kết quả từ 1 tới 4 trên 4

Ðề tài: Ba Mươi Bẩy Pháp Tu của Bồ Tát Tác giả: Ngulchu Thogme Zangpo Việt dịch: Ly Bui (Sona

Threaded View

Previous Post Previous Post   Next Post Next Post
  1. #1

    Mặc định Ba Mươi Bẩy Pháp Tu của Bồ Tát Tác giả: Ngulchu Thogme Zangpo Việt dịch: Ly Bui (Sona

    Ba Mươi Bẩy Pháp Tu của Bồ Tát
    Tác giả: Ngulchu Thogme Zangpo
    Việt dịch: Ly Bui (Sonam Nyima Chân Giác).

    Nam Mô Đức Quán Thế Âm tôn kính !
    Mặc dù thấy mọi pháp chẳng đi cũng chẳng đến,
    Ngài vẫn dùng mắt nhìn chúng sinh, nhất tâm cứu độ ,
    Trước đấng đấng đạo sư hộ trì tối thượng Quán Thế Âm,
    Đệ tử luôn luôn cung kính đảnh lễ bằng tam nghiệp[4] thanh tịnh.

    Chư Giác Ngộ viên mãn, là nguồn phúc lợi và hỷ lạc,
    Đều khởi ra từ sự thành tựu viên mãn giáo pháp kỳ diệu,
    Vì hành trì tùy thuộc sự quán triệt của pháp tu,
    Nên tôi thuyết giảng pháp tu của Bồ-tát sau đây.

    1. Hiện thời đắc thân người đầy đủ, khó kiếm, là chiếc bè,
    Để tự giải thoát mình và chúng sinh ra khỏi biển luân hồi,
    Hãy ngày đêm không ngừng tinh tấn hành trì,
    Văn, tư và tu. Đó là pháp tu của Bồ-tát.

    2. Chấp ái người thân làm ta như nước xô động,
    Lòng sân hận kẻ thù thiêu đốt ta như lửa,
    Vô minh si mê làm ta quên tu sửa,
    Hãy từ bỏ xứ sở quê hương. Đó là pháp tu của Bồ-tát.

    3. Xả bỏ tâm dao động thì phiền não giảm thiểu dần,
    Không còn vọng niệm thì hành trì tự nhiên tăng trưởng[5],
    Giữ gìn chánh niệm, tâm sẽ khởi tín về đạo pháp ,
    Hãy ẩn tu nơi hẻo lánh. Đó là pháp tu của Bồ-tát.

    4. Bạn bè, thân thuộc lâu đời, rồi cũng phải chia ly
    Tiền của kiếm cực nhọc, rồi cũng phải bỏ lại sau lưng.
    Tâm thức, là khách trọ, rồi cũng sẽ phải lìa thân [là nhà trọ] để ra đi
    Hãy xả bỏ đời sống thế gian. Đó là pháp tu của Bồ-tát.

    5. Liên hệ bạn bè xấu thì tam độc sẽ tăng trưởng,
    Hành trì văn, tư và tu sẽ suy thoái,
    Tâm từ bi sẽ bị đánh mất.
    Hãy xa lìa tất cả bạn bè xấu. Đó là pháp tu của Bồ-tát.

    6. Nương tựa bậc thiện tri thức sẽ giải trừ các lỗi lầm, ác nghiệp,
    Đức hạnh sẽ được tăng trưởng như vầng trăng non.
    Hãy trân quý bậc thiện tri thức hơn thân mình.
    Đó là pháp tu của Bồ-tát.

    7. Chư thiên thế gian còn bị tù hãm trong vòng luân hồi,
    Làm sao có thể hộ trì che chở cho ai được?
    Do đó, khi tìm về quy y,
    Hãy quay quy y vào Tam Bảo. Đó là pháp tu của Bồ-tát.

    8. Tất cả các khổ đau không thể chịu được của ba đọa xứ,
    Đấng Thế Tôn dạy chính là quả báo của những ác nghiệp,
    Do đó, ngay cả khi phải hy sinh tính mạng mình,
    Cũng đừng bao giờ tạo ác nghiệp. Đó là pháp tu của Bồ-tát.

