫu quốc (nước Pháp-PV) khiến mẫu quốc không thể coi thường”. Tài liệu này cũng khẳng định về ngành xây dựng của nước Việt đầu những năm 20 thế kỷ XX không ai qua được doanh nhân Trần Văn Thành (tên thật của ông Hưng Ký).


Công trình chùa Hưng Ký.
Theo tác giả Nguyễn Công Bình cuốn “Tìm hiểu giai cấp tư sản Việt Nam thời Pháp thuộc” thì “Thời kỳ này, lớn nhất là nhà máy gạch Hưng Ký của Trần Văn Thành sử dụng tới 300 thợ, nhà máy rộng 46.800 m2, mỗi năm bán ra 2,6 triệu viên gạch”. Vẫn theo tác giả này, gạch Hưng Ký đã in dấu nhiều công trình kiến trúc tại Hà Nội, Lào, Campuchia và cả Singapore... “Đây cũng là lần đầu tiên một hãng của Việt Nam đặt dấu ấn về thương hiệu. Ông Hưng Ký đã cho dập những logo Hưng Ký lên các viên gạch thể hiện một tư tưởng tiến bộ và vượt thời đại”.

Cũng từ nhà máy gạch Hưng Ký, doanh nhân – nhà đại tư dản dân tộc Trần Văn Thành có lượng tài sản lớn nhất nhì Bắc Kỳ. “Không biết ông giàu có cỡ nào nhưng đâu đâu cũng có sản nghiệp của ông. Cả khu phố Minh Khai hiện tại trước kia là phố Hưng Ký. Điền sản, gia nghiệp của ông được liệt vào hàng cự phú đến người Pháp cũng phải cúi đầu khâm phục”- ông Vũ Tân Dân, một người cháu của ông Hưng Ký nói. Cũng theo ông Dân, nhà máy gạch Hưng Ký là tiền thân của Xí nghiệp gạch ngói cầu Đuống lừng lẫy những năm miền Bắc xây dựng xã hội chủ nghĩa (1954-1975).

Hà Nội có một…ngõ chùa!

Giữa những xô bồ của cuộc sống nhanh, người dân Hà Nội không ai hoặc không thèm để ý trên phố Minh Khai có một ngõ nhỏ mang tên: “Ngõ chùa Hưng Ký”. Hỏi đi hỏi lại đến người thứ 5 cũng chẳng mảy may có câu trả lời tại sao lại có cái tên này. Hỏi về ông Hưng Ký cũng chỉ nhận được những cái lắc đầu quầy quậy và xen lẫn chút cau có “ai thèm quan tâm”.

“Tìm tài liệu về ông Hưng Ký còn rất ít, hầu như không còn, ngoại trừ tấm bia và tấm bảng ghi lại công đức của người dựng chùa”- sư thầy Thích Từ Ân, trụ trì đời thứ 5 chùa Hưng Ký (Minh Khai, Hà Nội) nói. Theo lời sư thầy Thích Từ Ân, chùa mang tên Hưng Ký và có cả một ngõ của Hà Nội mang tên đại doanh nhân này không có điều gì lạ bởi công đức của ông với cộng đồng.


Ngò chùa Hưng Ký. Ảnh : Đ.T
“Ông Hưng Ký vừa là doanh nhân nhưng cũng là một tín đồ Phật tử có duyên với Phật giáo. Chùa được vợ chồng ông công đức và tự tay cất công xây dựng 3 năm và hoàn thành năm 1932. Đầu tiên có tên là Vũ Hưng Tự mang hiệu là Võ Hưng Truyền Am. Khi nạn đói Ất Dậu tràn đến, chùa Hưng Ký cũng là một địa điểm của phát chẩn vì nhà ông không đủ chỗ”.

Theo những nhà nghiên cứu kiến trúc Phật giáo, công trình kiến trúc của chùa Hưng Ký dù ít nhưng đặc biệt độc đáo: tam quan , tam bảo, Phật điện, nhà tổ được bố trí hợp lý, tất cả đều được trang hoàng bởi những bức cuốn bằng gốm sứ, tạc khắc hoa văn tinh xảo qua gần 80 năm vẫn còn bóng màu men gạch.