Trong một dịp tình cờ, tôi được biết có một người huynh đệ đồng sư hiện đang ở Chùa Linh Sơn Grand Rapids, Michigan nên tôi rất lấy làm vui mừng. Dự định một lúc thuận lợi nào đó vợ chồng tôi sẽ ghé thăm thầy. Nghĩ thì như vậy, nhưng thời gian qua cũng gần một năm mà tôi chưa bước tới Grand Rapids. Nhắc tới đây, tôi chợt giật mình, vì thời gian vô tình quá lâu hay mau, nếu không đi thì sẽ không bao giờ tới. Thế rồi tôi quyết định nhân ngày vía Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát vợ chồng chúng tôi đến đó dự lễ thăm thầy luôn. Không còn ngần ngại nữa tôi nhắc điện thọai gọi nhà tôi:

- Hello em đó hả?
- Hello anh ơi, anh xin phép nghỉ thêm một tuần lễ nữa được không ?
- Chi vậy em?
- Em muốn sẵn dịp đi Los Angeles nghe pháp, chúng ta đi Michigan trước để tham dự khóa tu Bát Quan Trai Giới do chùa Linh Sơn tổ chức, ngòai ra thăm Thầy và Sư Cô luôn.
- Vậy em muốn anh xin phép chừng nào nghỉ?
- Ngày mai anh ạ!
- Ngày mai hả, tại sao gấp vậy?

- Anh biết sao không? Tại vì khóa tu Bát Quan Trai Giới tổ chức hàng tháng vào weekend của tuần lể thứ ba. Tháng này là tháng 10, mà weekend của tuần lể thứ ba nhằm vào ngày 22 mà hôm nay là ngày 20 rồi. Không nghỉ ngày mai thì đâu tới đó kịp.
- Ðược rồi anh sẽ chìu em xin phép nhưng ngày nghỉ thì gấp quá, anh hổng biết xếp của anh có chịu cho phép nghỉ thêm nữa không.
- Em nghĩ xếp của anh sẽ bằng lòng, anh nhớ xin phép gấp nha, được hay không anh phone liền cho em biết, em còn phải xin phép xếp của em nữa.
- Hả em chưa xin phép xếp của em sao ?
- Em phải đợi xếp của anh chấp thuận không đã, rồi em mới xin phép xếp của em.
- Vậy nhỡ xếp của anh chịu mà xếp của em không bằng lòng thì sao?
- Anh an tâm, anh lo cho anh thôi, về phía của em, em thu xếp được.

Khoảng gần 20 phút sau trong khi tôi đang rất là bận thì chuông điện thoại reo, nhà tôi báo cho tôi biết là ông xếp của anh đã chấp thuận cho ngày mai nghỉ phép thêm một tuần lễ nữa. Còn kèm theo lời dặn dò thương mến:

- T. ạ, anh nói bà xã anh ngày mai đừng phone vô đây xin nghỉ thêm một tuần lễ nữa đấy nhé.(Quí vị có biết tại sao ông xếp nhà tôi lại ân cần dặn dò như vậy không? Bởi vì hôm trước tôi đã phone vô hãng yêu cầu nhà tôi xin phép một tuần lễ rồi. Kế đến hôm nay tôi phone vào mong nhà tôi xin nghỉ thêm một tuần lễ nữa).

Ðược sự chấp thuận vui vẻ của ông xếp anh ấy và về phía tôi cũng được bà xếp già thương mến gật đầu. Thế là chiều hôm ấy sau khi đi làm về tôi giao cho nhà tôi công việc vô dầu mỡ chiếc xe già cũ kỹ của chúng tôi. Riêng phần tôi, xếp vội mấy bộ quần áo vào vali, tôi cũng không quên đem theo vài bộ đồ vạt hò và 2 cái áo tràng nữa.

Chỉ trong vòng 1 tiếng đồng hồ, chúng tôi đã thu xếp xong, tôi cũng đã không quên báo tin đến Thầy Cô, chúng tôi sẽ có mặt trong kỳ thọ bát quan trai này. Nhưng quý vị ơi khi vừa ngồi trên xe rồi thì tôi mới trực nhớ và hối nhà tôi như giặc:
- Anh phải chạy mau chứ không thôi ngân hàng sẽ đóng cửa, em cần rút cash.

Nhưng hỡi ơi! Khi xe chúng tôi vừa tới thì ngân hàng cũng vừa đóng cửa, mà rút máy thì một ngày chỉ được rút 200 đồng thôi. Ông xã tôi mặt xanh dờn:
- Bây giờ làm sao hả em ? tiền không lấy kịp làm sao chứ ?
- Anh yên tâm, chở em tới tiệm Á Châu em sẽ đổi check lấy cash, hổng sao đâu.
- Biết họ có chịu đổi cho mình không ?
- Em nghĩ họ sẽ chịu đổi. Anh chở em đi mau kẻo tiệm họ đóng cửa.
Cũng may bà chủ tiệm Á Châu tốt bụng bà đã giúp chúng tôi lấy check đổi cash rất là vui vẻ.

