Về sự tích của Bồ Đề Đạt Ma, ta được biết qua hai nguồn tài liệu. Trước hết là tài liệu của luật sư Nam Sơn Đạo Tuyên trong Cao Tăng Truyện, soạn vào năm 645, đầu đời nhà Đường và được coi là tài liệu cổ nhất hiện có. Tác giả là tổ sư khai sáng Luật Tông ở Trung Hoa, và là một học giả uyên bác; tuy nhiên, ông sống ở thời Thiền chưa lập tông, Thiền Tông mới được xây dựng lên sau này với lục tổ Huệ Năng thuở ấy mới lên chín tuổi khi Đạo Tuyên soạn bộ « truyện ». Nguồn tài liệu thứ nhì là Truyền Đăng Lục do Đạo Nguyên soạn năm 1004, đầu đời nhà Tống. Sách do một Thiền sư viết ra khi Thiền đã được đồng thanh thừa nhận như một pháp môn riêng, và chuyên ghi chép những câu nói và việc làm của các Thiền sư. Trong bộ “lục” , tác giả thường dẫn chiếu để thêm uy tín những bộ sách Thiền cổ hiện nay đã thất lạc hết chỉ còn lại tên sách. Bodhidharma (Bồ Đề Đạt Ma), hay Dharmabodhi (Đạt Ma Bồ Đề) tổ thứ 28 Thiền Tông Ấn Độ, người sáng lập ra Thiền tông ở Trung Quốc, là một vị sư ở miền Nam Ấn Độ. Ngài đến Trung Quốc vào năm 520 TL, bởi vì ngài "rất tiếc cho sự suy tàn của giáo lý chính thống của Đức Phật trong những vùng xa xôi". "Giáo lý chính thống của Đức Phật" có thể chính là Thiền minh sát (Vipassanaa) của Phật giáo Nguyên thủy. Một sự nghiên cứu có tính chất so sánh giữa Thiền minh sát của Phật giáo Nguyên thủy với thiền của thiền tông sẽ chứng minh rằng hai truyền thống Phật giáo này giống nhau về căn bản. Kết quả của sự nghiên cứu đó đã giúp cho Winston King tuyên bố "tôi cho rằng hai lối thiền này căn bản giống nhau về mặt chức năng và chứng nghiệm, mặc dù phương pháp, cách diễn đạt, và phong vị cảm xúc thay đổi tùy theo bối cảnh văn hóa của mỗi nơi."

Một số trưởng lão nổi tiếng của Thượng Tọa Bộ được nhắc đến trong cùng thời kỳ với Bodhidharma. Nhà chú giải lỗi lạc Buddhaghosa sống ở miền Nam Ấn độ vào thế kỷ V trước khi qua Sri Lanka. Nhà chú giải Buddhadatta là một nhân vật nổi tiếng khác ở Nam Ấn thời bấy giờ. Không lâu sau đó, Badaratirtha Dhammapala cũng sống ở đây và viết tiếp một số chú giải. Mặc dầu Thượng Tọa Bộ bắt đầu suy yếu ở Nam Ấn sau thế kỷ VII, nó vẫn còn tồn tại cho đến thế kỷ XV và duy trì quan hệ tốt đẹp với Phật giáo các nước, đặc biệt với Sri Lanka và các nước Phật giáo Nguyên thủy. Thậm chí có một ngôi chùa Trung Quốc ở Nam Ấn cho đến cuối thế kỷ XV. Sự kiện này chứng tỏ rằng chính thời điểm đó, lúc Phật giáo Nguyên thủy phát triển mạnh ở Ấn độ, là lúc Bodhidharma qua Trung Quốc. Vì vậy, "giáo lý chính thống" mà ngài đem từ Nam Ấn đến rất có thể là thiền minh sát của Phật giáo Nguyên thủy. Trước khi ngài đến Trung Quốc, Phật giáo Đại thừa đã có ảnh hưởng ở Trung Quốc nhờ vào những hoạt động của của Kumarajiva. Hơn nữa, vì Bodhidharma đi bằng đường biển, chắc hẳn ngài cũng đã viếng thăm các nước Phật giáo Nguyên thủy giữa Nam Ấn và Trung Quốc.

