Tầm quan trọng của việc nghe kinh (nghe giảng)

Cho nên không thể không đọc kinh, không nghe giảng. Phải nghe cho nhiều, cho thường xuyên, đừng gián đoạn, nghe suốt ba năm, năm năm thì bạn sẽ giác ngộ, hiểu rõ, nhà Phật thường gọi là ‘khai ngộ’. Nếu có nghi hoặc thì tồn nghi, không cần hỏi, cứ tiếp tục nghe kinh không ngừng, sẽ có một ngày nghe đến lúc nghi hoặc đều mất hết, đó gọi là có chỗ ngộ. Thế nên tiểu nghi có tiểu ngộ, đại nghi có đại ngộ, nghi hoặc không cần phải đi hỏi người khác liền, dù người ta giải thích cho bạn thì bạn cũng chẳng khai ngộ; không những chẳng khai ngộ mà lại còn gây thêm chướng ngại cho sự khai ngộ, chắn ngang cánh cửa khai ngộ. Nếu tự mình hiểu rõ, tự mình giác ngộ thì đó là của mình; những gì người khác nói, nghe xong hình như đã hiểu nhưng không rõ, chớp mắt liền mê hoặc. Ðây là thái độ cầu học, chúng ta phải hiểu rõ.
Vài năm gần đây, tôi đặc biệt nhấn mạnh tầm quan trọng của việc nghe kinh, vì có rất nhiều bạn đồng học tu tập lâu năm vẫn bị thoái chuyển, công phu không đắc lực, nguyên nhân là vì không hiểu thấu triệt, vọng tưởng quá nhiều, cho nên chẳng thể xây dựng lòng tin, tâm nguyện. Muốn giải quyết vấn đề này thì phương pháp duy nhất là phải nghe kinh. Tôi nghĩ đến tại sao đức Phật Thích Ca Mâu Ni mỗi ngày đều giảng kinh trong suốt bốn mươi chín năm, đạo lý là như vậy. Thế Tôn dặn dò cặn kẽ, phó chúc kỹ càng muốn chúng ta phải ‘thọ trì, đọc tụng, vì người diễn nói’. Y giáo phụng hành là thọ trì, thọ trì vẫn phải đọc tụng hằng ngày, nếu không đọc tụng hằng ngày, không nghe kinh hằng ngày, thì thọ trì sẽ thoái chuyển. Vì người diễn nói là ‘hóa tha’; diễn là biểu diễn, làm ra khuôn mẫu cho người ta coi; nói là giải thích cho người ta, toàn thân thuyết pháp, đó thực sự là đem lại lợi ích cho chúng sanh. Nếu chỉ biết nói, chẳng biết làm thì cũng không được; phải tự mình làm được, thì mới có thọ dụng thật sự.

Pháp sư Tịnh Không
Nhóm Diệu Âm Cư sĩ dịch