Đa số chúng ta vẫn còn hiểu lầm về ý nghĩa buông xả hình tướng mà Phật đã dạy ở trong kinh. Phật dạy chúng ta buông xả hình tướng nghĩa là không nên chấp tướng. Ý nghĩa không chấp tướng ở đây là Phật nói ở trên tâm không phải nói trên thân hay trên sự. Tức là nói tâm chúng ta không nên chấp chặt vào bất cứ hình tướng nào mà phải biết dung thông uyển chuyển với mọi hình tướng. Vì tất cả những gì có hình tướng ở trong thế gian này đều do duyên hợp nên có sanh, có diệt biến đổi không ngừng theo thời gian.

Nếu là đệ tử của Phật thì phải biết nhìn thấu buông xả, ý nghĩa nhìn thấu buông xả ở đây không phải là nói chúng ta bỏ hình tướng này để chọn hình tướng kia mà là dung thông với tất cả hình tướng, sự-sự vô ngại.

Sự-sự vô ngại nghĩa là bất cứ hình tướng gì cũng không làm trở ngại được sự tu hành của chúng ta. Còn trên thân thì chúng ta phải biết tùy duyên, tùy thời thế, tùy nghề nghiệp, gia đình và xã hội mà uyển chuyển dung thông, vì hình tướng bên ngoài là phương tiện để đưa đến sự thành công trong cuộc sống gia đình, xã hội và độ tha. Nhưng tiếc thay chúng ta xưa nay không hiểu ý của Phật rồi hiểu lầm cho rằng: người tu hành thì phải bỏ hết hình tướng bên ngoài, không được chưng diện, trang điểm, không được chải chuốc hay ăn mặc quần áo đủ màu theo thời trang, không được thưởng thức ngắm nhìn hay chiêm ngưỡng những cảnh đẹp của thế gian.

Vì những sự hiểu lầm này mà xưa nay nếu có Phật tử hay cư sĩ nào tại gia chưng diện, trang điểm đẹp đẽ thì chúng ta vội xầm xì bàn tán, cho rằng người đó tu hành không chơn chính vì còn chấp hình tướng đẹp xấu bên ngoài.

Cũng vì những sự hiểu lầm này mà chúng ta hại đạo Phật bị người đời lánh xa và cho đạo Phật là mê tín dị đoan, tiêu cực hại đời. Vô tình chúng ta hại không biết bao nhiêu là chúng sanh, rốt cuộc càng tu thì càng chấp tướng, càng hại Phật pháp và hại chúng sanh.

Điều đáng thương là chúng ta đang hại pháp và hại chúng sanh mà không biết, ngược lại còn tưởng là mình đang hoằng pháp và hộ pháp.

Kính thưa các huynh! Đạo Phật là dạy con người lìa khổ để được vui, nhưng chúng ta không hiểu lại đi khuyên dạy người đời lìa vui để bị khổ. Chúng ta hãy bình tâm mà suy nghĩ lại xem: nếu người đời làm theo những gì chúng ta nói, e là sự tu hành của họ chưa được tới đâu thì đã bị mất việc làm, vợ bỏ, chồng chê, cha mẹ con cái oán hận, gia đình và xã hội ruồng bỏ, thậm chí còn bị chết đói nằm đường nữa là khác. Nếu tu pháp của Phật để rồi trở thành tội nhân của xã hội và nạn nhân của đạo Phật thì ai còn dám tu?