Thế là mọi khó khăn lúc đầu giờ đây đã vượt qua, chúng tôi rời Oregon đúng 6 giờ chiều ngày 20/10/94 chúng tôi phải làm thế nào để có thể lái một quãng đường gần 2500 miles. Khoảng cách từ Oregon đến Michigan trong vòng 2 ngày, nghĩa là chúng tôi cần phải có mặt tại chùa vào lúc 6 giờ chiều ngày 22/10/94. Ngày chạy đêm ngủ, nói ngủ cũng hơi quá (chỉ có mắt cá của tôi ngủ thôi). Còn hai mắt thực của tôi thì mở trao tráọ.

Vợ chồng tôi có một chiếc mini van của thời thượng cổ, để tiện cho 2 vợ chồng có thể thay phiên nhau lái, chúng tôi bằng lòng lấy hai băng ghế phía đằng sau ra thay vào cái nệm hơi full size để người kia lái thì người nọ có thể ngã lưng nghỉ một chút. Khi ngồi trên xe rồi tôi mới xực nhớ ra là thay đổi múi giờ. Sự sai biệt của Oregon và Michigan tới 3 tiếng đồng hồ. Thường thì tôi coi 3 tiếng đồng hồ không quan trọng lắm, nhưng chừ thì tôi qui vô cùng. Muốn có mặt tại chùa Linh Sơn Michigan 6 PM thì giờ Oregon là 3 PM như thế đã mất 3 tiếng đồng hồ, thế là chúng tôi tăng cường giờ lái. Lúc này máy điện tử trong đầu tôi bấm thật nhanh tôi đề nghị với nhà tôi:
- Anh ơi! giờ đổ xăng mình bắt buộc phải có rồi, giờ ăn em yêu cầu mua food to go, còn giờ tắm em tình nguyện không xấy tóc.
- Em còn quên giờ ngủ chưa tính nữa đấy nhé.
- Em nào có quên mô, cứ mổi 3 giờ đồng hồ lái xe anh thay qua cho em rồi anh nghỉ ngơi hay đi ngủ.

Mọi việc rồi cũng qua đi, tuy rằng chúng tôi đã nhập chúng hơi trễ một tí xíu nhưng cũng không đến nỗi nào. Chúng tôi cũng đã tham dự được thời kinh, nghe trọn bài thuyết pháp của Thầy giảng và còn cùng đại chúng thực hành thiền tọa trong buổi tối hôm đó.

Sáng ngày, sau khi tọa thiền và tụng thời kinh Lăng Nghiêm, các giới tử thọ Bát Quan Trai và cũng sáng hôm ấy, đông đủ Phật tử mọi nơi tựu về để tham dự lễ vía Ðức Quán Thế Âm Bồ Tát. Nhân dịp này Thầy đã giảng cho đại chúng nghe một bài pháp dài nói về sự Diệu Dụng của ngài Quan Thế Âm:
Quán Thế Âm là vị Bồ tát thường hay độ đời, nên thường được mọi giới tin Phật nhắc nhở và xưng tụng. Ngài là một vị đường đường nam tử bồ tát, nhưng vì tấm lòng thương chúng sanh như mẹ hiền thương con dại, do đó mà ngài được người đời xưng tụng là Mẹ Hiền Quán Thế Âm. Có rất nhiều bản nhạc, lời thơ và những hình ảnh ca ngợi cũng như tiêu biểu về sự linh ứng của ngài; Tuy nhiên có cảm nhận được sự linh ứng hay không còn tùy thuộc vào hành vi, tâm tưởng và sự thực hành của mỗi người. Trước khi tìm hiểu về Diệu Dụng Quán Thế Âm, chúng ta nên cần biết sơ qua về định danh của ngài: Quán có nghĩa là xem, xét thấy. Thế là thế gian, cỏi đời. Âm là tiếng. Như vậy Quán Thế Âm là quan sát những tiếng ở thế gian. Nói là tiếng trong thế gian có nghĩa là bao gồm cả tiếng khổ và tiếng vui..v..v.. Ngài Hùynh Bá Thiền Sư trong sách Truyền Tâm Pháp Yếu nói:

- Tuy nói là Quán Thế Âm Bồ Tát, nhưng ý kinh muốn nói đức Ðại Bi của đức Phật. Như thế niệm Quán Thế Âm Bồ Tát là niệm Phật, nhưng niệm về khía cạnh của Ðại Từ Ðại Bi.
Quán Thế Âm Bồ Tát đã là tiêu biểu cho đức Ðại Từ Ðại Bi của đức Phật là Tâm, mà Tâm thời ai cũng có cho nên đức ấy có thể biểu hiện trong bất luận chúng sanh nào từ cõi thiên xuống cõi A Tu La cõi người ..v..v..

