ÂM THANH VÀ ÁNH SÁNG
TRONG THỂ NGHIỆM THIỀN
Phạm Doãn


Sóng-Bản chất của thế giới
Sự tiến bộ của vật lý cho ta biết thêm những cấu tạo dưới nguyên tử (sub atomic). Đó là những hạt quarks. Hiện tại người ta lại biết rằng Quarks không phải là cấu tạo cơ bản vì chúng có tính không ổn định, chúng có thể thay đổi. Lý thuyết mới nhất Super string theory: Cho rằng yếu tố cơ bản không phải là hạt (particle) mà là dây (string). Theo lý thuyết này, Proton gồm có 3 dây, mỗi dây tương ứng với một quark. Mỗi dây có chiều dài bằng nhau (chiều dài đó có trị số bằng hằng số Planck), nhưng rung động với các tần số khác nhau. Sự rung động của mỗi dây giống như mỗi nốt nhạc. Cả thế giới vật chất là một bản giao hưởng vĩ đại.

Thế giới vật chất của chúng ta có bản chất là sóng. Toàn bộ vũ trụ với các thiên thể là những sóng. Đất đá là sóng. Cơ thể sinh học chúng ta là sóng. Âm thanh, ánh sáng, hương-vị, cảm giác cũng là sóng. Như vậy có thể cái đầu tiên cũng là sóng năng lượng chăng? Trong kinh Tân Ước, thánh John viết:

“In the beginning was the Word and the Word was with God and the Word was God”. Ban đầu có Ngôi Lời? Ngôi Lời ở cùng Chúa trời và Ngôi Lời chính là Chúa trời.

Cái gì là Ngôi Lời-The Word? Giải thích của giáo hội Cơ Đốc theo nhiều người là rất khó hiểu. Nếu thoát ra khỏi sự giải thích của Giáo hội Cơ đốc, người ta có thể phân vân Ngôi Lời phải chăng chính là biểu tượng của âm thanh, của sự rung động, của sóng. Triết học Hy Lạp coi Ngôi Lời là Logos, là cái Lý sáng tạo toàn thể vũ trụ và loài người (Bùi Giáng dịch là cái Lồ gồ :P)

Âm thanh bên trong-The inner sounds

Giống như tất cả mọi hiện hữu vật chất. Cơ thể của chúng ta cũng là sóng tức những dao động. Và những dao động này ta có thể cảm nhận được. Thỉnh thoảng khi bạn mệt, bị cảm cúm hoặc sau một cố gắng quá sức, bạn có thể nghe ù tai (nghe như tiếng ve kêu). Triệu chứng này bác sĩ gọi là tinnitus (French: bourdonnement de l’oreilles). Ù tai loại này xuất hiện thình lình và cũng biến mất đột ngột, ít khi kéo dài quá vài ngày. Tôi dám chắc rằng nó không phải là tổn thương những sợi lông nhỏ của tai trong, như chẩn đoán của các bác sĩ tai-mũi-họng, nhưng đó là “âm thanh bên trong, the inner sound”! Những âm thanh này chính là những dao động của cơ thể của bạn. Đây là cơ chế tự bảo vệ của cơ thể, nó xuất hiện để bạn có ý thức về chính cơ thể mình. Ngoài ra có thể nó còn đi kèm với cơ chế tự sửa chữa, tự phục hồi cơ thể!

Thỉnh thoảng ngay lúc bạn hoàn toàn khỏe mạnh, bạn cũng có thể nghe được Âm thanh bên trong. Thỉnh thoảng trong lúc ngồi thiền bạn cũng có thể nghe âm thanh bên trong. Đa số nghe âm thanh bên trong giống như tiếng côn trùng, tiếng ve, tiếng vang trong vỏ ốc lớn. Có người nghe được tiếng sáo, tiếng trumpet, tiếng tù-và, tiếng đàn Harp, tiếng trống, tiếng sấm, tiếng sóng biển.v.v…Đôi khi rất hiếm, có người nghe được tiếng nhạc với melody rõ rệt. Lịch sử chế tạo nhạc cụ cho biết rất nhiều nhạc cụ được chế tạo ra do kinh nghiệm từ âm thanh bên trong.

