VHPG
đăng ngày 21/02/2008

Dưới đây là một bài phỏng vấn trong chương trình Phật giáo hàng tuần của Đài Truyền hình Quốc gia Pháp (France 2), phát sóng vào ngày Chủ nhật 02.12.2007. Buổi phát sóng này mang chủ đề “Ánh hào quang của Phật” (Lumières du Bouddha). Nữ ký giả của Đài France 2, cô Aurélie Godefroy, phỏng vấn nhà văn hoá Olivier Germain – Thomas và nhà báo Christophe Boisvieux.

Aurélie Godefroy: Phật giáo ngày nay là một tôn giáo đứng vào hàng thứ tư của nhân loại (1). Từ đây, Phật giáo cho thấy những đổi mới sâu xa, tại Âu châu này cũng như tại Á châu, nơi Phật giáo đã khởi nguồn. Và chính hôm nay đây, chúng ta sẽ dừng lại với nhau trên phần đất đó của địa cầu.

Chúng ta hiểu rằng Phật giáo đã hình thành trên lãnh thổ Ấn Độ. Nhưng rồi tôn giáo này đã phát triển như thế nào, trở nên phong phú ra sao khi hội nhập với những ảnh hưởng đa dạng khác, qua chiều dài của nhiều thế kỷ? Những truyền thống chính là gì? Làm thế nào để xác định những truyền thống ấy? Những lý do quan trọng nào đã tạo ra sức mạnh thu hút của Phật giáo tại Á châu mãi cho đến ngày hôm nay? Chúng ta sẽ thảo luận về những vấn đề trên đây với hai vị khách của chương trình là nhà văn Olivier Germain-Thomas, và nhà báo Christophe Boivieux.

Để bắt đầu, tôi muốn được mời ông Olivier Germain-Thomas giải thích cho biết Phật giáo phát sinh như thế nào tại Á châu, và đặc biệt là tại Ấn Độ.

Olivier Germain-Thomas: Trước hết, phải nói rằng Phật giáo là tinh hoa của đất nước Ấn Độ. Người ta thường quên một điều là Phật giáo đã từng tồn tại suốt mười lăm thế kỷ trên đất Ấn, và vì lý do tại nước này ngày nay chỉ còn dưới 1% dân chúng theo Phật giáo và Phật giáo được đón nhận vào phương Tây lại là Phật giáo Nhật Bản và Tây Tạng, do đó người ta đã không còn nhớ đến cái lò hun đúc ra Phật giáo. Cái lò ấy là nền tảng của các tư tưởng triết học, là tinh thần và kinh nghiệm tâm linh của cả nước Ấn.

Như ta đã biết, Phật giáo hình thành vào thế kỷ thứ V hay thứ VI trước Tây lịch, trong vùng cao nguyên nằm giữa Hy-mã-lạp sơn và thung lũng sông Hằng. Khoảng thế kỷ thứ III trước Tây lịch, nhờ hoàng đế A-dục, Phật giáo bành trướng khắp nơi. Và xin đừng quên là Phật giáo đã từng lan rộng về phương Tây, tức là các vùng ngày nay thuộc vào các quốc gia như Afghanistan, Pakistan, Cachemire.

Aurélie Godefroy: Vậy có phải việc hoàng đế A-dục quy y Phật giáo là một yếu tố quyết định cho việc truyền bá rộng rãi đạo Phật hay không?

Olivier Germain-Thomas: Chưa thể biết chắc được. Nhưng dù sao, chính vua A-dục là người mong muốn Phật giáo được phát triển. Dù ít hay nhiều, ông vẫn còn là một người Ấn Độ giáo, và vào thời ấy phần đông dân chúng trong nước vẫn còn giữ đạo Bà-la-môn. Ông gửi sứ giả đi khắp nơi, từ Đông sang Tây và cả về phương Nam. Phương Nam gồm các quốc gia như: Tích Lan, Miến Điện, các nước Đông Nam Á.

