Người tìm được mộ nhà văn Nam Cao


- Ngày 7/6/2010, tôi gọi điện thoại hẹn ông Doãn Phú cho bài viết của mình, ông Phú nói: Chiều nay không gặp được bởi trời mưa to. Tôi cười, tưởng ông nói đùa ấy thế mà khoảng 3 giờ chiều hôm đó, thời tiết chuyển nhanh đến chóng mặt, từ nắng sang giông và mưa to ập tới...

Nhớ như in hành trình tìm mộ

Ông Phú mở đầu cho cuộc hành trình tìm mộ của nhà văn Nam Cao bằng câu chuyện về báo cáo tổng kết tại huyện Lý Nhân (Hà Nam) có nói nhà văn Nam Cao và 1 đồng chí trong ban liên lạc, 1 đồng chí tổ trưởng hy sinh, được người dân chôn cất tại đường Quốc lộ 1 (Ninh Bình).

Sau 10 năm, huyện Gia Viễn xây dựng nghĩa trang đã mang 3 ngôi mộ về, lúc bấy giờ những ngôi mộ đều có tên. Dù học sinh cấp 2 được cử di chuyển mộ đã đánh dấu từng bọc hài cốt bằng bút mực và phấn, nhưng do tự lái đò, rồi gặp cơn mưa to, những dòng chữ đó phai, thuyền lật làm đổ và xáo trộn hài cốt của 3 đồng chí. Vì chuyện hy hữu này mà 3 đồng chí không còn tên và chỉ được đánh số thứ tự.

d
Mộ nhà văn Nam Cao tại quê nhà.

Năm 1997, theo lời mời của gia đình cố nhà văn Nam Cao, một đoàn nghiên cứu gồm 4 người được cho là có khả năng đặc biệt gồm: cậu Kiệm (Nam Định), Phan Thị Bích Hằng, Thẩm Thúy Hoàn và ông Doãn Phú do họa sĩ Trịnh Yên làm trưởng đoàn. Trước khi đoàn đi, ông Phú không nhận được một thông tin gì về nhà văn Nam Cao...

Cuộc hành trình từ Hà Nội về UBND huyện Gia Viễn (Ninh Bình), khi tới nơi thì đoàn rẽ vào nghĩa trang luôn. Do người dân ở xã Hòa Hậu quá đông nên đoàn phải vào ủy ban hội nghị trước. Theo đề nghị của trưởng đoàn, 4 người có khả năng đặc biệt ngồi bàn chủ tịch và phát biểu theo thứ tự, không ai được trùng lặp với ý của người trước.

Đến lượt mình, ông Doãn Phú nói: Trên trán nhà văn có một viên đạn, nằm phía bên trái, có một vết nứt và xương ống chân trái bị đứt vát như chặt mía. Một năm sau, Bộ LĐ-TB&XH đã ký giấy quyết định giám định hài cốt bằng việc thử AND độc lập, nghĩa là để 4 - 5 mộ rồi hôm nay lấy mẫu của con cả, hôm sau lấy mẫu của con thứ và đều cho kết quả đúng là hài cốt của nhà văn Nam Cao.

Trong buổi khai quật hài cốt của nhà văn Nam Cao, nhà văn Ngọc Lân đã chụp được bức ảnh còn viên đạn ở trán.

Đất chôn cất đúng mảnh vườn xưa

Vậy là hài cốt của nhà văn Nam Cao đã được đưa về quê hương chôn cất, nhưng có điều đặc biệt, mà cho tới nay ông Doãn Phú cũng không thể giải thích được: Khi đưa hài cốt của nhà văn Nam Cao về tới quê hương, chủ tịch xã thời đó là ông Xạ muốn chôn cất ở nghĩa trang nơi nhà văn sinh ra.

Thế nhưng, ông Phú và ông Đỗ Bá Hiệp đều linh tính đó không phải là nơi tốt. Lên xe đi tiếp 7 phút, ông Phú liền chỉ chỗ có đất tốt và ông Hiệp cũng đồng ý. Sau này, người nhà của nhà văn mới nói đó chính là mảnh vườn của nhà văn Nam Cao...

Sau khi chôn cất nhà văn Nam Cao về nơi an nghỉ cuối cùng tại quê hương, đoàn có buổi tổng kết tại Hội Nhà văn Việt Nam. Tại đây, ông Doãn Phú cũng đã trả lời trước câu hỏi của nhà văn Tô Hoài: Nhà văn Nam Cao có để lại kỷ niệm gì không? Câu trả lời đó là chiếc đồng hồ cho vợ (bà Sen) đi sửa chữa. Tuy rằng lúc ấy nhà văn Kim Lân bác bỏ ý kiến đó, nhưng 3 tháng sau đó, một lần đoàn về quê viếng nhà văn Nam Cao bà Sen đã kể và mang chiếc đồng hồ ra cho mọi người xem...

Phạm Hằng