Tâm của chúng ta là một, nhưng lại sinh ra nhiều tư tưởng. Tâm là ông vua, tư tưởng là nhân dân, quốc thành thê tử. Muốn cho nước mạnh dân giàu, gia đình ấm êm thì ông vua phải nghe và làm theo ý của dân, phải thương vợ cưng con..v.. v.. Ý của dân có đôi khi đúng nhưng phần nhiều cũng không đúng. Vợ con có đôi khi cưng chiều quá trớn cũng sinh ra làm bậy tổn hại đến quốc gia. Như vậy nói là vua luôn luôn chìu theo ý của dân thì cũng như chúng ta trong cuộc sống, tâm luôn luôn bị sai khiến bởi tư tưởng của mình, và chịu ảnh hưởng một cách trầm trọng. Là tư tưởng của thế gian thường thì ác nhiều hơn thiện, do đó mà dễ dẫn con người vào đường khổ. Lúc đó thì tâm bất minh vì mình không biết dùng các tánh đúng chỗ của nó, và gọi là tư tưởng không trật tự là vì ác tưởng phá hoại thiện pháp. Một người biết tinh tấn tu tập thì tâm được an ổn, và tư tưởng được trong lành. Ðức Phật cũng như tất cả mọi người trong chúng ta, nhưng Ngài đã thấy được Tâm Từ Bi là một yếu tố quan trọng trong việc tu tập, trau dồi nhân cách. Nhờ khổ luyện thực hành đức tánh này mà ngài thành đạo trước chúng ta. Ngài thấy chúng ta khổ nên động lòng thương xót bảo rằng:

- Muốn được giác ngộ như ta và sớm lìa khổ nạn thì tâm luôn luôn niệm đức Quán Thế Âm, tức là ý muốn nói phải luôn phát khởi Tâm Từ Bi. Thái độ cầu nguyện, hoặc trì danh hiệu đức Quán Thế Âm bồ tát có hai ý nghĩa:

1- Kêu gào réo gọi tâm của chúng ta thôi bớt hẹp hòi ích kỷ, mà hãy mở rộng cõi lòng từ bi của mìmh để cùng hòa mình với vạn loại chúng sanh.

2- Chính trong tâm của mình chưa có một chút từ bi nào, mình niệm niệm chí thành khẩn thiết như thế cũng giống như chúng ta chiêm ngưỡng tâm từ của kẻ khác, học hỏi và theo đó mà làm gương. Từ đó sẽ thấm nhuần đức Từ Bi trong tâm, như chính là cái Tâm Từ Bi đó của mình.

Thật ra tất cả chúng sanh trong ba cõi ai cũng có tâm từ bi, nhưng những loại sanh ở Ðịa Ngục, Ngã Qủy, Súc Sanh thì lại quá thấp, vì bị vô minh vọng tưởng che đậy, cho nên nói có của báu mà không biết đem ra dùng. Còn như các loại sanh ở cõi Trời, A Tu La, và Người, vì có trí tuệ và tâm từ bi cao hơn, nhưng cứ giải đãi biếng trễ thì chẳng khác chi đem châu ngọc mà bỏ vào bùn lầy. Muốn cho viên ngọc của mình đừng bị lu mờ theo thời gian thì phải tu tập, có tu tập thì có thanh tịnh, có thanh tịnh thì có định, có định thì có huệ, có huệ là có từ bi, mà từ bi là Chân Thể của con người, chính là của Phật tánh. Như vậy nói niệm Quán Thế Âm là tưởng nhớ độc nhất đến cái Chân Thể, vị Phật nơi mình, nhờ đó mà chúng ta mới có thể lần hồi bỏ được cái lối sống theo vọng tưởng vô minh, mà sống theo lối mới của Chân Thể Thanh Tịnh, và Từ Bi Trí Huệ. Do đó mà trong kinh Phổ Môn có nói về Tam Thập Nhị Ứng còn có nghĩa là đức Từ Bi của mỗi người sẽ lần lượt thị hiện và có hiệu quả đồng thời cũng như thích hợp với hoàn cảnh. Như nói:

1- Cần dùng thân Phật đặng độ thóat, thì Quán Thế Âm liền hiện thân Phật mà thuyết pháp.