Về phía Tây, qua vùng Cachemire, và dọc theo Con đường Tơ lụa, Phật giáo tiếp xúc thường hơn với Trung Quốc và lan rộng vào phần đất này, sau đó đến lượt Triều Tiên, rồi tiếp đến là Nhật Bản, Tây Tạng, Mông Cổ, giai đoạn lịch sử này đã được ghi nhận khá rõ. Nhưng nhiều khi người ta lại quên một chuyện khác là các trường phái chính của Phật giáo, dù đấy là Phật giáo Nguyên thuỷ (Theravada), hay sau đó là Đại thừa (Mahayana), và tiếp theo là Tan-tra thừa (Kim Cang thừa), tất cả đều phát xuất từ Ấn Độ. Tan-tra thừa xuất phát từ đất Ấn, có nghĩa là nền Phật giáo phát triển ở Tây Tạng dù thừa hưởng tinh anh của các truyền thống Tây Tạng, nhưng các nguyên lý triết học của nền Phật giáo ấy đều đã được du nhập từ Ấn Độ. Quả thật đây là điều tuyệt vời đã diễn ra suốt một ngàn năm trăm năm trên đất Ấn, và vẫn còn tiếp tục cho đến ngày nay, đó là những gì hết sức lạ thường.

Aurélie Godefroy: Thưa ông Christophe Boisvieux, ông có thể cho biết thêm một cách chính xác hơn Phật giáo từ Ấn Độ đã được truyền bá như thế nào?

Christophe Boisvieux: Thưa vâng, từ lúc đầu, khi Đức Phật thuyết giảng, chưa có chữ viết trong vùng thung lũng sông Hằng. Phương thức truyền khẩu là chính yếu. Và vào thời đại Thiên Chúa giáo, các văn bản mới được ghi chép và truyền tụng, từ thầy đến đồ đệ (2). Đây là một nguyên tắc thật căn bản. Trong một số các đường hướng tu tập Phật giáo, đặc biệt tôi muốn nêu lên trường hợp của Phật giáo Tây Tạng, đối với nền Phật giáo này, sự truyền thụ trực tiếp từ thầy sang đệ tử là chủ yếu. Về sau, một số các vị thầy đã đảm trách vai trò chính trong việc truyền bá Phật pháp. Tôi cũng nghĩ đến trường hợp Trung Quốc, tức nghĩ đến ngài Bồ-đề-đạt-ma đã mang Phật pháp vào Trung Quốc từ thế kỷ thứ VI (3). Và sau đó, một vị thầy khác đã tạo được một tầm ảnh hưởng quyết định cho Tây Tạng vào khoảng thế kỷ thứ VII: đó là vị đạo sư vĩ đại Liên Hoa Sinh (Padmasambhava). Chính các vị thầy xuất chúng trên đây đã làm cho Phật giáo lan rộng.

Aurélie Godefroy: Ta có thể nói rõ hơn một chút để giải thích về ảnh hưởng địa lý trong sự phát triển của Phật giáo hay chăng? Theo tôi hình như có hai cửa ngõ khác nhau?

Christophe Boisvieux: Đúng vậy, thứ nhất là Con đường Tơ lụa đi về phương Bắc, tôi muốn nói là con đường của các đoàn thương nhân xuyên qua sa mạc, tuy đây là con đường thương mại, nhưng đồng thời cũng là con đường của tín ngưỡng. Chính bằng cửa ngõ này Phật giáo đã đến với Trung Quốc trước hết, sau đó từ Trung Quốc đến Triều Tiên. Triều Tiên lại tiếp tục trở thành đầu cầu cho Phật giáo lan truyền vào Nhật Bản. Tiếp theo, về phương Nam lại có con đường hàng hải, nối liền một trong những trung tâm quan trọng của Phật giáo là Tích Lan với các nước Đông Nam Á như Thái Lan, Miến Điện, Cam-pu-chia. Phật giáo còn phát triển sang cả In-đô-nê-xia, nhưng ngày nay đã suy tàn. Trước đây Phật giáo hết sức phát triển trên phần đất này.

Aurélie Godefroy: Để có thể nắm vững hơn về Phật giáo trong tình trạng hiện nay, chúng ta cần nói thêm về lịch sử Phật giáo và ba truyền thống chính là Phật giáo Nguyên thuỷ, Đại thừa và Kim Cương thừa. Ông có thể giải thích thêm vài nét chính về các truyền thống ấy? Chúng ta hãy bắt đầu với Phật giáo Nguyên thuỷ?

