Có nhiều đường dẫn đến Đạo, nhưng đại lược có thể chia làm hai loại: một là Lý nhập hai là Hạnh nhập.

1. Lý nhập:

Lý nhập có nghĩa là thấu đáo giáo lý căn bản qua sự nghiên cứu kinh điển, sáng tỏ bằng tín lực sâu sắc để thức tỉnh ra rằng tất cả chúng sinh đều có một Chân tính, Chân tính hay Phật tính đó không hiển lộ vì bị che phủ bởi vọng tưởng và ngoại vật. Nếu người học Đạo thoát bỏ được hư vọng để trở về với Chân tính, thiền nhất hợp quán, thì sẽ nhận ra rằng chẳng có cái gọi là ta là người, thanh tịnh hay bởn nhơ đều chung một thể, nếu người học đạo luôn giữ được sự kiên cố đó, thì cũng sẽ không bao giờ trở nên nô lệ của chữ nghĩa kinh điển nữa.
Trực nhập với Chân lý và buông xã mọi vọng tưởng, lí trí phân biệt, đó là con đường an nhàn tự tại, và gọi là Lý nhập.

2. Hạnh nhập:

Hạnh nhập là con đường có thể tóm tắt vào Tứ hạnh là:

- Vui vẻ với mọi khổ đau oán hận ( Báo oán hạnh)

- Hài hòa với tất cả đổi thay ( Tùy duyên hạnh)

- Vô cầu ( Vô cầu sở hạnh)

- Luôn luôn hòa hợp với Đạo ( Xứng pháp hạnh).

a. Vui vẻ với mọi khổ đau oán hận ( Báo oán hạnh)

Khi người học đạo rơi vào bất cứ hoàn cảnh khổ đau nào, họ phải nghĩ rằng : “ Vì trải qua vô lượng kiếp, ta đã buông rời chân lý để theo đuổi những con sống mê lầm trong biển cả sinh tử luân hồi, gây biết bao những tội lỗi sân si oán thù. Mặc dù có thể những đau khổ hiện nay không phải là hậu quả của tội lỗi kiếp này, nhưng đó chính là kết quả của những duyên nghiệp từ những tiền kiếp xa xưa. Vì vậy những khổ đau này không phải là do người nào, quỷ thần nào mang lại cho ta. Vì vậy ta phải chấp nhận nó, kiên nhẫn chịu đựng, không oán trách. Cái quả đau khổ này là do ta, vì ta và ta không thể ca thán oán thù bất cứ một ai”.

Kinh nói rằng chẳng nên lo buồn với những kinh nghiệm đớn đau. Bởi vì ta đã nhìn thẳng vào chính nguyên nhân thực sự của những khổ đau này rồi vậy ( luật nhân quả). Khi người ta ngộ được tâm ấy thì cũng sẽ ứng hợp với chân lý, để thấy chính những oán hận thế nhân cũng có thể chuyển biến thành phương tiện giúp ta đến với Đạo, nên gọi là Hạnh vui vẻ với mọi khổ đau oán hận ( Hạnh trả oán).

b. Hài hòa với tất cả đổi thay ( Tùy duyên hạnh).

Chúng ta phải hiểu rằng tất cả chúng sinh đều chỉ là sản phẩm của trùng trùng duyên nghiệp, chẳng có một bản ngã nào cả. Tất cả những khoái lạc lẫn khổ đau thật chỉ là những màng lưới dệt từ những sợi tơ duyên nghiệp nhân quả. Vì vậy nếu ta có được danh vọng, tiền tài và tất cả những lạc thú, thì ta phải nhận ra rằng tất cả những thứ đó đều là những hậu quả, thiện duyên của những tiền kiếp cũ, và đến khi duyên cạn thì những thứ đó lại sẽ ra đi, thì tại sao ta lại phải tiết nuối khổ đau?
Vì vậy tất cả những được thua còn mất đều chuyển theo vòng tự nhiên của nhân duyên cuộc đời. Nhưng cái Chân tâm thì không tăng không giảm với những sự được thua đó, Bằng cách nhìn đó ta sẽ không còn những vọng động ngã chấp, tâm ta sẽ thống hợp với tâm Đạo. Đó chính là ý nghĩa ta phải hiểu về Hạnh thể nhập, hài hòa với mọi duyên nghiệp đổi thay của cuộc đời đó vậy.