Phật có nghĩa là Giác, là cái thấy biết chơn chánh. Trong mỗi con người tư tưởng bay nhảy như vượn chuyền cây, thì khó mà tìm thấy được sự thanh tịnh, một khi tâm không thanh tịnh thì khó mà có được cái thấy biết chơn chánh. Trong trường hợp tâm loạn động thì phải dùng Chân Pháp để kéo loạn tưởng về với Thanh tịnh thì gọi là cần hiện thân Phật. Chân Pháp ở đây là Pháp Quán Thế Âm, hay nói một cách khác là tâm an trụ mãi trong niệm tưởng từ bi nên mới có định lực, đây gọi là thọ trì danh hiệu Quán Thế Âm. Nhờ có định lực đó nên mới thấy biết chân chánh, niệm chân chánh là Phật. Do đó mà trong kinh nói cần dùng thân Phật thì đức Quán Thế Âm Bồ Tát hiện thân Phật để thuyết pháp.

2- Cần hiện thân Bích Chi Phật, thì Quán Thế Âm Bồ Tát hiện thân Bích Chi Phật mà thuyết pháp.

Ðắc được quả Bích Chi Phật là những vị ấy phải tu theo Pháp quán sát để dứt trừ nhân duyên đau khổ. Kiếp con người quá nhiều nhân duyên chi chít, mỗi mỗi đều có thể đưa tới đau khổ một cách dễ dàng. Muốn thoát khỏi đau khổ, thì phải tìm phương pháp diệt khổ, thì gọi là cần hiện Bích Chi Phật. Vì muốn dứt khổ nên hành giả cần khởi tâm niệm danh hiệu đức Quán Thế âm Bồ Tát, hay còn gọi là tâm đại từ bi của Phật, thì người ấy sẽ có định lực. Nhờ có định lực, hành giả mới có thể quan sát sâu rộng mới thấy đươc tất cả các nhơn duyên gây khổ. Do đó mà nói Quán Thế Âm Bồ Tát hiện thân Bích Chi Phật mà thuyết pháp.

3- Cần hiện thân Thanh Văn, thì Quán Thế Âm Bồ Tát hiện thân Thanh Văn mà thuyết pháp.

Những vị Thanh Văn là người đã biết các khổ là hư vọng và đã xa lìa mọi hư vọng chướng ngại. Người đã ý thức được đời là huyễn ảo, các khổ não là cội gốc của trầm luân nên muốn xa lìa thì gọi là cần hiện thân Thanh Văn. Phương pháp tu tập để xa lìa khổ não thì tâm luôn luôn niệm đức Quán Thế Âm Bồ Tát, hay nói đúng hơn là phát triển tâm Phật Ðại Từ, Ðại Bi thì lòng sẽ an định. Nhờ an định nên tâm mới quán sát sâu rộng và thấy biết các nguồn gốc hư vọng của các khổ và thông đạt đươc pháp diệt hư vọng. Do đó mà nói Quán Thế Âm Bồ Tát hiện thân Thanh Văn mà thuyết pháp.

4- Cần hiện thân Phạm Vương, Ðế Thích, Tự Tại Thiên, Ðại Tự Tại Thiên thì Quán Thế Âm Bồ Tát hiện các thân ấy để thuyết pháp.

Những vị Phạm Vương, Ðế Thích, Tự Tại Thiên, Ðại Tự Tại Thiên, là những vị tu tập phước đức sâu dày nên được phước báo lành ở trên cõi trời, hưởng quả vui của ngũ dục. Trong cõi người hay các sanh loại ở các cõi khác nếu nghe thấy các cảnh vui mà phát tâm dõng mãnh tu tập để được sanh lên các cõi của các từng trời thì đó gọi là cần hiện thân Phạm Vương, Ðế Thích..v..v.. Như muốn sanh lên cõi trời mà phát khởi tâm tưởng niệm danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát hay nói một cách khác là tìm cách phát triển Tâm Ðại Bi của Phật thì tâm sẽ có định lực. Nhờ có định lực nên mới có thể quán sát sâu rộng, và thấy được tất cả các thứ bậc, sự lợi ích, cao thấp lớn nhỏ của các Pháp và các quả báo lành như bố thí, trì giới..v..v.. Do đó mà kinh nói Quán Thế Âm hiện các Thân Trời mà thuyết pháp.

5- Cần hiện thân Tiểu Vương, thì Quán Thế Âm Bồ Tát hiện thân Tiểu Vương mà thuyết pháp.

