GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG


Dù ai đi ngược về xuôi
Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba

Hiếm có quốc gia nào lại có chung một ngày giỗ Tổ như dân tộc Việt Nam. Lý giải điều đó chỉ có thể nói rằng: giỗ Tổ Hùng Vương là sự biểu hiện tập trung nhất của đạo lý uống nước nhớ nguồn, ý thức đoàn kết, tinh thần cộng đồng của người Việt Nam trong lịch sử.

Hàn lâm Viện học sĩ Hồ Tông Thốc là người đầu tiên đưa lịch sử các vua Hùng vào chính sử như một lời nhắc nhở không thể lãng quên các vị thần linh chung của dân tộc và con cháu phải có trách nhiệm tưởng nhớ, trung hiếu với những người mở đầu dựng nước. Tuy nhiên, phải đến năm 1470, Lê Thánh Tông mới cho các quan lập ngọc phả Hùng Vương với thế thứ lịch sử rõ ràng của 18 đời vua, có cả ngày mất (kỵ) và nghi lễ được nâng lên hàng “Quốc lễ”, được điển chế hoá chặt chẽ theo tinh thần Nho giáo. Từ đây, Hùng Vương chính thức được coi là vị “Thánh vương ngàn đời”, vị Thánh tổ trông coi bờ cõi và bảo trợ tâm linh của dân Việt. Hằng năm, vào dịp lễ hội Hùng Vương, đích thân nhà vua (hoặc đại diện là một viên quan cao cấp) phải đến đền thờ Hùng Vương lễ Tổ. Triều Lê cũng cho dân xã Hy Cương làm “con trưởng tạo lệ”, cấp cho 500 mẫu ruộng, thu thuế từ vùng Tuyên Quang, Hưng Hoá đến Việt Trì làm hương hoả phụng thờ. Hằng năm, ngày 10 tháng 3 âm lịch được coi là ngày Quốc lễ. Người Việt Nam từ khắp nơi, trong và ngoài nước đều hướng về ngày giỗ Tổ để tỏ lòng kính hiếu tổ tiên, nhân thêm tình thương yêu con người, xứ sở.

Hằng năm, Hội Giỗ tổ đền Hùng được mở vào ngày mồng 10 tháng 3 âm lịch, nhưng thường được bắt đầu từ ngày mồng 7, mồng 8 và kéo dài tới ngày 11, 12. Từ ngàn xưa, mọi người dân Việt Nam đều nhớ về ngày giỗ Tổ này: Dù ai đi ngược về xuôi/ Nhớ ngày giỗ Tổ mồng mười tháng ba.

Câu đối Nôm ở ngay cổng đi lên đền Hạ là tổng kết súc tích ý nghĩa của ngày giỗ Quốc Tổ Hùng Vương:
Lăng tẩm tự năm nào, núi Tản, sông Đà, non nước vẫn quy về đất Tổ.
Văn minh đương buổi mới, con Hồng, cháu Lạc, giống nòi còn biết nhớ mồ Ông.

Gần đây công trình nghiên cứu của Trần Huy Bá về Hùng Vương và sự tích “Hùng Triều Ngọc Phả” do Nguyễn Như Đỗ sống vào thời nhà Lê ghi rõ ràng như sau:”Thời đại Hùng Vương kéo dài 2622 năm gồm 47 đời vua”. Theo Hùng Vương Ngọc Phả thì chữ Đời vua dùng trong tài liệu này phải hiểu là chữ “thế” trong Hán tự không phải là một đời người mà là “một dòng gồm nhiều đời”. Riêng thế (hay đời) tức là chi Hùng Vương thứ 18, chi cuối cùng của thời đại Hùng Vương đã gồm 3 đời vua trị vì suốt 150 năm (?). Hiện nay ở Đình Tây Đằng, huyện Ba Vì, tỉnh Vĩnh Phú, còn bài vị “Tam Vị Quốc Chúa”. thờ 3 vị vua cuối cùng thuộc thế (tức đời hay chi) Hùng Vương thứ 18 này. Thế này chấm dứt vào năm 258TCN.



Sơ khai Nam Việt hữu Kinh Dương,
Nhất thống sơn hà thập bát vương.
Dư bách hệ truyền thiên cổ tại,
Ức niên hương hoả ức niên phương.

Nghĩa là:

Mở đầu Nam Việt có Kinh Dương
Mười tám ngành vua, mười tám chương.
Bách Việt sơn hà muôn thuở đó,
Đời đời đèn nến nức thơm hương.



Theo thống kê của Cục Văn hoá cơ sở - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, cả nước có 1417 di tích thờ vua Hùng và các nhân vật liên quan đến thời đại Hùng Vương. Bộ cũng đã ban hành văn bản hướng dẫn nghi thức tưởng niệm các vua Hùng. Theo đó, hàng năm, lễ Giỗ Tổ sẽ được tổ chức vào 10/3 âm lịch với lễ phẩm gồm 18 chiếc bánh chưng bọc lá dong tươi, buộc lạt màu đỏ cùng 18 chiếc bánh dày có dán chữ phúc và hương hoa, trầu cau, rượu nước và ngũ quả.


Chim có Tổ, Người có Tông,
Như Cây có Cội, như Sông có Nguồn


LỄ GIỖ TỔ HÙNG VƯƠNG VÀ Ý THỨC ĐOÀN KẾT CỘNG ĐỒNG VIỆT NAM

Giỗ tổ Hùng Vương - Sinh khí của dân tộc

Giỗ tổ Hùng Vương 10/3 âm lịch

Có bao nhiêu đời vua Hùng?

LỊCH SỬ VIỆT NAM KHỞI SỰ TỪ GẦN 3000 NĂM TCN ĐÃ ĐƯỢC XÁC MINH QUA TÁC PHẨM CỘI NGUỒN VIỆT TỘC CỦA PHẠM TRẦN ANH