    9. Dục lạc của ba cõi giống như giọt sương trên đầu ngọn cỏ,
    Sẽ tan biến trong giây phút.
    Hãy phát nguyện đạt giải thoát tối thượng bất biến bồ đề.
    Đó là pháp tu của Bồ-tát.

    10. Từ vô thỉ quá khứ, chúng sinh đã từng là mẹ thương yêu ta,
    Thì hạnh phúc của riêng ta có ích gì, khi các chúng sinh mẹ đang chịu khổ đau ?
    Do đó hãy phát nguyện thành tựu,
    Tâm Bồ-đề để giải thoát vô lượng chúng sinh. Đó là pháp tu của Bồ-tát.

    11. Tất cả những khổ đau, không ngoại lệ, đều đến từ sự tìm kiếm dục lạc ích kỷ,
    Quả vị giác ngộ viên mãn thì được khởi sinh từ lòng từ bi vị tha.
    Do đó hãy tu tập ngã tha hoán vị,
    [đổi hạnh phúc của ta để nhận lấy khổ đau của người]. Đó là pháp tu của Bồ-tát.

    12. Ngay cả khi kẻ khác vì tham ái,
    Cướp đi hay sai bảo người khác cướp đi tất cả tài sản của ta,
    Hãy hồi hướng cho họ thân, tài sản
    Và công đức ta tích tụ trong ba đời. Đó là pháp tu của Bồ-tát.

    13. Cho dù ta hoàn toàn không làm lỗi nhỏ gì,
    Mà nếu kẻ khác vẫn muốn chặt đầu ta,
    Với thần lực của từ bi,
    Hãy gánh nhận tất cả nghiệp ác của họ . Đó là pháp tu của Bồ-tát.

    14. Cho dù kẻ khác vu khống ta,
    Với đủ các lời ác qua ba ngàn thế giới,
    Bằng tất cả tâm tốt lành đối với chính người đó,
    Hãy tán dương các đức hạnh của họ. Đó là pháp tu của Bồ-tát.

    15. Cho dù giữa đám đông, có người đứng ra nhạo báng,
    Vạch những lỗi kín của ta ra và nói xấu,
    Hãy coi người đó như là bậc thiện tri thức,
    Và cung kính đảnh lễ họ. Đó là pháp tu của Bồ-tát.

    16. Cho dù kẻ ta thương yêu như chính con mình,
    Quay ngược trở lại, đối với ta như kẻ thù,
    Hãy từ bi với người đó như một người mẹ
    Thương yêu con mình đang bị bệnh. Đó là pháp tu của Bồ-tát.

    17. Cho dù một người bằng ta hoặc thấp kém hơn ta,
    Vì lòng kiêu ngạo nhục mạ ta,
    Hãy kính trọng họ như vị đạo sư,
    Đặt kẻ đó trên đỉnh đầu mình. Đó là pháp tu của Bồ-tát.

    18. Mặc dù ta có kiếp sống nghèo nàn, luôn bị kẻ khác miệt thị
    Phải chịu cảnh bệnh tật, ma chướng,
    Hãy nguyện nhận tất cả khổ đau, ác nghiệp của kẻ khác,
    Và không sinh lòng chán nản. Đó là pháp tu của Bồ-tát.

    19. Cho dù ta nổi tiếng, được nhiều người tán dương,
    Đảnh lễ kính trọng, và giầu có như Tỳ Sa Môn[6],
    Hãy nhận chân là của cải và danh tiếng thế gian chẳng có nghĩa gì,
    Đừng tự phụ theo danh vọng thế gian. Đó là pháp tu của Bồ-tát.

    20. Khi kẻ thù bên trong là tâm sân hận của chính ta chưa bị khuất phục,
    Thì chiến thắng kẻ thù bên ngoài chỉ càng làm cho kẻ thù tăng trưởng,
    Vì thế hãy chiến thắng chính tâm của mình,
    Bằng đạo quân từ bi. Đó là pháp tu của Bồ-tát.

    21. Đặc tính của dục lạc của thế gian giống như nước biển,
    Càng uống càng khát nhiều hơn,
    Khi thấy tâm chấp thủ và tham ái khởi lên,
    Hãy lập tức xả bỏ tâm ấy. Đó là pháp tu của Bồ-tát.