Tiểu Vương là vua của một nước, mặc dầu quyền uy nó không giống như Chuyển Luân Thánh Vương là vị vua của các vua, nhưng dẫu sao đi nữa, người mà có địa vị này cũng phải nói là người có tu tạo nhiều việc phước thiện..v..v.. Trong thế gian nầy có người nào nhàm chán thân nghèo hèn và mong muốn một ngày nào đó mình sẽ trở thành bậc mẫu nghi thiên hạ thì phải ráng mà tu thân lập đức, đây gọi là cần hiện thân Tiểu Vương. Tu thân lập đức mà không có tâm Ðại Bi lương thiện thì không thực hiện được. Muốn như thế thì trước tiên hành giả phải phát khởi Ðại Bi tâm Phật, mà Ðại Bi tâm Phật là muốn nói người ấy luôn luôn niệm tưởng Quán Thế Âm. Khi mà Ðại Bi tâm có, thì tánh Giác Ngộ cũng có, nhờ đó mà tâm an trụ vào các hạnh phương tiện giải thóat của Phật thừa. Lúc bấy giờ người ấy sẽ hành xử các hạnh giống như tâm nguyện của Chư Phật, Chư bồ Tát do đó mà nói là Quán Thế Âm Bồ Tát hiện thân Tiểu Vương thuyết pháp.

6- Cần hiện thân Trưởng Giả, thì Quán Thế Âm Bồ Tát hiện thân Trưởng Giả mà thuyết pháp.

Trưởng Giả là người giàu có uy quyền, có tiếng tăm trong một vùng. Theo trong kinh Phật dạy: Người mà giàu có, dư ăn, dư mặc là người đã đời đời tu hạnh bố thí, khiêm nhường..v..v.. Do đó mà gặt được phước báu giàu có. Hiện đời có người nhàm chán cuộc sống bần hàn mà phát khởi tâm hướng thượng thì gọi là Cần hiện thân Trưởng Giả. Một khi đã phát khởi tâm hướng thượng tức là tâm Bi của Phật cũng được rộng mở, thì gọi là thọ trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát. Tâm Từ Bi mà được rộng mở, thì Giác tánh cũng nẩy sanh và từ đó hành giả mới thấy rõ tự tánh của mình và tất cả các hạnh mình đã phát nguyện tu trì. Khi hành giả theo sự chuyển hướng của tâm và nguyện hành theo hạnh của Chư Bồ Tát, Phật thì gọi đó là đức Quán Thế Âm Bồ Tát hiện thân Trưởng Giả mà thuyết pháp.

7- Cần hiện thân Cư Sĩ, Ưu Bà Tắc, Ưu Bà Di thì Quán Thế Âm Bồ Tát hiện thân Cư Sĩ mà thuyết pháp.

Cư Sĩ là người Phật tử tại gia, là người còn có gia đình vợ con và sự nghiệp, nhưng biết được là mình đang đi trên con đường Thiện Mỹ, hướng thượng..v..v.. Hiện đờI, nếu có người nhàm chán cuộc đời bon chen phù phiếm giả tạo, mà tìm cầu học hỏi chân đạo, thọ tam quy y, trì ngũ giới cấm của người tại gia thì gọi là cần hiện thân Cư Sĩ. Khi đã quyết tâm trở thành một cư sĩ thì tâm Từ Bi của Phật mở rộng để đón nhận các điều Chân, Thiện, Mỹ, không sát sanh, không trộm cướp..v..v.. Ðó gọi là thọ trì danh hiệu Quán Thế Âm. Do tâm Phật mở rộng thì tánh Giác từ đó mà phát sanh và đồng thời cũng hiểu rõ căn bản của tự tánh giải thóat, nhờ đó mà thiện căn được tăng trưởng. Do đó gọi là Quán Thế Âm Bồ Tát hiện thân Cư Sĩ mà thuyết pháp.

8- Cần hiện thân Tể Quan, thì Quán Thế Âm Bồ Tát hiện thân Tể Quan mà thuyết pháp (xem Tiểu Vương ở số 5).

9. Cần hiện thân Bà La Môn, thì Quán Thế Âm Bồ Tát hiện thân Bà La Môn mà thuyết pháp.

Bà La Môn là giai cấp cao sang thứ nhất, giai cấp này chuyên lo về phần nghi lễ cho vua chúa và các giai cấp khác ở Ấn Ðộ. Giai cấp này có vẻ như thần quyền, nhưng có điều phải công nhận là họ cũng tu, tuy nhiên cái tu theo lối ngọai đạo còn bị vướng mắc vào hữu lậu pháp, do đó nó không được giải thóat rốt ráo như Phật. Hiện đời có người nào muốn từ bỏ cuộc sống nô lệ thấp hèn mà tìm cầu địa vị cao sang của Bà La Môn thì gọi là cần hiện Bà La Môn. Khi đã quyết tâm trở thành một người Bà La Môn thì tâm Từ Bi của Phật cũng rộng mở để đón nhận các pháp đại thừa phương tiện. Ðó gọi là thọ trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát. Do tâm Phật mở rộng nên Giác Tánh cũng phát sanh, đồng thời hiểu rõ cặn kẽ sự giới hạn của Pháp hữu lậu và địa vị cao sang của tự tánh. Ðó gọi là Quán Thế Âm Bồ Tát hiện thân Bà La Môn mà thuyết pháp.