Trước khi Tổ Đạt Ma chưa đến, các kinh Thiền đã truyền vào Trung Quốc rất nhiều. Hằng Đế đời Hậu Hán có Sa Môn An Thế Cao thông suốt Kinh luận, lại giỏi về pháp Thiền, đến thành phố Lạc Dương, dịch kinh hơn trăm bộ, trong đó có các Kinh nói về pháp Thiền gồm: Đại An Ban Thủ Ý Kinh hai quyển, Thiền Hạnh Pháp Tưởng Kinh một quyển, Đại Thập Nhị Môn Kinh một quyển, Tiểu Thập Nhị Môn Kinh một quyển, Thiền Hạnh Ba Mươi Bảy Phẩm Kinh một quyển, Thiền Định Phương Tiện thứ đệ Pháp Kinh một quyển, Thiền Pháp Kinh một quyển. Cuối đời nhà Hán, có Cư sĩ Chí Khiêm người nước Nhục Chi đến Lạc Dương, dịch Tu Hành Phương Tiện Kinh hai quyển, Thiền Bí Yếu Kinh bốn quyển. Đời Tam Quốc có Khương Tăng Hội đến Dương Đô, dịch Tọa Thiền Kinh một quyển: đời Tây Tấn có Sa Môn Trúc Pháp Hộ dịch Hữu Pháp Quán Kinh một quyển, Tu Hành Đạo Địa Kinh bảy quyển; đời Đông Tấn có Trúc Đàm Vô Lan dịch Hữu Trị Thiền Pháp Kinh một quyển; lại có Phật Đà Bạt Đà đến Trường An chuyên hoằng pháp Thiền, sau ứng lời mời của Huệ Viễn Pháp Sư ở Lư Sơn, dịch Đạt Ma Đa La Thiền Kinh hai quyển, Ngài Cưu Ma La Thập có dịch Thiền Bí Yếu Pháp Kinh ba quyển, Tọa Thiền Tam Muội Kinh hai quyển, Thiền Pháp Yếu Giải hai quyển, Tư Duy Lược Yếu Pháp một quyển v.v... Ngoài ra còn nhiều lắm chẳng thể kể xiết. Các Kinh kể trên phần nhiều thuộc pháp Thiền Tiểu thừa, Trung thừa, các sư như An Thế Cao và Giác Hiền chuyên hoằng về pháp Thiền Tiểu thừa, Cưu Ma La Thập là người Đại thừa mà dịch những Thiền Kinh chẳng giống Đại thừa, cho đến Đạt Ma Đa La Thiền Kinh và Tọa Thiền Tam Muội Kinh xưa kia được xem là Đại thừa Thiền, nhưng ở trong đó cũng xen vào Thiền Trung thừa và Tiểu thừa. Đủ thứ pháp Thiền kể trên gọi là Thiền Số Chi Học, khác hẳn với pháp Thiền “chẳng lập văn tự" của Thiền Tông.

ĐỘC LẬP ĐỐI VỚI KINH ĐIỂN

Bodhidharma là một người học rộng nhưng rất độc lập đối với kinh điển. Ngài không giới thiệu kinh sách gì cho các đệ tử ngoại trừ cuốn Kinh Lăng già (Lankavatara Sutra). Kiến thức đạt được từ sách vở không đem lại giác ngộ, mục tiêu của sự tu tập. Từ thuở ban đầu cho đến tận ngày nay, thái độ của Phật giáo Nguyên thủy đối với kinh điển cũng không khác với thái độ của Bodhidharma. Trưởng lão Ananda hầu Đức Phật suốt 25 năm và thuộc lòng tất cả các bài kinh của Đức Phật nhưng vẫn không chứng được quả A-la-hán cho đến khi trưởng lão Mahakassapa đốc thúc ngài, ba tháng sau khi Đức Phật nhập diệt. Một ví dụ khác tương tự là trường hợp giác ngộ của Nagasena. Một hôm ngài Dhammarakkhita nói: "Này Naagasena, như một người đếm bò, nhưng người khác hưởng những sản phẩm của nó, cũng vậy ông thuộc làu tam tạng kinh điển mà vẫn không thành tựu được quả vị của sa môn." Được nhắc nhở như vậy, Nagasena giác ngộ ngay ngày hôm đó. Nagasena làu thông tam tạng nhưng kiến thức uyên bác của ngài không đem lại sự giác ngộ. Sau đó, đến thời của "Thanh Tịnh Đạo Luận" (Visuddhimagga), việc học kinh điển được xem như là một trở ngại cho việc hành thiền.[20] Một ví dụ của một vị thiền sư cho thấy rằng việc học kinh điển cũng có một vị trí tương tự trong thiền tông. En-go khuyên đệ tử của ngài nên gạt bỏ tất cả những "kiến thức tương đối" và "giảng giải".Từ "Thiền" (Zen hay Chan) bắt nguồn từ chữ Sanskrit Dhyaana chỉ những trạng thái thần bí đạt được qua một quá trình dài thực tập định tâm. Mặc dầu có nguồn gốc như vậy, thiền tông không dạy những trạng thái yoga thần bí hay dhyaana (thiền chỉ) mà lại dạy thiền quán. Thiền của thiền tông không phải là dhyaana mà là thấy rõ thực tánh bên trong chính mình. Phật giáo Nguyên thủy xem dhyaana là pháp tu tiền Phật giáo và Đức Phật không xem nó như là mục đích tối hậu. Điều này giúp ngài khám phá ra "một hình thức khác của thiền" được gọi là Vipassanaa (Sanskrit Vipasyanaa hay Vidarsanaa), quán chiếu vào bên trong của các pháp, dẫn đến sự giải thoát hoàn toàn của tâm, đến sự giác ngộ chân lý rốt ráo, Niết bàn. Bodhidharma đã không đem dhyaana (thiền chỉ) đến Trung Quốc mà chắc chắn ngài đã đem thiền quán (Vipassanaa) vốn khác hẳn với thiền chỉ. Những tác giả không thấy rõ sự tương tự giữa thiền của thiền tông và thiền quán Vipassanaa thường hay nhầm lẫn giữa Vipassanaa và dhyaana.