    22. Quán xét những gì khởi lên trong tâm thức,
    Từ vô thủy, tự tâm không bị dính mắc bởi biến kế[7] nào,
    Nhận thức điều đó, hãy ngừng tâm chạy theo chủ thể và đối tượng.
    Đó là pháp tu của Bồ-tát.

    23. Khi tiếp xúc với đối tượng của tham ái, dù đẹp bao nhiêu,
    Cũng chỉ giống như cầu vồng trong cơn mưa mùa hạ,
    Đừng thấy là có thật,
    Hãy xả bỏ tham ái. Đó là pháp tu của Bồ-tát.

    24. Tất cả các khổ đau đều giống như ngủ mơ thấy con mình bị chết,
    Khi chấp các huyễn mộng là thật có thì ta sẽ mệt mỏi,
    Do đó, khi gặp phải tình trạng khổ đau bất đắc ý,
    Hãy coi như là mộng huyễn. Đó là pháp tu của Bồ-tát.

    25. Khi mong cầu giác ngộ đến độ có thể bố thí cả chính thân mình,
    Thì chẳng cần bám víu vào những ngoại vật,
    Do đó chẳng mong cầu được trả quả tốt,
    Hãy tu tập bố thí với tâm vô chấp trước. Đó là pháp tu của Bồ-tát.

    26. Thiếu giới hạnh thì chẳng thể thành tựu nổi lợi lạc cho chính mình,
    Như thế, nguyện lợi lạc các chúng sinh khác chỉ là trò cười,
    Do đó, đừng khởi những mong cầu thế gian,
    Và hãy tuân thủ giới hạnh. Đó là pháp tu của Bồ-tát.

    27. Bồ-tát nào muốn tích tụ nhiều đức hạnh, kho tàng trân quý,
    Do đó không khởi lòng sân hận với bất kỳ ai,
    Và phát triển hạnh nhẫn nhục. Đó là pháp tu của Bồ-tát.

    28. Nhận biết chư Thanh văn và Độc giác, chỉ vì muốn đạt giác ngộ cho bản thân,
    Mà chuyên cần hành trì tinh tấn, như phải dập tắt lửa cháy trên đầu,
    Hoan hỷ chuyên cần tu tập để lợi ích chúng sinh,
    Là nguồn gốc của mọi đức hạnh. Đó là pháp tu của Bồ-tát.

    29. Nhờ thiền định chỉ và quán [minh sát tuệ],
    Sẽ tiêu trừ phiền não, vọng tưởng,
    Và vượt lên trên cả bốn cõi thiền vô sắc định,
    Hãy tu tập thiền định như vậy. Đó là pháp tu của Bồ-tát.

    30. Nếu thiếu trí huệ, chỉ với năm pháp còn lại của lục độ Ba La Mật,
    Thì không thể đạt toàn giác,
    Với các phương tiện thiện xảo, hãy phát triển trí tuệ vô tướng,
    Tam luân thể không[8]. Đó là pháp tu của Bồ-tát.

    31. Nếu không quán xét các lỗi lầm của chính ta,
    Thì chỉ có hình thức bề ngoài là người tu pháp, mà thực sự không tu,
    Vì thế hãy luôn luôn quán xét những lỗi lầm của chính ta
    Và từ bỏ những lỗi lầm. Đó là pháp tu của Bồ-tát.

    32. Khi bị ảnh hưởng bởi tâm phiền não, ta đi vạch lỗi của Bồ Tát khác,
    Như vậy ta sẽ đi xuống, vì thế không vạch lỗi,
    Của những người đã đi vào đại thừa,
    Đó là pháp tu của Bồ-tát.

    33. Ham muốn được thắng lợi và danh vọng nên phải tranh cãi
    Do đó hành trì văn, tư và tu bị suy giảm,
    Vì thế tụ tập bạn bè, giao tiếp và liên hệ với các thí chủ,
    Hãy từ bỏ tất cả không dính mắc. Đó là pháp tu của Bồ-tát.

    34. Bởi vì ác ngữ làm cho tâm kẻ khác bị sân hận,
    Và làm hạnh nguyện bồ tát bị suy giảm,
    Hãy từ bỏ ác ngữ làm cho tâm người khác không vui,
    Đó là pháp tu của Bồ-tát.