Ấn độ giáo thường được biết đến với biểu tượng thần Krisna đang thổi sáo. Chương Khải huyền (Revelation, Apocalype) của Tân Ước kể về mặc khải của Đức Jesus với bảy thiên thần thổi bảy cây kèn Trumpet. Đại thừa Phật giáo trong Kinh Diệu pháp liên hoa, phẩm Phổ môn có đề cập tới Diệu âm, Phạm âm, , Hải triều âm, Quán thế âm, Thắng bỉ thế gian âm. Rất nhiều tôn giáo` và giáo phái có đề cập đến âm thanh bên trong với những từ khác nhau như: Naad, Akash Bani, Sruti (trong Vedanta) hoặc Nada, Udgit (trong Upanisad) hoặc Kalma (trong kinh Qur’an) hoặc Music of the sphere (Pythagoras).

Ánh sáng bên trong-The inner lights

Cũng như âm thanh, ánh sáng cũng là sóng. Ai cũng biết về sóng ánh sáng, về sự tương ứng giữa màu sắc với tần số sóng. Trong thiền định ta có thể đột nhiên thấy xuất hiện ánh sáng. Sự cảm nhận ánh sáng trong thiền định có lẽ khó hơn so với sự cảm nhận âm thanh. Theo kinh nghiệm của tôi, ánh sáng dễ xảy ra khi thiền nhắm mắt. Thoạt đầu vùng đen tối lộn xộn trước mắt ta từ từ trở nên đen tuyền và mịn màng như một khối đồng nhất (homogeneous), sau đó dần dần có những chấm sáng lóe lên. Có thể ánh sáng có nhiều hình dạng hoặc nhiều màu sắc khác nhau. Đôi khi ta có thể cảm nhận như có hai luồng sáng phát ra từ hai đuôi mắt phía ngoài (phía thái dương). Cũng được coi như là cảm nhận ánh sáng nếu ta bỗng chợt nhìn thấy một hình ảnh hoặc một khung cảnh nào đó với những cường độ sáng khác nhau. Có những phân loại cường độ ánh sáng trong thiền định như: Bóng tối, những điểm ánh sáng lóe, ánh sáng đêm trăng, ánh sáng mặt trời… Một người rất thân của tôi ngồi thiền trong bóng tối bỗng thấy quanh mình là ánh sáng rất sáng, dường như có thể đọc sách được. Bằng thiền định sâu, khi quay về được với bản thể sóng của mình, ta có thể cảm nhận âm thanh hay ánh sáng. Ngay thời điểm giác ngộ cũng có biểu hiện ánh sáng với cường độ cao. Khi Jean Baptist làm phép nước, Jesus Christ cảm nhận một làn ánh sáng từ trời cao vụt xuống ngài, Tân ước ẩn dụ là… giống như con chim bồ câu trắng đang lao xuống. Tuy nhiên một blog friend của tôi kể rằng trong lúc tâm hồn đau khổ cùng cực bỗng nhiên cô trông thấy toàn thể căn phòng rực sáng! Lúc đó phòng tắt đèn và cô cũng không ngồi thiền (?).

Nghĩa là có rất nhiều điều được kể lại về thể nghiệm ánh sáng từ những chuyện thuộc về lịch sử tôn giáo cho đến chuyện của người hành thiền bình thường hôm nay. Theo kinh điển Mật tông, khi chết, lúc cơ thể sinh học tan rã, bản thể chúng ta cũng được bộc lộ như những vùng ánh sáng chói chang (clear light of the nature) và những âm thanh chấn động trong cõi trung ấm.

Surat Shabd Yoga

Chắc chắn sự hiểu biết về âm thanh và ánh sáng đã có từ lâu trong truyền thống triết học và tôn giáo Ấn. Nhưng có một phong trào thiền định về âm thanh và ánh sáng nở rộ cách đây khoảng 700 năm gọi là Surat Shabd yoga. Shabd có nghĩa là âm thanh (Sound) hay lời (Word). Surat Shabd hình thành ở bắc Ấn độ vào thế kỉ 13th, được biết đến như phong trào Sant Mat hay Satsang. Đó là phản ứng của tầng lớp dân dã Ấn độ trước sự kiêu ngạo độc quyền của giai cấp Bà la môn. Người Bà la môn không chạm vào dù là cái bóng của người ở giai cấp khác. Phong trào Sant Mat như một cuộc cách mạng tôn giáo phủ nhận cái bóng quá lớn của Bà la môn tức Ấn giáo bằng những Guru nổi tiếng. Sant Mat vẫn tiếp tục truyền thống của nó tới tận hôm nay với rất nhiều guru và giáo phái. Hiện nay, Surat Shabd ở Ấn độ là Radhaswami. Surat Shabd ở Đài Loan và Việt Nam là pháp môn quán âm. Surat Shabd ở Mỹ là Master Path, Eckanka…Bởi vì Surat Shabd luôn là những giáo phái bí mật (esoteric) hoặc bán bí mật (half esoteric) cho nên nhận diện Surat Shabd là điều không dễ.