Cả Vipassanaa lẫn thiền tông đều không chủ trương hành giả phải ngồi thiền. Mặt khác cả hai đều không thấy có gì sai trái trong việc ngồi thiền. Bài kinh "Tứ Niệm Xứ" (Satipatthaana) và những bài kinh tương tự của Phật giáo Nguyên thủy cũng khuyến khích việc ngồi thiền, nhưng thông thường là thền trong mọi oai nghi, ngay cả trong khi làm tất cả các hoạt động khác. Các vị thiền sư khuyên ngồi thiền (Zazen) cũng như thiền trong lúc làm các công việc hàng ngày. Đôi lúc các thiền sư định nghĩa "ngồi thiền" chính là thiền trong mọi oai nghi.

Một số tài liệu khác viết:

Tổ thứ 28 Bồ Ðề Ðạt Ma (Bodhidharma) là người nước Quốc Hương, thuộc Nam Thiên Trúc (Dekhan), tức Ấn Ðộ, con thứ ba của vua Chí Vương, dòng Sát đế lỵ, tên tục là Bồ Ðề Ða La (Bodhitara). Nhân đến Quốc Hương thọ lễ cúng dường của nhà vua, Tổ thứ 27, Bát Nhã Ða La (Prajnâtara) gặp Bồ Ðề Ða La, nhận thức ở vị hoàng tử này nhiều nét đặc biệt, mới thử bảo cùng hai anh biện luận về chữ Tâm. Thấy Bồ Ðề Ða La phát minh được yếu điểm của tâm, Tổ mới kêu đến và nói: "Hoàng tử đối với chư pháp đã được thông lượng, mà Ðạt Ma có nghĩa là thông đạt rộng lớn, vậy hoàng tử nên lấy tên là Bồ Ðề Ðạt Ma". Hoàng tử nhận và bái tổ thứ 27 làm thầy.

Nhớ lời Tổ dặn phải xuất dương mới thành đạo nghiệp vĩ đại, Bồ Ðề Ðạt Ma vào độ gần tám mươi tuổi xuống thuyền ra khơi Nam Hải. Một số tái liệu cho rằng: Ngài rời Ấn Độ đi Trung Quốc vào giữa năm 520 với mục đích là phổ biến hệ thống triết học đã quán triệt được, nhưng không ai biết rõ chi tiết về cuộc đời của ngài (Ngài thị tịch vào năm 534 hay 536). Theo các sử gia thì Bồ Đề Đạt Ma bác bỏ việc tụng đọc kinh sách, do đó, triết học của ngài khiến cho các thiền viện thời đó ít chú trọng về kiến thức, mà thiên về trầm tư thiền định nhiều hơn. Triều nhà Lương bên Trung Quốc, năm Phổ thông thứ 8, nhằm mồng một tháng mười năm Ðinh Mùi (520) sau T.C.), thuyền đến Quảng Châu, thứ sử tỉnh nầy lấy lễ nghinh tiếp và dâng biểu về triều báo tin. Lương Võ Ðế sai sứ đi thỉnh về thành đô là Kim Lăng. Ðế hỏi:

- Trẫm từ lên ngôi đến nay, xây chùa, chép kinh, độ tăng không biết bao nhiêu mà kể. Vậy có công đức gì không?
- Sư Ðạt Ma đáp:
- Ðều không có công đức.
- Tại sao không công đức.
- Bởi vì những việc vua làm là nhân "hữu lậu", chỉ có những quả nhỏ trong vòng nhân thiên, như ảnh tùy hình, tuy có nhưng không phải thật.
- Vậy công đức chân thật là gì?
- Trí phải được thanh tịnh hoàn toàn. Thể phải được trống không vắng lặng, như vậy mới là công đức, và công đức này không thể lấy việc thế gian (như xây chùa, chép kinh, độ tăng) mà cầu được.

Vua lại hỏi:
- Nghĩa tột của thánh đế là gì?
- Một khi tỉnh rõ, thông suốt rồi thì không có gì là thánh.
- Ai đang đối diện với trẫm đây?
- Tôi không biết.

Sau câu chuyện đối đáp này, Sư biết tâm vua không khế hợp được với pháp mình, vì vậy đến ngày 19 tháng 10 năm ấy, Sư về Giang Bắc, rồi tới 22 tháng 11 lại sang Lạc Dương. Ðến đời Hậu Ngụy, vua Hiếu Dương, năm Thái Hòa thứ 10, Sư lên Tung Sơn vào chùa Thiếu Lâm, ngồi ngó vào vách, trọn ngày làm thinh. Người đời không hiểu gì cả, gọi Sư là "Bích quán Bà la môn", nghĩa là ông Bà la môn ngó vách. Có một số nhà nghiên cứu Trung Quốc cho rằng: Trường phái Thiền của ngài Bồ Đề Đạt Ma không phải là hình thức Phật Giáo thực sự, mà là một sự tổng hợp của Khổng Giáo, Lão Giáo và Phật Giáo. Giả định nầy không đúng, vì theo lời của ngài thì Phật Giáo là linh hồn của Thiền Tông (Meditative School). Thiền Tông của Bồ Đề Đạt Ma dĩ nhiên cũng phải trải qua những sự biến đổi khi phát triển trong môi trường của Trung Quốc. Nhận định chung thì chủ thuyết của Thiền phái nầy tương tự với chủ thuyết của giáo phái Franciscan Order và lối tu hành vẫn có một ảnh hưởng tinh thần mạnh mẽ nơi người Trung Hoa nhất là trong giới trí thức Nhật Bản.

