Cha Rồng mẹ Tiên đã gặp gỡ và chia tay ở đâu?
09/04/2011 0730

- Sách “Khâm định Việt sử thông giám cương mục” viết: “Kinh Dương Vương sinh con là Sùng Lãm, gọi là Lạc Long Quân. Lạc Long Quân lấy Âu Cơ, sinh trăm con trai. Ấy là tổ tiên của Bách Việt, suy tôn người trưởng lên làm Hùng Vương, nối ngôi vua, dựng nước gọi là nước Văn Lang, đóng đô ở Phong Châu; truyền nối mười tám đời đều gọi là Hùng Vương…”. Truyền thuyết “Bọc trăm trứng” từ thiên diễm tình giữa Lạc Long Quân và Âu Cơ như đã ghi trên có lẽ không người Việt Nam nào lại không biết. Nhưng những sử liệu, thần tích nêu rõ nơi cha Rồng Lạc Long Quân và mẹ Tiên Âu Cơ đã gặp gỡ và chia tay thì không có nhiều người biết đến.

Nơi gặp gỡ của mối tình Rồng Tiên

Về nơi gặp gỡ, một số sách chép Lạc Long Quân gặp Âu Cơ ở hồ Động Đình (nay thuộc tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc) sau đó đưa nhau về sống ở núi Nghĩa Lĩnh (nay thuộc huyện Phong Châu, Phú Thọ). “Ngọc phả xã An Đồng” (huyện Quỳnh Phụ, tỉnh Thái Bình) viết: “Lạc Long Quân kết duyên với tiên nữ ở hồ Động Đình. Định cư ở Nghĩa Lĩnh, trên đỉnh núi có mây lành năm sắc rực rỡ. Âu Cơ mang thai sinh ra cái bọc trăm trứng, sau nở ra một trăm người con trai đều là anh hùng cái thế, đức độ hơn người”.

“Thần tích xã Vi Cương” (Phú Thọ) thì cho biết: “Hiền Vương (tức Lạc Long Quân) lấy con gái thứ của Âu Lạc vương Đế Lai tên là Âu Cơ, trở về ở núi Nghĩa Lĩnh, sinh một bọc trăm trứng, nở ra điềm tốt trăm người con trai, lập nước Văn Lang, làm thủy tổ của Bách Việt, tạo dựng cơ đồ sơ khai cho nhà Hùng”.

Theo chú giải trong sách “Tân đính Lĩnh Nam chích quái” thì Lạc Long Quân và Âu Cơ gặp gỡ kết duyên ở vùng đất sau này đặt tên là Ái Châu (tức Thanh Hóa ngày nay) rồi đưa nhau về sống ở Long Đại Nham (tức núi Hàm Rồng), khi Lạc Long Quân lên ngôi mới đưa vợ về ở tại núi Nghĩa Lĩnh. Sách “Lĩnh Nam chích quái liệt truyện” thì viết là Long Quân rước Âu Cơ về ở núi Long Trang, có lẽ đây là tên gọi khác của núi Hàm Rồng.

Theo một truyền thuyết khác lưu truyền trong dân gian từ lâu ở Phú Thọ thì Lạc Long Quân một lần đi thuyền dọc theo sông Đà. Khi vua đi đến vùng động Lăng Xương (nay là xã Trung Nghĩa, huyện Tam Thanh, Phú Thọ) thì gặp một cô gái xinh đẹp tên là Âu Cơ đang hái dâu ven sông. Vua thấy nàng vô cùng diễm lệ, thông minh khác người thì rất yêu mến và liền lấy làm vợ rồi đưa về núi Nghĩa (tức núi Nghĩa Lĩnh hay còn gọi là núi Hùng, núi Nghĩa Cương, thuộc xã Hy Cương, huyện Phong Châu).

Bản “Ngọc phả đền Hùng” (tức “Ngọc phả cổ truyền về 18 chi đời Thánh vương triều Hùng”) cũng có chép về địa điểm cuộc gặp gỡ giữa Lạc Long Quân và Âu Cơ như sau: “Bấy giờ con gái của Đế Lai tên là Âu Cơ về sống ở quê mẹ tại động Lăng Xương, huyện Thanh Nguyên, châu Đà Bắc; nay đổi là sách Lăng Xương, huyện Bất Bạt. Một hôm Âu Cơ ra chơi ở bãi cát Trường Sa xem vua tuần thú sông Đà. Vua thấy Âu Cơ phong tư đẹp đẽ, yêu thích lấy làm vợ, lập làm Hoàng phi”.