Oliver Germain-Thomas: Phần cốt lõi phát xuất từ Ấn Độ, nhưng sau đó chính nhờ khả năng thích ứng tuyệt vời đã giúp Phật giáo hội nhập với các nền văn hoá khác. Thật ra, những dị biệt giữa các học phái, hay giữa các thừa Phật giáo khác nhau, chỉ vỏn vẹn liên quan đến hai điểm: thứ nhất là truyền thống văn hoá của quốc gia mà Phật giáo phát triển, thứ hai là các văn bản mà những vị thầy đã sử dụng.

Đối với trường hợp Phật giáo Nguyên thuỷ, các vị thầy căn cứ vào các văn bản tiếng Pali. Đối với Phật giáo Đại thừa, các văn bản sử dụng là tiếng Sanskrit. Và đối với Phật giáo Kim Cương thừa, các văn bản lúc đầu là tiếng Sanskrit, nhưng ngày nay là tiếng Tây Tạng. Nói như thế để hiểu rằng khi du hành trong các xứ đó, nếu có hai vị thầy gặp nhau, và khi gạt ra ngoài những tập quán văn hoá, thì cả hai đều nhận ra rằng họ đã cùng xuất phát từ một cội nguồn chung, đây quả thật là điều hết sức tuyệt vời (4). Tuy thế, người ta vẫn phải thừa nhận trong Kim Cương thừa có nhiều điều thần bí, trong khi đó, Thiền tông (Zen) chẳng hạn, lại tượng trưng cho những gì đơn giản nhất. Nhưng khi đã tu tập thiền định, người ta cũng có thể hình dung bên trong mỗi người chúng ta những gì hiển hiện lên đều rất gần với nhau.

Aurélie Godefroy: Ông Christophe Boisvieux, ông cũng biết khá nhiều về Phật giáo Nguyên thuỷ, vậy ông có gì để trình bày thêm về truyền thống này?

Oliver Germain-Thomas: Theo tôi thấy, những gì lý thú và gây nhiều ấn tượng nhất trong Phật giáo Nguyên thuỷ chính là sự kết hợp giữa Tăng lữ và thế tục: Tăng lữ không thể tồn tại nếu không có thế tục, toàn thể xã hội thế tục phục vụ cho Tăng lữ, nhất là các Phật tử cúng dường hàng ngày cho các nhà sư, đây là điều được ghi chép từ những lời giảng huấn của Phật: một nhà sư, hay một tỳ kheo, phải tự mình khất thực. Điều này không thấy khuyến khích trong các truyền thống khác. Tôi nghĩ đến trường hợp của Kim Cương thừa, đến Phật giáo Tây Tạng chẳng hạn. Nhất định là có việc cúng dường cho chư Tăng, nhưng không phải dưới hình thức như trên. Cách cúng dường trên đây là một tập quán đã ăn sâu vào đời sống thường nhật, quả là những cử chỉ tuyệt đẹp. Thật hết sức xúc động khi nhìn thấy, vào buổi sớm tinh sương, các tín đồ đi chân đất để tỏ sự cung kính, đứng trước ngưỡng cửa, chờ những nhà sư đi ngang để cúng dường thực phẩm.

Aurélie Godefroy: Ông có thể cho chúng tôi biết các điểm đặc thù của Đại thừa hay chăng và nếu có thể, cả về Kim Cương thừa nữa, Kim Cương thừa có vẻ như là sự tiếp nối của Đại thừa?