Xem qua những lời vấn đáp của Tổ Đạt Ma đều là pháp trực tiếp chỉ thị Phật tánh, thẳng vào cội nguồn Bản thể. Trong Truyền Đăng Lục có ghi: “Nhập Đạo Tứ Hạnh” của Tổ dạy, cứu xét kỹ mới biết do người khác giả mạo, so với ý nghĩa lời nói của Ngài hoàn toàn khác hẳn, như trong bài nói “Bỏ vọng về chơn”, “Im lặng ngó hẳn vách tường”, “Dứt tưởng chẳng cầu, có cầu đều khổ, chẳng cầu mới vui”, “Chẳng có bỏn xẻn đối với thân mạng tiền tài, theo hạnh xã bỏ bố thí, tâm chẳng hối tiếc” v.v... Những lời này toàn là lời dạy của Trung, Tiểu nhị thừa, so với lời “Quách nhiên vô thánh”, “Vô hữu công đức” của Tổ Đạt Ma thì ý chỉ tuyệt nhiên xa cách, Trí thông với nghẽn đã phân biệt rõ ràng. Thiền Tông sau khi ngộ đạo chẳng nhờ tu tập, nếu còn có tu thì chẳng phải triệt ngộ, Tổ Đạt Ma là bậc thánh đã ngộ, đầu cần hướng vách tu thiền! Lại từ xưa nay chư Tổ của Thiền Tông đều phản đối sự lắng tâm tĩnh tọa, Lục Tổ nói: “Kẻ mê lắng tâm tĩnh tọa, trăm điều chẳng nghĩ, tự xưng là đại, bọn này chẳng thể dạy bảo, vì tà kiến đã sẵn”. Lại nói: “Trụ tâm quán tịnh là bệnh chẳng phải Thiền, ngồi lâu trói chân, có ích lợi gì!”. Pháp Thiền của Tổ Đạt Ma phế bỏ hư văn, chỉ ngay thực tế, khiến người đốn ngộ cội nguồn, thẳng chứng quả Phật, nên được quét sạch những tệ đoan phức tạp và chi ly, khiến Thiền học từ suy sụp trở thành thịnh vượng, thành một Tông phái lớn. Ngài truyền Kinh Lăng Già để ấn tâm, và chư Tổ đời sau dùng hét, dùng gậy, dùng phẫn nộ chửi mắng, cho đến dùng nhướng mày chớp mắt để tiếp dẫn hậu học, với Tông chỉ Lăng Già, niêm hoa thị chúng đều chẳng khác biệt. Tổ Đạt Ma được tôn làm Sơ Tổ của Thiền Tông, truyền cho Nhị Tổ Huệ Khả, Tam Tổ Tăng Xán, Tứ Tổ Đạo Tín, Ngũ Tổ Hoằng Nhẫn, đến Lục Tổ Huệ Năng, môn đồ của Lục Tổ ngộ đạo rất nhiều, Thiền phong đại thịnh Tứ Tổ có chi nhánh là Pháp Dung Thiền Sư ở núi Ngưu Đầu, cũng rất thịnh vượng, người đời xưng là Ngưu Đầu Thiền, Hành trạng và lời khai thị của chư Tổ đều có ghi trong Truyền Đăng Lục.Những vị kế thừa Bồ Đề Đạt Ma có những phong cách đặc biệt. Lúc bấy giờ có một vị Tăng, tên là Thần Quang, học rộng hiểu nhiều. Nghe danh sư, Thần Quang đến Thiếu Lâm tự và đứng ngoài sân chùa chờ dịp yết kiến. Nhằm tiết đông thiên (mồng 9 tháng chạp), đến đêm tuyết xuống như mưa, cao quá đầu gối, Thần Quang vẫn trì chí đứng yên một chỗ. Sư thương tình, kêu hỏi:

- Ông đứng trong tuyết lâu như thế, ý muốn cầu gì?

Thần Quang khóc, bạch:
- Cúi xin Hòa thượng từ bi mở cửa cam lộ, rộng độ quần sanh.
- Diệu đạo của chư Phật phải nhiều kiếp tinh tấn, cần mẫn làm cho được những việc khó làm, nhẫn cho được những điều khó nhẫn, hàng đức nhỏ, trí nông, lòng đầy khinh khi, kiêu ngạo, há chịu nổi nhọc nhằn khổ cực sao mà muốn học phép chân thừa. Thần Quang nghe Sư quở, bèn lấy dao bén, tự đọan cánh tay trái, để chứng minh lòng thành khẩn cầu đạo của mình. Sư biết gặp được "pháp khí" (nghĩa là một khí dụng tốt để truyền bá chánh pháp).
Bèn nói:
- Chư Phật, lúc phát tâm cầu đạo, dám vì pháp bỏ thân, nay ông chặt tay trước mặt tội, vậy ông muốn cầu gì?
Nói xong Sư bèn đổi tên Thần Quang ra Huệ Khả.
Thần Quang bạch:
- Có thể nghe pháp ấn của chư Phật chăng?
- Pháp ấn của chư Phật, không phải tùng người mà được.
- Nhưng tâm tôi chưa được an bình thì làm thế nào? Xin Sư cho tâm tôi được an bình.
- Thì ông đưa tâm đây. Sư đáp, ta sẽ cho.
- Tôi tìm tâm mãi mà chưa được.
- Thế là ta đã an tâm cho ngươi rồi.