10- Cần hiện thân Tì Kheo, Tì Kheo Ni thì Quán Thế Âm Bồ Tát hiện thân Tì Kheo, Tì Kheo Ni mà thuyết pháp.

Tì Kheo là nam xuất gia giữ 250 giới cấm, Tì Kheo Ni là người nữ xuất gia giữ 348 giới cấm. Hiện đời có người muốn từ bỏ cuộc sống thế tục xuất gia làm thầy Sa Môn để cứu độ chúng sanh, thì gọi là cần hiện thân Tì Kheo, Tì Kheo Ni. Khi đã quyết định xuất gia, cắt ái ly thân, tác Như Lai sứ hành Như Lai sự, và một tâm tình tưởng niệm đến chúng sanh, với tâm Từ Bi Phật rộng mở thì gọi là thọ trì Quán Thế Âm Bồ Tát. Do tâm Phật rộng mở nên giác ngộ về nghĩa của 250 và 348 pháp giới tánh nơi mình, đồng thời cũng thông được nguyên nhân nguồn gốc và cứu cánh của 250 và 348 giới tánh. Do đó mà gọi là Quán Thế Âm Bồ Tát hiện thân Tì Kheo, Tì Kheo Ni mà thuyết pháp.

11- Cần hiện thân Ðồng Nam, Ðồng Nữ thì Quán Thế Âm Bồ Tát hiện thân Ðồng Nam, Ðồng Nữ mà thuyết pháp.

Ðồng Nam, Ðồng Nữ là người còn thơ ngây trong trắng, không vướng bận việc đời, là người chưa có lòng dâm dục, bản tánh lương thiện. Hiện đời người nhàm chán cuộc sống bận rộn tranh giành, muốn từ bỏ gia đình thê tử..v..v.. để sống một cuộc sống thoát tục vô tư lự thì gọi là cần hiện thân Ðồng Nam, Ðồng Nữ. Khi đã quyết tâm sống cuôc sống lìa bỏ thế gian ác trược thì Tâm Từ Bi của Phật rộng mở đó gọi là thọ trì danh hiệu đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Một khi tâm Phật đã mở rộng thì Giác Tánh cũng phát triển, do đó mà Giác Ngộ về cái tai hại của tướng dâm và hạnh dâm dục của hai phái nam nữ và tất cả những vướng mắc ràng buộc của cuộc đời. Ðó gọi là Quán Thế Âm Bồ Tát hiện thân Ðồng Nam, Ðồng Nữ mà thuyết pháp.

12- Cần hiện thân Dạ Xoa, thì Quán Thế Âm Bồ Tát hiện thân Dạ Xoa mà thuyết pháp.

Dạ Xoa là loại có thân tướng xấu xa, dữ tợn. Sở dĩ chịu quả báo như thế là do nhân sân si và làm việc thương tổn đến đạo lý. Hiện đời có người ý thức được cái hạnh ác mà tu hạnh thiện, thì gọi đó cần hiện thân Dạ Xoa. Khi đã ý thức được ác hạnh là nguy hiểm, tổn hại đến căn lành, mà khởi tâm xấu hổ trở lại tu hành nhẫn nhục, khiêm cung thì gọi là thọ trì danh hiệu đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Khi đã biết ăn năn và khiêm cung thì tâm Từ Bi Phật và Giác Tánh cũng mở rộng, do đó mà Giác Ngộ được cái nguồn gốc xấu xa của tư tưởng tự nơi mình. Ðây gọi là Quán Thế Âm Bồ Tát hiện thân Dạ Xoa mà thuyết pháp.

13- Cần hiện thân Càn Thát Bà, thì Quán Thế Âm Bồ Tát hiện thân Càn Thát Bà mà thuyết pháp.

Càn Thát Bà là một trong tám vị Thiên Long Bát Bộ có thân tướng tốt và mùi thơm vi diệu. Theo trong kinh Pháp Hoa, mặc dầu vị hành giả đó chưa chứng đắc và còn mang nhục thân phàm phu như bao nhiêu người khác, nhưng nhờ phước báo đó mà trong miệng thường thoảng ra mùi thơm. Càn Thát Bà có được mùi hương vi diệu, có thể là đã tu hạnh cúng dường bông hoa lên Chư Phật, hoặc thọ trì đọc tụng kinh Pháp Hoa rất nhiều. Hiện đời có người nhàm chán sự hôi tanh nhơ uế trong thế gian mà phát tâm cúng dường thọ trì thiện pháp thì đó là cần hiện thân Càn Thát Bà. Một khi đã phát tâm thọ trì thiện pháp để chuyển nghiệp dữ thì gọi là thọ trì danh hiệu đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Khi đã biết cúng dường, tu tập theo kinh điển đại thừa thì tâm Từ Bi của Phật và Giác Tánh cũng phát triển, do đó mà được Giác Ngộ về sự lợi hại của cả mùi hương của thế tục đến với mình, và phát triển giới, định, huệ, giải thóat và giải thóat tri kiến hương của mình để hóa độ chúng sanh. Do đó mà nói là Quán Thế Âm Bồ Tát hiện thân Càn Thát Bà mà thuyết pháp.