    35. Khi tâm phiền não trở thành thói quen trong ta,
    Thì khó tiêu trừ bằng các thuốc hóa giải,
    Dùng thuốc hóa giải là thanh kiếm trí tuệ chánh niệm để diệt trừ tâm phiền não
    Như là tham ái, ngay lúc nó khởi lên trong tâm thức. Đó là pháp tu của Bồ-tát.

    36. Tóm lại, trong tất cả mọi hành động, ta đều phải biết,
    Tâm thức của ta đang trong tình trạng nào?
    Hãy luôn luôn giữ tâm chánh niệm và tỉnh giác,
    Để đạt mục đích làm phúc lợi cho người. Đó là pháp tu của Bồ-tát.

    37. Để giải thoát vô lượng chúng sinh hữu tình khỏi khổ đau
    Với trí tuệ vô tướng tam luân[9],
    Hãy hồi hướng tất cả những công đức,
    Để đạt giác ngộ Bồ-đề. Đó là pháp tu của Bồ-tát.

    Lời kết:
    Nương theo giáo pháp của chư tôn thánh giả,
    Đã được ghi lại trong kinh điển, mật điển và các luận giải,
    Tôi đã viết lại 37 pháp tu của Bồ Tát,
    Để lợi ích cho chư vị ước nguyện đi theo Bồ-tát đạo.

    Do trí tuệ thấp và học lực kém cỏi,
    Bài tụng này thiếu vần điệu để làm hài lòng chư hiền giả,
    Tuy nhiên vì đã y cứ vào kinh điển và giáo pháp của chư tổ,
    Nên tôi nghĩ Pháp Tu của Bồ Tát này không sai lầm.

    Tuy nhiên, vì người kém trí tuệ như tôi
    Khó có thể đào sâu vào trong những đại hạnh của Bồ-tát,
    Nên tôi cầu xin Chư Tôn Thánh từ niệm tha thứ những lỗi lầm
    Các mâu thuẫn và những suy luận bất nhất.

    Nhờ những công đức này, và nhờ thần lực của hai Bồ Đề Tâm
    Quy ước và tối hậu. Xin nguyện tất cả chúng sinh,
    Chẳng trụ trong cực đoan của Luân Hồi và Vô Trụ Niết-bàn,
    Đạt đến quả vị như Đấng Hộ Trì Quán Thế Âm.

    Tỳ Kheo Thogme[10], một vị sư thuyết giảng kinh điển và luận lý, đã soạn ra bài tụng, để lợi lạc cho chính tác giả và các chúng sinh khác này, tại hang đá tên gọi là Ngulchu Rinchen Puk.

    Hồi Hướng
    Nguyện đem công đức này,
    Hướng về khắp tất cả,
    Đệ tử và chúng sinh,
    Đều trọn thành Phật đạo.
    Nam mô Bổn Sư Thích Ca Mâu Ni Phật

    Chú thích:
    Bản dịch này được dịch thẳng từ Tạng ngữ sang Việt ngữ.
    Ly Bui (pháp danh Sonam Nyima Chân Giác, bút hiệu Không Quán), ©2011.

    [1] Tham khảo thêm "Life and Teaching of Ngulchu Thogme Sangpo", Vol. II No. I & II (1989). (Translated from Tibetan By Erik Pema Kunzang).
    Gyalsa Ngulchu Thogme (Wyl. rgyal sras dngul chu thogs med) or Thogm Zangpo (Wyl. thogs med bzang po) (1297-1371), sinh ra tại Puljung, vùng Tây Nam của Tu Viện Sakya Monastery.