Vua Hậu Ngụy Hiếu Minh nghe Sư có nhiều sự lạ lùng, sai sứ đến triệu trước sau ba lần, Sư đều từ không chịu xuống núi. Nhà vua càng đem lòng kính trọng và sai người đem đến ban cho Sư hai áo cà sa và một bình bát bằng vàng. Sư cũng từ ba phen, nhưng sau thấy nhà vua kiên tâm dâng cúng Sư mới nhận. Chín năm trôi qua, từ khi Sư đến Trung Quốc, Sư có ý muốn hồi hương, cho nên kêu các đệ tử nói: "Giờ ta ra đi sắp tới, vậy mỗi đệ tử hãy nói cho ta nghe sở đắc của mình".

Ðạo Phó bạch:
- Theo chỗ thấy của tôi, muốn thấy đạo phải chẳng chấp văn tự, mà cũng chẳng lìa văn tự.
Sư đáp:
- Ông được lớp da của tôi rồi.
Tổng trì Ni nói:
- Chỗ giải của tôi như cái mừng vui thấy nước Phật (tâm) bất động, thấy được một lần, sau không thấy lại nữa.
Sư nói:
- Bà được phần thịt của tôi rồi.
Ðạo Dục, một đệ tử khác, bạch:
- Bốn đại vốn không, năm uẩn chẳng phải thật có, vậy chỗ thấy của tôi là không một pháp nào khả được.
Sư đáp:
- Ông được bộ xương của tôi rồi.
Rốt hết, tới phiên Huệ Khả. Huệ Khả lễ bái Sư rồi đứng ngay một chỗ, không bạch không nói gì cả. Sư bảo:
- Ông được lớp mỡ trong ống xương tôi rồi.
Rồi ngó Huệ Khả, Sư nói tiếp:
- Xưa Như Lai trao "Chánh pháp nhãn tạng" cho Bồ tát Ca Diếp, từ Ca Diếp chánh pháp được liên tục truyền đến ta. Ta nay trao lại cho ngươi; nhà ngươi khá nắm giữ, luôn với áo cà sa để làm vật tin. Mỗi thứ tiêu biểu cho một việc, ngươi nên khá biết.
Huệ Khả bạch:
- Thỉnh Sư chỉ bảo cho.
Sư nói:
Trong, truyền pháp ấn để khế chứng tâm; ngoài, trao cà sa để định tông chỉ. Ðời sau, trong cảnh cạnh tranh, nếu có người hỏi ngươi con cái nhà ai, bằng vào đâu mà nói đắc pháp, lấy gì chứng minh, thì ngươi đưa bài kệ của ta và áo cà sa ra làm bằng. Hai trăm năm sau khi ta diệt rồi, việc truyền y dừng lại. Chừng ấy, đâu đâu người hiểu đạo và nói lý rất nhiều, còn người hành đạo và thông lý rất ít, vậy ngươi nên cố xiển dương đạo pháp, đừng khinh nhờn những người chưa ngộ. Bây giờ hãy nghe bài kệ của ta:
Ngô bổn lai tư thổ,
Truyền pháp cứu mê tình.
Nhất hoa khai ngũ diệp,
Kết quả tự nhiên thành.

Dịch:

Ta đến đây với nguyện,
Truyền pháp cứu người mê.
Một hoa nở năm cánh,
Nụ trái trổ ê hề.

Sư lại nói thêm: "Ta có bộ kinh Lăng Già bốn cuốn, nay cũng giao luôn cho ngươi, đó là đường vào tâm giới, giúp chúng sanh mở được cửa kho tri kiến của Phật. Ta từ Nam Ấn sang đến phương Ðông này, thấy Xích Huyện Thần Châu có đại thừa khí tượng, cho nên vượt qua nhiều nơi, vì pháp tìm người. Nhưng bao nhiêu cuộc gặp gỡ không làm ta mất lòng, bất đắc dĩ phải ừ hử vậy thôi. Nay được ngươi để truyền thọ y pháp, ý ta đã toại! Nói xong, Sư cùng đệ tử đến chùa Thiên Thánh lưu lại ba hôm.

Có người tên là Thành Thái, tự Dương Huyễn, sớm mộ phương tu thành Phật, đến hỏi:
- Nghe Sư bên Tây Thiên, thừa tiếp pháp ấn làm Tổ, vậy xin dạy cho con biết con đường đưa đến vị Tổ như thế nào?
Sư đáp:
- Sáng rõ Phật là tâm, nói làm cho phù hợp, đó gọi là Tổ.
- Ngoài ra còn gì không?
- Nên sáng tâm người, biết rành kim cổ, chẳng chán có không, đối pháp chẳng nắm, chẳng hiền chẳng ngu, không mê không ngộ. Giải được như thế, đáng xưng là Tổ.
Thành Thái lại hỏi:
- Ðệ tử lấy tâm quy y Tam bảo đã mấy năm rồi, nhưng trí huệ còn mù mờ, chân lý chưa rõ. Nay nghe được một ít lời Sư, biết rằng đệ tử đã lầm lớn, cúi xin Sư từ bi khai mở đường tu cho.
Sư biết lòng Thành Thái đã đúng mức, liền nói bài kệ như sau:
Diệc bất đổ ác nhi sanh hiềm,
Diệc bất quán thiện nhi cần thố.
Diệc bất xả trí nhi cận ngu,
Diệc bất phao mê nhi tựu ngộ.
Ðạt đại đạo hề quá lượng,
Thông đạt tâm hề xuất độ,
Bất dử thánh phàm đồng triền,
Siêu nhiên danh chi viết Tổ.

