Hiện nay, Phật giáo (PG) trên thế giới được phân chia theo hai truyền thống lớn: PG Nam tông (Nam truyền, Nguyên thủy) và PG Bắc tông (Bắc truyền, Phát triển hay Đại thừa). Kinh tạng PG Nam tông chủ yếu là Nikàya, ngôn ngữ Pàli. Kinh tạng PG Bắc tông ngoài A Hàm (tương đương với Nikàya) còn có rất nhiều kinh điển khác như Hoa Nghiêm, Bát Nhã, Vô Lượng Thọ v.v…, sử dụng ngôn ngữ chủ yếu là Sanskrit, Hán ngữ và Tạng ngữ.


Theo ngài W. Rahula, thời Phật tại thế, Ngài thuyết pháp xong thì các đệ tử ghi nhớ, đọc lại (trùng tuyên) cho nhau nghe và hoàn toàn không ghi chép bằng văn bản. Sau khi Thế Tôn nhập Niết bàn khoảng ba tháng, Đại hội kiết tập kinh điển lần thứ nhất được tổ chức, cũng chỉ trùng tuyên lại Kinh và Luật. Một trăm năm sau, Tăng đoàn tổ chức Đại hội kiết tập kinh điển lần thứ hai, điều chỉnh một số việc nhỏ nhặt của giới luật (Luật) mà không có sự tranh luận về giáo pháp (Kinh).

Tại thời điểm này, Tăng già manh nha chia làm hai phái Thượng tọa bộ và Đại chúng bộ (phái chủ trương canh tân giới luật). Đại hội này cũng không ghi chép bằng văn bản. Đến Đại hội kiết tập kinh điển lần thứ ba, thời vua Asoka, thế kỷ III trước Tây lịch, tạng Vi diệu pháp (Luận) mới được kiết tập và Tam tạng được ghi chép bằng ngôn ngữ Pàli (PG Nguyên thủy sử dụng Tam tạng này). Mãi đến khoảng thế kỷ thứ I trước Tây lịch và thế kỷ I sau Tây lịch, Đại thừa mới xuất hiện và những thế kỷ tiếp theo phát triển thành một học phái hoàn chỉnh.

Như vậy, Kinh tạng Pàli (Nikàya) có thể xem là những văn bản đầu tiên ghi lại lời Phật, sau gần ba thế kỷ truyền khẩu. Và chính ngay trong Tam tạng “nguyên thủy”, cũng chỉ được xem là “gần” với lời dạy của Phật nhất mà thôi. Bởi theo Hòa thượng Thích Minh Châu: “Văn học Abhidhamma (Thắng pháp) và văn học Jàtaka (Chuyện tiền thân), hai văn học này (thuộc Tam tạng Pàli) chỉ được bắt nguồn, kết thành trong giai đoạn các học phái, từ khoảng 300 năm đến 100 năm trước kỷ nguyên” (Xem Giới thiệu kinh Phật Thuyết Như Vậy). Và thật rõ ràng, không đợi đến thời kỳ PG Phát triển (Đại thừa) mà ngay cả trong truyền thống PG Nguyên thủy, chư Tổ đã góp phần để hình thành nên Tam tạng Pàli. Nói như thế để những người học Phật không nên chủ quan và rơi vào bảo thủ khi xác quyết rằng “chỉ có kinh tạng Nikàya mới do Phật thuyết”.

Các nhà nghiên cứu đều xác định kinh điển Đại thừa được thành lập về sau, so với kinh tạng Nikàya. Tuy vậy, đây chỉ là sự phát triển có tính kế thừa và đặc biệt là đồng nhất về giáo lý căn bản. Theo ngài W. Rahula: “Tôi nghiên cứu đạo Phật Đại thừa nhiều năm, và càng nghiên cứu tôi càng thấy hầu như không có bất cứ điều gì khác nhau giữa đạo Phật Nguyên thủy và đạo Phật Đại thừa về mặt giáo lý căn bản. Cả hai đều chấp nhận Đức Phật Thích Ca là Bậc Đạo Sư. Tứ Thánh đế trong cả hai trường phái đều giống nhau.

Bát Thánh đạo trong cả hai trường phái thì cũng tương tự. Lý Duyên khởi trong cả hai trường phái đều giống nhau. Cả hai đều không chấp nhận tư tưởng về Thượng đế tạo ra thế gian này. Cả hai đều chấp nhận Tam tướng (Khổ, Vô thường, Vô ngã) và Tam vô lậu học (Giới, Định, Huệ), không có bất kỳ sự khác biệt nào… Đại thừa chỉ khai triển thêm các khái niệm này để tạo dựng nền triết học và tâm lý học sâu thẳm” (Đạo Phật Nguyên thủy và đạo Phật Đại thừa).

Đối với giáo pháp, người học Phật dù ở bất cứ truyền thống nào, cần tiếp cận và học tập theo tinh thần “trung đạo” và “tương tức”, bởi “nghiên cứu kinh điển Phát triển mà không nắm vững hệ thống Nguyên thủy thì độ chuẩn xác không cao. Nếu coi Kinh tạng Nguyên thủy là thấp kém thì rất là sai lầm và nguy hiểm. Cây đại thọ giáo pháp phải là một cây hoàn hảo từ gốc rễ cho đến ngọn ngành. Trái lại, quan niệm cho rằng Đại thừa là “Phi Phật thuyết” (kinh Đại thừa không phải Phật nói ra, ngụ ý là ngoại đạo), rồi tự mãn với lối sống truyền thống của mình, tự đóng kín, không chịu tìm hiểu các kinh điển của Đại thừa thì quan niệm ấy nếu không cố chấp thái quá thì cũng là hẹp hòi.

Nếu bảo Đại thừa là “Phi Phật thuyết” thì ngoài một bậc Đại giác “Cùng tận chúng sinh nghiệp tính” ra, ai có được những tư tưởng siêu việt như tư tưởng trong các kinh Đại thừa? Thế giới quan “trùng trùng duyên khởi” một kiến trúc vĩ đại trong Hoa Nghiêm, thế giới quan “không” của Bát Nhã, tư tưởng “chư pháp thực tướng” trong Pháp Hoa, tư tưởng “Ưng vô sở trụ nhi sinh kỳ tâm” trong Kim Cương, cho đến tư tưởng “Vô trụ Niết bàn”, “phiền não tức Bồ đề”, v.v… tất cả những tư tưởng mênh mông, bao la và thăm thẳm ấy đều đã bắt nguồn từ tư tưởng của PG Nguyên thủy” (Thích Viên Giác, Khái quát lịch sử truyền bá kinh điển và những đặc điểm của Kinh tạng Nikàya).