    [2] Tâm biến kế (e. fabricated mind) luôn luôn chạy theo vọng tưởng nhị nguyên, phân biệt ta (chủ thể) và người (đối tượng). Tra cứu thêm về duy thức học, tâm biến kế là một trong Tam Tự Tánh: 1. Biến Kế Sở Chấp, 2. Y Tha Khởi và 3. Viên Thành Thật. Đó là nói về khi ta khởi tâm chế biến (biến kế) gán ghép vào sự vật những gì không phải của nó thì sẽ sinh phiền não. Phật giáo thí dụ so sánh là khi đi trong đêm (vô minh), thấy sợi giây mà tưởng là con rắn nên khở tâm sợ hãi vô cùng. Chỉ khi nảo dứt tâm biến kế và nhận rõ lý duyên khởi (Y tha khởi, nghĩa là nhờ các thứ khác mới khởi sinh ra được) thì sẽ đạt được Phật tánh (Viên Thành Thật) tròn đầy, nhìn sự vật mà không khởi tâm biến kế, không khởi tâm phân biệt ta và người.
    [3] Vô tướng, tam luân thể không (kinh Kim Cang, E. the tree spheres on non-conception): nghĩa là không chấp vào tướng, không có tác nhân (tác nhân nghĩa là người làm), không có hành động và không có đối tượng của tác nhân.
    [4] Tam nghiệp là ba cửa ngõ thân khẩu và ý.
    [5] Tại đây, dịch giả Việt ngữ xin tán thán bài luận giảng này bằng cách trích dẫn lời của đức Phật Thích Ca Mâu Ni: "Ai còn tham ái (tức là còn ngã ái chấp: cái này là của tôi, ngã mạn chấp: đây là tôi, ngã kiến chấp: đây là tự ngã của tôi), thì còn có dao động. Ai không tham ái, thì không dao động. Ai không dao động, thì được khinh an. Ai được khinh an thì không còn chấp. Ai không còn chấp, thì không có đến và đi. Ai không có đến và đi, thì không có sanh diệt. Ai không còn sanh diệt, thì không còn có đời này đời sau, không có giữa hai đời. Đây là sự đoạn diệt khổ đau. (Niết bàn - Tương Ưng Bộ Kinh).
    [6] Tỳ Sa Môn (S. Vaisravana) là một vị trời trong Tứ Thiên Vương của cõi trời Dục giới.
    [7] Tâm biến kế (e. fabricated mind) luôn luôn chạy theo vọng tưởng nhị nguyên, phân biệt ta (chủ thể) và người (đối tượng).
    [8] Vô tướng, tam luân thể không (kinh Kim Cang, E. the tree spheres on non-conception): nghĩa là không chấp vào tướng, không có tác nhân (tác nhân nghĩa là người làm), không có hành động và không có đối tượng của tác nhân.
    [9] Trí tuệ vô tướng tam luân: không chấp vào chủ thể, đối tượng và hành động (E. devoid of conceptualization of three spheres [agent, action, and object]). Xem chú thích số 9.
    Tạng ngữ viết là kor-sum nam-par dag-pa.
    [10] Ngul Chu Thogme Zangpo (1297-1371) là một vị tổ sư Tây tạng nổi tiếng, ngay từ khi 15 tuổi đã thuyết giảng và giải nghĩa về A-tỳ-đàm Tập Luận (S. Abhidharma-samuccaya) của Tổ Vô Trước người Ấn-độ, (S. Asaṅga hoặc Āryāsaṅga, 300-370 CE), cho nên được người Tây tạng xưng tụng là Thogme có nghĩa là Vô Trước [đệ nhị].
    Tham khảo thêm tại mạng http://www.rigpawiki.org/index.php?t..._Tokmé_Zangpo
    http://ccbs.ntu.edu.tw/FULLTEXT/JR-BH/bh117491.htm
    Last edited by Copykinhsach; 10-04-2011 at 06:11 PM.
    TADYATHA: OM GATE GATE PARAGATE PARASAMGATE BODHI SOHA

Thread Information

Users Browsing this Thread

There are currently 1 users browsing this thread. (0 members and 1 guests)

Similar Threads

  1. Đạo Phật Có 8 Lớp Học
    By phimanh in forum Đạo Phật
    Trả lời: 15
    Bài mới gởi: 20-09-2012, 09:33 PM
  2. BỬU SƠN KỲ HƯƠNG - TÁC GIẢ VƯƠNG KIM
    By vankhuc in forum Bửu Sơn Kỳ Hương
    Trả lời: 9
    Bài mới gởi: 22-07-2012, 04:47 PM

Bookmarks

Quyền Hạn Của Bạn

  • You may not post new threads
  • You may not post replies
  • You may not post attachments
  • You may not edit your posts
  •