Dịch:

Cũng đừng thấy dữ mà sanh chê,
Cũng đừng thấy lành mà ái mộ.
Cững đừng bỏ trí mà gần ngu,
Cũng đừng buông mê mà cầu ngộ.
Ðược vậy thì:
Ðến đại đạo rộng vô lượng,
Thông Phật tâm muôn cứu độ.
Chẳng ước thánh phàm sánh vai,
Vượt trên đối đải gọi là Tổ.
Thành Thái nghe kệ nửa vui nửa xót, bạch:
- Xin Sư ở lâu thế gian để hóa đạo quần chúng hữu tình.
- Ta sắp đi đây, không thể ở lâu; người đời căn tánh muôn sai, ta đã gặp nhiều hoạn nạn rồi.
- Ai làm hại Sư, xin cho biết, đệ tử nguyện trừ.
- Ai đã đem bí mật của Phật ra truyền để lợi ích quần mê, nay hại người để mình an, làm sao có lý ấy đặng?!
- Sư chẳng nói, lấy gì tiêu biểu cho sức thông biết khắp cùng của Sư?
Sư không đáp, đọc một bài kệ sau đây có tính cách như một bài sấm:
Giang tra phân ngọc lãng,
Quản cự khai kim tỏa.
Ngũ khẩu tương cộng hành,
Cửu thập vô bỉ ngã.

Dịch:

Thuyền lướt, chia sóng ngọc,
Ðuốc nêu, mở khóa vàng.
Năm miệng đồng cùng khứ
Chín, mười hết ta, chàng.

Thành Thái không hiểu gì cả, chỉ gắng ghi vào lòng rồi từ tạ lui gót. Bài sấm của Sư, đương thời không ai độ được, nhưng về sau đã phù nghiệm, như chúng ta sẽ thấy.

Dưới thời nhà Ngụy, kẻ anh tài chống lại với Thiền môn rất nhiều, nào Quang Thống luật sư, nào Lưu Chi Tam Tạng... đều là bậc loan phụng trong hàng Tăng chúng. Thấy Sư luôn luôn lấy tâm làm trọng, các vị đã cùng Sư luận nghị mấy phen, nhiệt liệt ồn ào như ong vỡ tổ. Trong khi ấy, xa gần Sư đều cho nổi lên một ngọn huyền phong và đổ xuống một trận mưa pháp, chan rải khắp nơi, kết quả không sao lường được. Sự thành công vẽ vang này càng kích thích kẻ ác gia tâm dùng thuốc độc hại Sư.

Trên thực tế, Sư đã bị thuốc năm lần. Ðến lần thứ sáu, thấy sứ mệnh hoằng pháp đã hoàn thành, công việc truyền pháp đã tìm ra người, Sư không tự cứu nữa, ngồi an nhiên tịch diệt. Lúc ấy là năm Thái Hòa thứ 19 đời Hiếu Minh Hậu Ngụy, nhằm ngày mồng 9 tháng 10 năm Bính Thìn, tức năm Ðại Thông thứ 2 triều nhà Lương. Ðến ngày 18 tháng chạp cùng năm, nhục thể của Sư được nhập tháp tại chùa Ðịnh Lâm, núi Hùng Nhĩ. Thật là đúng như lời sấm của Sư, câu "ngũ khẩu tương cộng hành" có nghĩa là "ngô tương hành", vì ghép chử NGŨ trên chữ KHẨU thì thành chữ NGÔ, và câu này có nghĩa là "Ta sẽ đi". Còn câu chót "cửu thập vô bỉ ngã" quả là Sư đã nói trước ngày viên tịch: mồng chín (cửu) tháng mười (thập).

Ba năm sau, Tống Vân quan nhà Ngụy, đi sứ Tây Vực về, gặp Sư Ðạt Ma tại ngọn Thông Lãnh. Thấy Sư tay cầm một chiếc dép, một mình đi mau như bay, Tống Vân hỏi:
- Sư đi đâu đó?
Sư đáp:
- Ta về Tây phương.
Rồi Sư lại nói thêm: "Chủ của Ông đã chán đời rồi".