14- Cần hiện thân A Tu La và Rồng thì Quán Thế Âm Bồ Tát hiện thân A Tu La mà thuyết pháp.

A Tu La và Rồng là một trong tám vị Thiên Long Bát Bộ. A Tu La là loài cũng có nhiều phước báo và cũng có thần thông. Tuy nhiên, không có địa vị như những loại sanh ở cõi trời vì còn có nhiều sân hận. Rồng là loại cũng có phước báu, có phép tàng ẩn hiện nhưng rất độc dữ. Hiện đời có người ý thức và nhàm chán sự thay đổi mau lẹ và độc hại của thân tâm mà tu tập các hạnh lành thì gọi cần hiện thân A Tu La và Rồng. Khi đã biết sự độc hại nguy hiểm của thân tâm mà khởi lên tâm niệm xa lìa thì gọi là thọ trì danh hiệu đức Quán Thế Âm Bồ Tát. Do khởi tâm xa lìa sự độc hại mà Từ Bi tâm Phật phát sanh và Giác Tánh cũng xuất hiện, do đó mà Giác Ngộ từ nguyên nhân, nguồn gốc cho đến cứu cánh sự tổn hại của những tư tưởng sân hận độc dữ ở nơi mình, nơi người. Ðó gọi là Quán Thế Âm Bồ Tát hiện thân A Tu La và Rồng mà thuyết pháp.

15- Cần hiện thân Khẩn Na La thì Quán Thế Âm Bồ Tát hiện thân Khẩn Na La mà thuyết pháp.

Khẩn Na La cũng là một trong tám vị Thiên Long Bát Bộ, là một loại thần âm nhạc. Nói về âm nhạc thì có những loại nhạc mê hoặc lòng người, cũng có những loại nhạc dùng để cúng dường tán dương Chư Phật. Hiện đời người nào sợ hãi về những âm nhạc làm cho mất đi giống trí tuệ mà khởi tâm nhàm chán thì đó là cần hiện thân Khẩn Na La. Khi đã ý thức được vô minh mà khởi tâm giải thoát thì gọi là thọ trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát. Do khởi tâm cầu giải thóat mà tâm Từ Bi Phật và Giác Tánh phát sanh, nhờ vậy mà giác ngộ được các âm thanh lợi hại mê hoặc đồng thời cũng tiếp nhận những âm thanh vi diệu Pháp do Chư Phật nói để mà tu tập. Do đó mà nói Quán Thế Âm Bồ Tát hiện thân Khẩn Na La mà thuyết pháp.

16. Cần hiện thân Ca Lầu La, Ma Hầu La Già thì Quán Thế Âm Bồ Tát hiện thân Ca Lầu La, Ma Hầu La Già mà thuyết pháp.

Ca Lầu La, Ma Hầu La Già là hai trong tám vị Thiên Long Bát Bộ. Ca Hầu La là loại có thân tướng lớn mạnh chuyên giết hại, như Kim Súy Ðiểu chuyên ăn thịt người. Ma Hầu La Già là loại có thân tướng độc hại như rắn mãng xà. Hiện đời người nào có ý thức được sự giết chóc tự thân và sự độc hại nơi tâm mà nhàm chán xa lìa thì đó gọi là cần hiện thân Ca Hầu La và Ma Hầu La Già. Nhàm chán nghiệp dữ, tâm tình hướng thiện tu tập các thiện pháp, đây gọi là thọ trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát. Do quyết tâm tu thân gọt rửa si mê mà Từ Bi Tâm Phật và Giác Tánh phát sanh, nhờ đó mà giác Ngộ từ những nguyên nhân, nguồn gốc cho đến cứu cánh tổn hại của những tư tưởng giết chóc, độc dữ do sự tham sân si của chính bản thân gây ra. Do đó mà gọi là Quán Thế Âm Bồ Tát hiện thân Ca Lầu La, Ma Hầu La Già mà thuyết pháp.