Hình ảnh của Sant Mat đáng lẽ trở nên tốt đẹp hơn nếu họ không đi theo bánh xe cũ của Ấn độ giáo là tính bảo thủ. Ví dụ họ vẫn giữ những thuộc-tính xấu mà đa số các tôn giáo đã mắc phải, thậm chí họ trở thành những giáo phái thần bí và rất khắt khe. Ví dụ họ vẫn sử dụng lí luận truyền thống của Vedanta là: một người không thể giác ngộ nếu không thọ giáo với một minh sư. Lịch sử cho thấy sa môn Siddartha đã chứng minh luận điểm này là không đúng, là quá cố chấp. Surabd Shabd dùng khái niệm minh sư còn sống (living master) để giữ độc quyền sự phổ biến pháp môn. Cũng từ đó, sự tranh dành địa vị “Minh sư tại thế” đưa đến đấu đá tranh dành quyết liệt trong suốt lịch sử phát triển của Sant Mat. Một số Guru vì thế phải dấu kín tông tích của mình.

Phép quán âm thanh và ánh sáng của Surat Shabd

- Quán âm thanh: Người thực hành chọn sóng chấn động bên trong cơ thể mình làm đối tượng quán. Lắng nghe âm thanh bên trong đầu của mình. Hiệu ứng tăng lên khi dùng ngón cái bịt lỗ tai và trong tư thế ngồi xổm. Lúc đầu người tập nghe được âm thanh côn trùng, lâu dần có thể nghe được những âm thanh gọi là cao hơn như tiếng sáo, tiếng đàn harp, tiếng kèn túi, tiếng sóng, tiếng sấm, tiếng nhạc v.v…

- Quán ánh sáng: Người tập ngồi với tư thế thoải mái, tập trung tư tưởng vào giữa hai chân mày, nơi được coi là con mắt thứ ba. Sau một thời gian sẽ cảm nhận được ánh sáng. Lấy ánh sáng bên trong này làm đối tượng quán để tiếp tục công phu thiền định cho đến mức độ cao hơn. Hiện tại Surat Shabd ở Việt Nam được lấy tên là “Pháp môn Quán âm” hoặc “Pháp môn Diệu âm” với giáo lí cải biến cho phù hợp với Phật giáo là tôn giáo chiếm tỉ lệ cao trong cộng đồng. Trước năm 1975 tại miền Nam Việt Nam cũng có một pháp môn dùng kĩ thuật thiền định bịt hai lỗ tai mà họ gọi là “soi hồn” đó là pháp môn vô vi sáng lập bởi ông Đỗ Thuần Hậu, hiện tại kế tục bởi ông Lương Sĩ Hằng.

Nhận xét:

Quán âm thanh hay ánh sáng bên trong, là quán một cảm thọ của chính cơ thể mình, vì vậy về nguyên lý đó cũng là Vipassana. Thực sự thì quán âm thanh bên trong, rất dễ cho người mới thực hành thiền định, và điều này mau làm tâm ổn định. Quán ánh sáng thì khó hơn, thậm chí có người thực hành hơn hai mươi năm mà vẫn chẳng thấy gì, dù có được truyền tâm ấn (initiated) , ăn chay tuyệt đối, duy trì thời gian thiền hai tiếng rưỡi mỗi ngày! Sự thể nghiệm nhiều hay ít tùy thuộc vào yếu tố tiên thiên của từng người (predisposed factors) tức là yếu tố nghiệp, bộ genes của từng người.