Ngẩn ngơ, Tống Vân từ giả Sư và hấp tấp về phục mạng, thì ra vua Minh Ðế đã thăng hà. Tống Vân tâu việc gặp Sư lên vua Hiếu Trang mới tức vị. Vua ra lệnh quật mồ. Trong quan tài không có gì cả, ngoài một chiếc dép da. Các quan lãnh lịnh khám nghiệm hết sức kinh ngạc và thán phục. Vua sắc đưa chiếc dép của Sư lưu lại về chùa Thiếu Lâm thờ. Ðến đời Khai Nguyên năm thứ 15 nhà Ðường, nhằm năm Ðinh Mão hàng thiện tín lại dời báu vật về chùa Hoa Nghiêm, đến nay không biết còn mất và ở đâu. Tổ Bồ Ðề Ðạt Ma được nhà vua phong là Viên Giác Thiền Sư, còn ngọn tháp của Tổ gọi là Không Quán. Thiền tông Trung Hoa tôn Tổ làm Sơ Tổ.

CĂN BẢN PHÁP của THIỀN ÐẠT MA

Lương Võ Ðế hỏi đại sư Ðạt Ma: "Thế nào là thánh đế đệ nhất nghĩa?"
Ðạt Ma đáp: "Quách nhiên vô thánh".
Ðế nói: "Ðối mặt trẫm là ai?"
Ma đáp: "Không biết".
Võ Ðế không khế hợp được. Ma bèn băng sông qua đất Ngụy. Sau Võ Ðế đem câu chuyện ấy hỏi lại Hòa thượng Chí Công. Công nói: "Bây giờ bệ hạ biết người ấy là ai chưa?" Ðế đáp: "Không biết".
Công nói: "Ðó là đại sĩ Quán Âm truyền tâm ấn Phật".
Ðế ăn năn, sai sứ đi thỉnh, nhưng Đạt Ma Ma không trở lại.

Ðạt Ma xa trông xứ này có chân khí đại thừa bèn phăng phăng cỡi sóng sang đây truyền riêng tâm ấn, vạch rõ bùn mê, mở pháp "Chẳng lập văn tự, chỉ thẳng tâm người, thấy tánh thành Phật". Nếu bằng vào cái thấy ấy được thì mặc thích tự do, chẳng buông theo ngữ ngôn chuyển, vỡ tung ra mà hiện thành, có thể tùy tiện cùng Võ Ðế, đối đàm ngang vai với nhị Tổ (Huệ Khả) xử phép an tâm; đó là cái thấy tự nhiên, chẳng tính toán so đo, tình trần một đao đứt tuyệt, thanh thoát lâng lâng, hà tất phân phải phân trái, luận mất luận còn. Ðành là như vậy, nhưng dễ có mấy ai?

Võ Ðế từng đắp cà sa, tự giảng kinh Phóng Quang Bát Nhã, cảm đến hoa trời ngổn ngang rơi xuống đất hóa vàng, biện đạo nêu Phật, dạy bảo thiên hạ, cất chùa độ tăng, dựa theo giáo nghĩa tu hành, người người tôn là vị thiên tử có tâm Phật.

Thoạt tiên gặp Ðạt Ma, Võ Ðế hỏi: "Trẫm cất chùa độ tăng, có công đức gì?" Ma đáp: "Không công đức". ...

Võ Ðế cùng với pháp sư Lâu Ước, đại sĩ Ðạo Phó và thái tử Chiêu Minh trì luận chân tục hai đế, căn cứ theo giáo nghĩa thì chân đế biện minh cái chẳng phải có (phi hữu), tục đế biện minh cái chẳng phải không (phi vô), chân tục chẳng phải hai, tức thánh đế đệ nhất nghĩa. Ðó là chỗ cực diệu cùng huyền của hàng giáo gia. Võ Ðế bèn đem điểm cực tắc ấy hỏi Ðạt Ma: "Thế nào là thánh đế đệ nhất nghĩa?" Ma đáp: "Quách nhiên vô thánh". Hàng nạp tăng trong thiên hạ chạy đâu cho khỏi. Ðạt Ma vì ai một đao dứt tuyệt hết rồi!

Ngũ Tổ tiên sư (Hoằng Nhẫn) nói: chỉ mấy chữ quách nhiên vô thánh ấy, ai thấu suốt được về nhà ngồi yên. Ðó là chỗ kỳ đặc của Ðạt Ma một mực đánh thẳng vào khối cát đằng , chẳng ngại vì người đập nát thùng sơn . Nên nói: tham suốt được một câu thì ngàn câu vạn câu đồng thời suốt, ngồi đâu yên đó, nắm gì vững nấy. Người xưa nói: Thịt nát xương tan chữa đền xong,

Một câu siêu thoát ngàn ức kiếp.

Võ Ðế không tỉnh, lại đem kiến giải nhân ngã hỏi: "Ðối mặt trẫm là ai?". Ðạt Ma rải lòng từ bi lân mẫn xoay qua nói: "Không biết". Ðến đây thì hữu sự vô sự không nêu lên được nữa.
Ðoạn hòa thượng có lời tụng vầy:
Nhất tiễn tầm thường lạc nhất điêu,
Cánh gia nhất tiễn dĩ tương thiêu.
Trực qui Thiếu Thất phong tiền tọa,
Lương chúa hư ngôn cánh khứ chiêu.
Tầm thường một mũi lạc chim điêu,
Mũi nữa bồi thêm đốt cháy tiêu.
Thiếu Thất thẳng lên ngồi vách đá,
Vua Lương thôi chớ thỉnh cùng kêu.