Olivier Germain-Thomas: Điểm mới mẻ và nổi bật nhất của Đại thừa là sự xuất hiện của các vị Bồ tát, đó là những sinh linh đã, hoặc đủ khả năng để đạt được Phật tính, có nghĩa là thể dạng của Phật, nhưng họ lưu lại làm người để hướng dẫn kẻ khác trên đường đưa đến giác ngộ và chấm dứt khổ đau. Vì thế, so với Phật giáo Nguyên thuỷ, đây là một hình ảnh mới đã xuất hiện thêm. Nói như thế, nhưng người Phật giáo Đại thừa sẽ giải thích ngay cho chúng ta biết là chính Đức Phật đã thuyết giảng về Đại thừa trên đỉnh Linh Thứu, nhưng những lời thuyết giảng ấy được giữ bí mật (5), vì lẽ những người theo Phật giáo Đại thừa sẽ không chấp nhận là Phật giáo Tiểu thừa có trước. Đây chỉ là những tranh luận giữa các học phái có thể bỏ qua dễ dàng. Dù sao chăng nữa, trên bình diện tổng quát, người ta có thể bảo rằng hầu hết những biểu tượng trung gian là các thần linh, lần lượt được xuất hiện khi bước vào Đại thừa, và nhất là khi bước vào Kim Cương thừa. Tuy nhiên, trong Đại thừa vẫn có những đường hướng tu tập hết sức đơn giản: đó là Thiền học, Thiền học xuất phát từ cách tu thiền trong Phật giáo gọi là Định (dyana), từ đó phát sinh Thiền tông ở Trung Quốc và học phái Zen ở Nhật Bản, và cũng chính trong Thiền tông, các biểu tượng trung gian trở nên ít quan trọng hơn, bởi vì phần chính yếu là đi tìm thực tính bên trong của mỗi người. Như quý vị thấy, tất cả những thứ này khá phức tạp, nhưng phần cốt yếu như đã nói trên đây, là những gì truyền thụ từ thầy đến đồ đệ, đó là những gì hệ trọng hơn tất cả những biểu tượng bên ngoài.

Aurélie Godefroy: Để bổ túc cho cái nhìn về Phật giáo, hiện nay người ta đang chứng kiến tình trạng thăng tiến hay là bước lùi của đạo Phật, tuỳ theo từng quốc gia, chẳng hạn như Hàn Quốc?

Christophe Boisvieux: Tại Hàn Quốc, đúng ra là đang bước lùi. Các nhà truyền giáo Phúc âm đã thực hiện những cố gắng thật lớn lao trong việc truyền giáo, dù rằng Phật giáo vẫn rất sinh động và giữ được truyền thống. Trái lại, ta thấy những xứ như Trung Quốc ngày nay đang có những đổi mới thật quan trọng, tôi có thể nói như thế, người ta thấy những ngôi chùa chật ních người. Và rồi, thật là kỳ thú khi trở lại những gì mà ông bạn Olivier vừa trình bày. Ngay trên đất Ấn, và từ khi nước này giành được độc lập, tuy rằng vẫn còn là thiểu số, đã có hàng loạt người thuộc giai cấp cùng đinh trở về với Phật giáo.

Mỗi năm, nhiều chục ngàn người thuộc giai cấp bần hàn xin quy y tập thể, họ muốn thoát ra khỏi hệ thống phân chia giai cấp muôn đời của họ. Chính đó là nguồn gốc của sức mạnh Phật giáo, sức mạnh đó đã làm nổ tung cả hệ thống hết sức gò bó và chai cứng của hệ thống giai cấp, sức mạnh đó là sức mạnh giải thoát. Chính như vậy, ngày nay người ta đã tìm thấy trên đất Ấn sự hồi sinh của sức mạnh Phật giáo.

Aurélie Godefroy: Để kết thúc buổi phát sóng hôm nay, tôi nghĩ rằng ông có một thí dụ hùng hồn, đó là trường hợp của Trung Quốc?

Olivier Germain-Thomas: Vâng, tôi đã đi khắp Trung Quốc, bằng tàu lửa hoặc bằng xe ô tô chở khách, tôi thường đến viếng những ngọn núi thiêng liêng, và rồi tôi đã đến được một hòn đảo nhỏ, gọi là Phổ Đà sơn, có thể nói là núi Athos (6) thu nhỏ, nằm ngoài khơi của Thượng Hải, đi tàu phải mất một đêm. Hòn đảo hoàn toàn dành riêng để thờ một vị Bồ tát biểu hiện qua hình ảnh nữ giới (7). Tôi thấy hàng ngàn Phật tử, phụ nữ, trẻ con, thanh niên thiếu nữ, kéo nhau đi bộ hay quỳ xuống đất và đi bằng hai đầu gối, dọc theo con đường thật dài đưa lên ngôi chùa trên đỉnh của hòn đảo, để lễ Phật, nhất là để đỉnh lễ vị Bồ tát với gương mặt nữ giới. Những gì thú vị nhất, chính là nghĩ đến ngày hôm nay, theo những con số mới nhất, Trung Quốc có 10% người theo Phật giáo. Nếu như Phật giáo có thể trở lại như là một thứ gì thật hệ trọng cho Trung Quốc, thì nhất định bộ mặt của Á châu, và kể cả thế giới nữa, sẽ hoàn toàn đổi mới. Vậy, chính nơi đó sẽ xảy ra một thứ gì hết sức quan trọng, và dù sao đi nữa đấy cũng là một trường hợp vô cùng phấn khởi.