c. Vô cầu ( Vô cầu sở hạnh)

Phàm nhân luôn mê vọng, đó đây chỉ thấy họ bị buộc ràng vào những tham cầu và dục vọng. Trí nhân thì hiểu Đạo, đứng ngoài những giá trị trần tục. Tâm hốn họ an định vô vi. Họ điều thân với tất cả những biến chuyển của mọi sự, vì luôn luôn tỉnh thức được lẽ chân không của mọi hiện tượng trần gian, không có gì khiến họ thất vọng hay hứng khởi. May mắn hay nạn tai cũng chỉ là hai mặt của một thể. Ngay cả việc kéo dài tuổi thọ trong thế giới ta bà này, cũng như là sống trong một ngôi nhà đang cháy. Cả cái thân xác này cũng chỉ là một túi thịt đựng những khổ đau và xa vời với an định.

Thức tỉnh được những điều đó, trí nhân chẳng chấp giữ vào sự vật nào trong thế giới hiện tượng, nên tâm an định, xa lìa mọi ham cầu. Kinh nói rằng :“ Tất cả mọi khổ đau, đều khởi sự từ ham cầu, còn vô cầu thì dẫn đến sự an lạc chân thật”. Hiểu rõ được sự an lạc của vô cầu là thật sự đang đi trên đường đạo hạnh, nên vậy gọi là Hạnh vô cầu.

d. Luôn luôn hợp với Đạo( Xứng pháp hạnh)

Pháp( Dharma) ở đây chính là cái Lý thanh tịnh, Cái Lý hay Chân Lý này là cái Pháp tướng và tướng của vạn Pháp, nó tự tại với mọi mê vọng và chấp trước, nó chẳng biết đến cái tự ngã hay cái tha ngã nào. Kinh nói là :” Trong Pháp không có chúng sinh vì nó vô nhiễm với tất cả tạp nhiễm của chúng sinh. Pháp không có tự ngã bởi vì nó vô nhiễm với mọi sắc màu của cái ngã”. Khi trí nhân liễu ngộ được chân lý đó, họ sống hài hòa với pháp vậy.
Vì không có bóng dáng nào của hư vọng trong Pháp thể, cho nên trí nhân sẳn sàng trút bỏ thân thể, đời sống , tư hữu để bố thí mà không bao giờ hối tiếc. Thấu triệt lẽ không của tam giới( không người cho, không người nhận, không có vật bị cho) họ không bao giờ lệ thuộc vào bất cứ hình tướng gì. Ngay cả việc cứu độ chúng sinh, động năng duy nhất của họ cũng chỉ là gột sạch tất cả những sắc màu hư giả; họ ở giữa chúng sinh cũng như mọi chúng sinh và khi họ giúp đỡ cũng chẳng giúp đỡ vì tình thương vị kỷ. Trong đường lối đó một mặt họ vẫn giữ được sự trang nghiêm toàn thiện, mà mặt khác vẫn ích lợi cho tha nhân, hành trì pháp bố thí như vậy, cùng với năm pháp Ba la Mật cũng chẳng khác. Trí nhân thực hành Lục độ ( bố thí, trì giới, nhẫn nhục, tinh tấn, thiền định, trí huệ: Bố thí trừ tham dục, tham cầu. Trì giới trừ tà ác, Nhẫn nhục trừ sân si. Tinh tấn trừ lười biếng. Thiền định trừ tán loạn. Trí huệ trừ ngu si, vọng tưởng) nhằm quét sạch mọi vọng tưởng, nhưng luôn như là không thực hành điều gì hết ( Hành vô hành). Vì thế mới gọi là Hành tùy xứng theo Pháp.


Cảnh đức truyền đăng lục.