Quan sát cho thấy, pháp quán âm thanh và ánh sáng cũng chỉ là một pháp tu thiền định như những pháp tu tâp khác. Nó nâng tâm thức người thực hành lên đến mức độ nào, tùy theo căn cơ nghiệp chướng của người đó. Ý nghĩ cho rằng âm thanh và ánh sáng là bản thể cuối cùng của thế giới, và đồng nghĩa với Phật tánh, thì hoàn toàn sai. Thế giới vật chất của ta, mà bản thể có thể là ánh sáng, nằm trong tam giới. Phật tánh thì vượt qua tam giới, bao trùm vô lượng thế giới. Tuy nhiên phương pháp tu tập hướng sự di chuyển nhận thức, từ cơ thể vật chất thô đến rung động vi tế sâu hơn, như rung động cấp tế bào, cấp phân tử, và cấp vi tế hơn nữa…thì hướng di chuyển này là hợp lý. Nương theo âm thanh hay ánh sáng để thâm nhập cõi giới vi tế hơn. Có lúc phải vượt qua ánh sáng để đến những thế giới cao hơn. (Surat shabd cho rằng cái ánh sáng mà pháp môn họ đề cập tới là loại ánh sáng khác với ánh sáng thông thường. Đó là loại ánh sáng không có bóng!)

Kinh Lăng Nghiêm có nhấn mạnh đến thể nghiệm ánh sáng của người tu thiền. Trong phần ngũ ấm ma, kinh cũng khẳng định thể nghiệm ánh sáng là một ấn chứng bình thường, nhưng nếu nhận đó là Phật tánh thì liền rơi vào ma chướng. Một số người lại e sợ những thể nghiệm, coi tất cả là ma chướng. Vì thế, vấn đề “ma chướng”, phải nên được hiểu một cách thật rõ ràng. Có thể nói, mọi thể nghiệm đều là ma chướng, cho tới khi bạn đạt quả vị A nậu đa la. Nếu không dám đi qua những thể nghiệm ấy nghĩa là bạn đứng yên một chỗ trên đường tu hành. Đức Phật trước giây phút cuối cùng để thành quả vị A nậu đa la mà còn phải đối mặt với bao nhiêu là thể nghiệm ma chướng!

Kết luận:

Mục đích bài viết là muốn:

- Gợi ý về một sự tương đồng "có thể", giữa “bản thể" của thế giới Vật lý với “thực tại Tâm" của người đang trụ sâu trong thiền định ( Dĩ nhiên đây là điều còn rất nhiều tranh luận ). Hiểu rõ về bản chất vật lý của âm thanh và ánh sáng, cũng như thể nghiệm thiền định về âm thanh và ánh sáng, có thể giúp người thực hành có cái nhìn rộng rãi hơn về những hiện tượng này. Người thực hành thiền định sẽ không quá thần bí hóa, tôn sùng hoặc ngược lại quá e ngại hay sợ hãi những ấn chứng về âm thanh hay ánh sáng.

- Giải thích thể nghiệm âm thanh và ánh sáng trong ý nghĩa khoa học của chúng. Tâm và Vật là hai thực thể không thể tách rời. Phần sâu nhất của Tâm cũng tương ứng với phần sâu nhất của Vật chất. Một cách đơn giản, ta có thể mường tượng Sự chứng đắc trong thiền định như là sự di dời ý thức từ cấp độ cơ thể đến cấp độ hạt cơ bản và sâu xa hơn nữa.

- Giới thiệu những phương pháp thiền định nhắm vào bản thể vật chất của con người: sóng năng lượng. Tuy nhiên phải hiểu rằng âm thanh hay ánh sáng chưa phải là bản thể cuối cùng, chưa phải là Phật tính.

- Xác nhận tính giới hạn của tri thức khoa học.Về mặt Vật lý, dĩ nhiên lí thuyết hạt hay dây chưa phải là điểm dừng, nhưng dưới hằng số Planck, là một thế giới mà Vật lý học vĩnh viễn không thể nào biết tới. Vũ trụ quan Phật giáo quan niệm có vô lượng thế giới. Thế giới mà chúng ta đang sống, đang tư duy triết lí, đang nghiên cứu khoa học, chỉ là một phần của cái vô lượng thế giới. Thế giới của chúng ta nằm trong tam giới. Để hiểu biết vượt ra ngoài tam giới, phải nhờ đến năng lực thiền định. Trong lịch sử, và có thể ngay trong hiện tại, đã từng có những bậc tu hành vượt qua giới hạn của thế giới vật chất bằng thiền định. Theo ngôn ngữ Phật giáo, đó là vượt ra ngoài tam giới.

Phạm Doãn

Vài links tham khảo
Nghiên cứu về Sant Mat, Sat Sang, Surat Shabd
Sant Mat
Naam or Word
Kirpal Singh
Thakar Singh
Guru Nanak

Bài Viết Liên Quan:
Pháp Môn Quan Âm, Hoàng Liên Tâm

(Trích từ Thư Viện Hoa Sen)