Aurélie Godefroy: Xin cảm ơn hai ông đã đến với chúng tôi hôm nay.

---------------------------------------------------------------------------

(1) Cho đến đầu thế kỷ XX, Phật giáo là tôn giáo lớn nhất của nhân loại. Nhưng theo Aurélie Godefroy thì Phật giáo có khoảng 350 triệu Phật tử. Đây là con số chưa phản ánh thực tế.

(2) Điều này không được đúng lắm. Tiếng Phạn cổ đã có từ thế kỷ XIV trước Tây lịch, bộ kinh Rig Veda (bộ kinh thứ nhất trong bốn bộ kinh Veda của Ấn Độ giáo) viết bằng tiếng Phạn được soạn thảo vào năm 3.900 trước Tây lịch. Những lời giảng huấn của Phật được vua A-dục sai khắc vào các trụ đá và bia đá từ thế kỷ thứ III trước Tây lịch.Theo truyền thống xưa ở Ấn Độ, những gì truyền khẩu mang tính cách thiêng liêng sinh động và mầu nhiệm, khác hẳn với những gì lưu giữ dưới dạng chữ viết. Trong Ấn Độ giáo cũng thế, các bộ kinh cũng phải học thuộc lòng. Hình thức truyền khẩu vẫn còn giữ đến ngày nay trong Tan-tra thừa (Mật tông).

(3) Điều này không được đúng lắm, Phật giáo đã du nhập vào Trung Quốc từ thế kỷ thứ I.

(4) Đúng vậy, đối với tất cả các tông phái và học phái Phật giáo, chưa hề có những cuộc tàn sát lẫn nhau hay chiến tranh triền miên, kể cả những hiềm khích hay hận thù dù ở cấp bậc nhỏ cũng vậy. Người trong tất cả các tông phái đều là con của Phật, người Phật tử chân chính ý thức được rằng tất cả chúng sinh sống trong vô minh. Đây là một đặc thù của Phật giáo mà người ta thường “quên” (xin được phép mượn chữ “quên” do hai vị khách mời của đài France 2 được phỏng vấn đã dùng trên đây).

(5) Kinh điển Đại thừa bằng tiếng Phạn xuất hiện vào đầu thế kỷ thứ I trước Tây lịch, kinh điển tiếng Pàli xuất hiện vào cuối thế kỷ thứ I trước Tây lịch, sự chênh lệch rất ít, do đó không thể nói Tiểu thừa hay Đại thừa xuất hiện trước. Theo truyền thống, Phật giảng tuỳ theo xu hướng, trình độ và năng khiếu của từng người hay từng nhóm người nghe giảng. Kinh sách Tiểu thừa ghi chép những buổi giảng đông đảo có tính cách đại chúng, trong khi đó kinh sách Đại thừa ghi chép những buổi thuyết giảng thu hẹp hơn.

(6) Athos là một vùng núi ling thiêng ở Hy Lạp, ở đó có các tu viện thuộc Chính thống giáo, được thành lập thế kỷ X với ít nhiều tự trị. Đặc điểm của nơi này là cấm kỵ mọi sinh vật giống cái, trừ gà mái vì gà mái cho trứng nuôi các vị tu sĩ.

(7) Tức Bồ tát Quán Thế Âm.

(Theo Văn hóa Phật giáo)

Nguồn: http://www.giaodiemonline.com/noidun...hp?newsid=2081