Lạc Long Quân và Âu Cơ cùng các con chia tay để lên miền rừng, xuống miền biển

Chia ly xuống biển lên rừng
Sách “Lĩnh Nam chích quái” viết về cuộc chia ly như sau: “Long Quân ở lâu dưới Thủy Quốc vợ con thường muốn về đất Bắc. Về tới biên giới, Hoàng Đế nghe nói rất sợ hãi cho binh ra giữ cửa ải, mẹ con Âu Cơ không thể về được bèn quay về nước Nam mà gọi Long Quân rằng:
- Bố ở nơi nào mà để mẹ con thiếp cô độc, ngày đêm buồn khổ thế này!
Long Quân bỗng trở về, gặp nhau ở đất Tương. Âu Cơ nói:
- Thiếp vốn là người nước Bắc, ở với vua, sinh hạ được trăm con trai, vua bỏ thiếp mà đi, không cùng thiếp nuôi con, làm người vô phu vô phụ, chỉ biết thương mình.
Long Quân nói:
- Ta là nòi rồng, đứng đầu thủy tộc, nàng là giống tiên, sống ở trên đất, tuy khí âm dương hợp lại mà sinh ra con, nhưng thủy hỏa tương khắc, giòng giống bất đồng, khó ở lâu với nhau được, nay phải chia lá. Ta đem năm mươi con về Thủy phủ chia trị các xứ, năm mươi con theo nàng về ở trên đất, chia nước mà trị. Lên núi, xuống bể, hữu sự báo cho nhau biết, đừng quên.

Trăm con vâng theo, sau đó từ biệt mà đi. Âu Cơ và năm mươi con lên ở đất Phong Châu suy phục lẫn nhau, cùng tôn người con cả lên làm vua, hiệu là Hùng Vương, lấy tên nước là Văn Lang…”.

Như vậy Lạc Long Quân và Âu Cơ chia tay nhau ở đất Tương. Một số sử liệu, thần tích dân gian cũng cho biết như vậy nhưng chép là Đồng Tương hoặc Tương Dã. Vậy địa danh này ở đâu? Có sách chú thích rằng Đồng Tương hay Tương Dã chính là huyện Tương nằm ở bờ bắc hồ Động Đình (tỉnh Hồ Nam, Trung Quốc) nơi sông Tương có nhánh chảy vào sông Trường Giang. Tuy nhiên điều này không đúng vì mẹ con Âu Cơ chưa về phương Bắc, như trong đoạn chép trên của sách “Lĩnh Nam chích quái”: “…Về tới biên giới, Hoàng Đế nghe nói rất sợ hãi cho binh ra giữ cửa ải, mẹ con Âu Cơ không thể về được bèn quay về nước Nam…”.

Có ý kiến thì cho rằng Lạc Long Quân và Âu Cơ đôi bên gặp nhau ở Tương Dã thực ra là đọc chệch của từ Tương Dạ, nghĩa là tận đáy lòng mình, một nơi một thời điểm không thuộc về thời gian không gian của khả năng con người. Tức là không xác định được chính xác nơi hai người chia tay.

Bên cạnh đó có cách giải thích hợp lý hơn khi cho rằng ở đất Tương không phải nằm ở phía bắc hồ Động Đình mà có thể là cánh đồng Tiêu Tương, gần khu vực sông Tiêu Tương (nay sông này không còn) chảy vào sông Đuống, thuộc địa phận xứ Kinh Bắc xưa (Bắc Ninh ngày nay, nơi còn huyền tích về thời Hùng Vương như lăng mộ Kinh Dương Vương, đền thờ Lạc Long Quân và Âu Cơ...). Do vậy mà có thi nhân đã viết rằng:

Bố về gặp Mẹ bến sông Tương
Giọt lệ sầu đong nghĩa vợ chồng
Ngàn năm tự thuở chia ly ấy
Huyền sử Rồng Tiên giống Lạc Hồng.

Bộ sử đồ sộ, nổi tiếng và được nhiều người biết đến nhất là “Đại Việt sử ký toàn thư”, khi viết về thời Hồng Bàng trong mục Lạc Long Quân có chép như sau: “… Vua lấy con gái của Đế Lai là Âu Cơ, sinh ra trăm con trai là tổ của Bách Việt…” (“Ngoại kỷ, quyển I, kỷ Hồng Bàng thị”). Sử thần nhà Trần là Lê Văn Hưu cũng có lời bàn rằng: “Lạc Long Quân lấy con gái Đế Lai mà sinh trăm con trai. Chẳng phải cơ đồ nước Việt ta là gây nên như thế”.

Trong “Việt giám thông khảo tổng luận” (năm 1514) của Lễ bộ thượng thư triều Hậu Lê là Lê Tung viết: “Lạc Long Quân nối đời Hồng Bàng, lấy con gái họ Âu Lạc mà có điềm lành sinh trăm con trai, tổ người Bách Việt thực bắt đầu từ đấy, hưởng nước trải nhiều năm rất là lâu dài, đã phú thọ lại nhiều con trai, từ xưa đến nay chưa từng có vậy”.

Có thể thấy huyền thoại Lạc Long Quân - Âu Cơ lung linh màu sắc mà thấm đượm ý nghĩa từ bao đời nay đã in đậm trong tâm thức dân tộc Việt. Đó là một trong những phản ánh về thời đại Hùng Vương, thời đại mở đầu lịch sử dân tộc, thời kỳ đỉnh cao của một nền văn minh cổ xưa của cha ông mà các thế hệ con cháu chúng ta phải đời đời biết ơn, ghi khắc.

Lê Thái Dũng