17. Cần hiện thân Nhân, Phi Nhân, thì Quán Thế Âm Bồ Tát hiện thân Nhân Phi Nhân mà thuyết pháp.

Nhân, Phi Nhân là tướng người nhưng lại chẳng phải là người nên thường biến hiện không chừng, lúc có lúc không, vì do tâm của họ thay đổi. Hiện đời người không thích cầu sanh về thế giới này, mà trái lại mong muốn sanh về cảnh giới Chư Phật, Chư Thiên thì gọi là cần hiện thân Nhân Phi Nhân. Khi khởi niệm cầu mong sanh về Phật Quốc, hoặc các tầng trời thì Tâm Từ Bi của Phật cũng phát sanh do đó mà nói là thọ trì danh hiệu Quán Thế Âm Bồ Tát. Khi tâm Từ Bi phát sanh thì Giác Tánh cũng phát sanh, nhờ vậy mà Giác Ngộ được về sự tai hại của tư tưởng bất định, thay đổi mau chóng của chính bản thân mình, của người khác. Do đó gọi là Quán Thế Âm Bồ Tát hiện thân Nhân Phi Nhân mà thuyết pháp.

Như vậy, nhìn chung về đức Quán Thế Âm Bồ Tát chúng ta thấy: Nếu đức Quán Thế Âm là một vị Bồ Tát có theo như ở trong kinh điển thường nhắc nhở, và có tâm từ bi cứu độ chúng sanh như mẹ hiền thương con, là một Phật tử chúng ta cứ tin tưởng tuyệt đối mà thọ trì chắc chắn sẽ có kết quả như sự mong cầu. Vì có câu: hữu cầu tắc ứng, và trong các bài xưng tán cũng có nói về đức Quán Thế Âm Bồ Tát là: Thiên Xứ hữu cầu Thiên Xứ ứng. Còn nếu hiểu Quán Thế Âm là một pháp tu thì ta phải hiểu pháp nào cũng do tâm sanh. Vì vậy, tâm phải tạo pháp cho đúng nghĩa. Pháp được tạo cho đúng nghĩa thì cho dù ác nhân, hoặc các tư tưởng tham sân si của mình làm khổ; những nghiệp chướng nặng nề nên không làm được sự nghiệp gì về Phật sự. Những tánh giới không giữ được, những bệnh tật làm gián đoạn công phu tu hành, những ý tưởng nghi ngờ không quyết định, cầu danh lợi, gây thù trả oán..v..v.. thì ta cũng có thể vượt qua một cách dễ dàng. Những thứ chướng ngại đó làm ngăn trở sự thành tựu của các pháp. Người tu hành phải dùng tâm sám hối ăn năn tội lỗi để diệt trừ tham sân si, dùng tâm hổ thẹn để diệt trừ nghiệp chướng nặng nề, dùng tâm lo sợ mà giữ gìn tánh giới, dùng tâm kham nhẫn để diệt trừ bệnh tật, dùng niềm tin chân chánh để phá trừ nghi ngờ..v..v.. Ngoài ra còn phải khởi tâm niệm thích sống với cảnh giới ổn định của tinh thần người tu, thích các sự hiểu biết của việc tu hành và ham học hỏi, quán sát những nổi khổ của mình mà động lòng thương người đồng cảnh ngộ..v..v.. Người Phật tử biết dùng các tâm như thế để tưởng niệm Quán Thế Âm Bồ Tát, sở cầu tùy theo mỗi trường hợp và có những sự nhiệm màu khác nhau thì gọi là chánh niệm và sự Diệu Dụng của người Phật tử khi học và thực hành theo đức Quán Thế Âm Bồ Tát...

Giọng thầy thật trong và thật ấm khiến lòng tôi thật thanh tịnh. Tôi thầm nhủ: Thưa Thầy, con sẽ vâng theo lời Thầy dạy, cố gắng tập và hành hạnh lắng nghe để cho đời vơi bớt phiền não khổ sầu...

Thật tình mà nói đây không phải là lần đầu tiên tôi tham dự tu Bát Quan Trai Giới, tôi đã có những phúc duyên lớn được tham dự những khóa tu dưới sự hướng dẫn của các vị cao tăng như: Hòa Thượng Thích Huyền Vi, Hòa Thượng Thích Nhất Hạnh, Hòa Thượng Thích Tâm Châu... hay các vị khác như Thượng Tọa Thích Tịnh Từ, Thượng Tọa Thích Minh Thiện, Ðại Ðức Thích Từ Lực... Nhưng chưa lần nào tôi cảm thấy thích thú và xúc động như lần này, có lẽ đây là lần đầu tiên tôi thực hiện được sự chia sẻ việc tu tập với người thân trong gia đình.

Một ngày một đêm tu Bát Quan Trai Giới trôi qua rất nhanh. Vợ chồng chúng tôi được sống gần Thầy trong thời gian rất ngắn. Phút chia tay, Thầy tiễn chúng tôi ra tới xe, chắp tay búp sen vái chào Thầy mà nước mắt tôi cứ muốn ứa ra, ứa ra...

(Ðồng Nguyệt)

www.duocsu.org