Lại nói: Sao muốn gọi về? Ðế chẳng khế hợp, lão hán thầm lặng qua sông sang Ngụy, chẳng lộ mặt, đi thẳng lên Thiếu Thất, chín năm diện bích, tiếp độ được Huệ Khả... Sau độ đến người thứ sáu, hóa duyên đã xong, truyền pháp đã có người, Sư không tự cứu nữa, đoạn ngồi nghiêm hóa êm, nhục thân táng tại chùa Ðịnh Lâm núi Hùng Nhĩ. Võ Ðế hồi tưởng, tự soạn bia văn như sau: Hỡi ôi!

Thấy như chẳng thấy
Gặp như chẳng gặp
Ðối mặt như chẳng đối mặt.
Xưa đâu nay đâu
Oán bấy hận bấy.
Lại tán rằng:
Tâm có chăng?
Khoáng kiếp uổng trệ phàm phu.
Tâm không chăng?
Sát na sớm lên diệu giác.

HUYỀN THOẠI BỒ ÐỀ ÐẠT MA

Tổ Ðạt Ma cỡi sóng qua Ðông Ðộ. Tổ Ðạt Ma vào đất Ngụy, đường đường như một kiếm khách chốn hải tần. Tổ Ðạt Ma "đơn đao trực nhập" triều đình Lương Võ Ðế, nói pháp như chuyển sóng. Tổ Ðạt Ma chín năm trầm hùng ngồi nhìn vách đá chùa Thiếu Lâm. Tổ Ðạt Ma kỳ diệu ban pháp an tâm. Tổ Ðạt Ma cỡi bè lau về Thiên Trúc. Tổ Ðạt Ma xách một chiếc dép phi hành trên ngọn Thông Lãnh.. Bao nhiêu câu chuyện truyền kỳ kết hào quang đưa nhà sư mắt biếc đất Hồ vào huyền sử. Từ Tung Sơn, sừng sững bên vách đá chùa Thiếu Lâm, bóng người ngả dài suốt lịch sử Ðông phương như một tượng trưng thuần túy của Ðạo. Ngót mười lăm thế kỷ, lòng người còn nghe đồng vọng tiếng Người nói; chốn già lam còn nghe vang dội bước Người đi.

Người đi qua không gian, hiển hiện như chưa từng có. Tổ Ðạt Ma đi qua không gian, hiển hiện như chưa từng không. Người đi thẳng vào sự thật, dẫm nát dư luận. Người đi thẳng vào lòng người, không mặt nạ.

Ðối với Người, sự thật là sự thật, không được trả giá. Trả giá với sự thật là ký kết với ma. Con người đang đi xuống quá rồi, thế đạo đang nghiêng ngửa giữa sắc tướng, cần cấp thời chận đứng đà tuột dốc; cần vươn mình mở lấy một con - đường - không - con - đường, cần nhảy thẳng vào tâm điểm của cuộc sống, của giác ngộ. Căn bệnh đã quá trầm trọng, cần bạo tay thọc thẳng mũi dao vào tròng ung thư. Trong tinh thần vô úy ấy, Người đã thét giữa những con người bé nhỏ chúng ta chơn lý tối hậu: quách nhiên vô thánh.

Từ huyền sử, Người trang nghiêm tô lại khung đời bằng nét đạo tâm linh.
Sống là đạo, ngoài ra không có đạo nào khác. Ðạo nào khác đều tìm thánh bỏ phàm, đều ham ngộ ghét mê, đều bỏ đời cầu đạo, đều tự trói buộc mình:
"Bất dữ phàm thánh đồng triền,
Siêu nhiên danh chi viết Tổ"
(Chẳng cùng phàm thánh sánh vai,
Vượt lên mới gọi là Tổ).

Cho nên bất cứ phương tiện nào của cuộc sống cũng là đạo. Bắt nguồn tự vách núi Tung Sơn, đạo sống Thiền thấm nhuần khắp giải đất Á Ðông, nung sanh lực cho mấy ngàn năm văn hóa. Cho nên uống trà cũng là đạo, trà đạo: trà thiền nhất vị Võ thuật cũng là đạo, nhu đạo: đạo lấy mềm thắng cứng. Cắm hoa, viết chữ, bắn cung cũng là đạo, đạo luyện phép vô tâm, để cho sự vật tự nó sắp xếp một cách viên mãn nhứt. Cho đến xách nước, bửa cũi cũng là đạo:
Bửa củi là diệu dụng,
Xách nước ấy thần thông.
(Bàng Uẩn)
Mà rồi im lặng cũng là đạo nốt::
Ði cũng thiền, ngồi cũng thiền,
Nói, im, động tịnh thể an nhiên.
(Huyền Giác)

Sau khi Tổ viên tịch, vấn đề giải thoát được nêu lên với tất cả tinh thành của hàng đệ tử. Người ta tự hỏi nhau: "Tổ truyền gì cho Huệ Khả? Bí quyết của pháp Phật là gì? Huyết mạch của đạo thiền là gì? Thực chất của giác ngộ là gì? v.v...". Bao nhiêu câu hỏi nóng hổi đặt dài theo bước chân người cầu đạo suốt mười lăm thế kỷ, và có thể đúc kết lại trong câu hỏi độc đáo sau đây của phép tu thiền.